Phim truyền hình Việt Nam: Còn thiếu tính chân thật
- Thi làm phim truyền hình EVO8 tăng giải thưởng lên 3 tỷ đồng
- Khởi động cuộc thi làm phim truyền hình 8 tập
- Phim truyền hình Việt: Ngoại tình và cảnh nóng quá nhiều
Những năm gần đây, không thể không ghi nhận sự phát triển đáng kể về số lượng phim sản xuất hằng năm. Và cũng cần thấy rõ sự thành công trong lao động sáng tạo của một số đạo diễn.
Trong số hàng mấy trăm phim ra đời mỗi năm ở tất cả các hãng, đài TH, cũng có dăm bảy phim xem được và vài ba bộ phim khá. Nhưng như vậy là quá ít so với số lượng sản xuất và quá thấp so với yêu cầu ngày càng cao của công chúng. Đã từng có nhiều tiếng nói thẳng thắn vạch ra những non yếu của PTH Việt Nam. Tôi chỉ xin đề cập đến một khía cạnh mà bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng cần phải đạt được: Tính chân thật. Đối với PTH, yếu tố này phải được đặc biệt coi trọng, nếu không nói là hàng đầu.
Hẳn là ai cũng thấy, điện ảnh - hơn bất cứ loại hình nghệ thuật nào - cần sự thể hiện cuộc sống, xã hội y như nó vốn dĩ có. Nếu sân khấu, một loại hình gần gũi - là “anh em họ” của điện ảnh - cần ước lệ và cách điệu thì nghệ thuật thứ 7 không như vậy, mà đòi hỏi sự “tả chân”. Từ nội dung cốt truyện đến diễn xuất, lời thoại, trang phục của diễn viên... trong phim phải như cuộc sống thật ngoài đời. Khác đi hoặc xa lạ với thực tế sẽ không được công chúng chấp nhận. Về vấn đề này, PTH của ta ra sao? Câu trả lời là: Có nhiều bất ổn, không chân thật.
Một cảnh trong phim “Luật đời”. |
Một phim có tên “Luật đời” gây được sự chú ý của người xem. Cần nói ngay là: Sở dĩ phim này đạt được như vậy vì nói đến một vấn đề đang nổi cộm hiện nay khiến nhiều người quan tâm - chứ chưa phải là một tác phẩm có giá trị đặc biệt về nghệ thuật. Đó là sự biến động theo hướng tiêu cực của các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ở thời mở cửa với những người chưa có được nhận thức và hành xử đúng đắn.
Cụ thể trong phim là cha và con (3 thế hệ trong 2 cặp cha con). Những vấn đề tác giả đặt ra trong phim không phải không đáng để người xem suy nghĩ và cách lý giải, phân tích của những người làm phim không phải là không thấu đáo ở một mức độ nào đó. Nhưng nhân vật chính - ông Hoè - là trung tâm phát triển truyện phim lại ít thuyết phục.
Không phải tác giả không biết khắc hoạ tính cách. Không phải vì nhân vật mờ nhạt (thậm chí diễn viên vào vai này rất đạt), mà là cái vị thế của ông ta đã không thuyết phục được người xem khi tác giả để cho nhân vật có cái uy quá lớn, khiến ai cũng phải vị nể. Đó chính là sự thiếu chân thật rất đáng kể của phim này. Tác giả cho ông ta là “chuyên viên cao cấp”- chứ không có quyền chức gì cụ thể. Sự thực ngoài đời, chưa bao giờ có một chuyên viên, dẫu có “cao cấp” đến đâu có thể khiến quan chức ở một thành phố nọ - từ cấp lãnh đạo quận, các ngành đến đứng đầu thành phố lại nể, sợ và răm rắp tuân thủ như thế. Phải chăng chỉ có thể là một VIP ở trên rất cao mới phát huy được tác dụng như vậy. Bởi chuyên viên thì chẳng có quyền hành gì cụ thể để chi phối được ai.
Tôi chưa có dịp đọc cuốn tiểu thuyết mà bộ phim chuyển thể nên không rõ người viết truyện để nhân vật ông Hoè ở ngôi vị gì, nhưng xem phim thấy tình huống không thật. Phải chăng tác giả phim (hoặc cả tác giả truyện) đã “non gan” không dám để nhân vật Hoè có “ghế to”. Nhân vật này có bản chất tích cực, lý lịch sáng đẹp, công đức lớn, nhưng ít nhiều thủ cựu, lạc lõng với thời cuộc, vô tình trở nên vật cản bước tiến của xã hội.
Cứ bằng vào tiếng nói rất có “trọng lượng” của Hoè ở cái thành phố kia thì ông phải nằm trong Bộ Chính trị. Nhưng chẳng lẽ một vị lớn như thế lại bảo thủ, không nhận ra tính tất yếu của thời cuộc? Điểm mấu chốt đã không thật thì toàn bộ sự phát triển của hơn 20 tập phim đã hạn chế sức thuyết phục người xem cũng là điều dễ hiểu.
Phim “Ma làng” là một cố gắng đáng kể của tập thể những người làm phim. Một bức tranh khá sinh động của nông thôn Việt Nam những năm tháng gần đây đã hiện ra với rất nhiều màu sắc, cảnh ngộ. Nhưng để cho những người lãnh đạo ở cái làng quê kia o ép, đẩy một người phụ nữ goá chồng, chỉ là Hội trưởng phụ nữ xã uất ức phát ốm rồi chết; lại đày ải, tìm cách triệt đường làm ăn với đứa con trai duy nhất của chị ta vừa ở tù ra, đã mất mẹ, liệu có chân thực?
Nhân vật nữ này không hề là đối thủ cạnh tranh quyền lợi kinh tế hoặc chính trị, cĩng không phải là cái gai ngáng trở những mưu toan đen tối của đám “cường hào mới” kia thì diễn biến số phận của chị ta quả là khó thuyết phục người xem. Rồi sự giác ngộ một cách mau chóng và dễ dãi của nhân vật Lường cũng gò ép, khiên cưỡng, thiếu chân thật. Ló - một cô gái bị kẻ đàn ông đáng tuổi cha là phó chủ nhiệm HTX cưỡng dâm, sinh ra một đứa con.
Một cảnh trong phim “Ma làng”. |
Mười mấy năm trôi đi, cô ta trở thành một phụ nữ rất ngay thẳng đến mức đanh đá, không ngán bất cứ chuyện ngang tai trái mắt nào mà lại chịu im lặng khi đứa con gái không có cha, khi kẻ đàn ông làm nhục mình không hề chu cấp, có trách nhiệm gì với mình, lại đang có chức quyền ở làng, vẫn nhởn nhơ sống với vợ con là điều không có thật ở ngoài đời.
Chắc chắn với bản tính ngổ ngáo, thẳng tưng (dở) nhưng trung thực, ghét cái ác, cái xấu, lại rất thương và có trách nhiệm với đứa con gái tội nghiệp, cô ta không ngại gì mà không tố cáo, bóc trần sự thật hoặc ít nhất là dọa gã dâm đãng kia để bắt y phải có trách nhiệm với con mình, nếu còn muốn để sự việc trong bức màn bí mật.
Cùng một đề tài về nông thôn, “Làng ven đô” nóng hổi hơi thở thời đại bởi đề cập đến một vấn đề đang được nhiều người quan tâm: Sự biến đổi của làng quê Việt Nam trước cơn lốc của thời buổi kinh tế thị trường, khi mà đất đai canh tác của nông dân đã nhường chỗ cho khu công nghiệp, cho các dự án...
Nhân vật chính là Hiền - một thôn nữ xinh đẹp, dễ thương- trở thành phó giám đốc một công ty tư nhân do được nhân vật Giám đốc Tuấn “để ý” là điều có thể chấp nhận được. Và cô ta trở nên chán người yêu đã đính hôn (Chu) vì không thuyết phục được anh ra làm ăn cùng với mình ở khu công nghiệp, lại “phải lòng” Giám đốc Tuấn cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng việc cô ta “bắt cá hai tay” là điều không chân thật với tính cách vốn trong sáng thuộc bản chất của Hiền.
Tuấn đã có vợ con, một gia đình yên ấm nhưng Hiền đã nhiều lần như là gặng hỏi, hối thúc anh chàng này ly hôn để lấy mình, trong khi đó cũng lại giục giã Chu - người yêu chính thức từ trước, một thanh niên nghiêm túc, có nghị lực- khẩn trương cưới mình là một điều rất giả. Cùng lúc cô ta làm vậy để làm gì? Mà với Tuấn, lúc đầu cô ta yêu thật, chứ không phải chỉ lợi dụng. Chỉ đến khi thấy rõ chân tướng đểu giả, ti tiện của Tuấn và chứng kiến Chu không còn tình cảm với mình để sắp cưới người khác, cô ta mới “tỉnh ngộ” và “mất cả chì lẫn chài”.
Lại có những tình tiết trong phim thiếu chân thật đến ngây ngô: Cô Hiền đã là phó giám đốc công ty, ăn diện, xe ga rất sành điệu, trông rất “mốt”, tỏ ra sắc sảo trong giao tiếp. Vậy mà lại sử dụng điện thoại di động không thạo đến mức phải hỏi người khác một cách ngớ ngẩn. Sự thiếu chân thật này khiến người xem buồn cười vì thấy những chi tiết quá ngây ngô, không thể chấp nhận.
Những PTH vừa mới chiếu gần đây trên đài truyền hình Trung ương như “Đàn chim trở về”, “Địch thủ kỳ phùng”… hầu như tập nào cũng có những tình tiết giả, được tạo nên bởi những người làm phim cố tình gán ép, sắp đặt thiếu tính lô-gic mà không thể kể hết.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người xem chưa mặn mà, hào hứng đón nhận PTH Việt Nam có nguyên nhân thiếu tính chân thật. Đã đến lúc, nếu không nói là quá muộn, PTH của ta cần luôn phấn đấu là một chủng loại nghệ thuật đắc dụng, chứ không nên tự dễ dãi, hạ thấp với ý nghĩ để phục vụ quần chúng đại trà, thậm chí là lấp cho hết thời gian. Bởi người xem hôm nay đã khó tính hơn nhiều so với trước, không chấp nhận những bộ phim được làm ra một cách dễ dãi, tạo dựng, hư cấu những tình tiết giả, khó thuyết phục.