Phim truyền hình đầu tiên về đề tài COVID-19

Thứ Bảy, 11/04/2020, 08:34
"Những ngày không quên" - bộ phim truyền hình đầu tiên về đề tài COVID - 19 được ra mắt khán giả bắt đầu từ ngày 6 - 4.


Lần đầu tiên, một bộ phim truyền hình dài tập được sản xuất "thần tốc", trong điều kiện vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, với tài năng, tâm huyết của các nghệ sĩ và sự quyết tâm của cả êkíp, hy vọng bộ phim không chỉ mang đến tiếng cười thư giãn, góp phần nâng cao ý thức người dân trong công cuộc phòng chống dịch bệnh mà còn khẳng định sự nhanh nhạy, kịp thời với đề tài nóng của phim truyền hình Việt.

Trong khi đời sống văn học nghệ thuật đang bắt tay vào công cuộc phòng chống dịch COVID - 19 một cách đầy nhiệt huyết với sự ra mắt ngày càng nhiều các tác phẩm âm nhạc, hội họa về đề tài dịch bệnh thì phim ảnh có phần chậm hơn đôi chút. Điều này cũng không có gì khó lý giải vì đặc trưng của từng lĩnh vực.

Khán giả sẽ gặp lại hầu hết các nhân vật ở hai bộ phim ăn khách trong phim mới "Những ngày không quên".

Ở lĩnh vực phim ảnh, ngoài yêu cầu phải có kịch bản, bối cảnh thì phương thức làm việc tập thể là điều bắt buộc. Trong điều kiện phải thực hiện hạn chế giao tiếp xã hội như hiện này thì quả thật công việc làm phim gần như khó có thể triển khai.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, những yêu cầu của công tác tuyên truyền, giải trí, cũng như phim ảnh không thể đứng ngoài đời sống, những người làm phim đã vượt qua khó khăn để cho ra đời bộ phim truyền hình đầu tiên về đề tài này với tựa đề "Những ngày không quên".

Bộ phim là sự pha trộn và nối dài của 2 bộ phim vừa nhận được nhiều yêu mến của khán giả trong thời gian vừa qua là "Về nhà đi con" và "Cô gái nhà người ta". Điều này cho thấy sự nhạy bén của các nhà làm phim tận dụng được những nhân vật, bối cảnh có sẵn từ 2 bộ phim này. Hai bộ phim với 2 bối cảnh khác nhau lại càng phù hợp để các nhà làm phim tái hiện đầy đủ đời sống ở cả thành phố và nông thôn khi dịch bệnh tới. Tính cách của các nhân vật sẽ được giữ nguyên không thay đổi, chỉ được thể hiện thông qua những câu chuyện mới, hoàn cảnh mới.

"Những ngày không quên" sẽ phát sóng vào khung 21 giờ trên VTV1 từ ngày 6 - 4 với độ dài dự kiến là 40 tập (thời lượng 25 phút/ tập). Phim do đạo diễn Danh Dũng và Trịnh Lê Phong đạo diễn. Phim được chắp bút bởi các nhà biên kịch trẻ tài năng như Trịnh Khánh Hà, Nguyễn Thu Thủy. Đây cũng là lần đầu tiên, VFC thực hiện một bộ phim dài kết hợp các nhân vật có sẵn ở những bộ phim khác. Vừa tiện lợi trong điều kiện hiện nay nhưng cũng là một thử nghiệm mới mẻ, thú vị.

Nội dung bộ phim "Những ngày không quên" là câu chuyện xoay quanh gia đình nhà ông Sơn (phim "Về nhà đi con"). Khi dịch bệnh COVID - 19 xảy ra, Dương phải nghỉ học, Huệ phải đóng cửa quán trà... khiến mọi sinh hoạt trong nhà bị đảo lộn. Đúng vào hôm cả nhà ông Sơn về quê tại làng Yên để dự đám cưới của Khoa và Uyên (nhân vật trong phim "Cô gái nhà người ta") thì bất ngờ có thông báo mọi người hạn chế di chuyển khiến gia đình ông Sơn phải ở lại làng để cách ly. Quanh trục nội dung đó có nhiều câu chuyện hài hước, nhiều tình huống bi hài đã và đang diễn ra trong mùa dịch ở cả thành phố và nông thôn đã được các nhà làm phim chuyển tải một cách khéo léo, linh hoạt.

Với nội dung chính là phản ánh về dịch bệnh COVID - 19 nên những vấn đề bất cập của xã hội nảy sinh ở giai đoạn đặc biệt này đều được đề cập trong phim: người dân đổ xô đi mua tích trữ thực phẩm, tình trạng găm hàng, tin giả, trốn cách ly...

Tuy nhiên, theo như đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam thì: "Quan trọng nhất, "Những ngày không quên" mong muốn làm nổi bật lên câu chuyện về tình người, ý thức trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, sự đoàn kết và chung tay cũng như sự tri ân với các lực lượng tuyến đầu chống dịch".

Là sản phẩm kết nối của 2 phim nên khán giả sẽ được gặp lại hầu hết những diễn viên yêu thích từ 2 phim như NSND Trung Anh, NSND Bùi Bài Bình, diễn viên Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân, Phương Oanh, Đình Tú, Việt Bắc, Hương Giang... Ngoài ra cũng sẽ có một số diễn viên khách mời như Hồng Đăng, Hồng Diễm, Thanh Hương...

Cũng theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, vì phim được sản xuất cấp tốc, ngay trong mùa dịch khi cả nước đang được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc nên để có được những tập phim mang đến cho khán giả, đoàn đã phải vượt qua vô vàn khó khăn. Các thành viên trong đoàn luôn nâng cao ý thức để công việc được trôi chảy mà các biện pháp phòng dịch vẫn đảm bảo.

Diễn viên Hoàng Yến (vai cô hàng xóm Xuyến trong phim "Về nhà đi con") đã chia sẻ: Dù là công việc có tính chất tập thể nhưng các diễn viên luôn giữ nguyên tắc "giãn cách xã hội". Nếu như trước kia, anh em tập trung ăn uống, giải lao cùng nhau thì giờ đây, mỗi chai nước, hộp đồ ăn của mỗi nghệ sĩ đều được ghi tên và để riêng. Các nghệ sĩ tập trung làm việc cao độ để phim được hoàn thành sớm nhất với chất lượng tốt nhất.

Một cảnh hài hước trong phim "Những ngày không quên".

Ngay từ khi chưa ra mắt, phim đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả. Bởi đây có thể coi như câu chuyện nối dài của hai bộ phim vốn gây sốt trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, khán giả luôn tò mò những tình huống hài hước, những hoàn cảnh éo le trong mùa dịch mà đôi khi chính mình đã chứng kiến hay trải qua lên phim như thế nào.

Ngoài ra, việc người dân ở nhà, hạn chế ra đường thì phim ảnh sẽ là một kênh giải trí quan trọng. Với tôn chỉ: phim ảnh phải mang hơi thở đời sống thì với một đề tài xã hội "nóng" như vậy, bộ phim sẽ khiến người xem thấy được hình ảnh của mình, gia đình, người thân, bạn bè trong mùa dịch COVID - 19. Có những câu chuyện ấm áp tình người nhưng cũng có những bài học kinh nghiệm cần được rút ra trong công cuộc toàn dân phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, thông điệp mà bộ phim hướng tới là người dân hãy nâng cao ý thức của mình để góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Đây là lần đầu tiên, một bộ phim truyền hình về dịch bệnh được làm trong mùa dịch. Trước đó, không ít vấn đề nóng của xã hội đã được đề cập tới trong các phim truyền hình Việt như nạn tham nhũng hối lộ, mại dâm, ma túy, buôn bán người... (xuất hiện trong các bộ phim hình sự) hay những vấn đề của đời sống hiện đại như thanh niên lập nghiệp, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình, tình trạng ly hôn... (xuất hiện trong những bộ phim tâm lý, gia đình).

Cùng với sự đầu tư đồng bộ từ kịch bản, cách làm phim đến diễn xuất đã giúp cho phim truyền hình Việt có được vị thế vững chắc trong lòng khán giả. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, phim truyền hình Việt thử nghiệm ở một điều kiện mới, cách làm mới. Được biết, cũng về đề tài dịch bênh COVID - 19, vừa qua, nhà làm phim người Canada - Mostafa Keshvari, vừa hoàn thành bộ phim mang tên "Corona" và dự kiến sẽ được đưa lên các nền tảng trực tuyến.

Phim xoay quanh câu chuyện về 6 người hàng xóm đi cùng thang máy. Họ nhanh chóng nghi ngờ người thứ 7 - là một người mới đến mang virus đã lây lan cho mình. Phim cũng được thực hiện cấp tốc khi được chính đạo diễn viết kịch bản trong 2 tuần, sau đó mất 10 ngày để thực hiện bối cảnh. Các diễn viên tham gia phim là những người quen của đạo diễn hoặc ông tìm kiếm qua truyền miệng.

Trên thế giới, đây cũng được xem là bộ phim truyền đầu tiên về đại dịch này. Thông điệp bộ phim muốn gửi gắm là tất cả mọi người cùng nhau đoàn kết chống lại dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Trở lại với bộ phim "Những ngày không quên", hy vọng, bộ phim không chỉ hoàn thành tốt mục tiêu giải trí, nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh của nhân dân trong hoàn cảnh hiện nay mà còn khẳng định bước tiến mới của phim truyền hình Việt Nam: sẵn sàng thích nghi và làm chủ hoàn cảnh để có được sản phẩm chất lượng trong những giai đoạn khó khăn nhất.

Khánh Thảo
.
.