Phim truyền hình đề tài gia đình: Sức hấp dẫn mới từ đề tài cũ

Thứ Sáu, 09/08/2019, 07:56
Khán giả háo hức chờ đón từng tập phim phát sóng, không ngừng bàn luận về số phận nhân vật và nội dung phim. Những câu chuyện bên lề xung quanh đời sống diễn viên hay quá trình đóng phim cũng thường xuyên được các khán giả săn tìm trên mạng...


Có lẽ lâu lắm rồi, phim truyền hình Việt mới đem lại không khí sôi động, cảm xúc rộn ràng như thế cho khán giả. Và những bộ phim về đề tài gia đình như "Sống chung với mẹ chồng", "Cả một đời ân oán", "Gạo nép gạo tẻ", "Về nhà đi con"... góp phần không nhỏ làm nên thành công này.

Lâu lắm rồi, khán giả Việt mới có được cảm giác háo hức ngồi trước màn hình trong khung "giờ vàng" chờ đón từng tập phim "Về nhà đi con" phát sóng mỗi ngày. Trên báo cũng như các trang mạng xã hội không ngừng cập nhật những thông tin thú vị liên quan tới bộ phim. Không ít lời khen tặng dành cho "Về nhà đi con", họ gọi đây là "bộ phim quốc dân".

Theo đó, nhân vật ông Sơn cũng được khán giả ưu ái gọi bằng cái tên "Ông bố quốc dân". Lý giải sức hấp dẫn của "Về nhà đi con", không khó để nhận thấy đó là bộ phim mà tất cả các yếu tố cấu thành như kịch bản, đạo diễn, diễn viên... đều được thực hiện một cách tốt nhất có thể.

"Về nhà đi con" được làm lại từ "Khi đàn ông có vợ bật khóc" - bộ phim truyền hình do VFC sản xuất và phát sóng cách đây 6 năm nhưng phiên bản sau lại ăn khách hơn rất nhiều so với bản gốc. Kịch bản "Về nhà đi con" không đề cập tới những vấn đề quá cao siêu mà là những câu chuyện gần gũi xảy ra trong đời sống hằng ngày.

Bộ phim “Về nhà đi con” xứng đáng là hiện tượng của phim truyền hình.

Phim xoay quanh cuộc sống của một ông bố đơn thân và 3 cô con gái với những tính cách, hoàn cảnh riêng khác nhau. Một câu chuyện không mới nhưng lại hấp dẫn khán giả chính vì cách xây dựng tính cách nhân vật thống nhất, lôgic, xử lý tình huống phù hợp. Nếu như Huệ, cô con gái cả nhu mì, truyền thống thì cô Thư, cô con gái thứ 2 đầy cá tính với nhiều tham vọng về cuộc sống giàu sang. Cô con gái út 19 tuổi thì thẳng thắn, bộc trực như con trai. Nhưng cả ba cô gái đó đều được yêu thương bảo ban, dạy dỗ bởi một người cha giàu lòng vị tha và đức hy sinh.

Điều đáng nói là các nhân vật trong phim đều có tính cách rõ ràng, ai cũng có những lỗi lầm, những chuyện khó nói và đều có những điểm đáng được trân trọng. Điểm thu hút của phim có lẽ là lời thoại của các nhân vật, vô cùng tự nhiên, rất "đời". Những xung đột trong truyện phim cũng giản dị, gần gũi như có thể đã từng xảy ra với bất kỳ ai, trong bất kỳ gia đình nào.

Cách giải quyết tình huống nhanh, kiểu làm phim cuốn chiếu giúp phim tránh sự rề rà, phù hợp với tâm lý của khán giả hiện đại. Đặc biệt, thành công của phim được cộng hưởng bởi sự hóa thân xuất sắc của toàn thể diễn viên. Không chỉ những nghệ sĩ tên tuổi, giàu kinh nghiệm diễn xuất như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh hay những diễn viên đang "hot" như Bảo Thanh, Thu Quỳnh mà những tên tuổi mới như Bảo Hân cũng để lại những dấu ấn không thể nào quên.

"Về nhà đi con" không phải là bộ phim hiếm hoi về đề tài gia đình. Nếu không muốn nói, đây là đề tài chủ lực, xuyên suốt từ khi có phim truyền hình. Gần gũi, dễ viết nhưng đây cũng là đề tài dễ bị rơi vào bẫy nhàm chán nhất bởi những câu chuyện tình huống nếu không làm khéo, không có yếu tố bất ngờ thì khó thu hút được khán giả.

Nhưng thời gian gần đây, sự thành công của một loạt phim về đề tài này cho thấy các nhà làm phim đã có một bước tiến đáng kể. Trước "Về nhà đi con" thì những bộ phim "Sống chung với mẹ chồng", "Cả một đời ân oán", "Gạo nếp gạo tẻ", "Nàng dâu oder" đều tạo được những hiệu ứng tích cực...

"Gạo nếp gạo tẻ" là câu chuyện gia đình với những mâu thuẫn phát sinh từ sự thiên vị của người mẹ dành cho các con của mình. Tình cảm chị em bị rạn nứt, khoảng cách giữa các thành viên ngày càng xa cách chỉ bởi cách đối xử thiếu công bằng của người mẹ. Từ hướng khai thác độc đáo đó, "Gạo nếp gạo tẻ" trở thành bộ phim truyền hình Việt đứng thứ 2 được tìm kiếm trên Google nhiều nhất năm 2018. Với 109 tập phim, đến nay lượt người xem phim này đã đạt tới con số 1 tỷ.

"Sống chung với mẹ chồng" khai thác mối quan hệ nhạy cảm muôn đời giữa mẹ chồng nàng dâu. "Cả một đời ân oán" khai thác những mâu thuẫn bên trong một gia đình giàu có, quyền uy tưởng chừng như vô cùng êm ả nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Ngoài ra, phim chung đề tài này còn có "Tình mẫu tử" phát sóng trên truyền hình Vĩnh Long là câu chuyện xung quanh gia đình bà Sáu với 4 người con ở miền Tây Nam Bộ thời kỳ Pháp thuộc. Hay bộ phim "Vòng tròn tội lỗi" phát sóng trên SCTV14 là câu chuyện về Tiên - cô gái trẻ với những mối quan hệ rắc rối để rồi trở thành nạn nhân của cha dượng và trượt dài theo những âm mưu trả thù.

Phim “Nàng dâu oder” đem lại những tiếng cười thú vị cho khán giả.

Những bộ phim về đề tài gia đình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Khi "Về nhà đi con" bước vào những tập cuối cùng thì "Hoa hồng trên ngực trái" cũng sắp sửa ra mắt. Bộ phim kể về cuộc sống của Khuê - một bà mẹ bỉm sữa bỗng một ngày phát hiện ra chồng mình có quan hệ ngoài luồng với một cô gái khác. Khuê đã phải đối mặt với cuộc sống như thế nào sau khi bước ra khỏi cuộc hôn nhân sau 10 năm an phận ở nhà chăm chồng, nuôi con...

Phim hứa hẹn là có cái nhìn đa chiều về người phụ nữ trong xã hội hiện đại với tinh thần tôn vinh nữ quyền. Các nhân vật nữ trong phim dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn nỗ lực đấu tranh, tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Bộ phim quy tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ được yêu thích như NSƯT Hoàng Cúc, NSƯT Công Lý, NSƯT Thanh Quý, cặp đôi Hồng Diễm - Hồng Đăng...

Có thể nói, phim về đề tài gia đình hoàn toàn không phải là một đề tài mới, nếu không muốn nói là khá quen thuộc. Tuy nhiên, từ sự thành công của một số bộ phim về đề tài này thời gian gần đây đã cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ của các nhà làm phim.

Dù cùng chung một đề tài lớn nhưng mỗi bộ phim lại có cách kể câu chuyện khác nhau. Phim thì tập trung vào mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, phim thì xoay quanh cuộc đời người cha và những cô con gái, phim lại chọn sự khác biệt suy nghĩ, quan niệm giữa các thế hệ trong gia đình để phản ánh...

Sự phong phú, đa dạng ấy đã mang đến cho khán giả những bộ phim thú vị từ đầu tới cuối. Còn chất "đời" của kịch bản phim đã khiến người xem đâu đó nhìn thấy cuộc sống của mình, tâm tư của mình và cả vướng mắc của mình trong những câu chuyện phim ấy. Từ đó rút ra được cách ứng xử cũng như bài học cho riêng mình.

Để có được làn gió mới ấy phải kể tới sự góp mặt của những biên kịch trẻ. Họ đã mang được hơi thở cuộc sống với cách nhìn trẻ trong từng câu chuyện kể. Dù khai thác những mối quan hệ khác nhau giữa các thành viên trong gia đình nhưng đọng lại ở mỗi bộ phim đều là sự chân tình, tình cảm yêu thương ấm áp.

Đặc biệt, sự hấp dẫn của phim đến từ sự gần gũi của các nhân vật trong phim. Nhân vật không giáo điều, không quá tốt hay quá xấu mà mỗi người đều chứa đựng trong đó mảng sáng và tối trong tính cách. Thậm chí, ai cũng có thể mắc phải những sai lầm trong cuộc sống nhưng điều quan trọng là họ đã bước ra đó bằng cách nào.

Thực tế cho thấy đề tài gia đình là mảnh đất màu mỡ với những người làm phim. Nó là cơ hội nhưng cũng là thách thức bởi chất liệu đầy ắp nhưng làm hay, làm để khán giả thấy đồng cảm lại là câu chuyện không hề đơn giản. Nhìn từ sự thành công của một số bộ phim về đề tài gia đình gần đây cho thấy, các nhà làm phim đã dần quen với việc không đao to búa lớn hay đưa ra những thông điệp quá xa xôi.

Bản thân các đạo diễn cũng cho rằng những va chạm, mâu thuẫn trong gia đình vẫn là vấn đề muôn thuở. Chính vì thế, nếu chạm được vào sự quan tâm của khán giả tức là phim thành công. Những nhà làm phim giỏi là lý giải được những vấn đề trong câu chuyện ấy một cách thấu đáo để khán giả thấy được mình trong đó. Từ sự thành công của dòng phim về đề tài gia đình, chúng ta có quyền hy vọng vào sự khởi sắc lâu bền của phim truyền hình Việt.

Khánh Thảo
.
.