Phim khai thác câu chuyện dân gian: Hướng đi đáng kỳ vọng

Thứ Sáu, 23/11/2018, 08:06
Những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết... luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với mọi đối tượng công chúng. Dẫu đây là đề tài thú vị, giàu tiềm năng nhưng các nhà làm phim ở địa hạt điện ảnh vẫn e dè. Thời gian gần đây, đề tài này bắt đầu được chú ý nhiều hơn, hứa hẹn những tác phẩm "bom tấn" tại phòng vé.


Xây dựng "Vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam"

Nhà sản xuất, diễn viên Ngô Thanh Vân vừa cho biết, công ty chị đã hoàn thành việc mua tác quyền bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt" để chuyển thể thành phim điện ảnh live-action (phim do người thật đóng). Cách làm này được cho là đi theo xu hướng của Hãng Disney khi hãng này tạo nên loạt phim live -action đình đám, gặt hái doanh thu "khủng" từ những câu chuyện cổ tích quen thuộc như "Cinderella" (Lọ Lem), "Người đẹp và quái vật", "Maleficent" (lấy cảm hứng từ "Người đẹp ngủ trong rừng"),  "Alice ở xứ sở thần tiên", "Hoa Mộc Lan"…

Không phải đến bây giờ Ngô Thanh Vân mới học hỏi Disney. Năm 2016, khi bộ phim "Cinderella" làm mưa làm gió phòng vé, ekip của chị đã kịp tung ra "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" mang hơi hướng rất giống "Cinderella". Từ thành công bước đầu của "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" (gặt hái 66,5 tỉ đồng doanh thu), người ta có quyền kỳ vọng Ngô Thanh Vân sẽ làm nên chuyện với "Thần đồng đất Việt".

Bởi đây là bộ truyện tranh có sức sống lâu bền không chỉ trong lòng các độc giả nhỏ tuổi mà cả người trưởng thành. Câu chuyện của bốn bạn nhỏ Tí, Sửu, Dần, Mẹo đầy thông minh, hóm hỉnh và sâu sắc, tôn vinh những danh nhân đất Việt được điện ảnh hóa khiến công chúng rất háo hức mong chờ. Khi chuyển thể, loạt phim điện ảnh này có tên dự kiến là "Trạng Tí" và kéo thành series nhiều tập. Mỗi tập sẽ được chiếu vào dịp hè hoặc Tết Nguyên Đán hằng năm.

Ngoài series "Trạng Tí", Ngô Thanh Vân còn ấp ủ dự án chuyển thể các câu chuyện thần thoại, cổ tích quen thuộc lên màn ảnh như: "Thằng Bờm", "Sơn Tinh - Thủy Tinh", "Thạch Sanh", "Thánh Gióng", "Ông Kẹ"… Một kế hoạch bài bản, chỉn chu kéo dài trong vòng 5 năm chứng tỏ chị tâm huyết ra sao đối với kho tàng truyện cổ nước nhà. Với dự án này, Ngô Thanh Vân tham vọng xây dựng một vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam theo mô hình các vũ trụ điện ảnh nổi tiếng của Disney, Marvel hay DC Comics...

Tết Nguyên Đán 2019, phòng vé sẽ xuất hiện tác phẩm khai thác câu chuyện dân gian trào phúng "Trạng Quỳnh" của đạo diễn Đức Thịnh. Phim có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như Trấn Thành, Nhã Phương, Khả Như…

"Trạng Quỳnh" được dự đoán sẽ làm nên "bom tấn" phòng vé mùa Tết 2019.

Ngay khi vừa công bố, bộ phim đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả lẫn người trong giới. Bởi sau "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", lâu rồi điện ảnh Việt mới có thêm một bộ phim khai thác chuyện cổ dân gian. Phần nữa, những giai thoại xung quanh Trạng Quỳnh lâu nay vẫn khiến người đời tấm tắc bởi sự thông minh, láu lỉnh của ông đã bóc trần thói hà hiếp, rởm đời của bọn quan lại, vua chúa sâu mọt. Do đó, khai thác về nhân vật trào phúng thú vị này khiến "Trạng Quỳnh" trở thành bộ phim Việt được chú ý nhất mùa Tết năm nay.

So với thế giới, kho tàng truyện cổ Việt Nam không hề kém cạnh. Với tham vọng xây dựng vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam, nhà sản xuất, diễn viên Ngô Thanh Vân đặt câu hỏi: "Kho tàng truyện cổ tích nước ta là vô giá, chất liệu văn hóa của Việt Nam còn nhiều, vậy tại sao ta lại phải sử dụng nguồn từ các kịch bản remake của nước ngoài?

Trong khi những bộ phim cổ tích, thần thoại ấy không chỉ thu hút công chúng trong nước mà còn dễ dàng quảng bá với bạn bè quốc tế vì nét đẹp văn hóa truyền thống riêng biệt". Và như một lá cờ tiên phong, chị muốn các nhà làm phim cùng chung tay góp sức làm nên những bộ phim thuần Việt, đậm đà màu sắc văn hóa dân tộc.

Những câu chuyện dân gian hầu như đều nằm lòng trong ấu thơ mỗi người. Nó hướng tới giá trị  chân - thiện - mỹ và dệt nên thế giới mộng mơ, kỳ ảo cho con người. Đó là ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, một cuộc sống xóa hết những bất công, thù hận để yêu thương nhau. Những giá trị đó không bao giờ phai mờ theo thời gian.

Do đó, công chúng luôn mỏi mắt trông chờ các câu chuyện ấy được bước lên màn ảnh rộng để họ đắm chìm trong thế giới tuổi thơ đầy ước vọng một lần nữa. Trong khi phim Việt đang khan hiếm kịch bản trầm trọng thì kho tàng chuyện cổ dân gian rõ ràng là nguồn kịch bản bổ sung vô cùng quý giá.

"Đặc sản" khó làm

Trước đây, chúng ta cũng từng có tác phẩm điện ảnh khai thác chuyện cổ tích, dân gian như "Thằng Bờm", "Dã tràng xe cát Biển Đông", "Cuộc chiến với chằn tinh"… Nhưng số lượng đếm trên đầu ngón tay còn chất lượng thì đa phần đều kém cỏi. Chỉ bộ phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" được đánh giá là tạm ổn. Dù vậy, nó vẫn không thoát khỏi vô số "căn bệnh trầm kha" mà phim cổ tích Việt mắc phải.

Đầu tiên là vấn đề kịch bản. Câu chuyện dân gian có lợi thế là đều quen thuộc với tất cả mọi người, nhưng lợi thế này cũng chính là thách thức. Khán giả kỳ vọng rất lớn khi những tác phẩm mà họ yêu mến được chuyển thể. Theo đạo diễn Việt Linh, không thể bê nguyên xi câu chuyện mà ai cũng biết lên phim. Thế thì phim sẽ không có gì đáng xem nữa.

Ngay cả Hãng Disney khi chuyển thể các tác phẩm cổ tích nổi tiếng sang live -action, họ cũng có những điều chỉnh ở nội dung cốt truyện cho tươi mới, lạ lẫm, thậm chí là khó đoán. Chẳng hạn trong "Maleficent", bà tiên hắc ám không hoàn toàn là một nhân vật phản diện mà bà cũng có trái tim, có tình yêu thương vô bờ dành cho công chúa lỡ dính phải lời nguyền của mình.

"Tấm Cám - Chuyện chưa kể" cũng cố gắng thổi luồng gió mới vào câu chuyện quen thuộc nhưng sự thêm thắt kịch bản quá đà khiến phim gặp "quả đắng". Phần cuối, câu chuyện không còn là cuộc đối đầu của Tấm và mẹ con nhà Cám mà là cuộc chiến của thế tử và ông quan quyền lực nhất triều đình. Trong lúc đánh nhau dữ dội, ông quan hiện nguyên hình là một tên yêu quái gớm ghiếc, còn thế tử bị biến thành quái vật lông lá.

Sau "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", Ngô Thanh Vân sẽ tiếp tục thực hiện loạt có phim màu sắc dân gian như "Thạch Sanh", "Thằng Bờm", "Thần đồng đất Việt"...

Người ta cảm tưởng bộ phim bắt đầu mang hơi hướng của "Người đẹp và quái vật" phương Tây và trật khỏi đường ray câu chuyện mạch lạc vốn có của "Tấm Cám". Dẫn lại để thấy rằng, sáng tạo cho kịch bản phim cổ tích là điều nên làm nhưng phải giữ được tinh thần của câu chuyện.

Vấn đề muôn thuở thứ hai mà phim Việt vấp phải là kỹ xảo. Chuyên gia kỹ xảo Huỳnh Quang Vinh cho biết:  "Với các phim như khoa học viễn tưởng,  siêu anh hùng, phim cổ trang, fantasy... thì kỹ xảo đóng góp đến 70% sự thành công. Phim cổ tích Disney hút mắt người xem vì kỹ xảo vô cùng tân tiến, choáng ngợp và tráng lệ.

Những năm gần đây, kỹ xảo phim Việt có khá lên đôi chút nhưng vẫn mắc phải tình trạng càng về cuối phim, kỹ xảo càng tệ".  Cảnh thế tử đánh nhau với yêu quái trong "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" cũng như cảnh Thạch Sanh đánh nhau với chằn tinh trong "Cuộc chiến với chằn tinh" đều rất giả tạo, cứng nhắc như game online. "Sở dĩ kỹ xảo yếu thường do các nhà sản xuất muốn nhanh chóng thu hồi vốn, nôn nóng rút nhanh tiến độ và không muốn chi quá nhiều tiền cho đại cảnh" - anh chỉ rõ.

Kinh phí chính là điều các nhà sản xuất ngán ngại khi bắt tay làm phim đề tài cổ tích. Họ phải chi số tiền lên tới cả triệu đô mà chưa chắc đã thu hồi vốn. Ngoài chi phí cho kỹ xảo, số tiền đổ vào phục trang và bối cảnh cũng không nhỏ. Nhiều người cho rằng nếu không có thời đại cụ thể thì mình có thể tung tẩy ở phần phục trang chứ không bị ràng buộc chính xác như phim chính sử.

Tuy nhiên, bài học từ "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" và "Cuộc chiến với chằn tinh" lại khiến nhà làm phim hoang mang trước đòi hỏi của công chúng. Dù có một ekip các nhà thiết kế hùng hậu và đầu tư đến 2 tỷ nhưng trang phục của "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" bị chê là cách tân quá mạnh. "Cuộc chiến với chằn tinh" là chuyện cổ tích nhưng có bối cảnh thời Hùng Vương.

Nhà sản xuất chịu khó lặn lội nghiên cứu rất nhiều nguồn để làm ra gần 800 bộ trang phục, phụ kiện, binh khí... trong một năm trời. Nhưng phim vẫn bị chê tơi tả với lý do: các phụ kiện đều quá tinh xảo trong khi thời điểm đó công nghệ gia công còn lạc hậu.

Gặp phải vô số thách thức như vậy nhưng các nhà làm phim vẫn cho biết họ sẽ đi đến cùng với dòng phim này vì đây là hướng đi đáng khích lệ, hứa hẹn tương lai rộng mở nếu thực hiện một cách chỉn chu, sáng tạo và tâm huyết.

Mai Quỳnh Nga
.
.