Phó Đức Hoàng và bản giao hưởng một chương

Thứ Sáu, 10/06/2016, 14:42
Trong 2 đêm giao hưởng vừa diễn ra (3 & 4 tháng 6 vừa qua) của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội có 3 tác phẩm được trình diễn, trong đó có hai tác phẩm kinh điển của hai tác giả Pháp và một bản giao hưởng của nhạc sĩ Phó Đức Hoàng - nhạc sĩ thế hệ 9x của Việt Nam.


Trước hết, xin được nhắc đến Maurice Ravel, nhà soạn nhạc có nhiều ảnh hưởng nhất đến âm nhạc Pháp trong thời đại của ông và là đại diện chính của trào lưu Ấn tượng vào đầu thế kỉ 20. Ông được coi là nhà hòa âm tài năng “không có tên tuổi nào so sánh được”, là một trong những đỉnh cao, ấn tượng nhất, và tác phẩm của ông được trình diễn hôm nay - bản concerto viết cho piano.

Tài hoa đó được vang lên dưới cây đũa chỉ huy của Nhạc trưởng Trần Vương Thạch (đến từ TP Hồ Chí Minh), của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam hòa quyện ăn ý với pianist C. Daudet (đến từ Pháp), gợi cho người nghe về một ký ức lãng mạn tuyệt vời của âm nhạc 2 thế kỷ đã qua. Tiếp đến, là bản Giao hưởng cung Rê thứ nổi tiếng của César Franck, một tuyệt tác âm nhạc theo cấu trúc cổ điển như các tác phẩm cùng thời của các tác giả khác và của chính ông…

Âm nhạc đã làm cho người xem quên cái nóng gần 40 độ của Hà Nội trong mấy ngày vừa rồi.

Một thế hệ 9x như Phó Đức Hoàng, có thể cho ta một hy vọng về Việt Nam sánh vai với các nền văn hóa khác trên thế giới. 

Dù đã nghe nói nhiều đến Phó Đức Hoàng, thậm chí trong một chuyến công tác, tôi đã ghé thăm Nhạc viện Boston (bang Massachusetts, Mỹ), nơi Hoàng tu nghiệp khoa sáng tác và tốt nghiệp loại ưu vào năm 2015, và biết Hoàng là con nhà nòi, chí thú học hành từ năm 7 tuổi… nhưng khi biết tác phẩm của Hoàng sẽ cùng hiện diện với 2 nhà soạn nhạc lỗi lạc kể trên, tôi không thể không phân vân, liệu đây có phải là một khiên cưỡng ngẫu nhiên, một thử thách, một gì đó ưu đãi hay không?

Nóng kinh khủng. Nhưng, đâu có dễ để có được những khoảnh khắc vi diệu của đời người, tôi luôn nghĩ như vậy về những đêm đi nghe hòa nhạc. Nhà hát, đã buổi diễn thứ 2, vẫn rất đông khán giả. Tôi đến sớm, tranh thủ gặp Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Vieetjt Nam (GHVN) Nguyễn Chí Dũng, tôi hỏi về lựa chọn của anh cho đêm diễn này, anh bảo: “Cứ nghe đi rồi biết, rất đáng nể, thật sự đấy”.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch (Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh) cũng nhận xét rằng, Bubble -“Bong bóng” của Hoàng rất thành công về mặt nghề nghiệp, khai thác được toàn bộ các nhạc cụ của một dàn nhạc giao hưởng lớn, hòa thanh phong phú, tạo được hiệu quả màu sắc của âm thanh. Một ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ, đương đại, tạo ra được điểm nhấn, khác biệt trong chương trình. Một người còn trẻ như Hoàng, nhưng kỹ năng sáng tác đã đạt tới mức có thành tựu cao trong lĩnh vực sáng tác. Tư duy cấu trúc của tác phẩm hiện đại và đặc sắc… một Phó Đức Hoàng rất khác biệt của âm nhạc!”.

Tác phẩm “Bong bóng” của Hoàng diễn mở màn. Khán phòng im phắc. Mấy giây ban đầu dàn nhạc khiến tôi nín thở. Nhưng khoảng khắc ấy qua đi rất nhanh, những phút sau hoàn toàn lôi cuốn. Tác phẩm một chương, chứa đựng những sắc thái, tính chất khác nhau, được kết nối qua lại với chủ đề xuyên suốt trong quá trình diễn tấu âm nhạc.

Cảm giác của người nghe là được tham dự và trải nghiệm các cung bậc cảm xúc: hài hòa và dữ dội, giản dị và tráng lệ, sâu lắng và náo nhiệt… - hình ảnh những “bong bóng” thuở thơ ấu thời xuất hiện và bừng sáng trong tâm hồn, gợi ra một sự thanh tao cuồng nhiệt… Một tác phẩm xứng đáng với sự chú ý của cả khán phòng với tràng vỗ tay dài, không dứt. Hai người bạn Pháp ngồi cạnh tôi, đến muộn một chút nên họ không kịp xem program của đêm diễn, họ hỏi nhau: “Pho Duc Hoang là người nước nào?”. Tôi tự hào, nói, người Việt đấy.

Sau trình diễn tác phẩm của Phó Đức Hoàng là hai tác phẩm của 2 nhà soạn nhạc Pháp như đã nói ở trên. Kết thúc đêm diễn, 2 khán giả ngoại quốc chào tôi, một người giơ ngón tay cái lên, nói: “Hoàng giỏi lắm, anh ta làm chúng tôi rất thú vị”. Một nhà nghiên cứu âm nhạc còn nói nhỏ với tôi rằng: “Chẳng lẽ lại bảo, thích nghe của Hoàng hơn cả M.Ravel”.

Giờ giải lao: tôi nhìn thấy rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ tên tuổi trong đêm diễn này: Trọng Đài, Trương Ngọc Ninh, Hoàng Lân, Vũ Thiết, Doãn Nguyên, Trương Hùng, Vũ Duy Cương… Và đêm trước có: Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Thụy Kha, Lê Thiết Cương…

Hoàng là một người đặc biệt. Sinh ra trong một dòng họ đặc biệt, họ Phó. Toàn những ông bà Phó “kinh dị” trong tư duy, tài năng và cá tính: Phó Đức Phương là cha, Phó Đức Vạn là bác, Phó Đức Tùng là anh, Phó An My là chị… Nhưng có lẽ Hoàng là “kinh dị” hơn cả.

Cậu ta ít nói đến độ không bình thường. Người ta bảo, khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng. Có lẽ Hoàng không chọn ngôn ngữ là phương tiện diễn đạt, cái Hoàng muốn diễn đạt thì ngôn ngữ thông thường bất lực. Nhạc sĩ Phó Đức Phương kể rằng, hai cha con ít khi trò chuyện với nhau, dù sống cùng một nhà. Ít đến mức, có thể đếm từng lần Hoàng nói trong những kỳ nghỉ từ Mỹ về Hà Nội. Ngay kể cả trao đổi tác phẩm cũng rất hãn hữu, chứ chưa kể là những câu chuyện thường ngày.

Ở Mỹ, Hoàng sống tối giản, từ bữa ăn, đến nơi ngủ, từ bàn học đến áo quần, Hoàng không thấy những cái đó có gì quan trọng, thậm chí ăn gì không nhớ, không biết ngon dở. Nhưng âm nhạc thì khác, khó đến từng chi tiết, khó đến mức… hoàn hảo. Không có gì lung lay được ý tưởng theo đuổi của Hoàng. Trong suốt quá trình tu nghiệp, Hoàng đã viết trên dưới 20 nhạc phẩm thuộc thể loại thính phòng đến giao hưởng được nhà trường lựa chọn, đặt hàng cho các chương trình biểu diễn. Bản “Bong bóng” cũng từng thu âm và trình diễn ở Boston…

Nếu ở Việt Nam, việc chuyên soạn nhạc hiệu cho Đài Tiếng nói là của các thế hệ nhạc sĩ lớp trước, thì ở bang Massachusetts, Hoàng được tham gia chuyển soạn nhạc hiệu cho Đài phát thanh WCRB. Hoàng còn viết nhạc cho nhóm Boston Musica Viva biểu diễn và cả nhóm nhạc đương đại quốc tế trong chuyến giao lưu hợp tác tại nhạc viện Boston. Trong thời gian chờ đi học tiếp tiến sĩ âm nhạc ở Boston, Hoàng đã hoàn thiện tác phẩm “Bong bóng” để biểu diễn ở Việt Nam lần này.

Biết đến Hoàng, có người bảo, Hoàng có thể trở về sau khi tốt nghiệp để làm một nhạc sĩ sáng tác ở Việt Nam, có thể theo cách viết hòa âm phối khí hay viết nhạc không lời, thậm chí viết ca khúc... Nhưng, nếu thế thì không phải là Hoàng. Nếu chọn đường gần, Hoàng sẽ rèn thêm một số kỹ năng ở những trường bên bờ Tây phía California, rồi sử dụng những gì đã có để viết những tác phẩm phổ cập với số đông, rồi trở về, đã là rất ổn.

Nhưng Hoàng chọn ở lại, học tiếp hệ tiến sĩ và theo đuổi con đường làm nên vẻ đẹp khác biệt, con đường ít người chọn, khó thành công, nhưng… đầy thôi thúc... Dù trong thâm tâm có thể Hoàng đã biết vòng nguyệt quế không phải là đích đến, mà là phía trước, là thẩm mỹ của cái tôi ĐỊNH MỆNH...  

Nhạc sĩ Phó Đức Phương tâm sự với Dàn nhạc sau giờ họ tập tác phẩm của Phó Đức Hoàng, rằng: “Nhạc không lời rất khó có chỗ đứng ở Việt Nam. Với nghề sáng tác âm nhạc đã là quá cực nhọc, khó khăn, nhạc không lời lại càng khó khăn hơn. Nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ, không can thiệp vào ý muốn của con, dù biết con đường nghệ thuật mà con trai mình lựa chọn vô vàn chông gai, gian khổ… Tôi chỉ mong con trai mình suốt đời dù chỉ là người thắp nến trong ngôi đền thiêng âm nhạc là tôi mãn nguyện lắm rồi”.

Ông bảo: “Người ta thường nói đến năng khiếu, đến tài hoa. Nhưng tôi cho rằng đó là cái MỆNH! Có tài hoa mà trời không CHO, không BẮT phải làm thì cũng khó mà làm được, khó mà thành được… Cậu con trai của tôi lại chỉ thích nhạc không lời, mê nhạc không lời, đắm đuối với nhạc không lời, làm tất cả cho nhạc không lời… và sử dụng âm nhạc thay cho ngôn ngữ, như là một CĂN MỆNH vậy!...; Con trai của tôi hầu như không hề chịu ảnh hưởng nghệ thuật từ tôi. Mọi thứ đều do Hoàng tự cảm nhận và quyết định con đường đi của mình” - ông nói thêm.

Còn chàng trai sinh năm 1990 thì nói: “Tôi thích những nhà soạn nhạc có tinh thần khai sáng… Tôi rất muốn tác phẩm của mình mang tinh thần thời đại, khác biệt nhưng không xa lạ. Tôi muốn làm ra được tác phẩm có nhiều người nghe và cảm nhận được nó. Tôi nghĩ tác phẩm của mình sẽ là những âm thanh miêu tả tư duy cá nhân, tinh thần cuộc sống… tác động vào cảm xúc của người nghe, có thể là tri giác, sự cảm động, nỗi hoài nghi, thậm chí là các trạng thái hỉ nộ ái ố... của con người… Tôi thích lao mình vào môi trường khắc nghiệt. Tôi thấy ở đâu có sự dễ dàng, nhất là dễ dàng với chính mình thì ở đó khó có được thành công đích thực. Tôi chỉ sẵn sàng theo đuổi những gì tôi thấy thích hợp”.

Trần Thị Trường
.
.