Phim hoạt hình Việt và cơn “khát” nhân lực

Thứ Bảy, 08/06/2019, 13:39
Nếu phim hoạt hình đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới thì ở Việt Nam, lĩnh vực này vẫn dò dẫm tìm đường, loay hoay định vị bản sắc. Hoạt hình Việt chỉ bắt đầu gây chú ý một vài năm gần đây. Nghịch lý là trong khi nhân lực trong nước vô cùng khan hiếm thì số ít đội ngũ có tay nghề cao lại đầu quân cho xứ người.


“Mảnh đất hứa” rục rịch trỗi dậy

Việt Nam có tỉ lệ dân số trẻ. Đây là tỉ lệ đáng mơ ước cho những nhà làm phim hoạt hình và giải trí kỹ thuật số bởi giới trẻ luôn là nguồn khán giả nhiệt thành. Thực tế chứng minh, vô số bộ phim hoạt hình của Mỹ, Pháp, Nhật Bản… như “Kẻ cắp mặt trăng”, “Pokemon”, “Bí kíp luyện rồng”, “Nữ hoàng băng giá”… có doanh số ngất ngưởng khi chiếu tại thị trường Việt Nam. Nhìn lại phim hoạt hình trong nước, giới chuyên môn và người yêu điện ảnh không khỏi ngậm ngùi. Ngay trên sân nhà, “cuộc chơi” hoàn toàn thuộc về đối thủ ngoại quốc. 

Buổi đầu của nền điện ảnh Việt Nam, có không ít phim hoạt hình được đánh giá tích cực như “Đáng đời thằng cáo”, “Mèo con”, “Chuyện ông Gióng”, “Xe đạp”… Thế nhưng, cho đến bây giờ, phim hoạt hình luôn bị lép vế so với các thể loại khác. Các bộ phim như “Cuộc phiêu lưu của Ong Vàng”, “Tít và Mít” rồi đến “Dưới bóng cây”, “Đại chiến Bạch Đằng” … những tưởng sẽ vực lại thể loại thú vị này nhưng nó vẫn chưa đủ sức níu kéo công chúng.

Giấc mơ làm phim hoạt hình chiếu rạp bán vé nghe chừng quá xa xỉ với người Việt Nam khi ấy. Dù giải Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam mỗi năm đều có hạng mục tôn vinh phim hoạt hình, nhưng phải trung thực thừa nhận các bộ phim rất ít được khán giả biết đến vì không có kênh công chiếu rộng rãi. Các tác phẩm làm ra chủ yếu để dự thi rồi cất kho.

Nhiều serie hoạt hình ngắn phát trên truyền hình và YouTube vẫn không được xem là hoạt hình thứ thiệt mà đó chỉ là hình họa đơn giản (nếu không muốn nói là sơ sài, thô vụng) nhằm minh họa cho cốt truyện nặng tính giáo điều. Đây là căn bệnh trầm kha của phim hoạt hình thuần Việt lâu nay.

Khán giả chủ yếu của thể loại này là khán giả nhỏ tuổi nhưng người làm phim luôn nhồi nhét vô số bài học đạo đức, triết lý to tát, tính duy lý logic của người lớn mà thiếu đi sự hồn nhiên, vô tư, vui nhộn, thậm chí là phi lý của thế giới trẻ thơ.

Các học viên tại CG Training đang thực hành kỹ năng làm phim hoạt hình.

Gần đây, phim hoạt hình Việt bắt đầu có sự đổi mới. “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” (2018), “Con Rồng cháu Tiên” (2017)… được công chúng nhiệt tình đón nhận nhờ sự vào cuộc của các nhà sản xuất tư nhân. Trong đó series “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” gồm 3 tập của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh và nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Vũ, Lương Võ Thành Luân, Sỳ Hữu Vinh, Dương Minh Lộc được xem là bước khai phá khi lần đầu tiên phim hoạt hình chiếu thương mại ở rạp. 

Đông đảo khán giả mua vé và phản hồi tích cực về bộ phim được đánh giá không thua kém gì các “ông lớn” trên thế giới như Pixar, Walt Disney… Ngoài hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo được đầu tư công phu, tác phẩm thu hút công chúng còn bởi nội dung vui nhộn, đẫm tính giải trí nhưng không kém phần nhân văn. Riêng “Con Rồng cháu Tiên” thu hút hàng triệu lượt xem chỉ sau vài ngày phát hành trên YouTube bởi sự tỉ mỉ trong cách thiết kế 2D, 3D.

Đạo diễn phim hoạt hình, NSND Nguyễn Hà Bắc cho rằng việc tư nhân tham gia làm phim hoạt hình sẽ khai phá mảnh đất màu mỡ vốn bị thờ ơ này. “Muốn đưa hoạt hình Việt có chỗ đứng trên sân nhà, thậm chí là trên phạm vi thế giới thì các tác phẩm phải có ngôn ngữ toàn cầu. Điều họ cần bây giờ là một câu chuyện thuần Việt được kể theo ngôn ngữ toàn cầu để có thể được khán giả thế giới đón nhận” – ông phân tích.

Ông Nguyễn Thanh Huệ, Giám đốc Trung tâm CG Training – nơi chuyên đào tạo họa sĩ thiết kế, tạo hình nhân vật phim hoạt hình và nội dung game tại TP Hồ Chí Minh, cho hay nhiều người thường mặc định những người làm phim hoạt hình trong nước có trình độ yếu kém hoặc nếu muốn giỏi thì phải du học nước ngoài. Thực tế, không ít người có trình độ tiệm cận thế giới nhưng họ lại được đào tạo trong nước.

Ông dẫn chứng: “Chắc nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết hầu hết nguồn nhân lực cao ấy đang làm “lính đánh thuê” cho các xưởng gia công phim hoạt hình lớn trên thế giới như Pixi Pox, Hahn Film, Spart, Virtuos - Spart... Những bộ phim nổi tiếng như “Igor” (Hãng Sparx Animation Studio - Pháp), “Mickey Twice Upon A Christmas” (Walt Disney - Mỹ) hay “Madagascar”, “Ice Age”, “Brave”… đều có đóng góp quan trọng của những nghệ sĩ hoạt hình, chuyên gia diễn hoạt đến từ Việt Nam”.

Hiện nay, số lượng công ty trong và ngoài nước tại TP Hồ Chí Minh tập trung vào mảng phim hoạt hình và nội dung game chỉ khoảng hơn 100 nhưng số lượng không ngừng tăng trưởng. Ở đoạn đầu cuộc đua, họ cạnh tranh để khẳng định vị thế tiên phong.

Lương “khủng” vẫn đỏ mắt tìm nhân lực

Ngoài chi phí đầu tư cao, đòi hỏi công nghệ, kỹ xảo tân tiến thì một khó khăn lớn mà nhà sản xuất phim hoạt hình phải đối mặt đó là nguồn nhân lực cực kỳ khan hiếm. Theo ông Nguyễn Thanh Huệ, dù cơ hội việc làm rộng mở với mức lương khá hấp dẫn (trung bình khoảng 1.000 USD/ tháng, thậm chí có thể đạt mức 5.000 USD/ tháng với người có kinh nghiệm), thời gian đào tạo ngắn (trung bình từ 6 tháng đến 1 năm tại các trung tâm, học viện) và học phí khá mềm nhưng các bạn trẻ vẫn ít chọn ngành này.

Anh Mai Văn Tài, chuyên viên thiết kế nhân vật phim hoạt hình và game lý giải: “Nhiều bậc phụ huynh không hiểu về ngành này nên thường cấm cản con em. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi hồi nhỏ thích hội họa, mê game và xem hoạt hình, họ định hướng sẽ nghiêm túc theo đuổi ngành này nhưng trong mắt ba mẹ và xã hội, như vậy là hư hỏng, không làm nên tích sự gì. Nếu bạn có năng khiếu, quyết tâm theo đuổi ngành thiết kế game và làm phim hoạt hình một cách nghiêm túc, đây là nghề rất thú vị vì vừa thỏa sức sáng tạo, vừa có thu nhập tốt, sức cạnh tranh cao giữa môi trường năng động”.

Một lý do quan trọng khác khiến nhân lực ngành này khan hiếm: nhiều người có đam mê, năng khiếu nhưng họ không biết học ở đâu, bắt đầu như thế nào bởi không có nơi đào tạo chính quy! Các trường đại học, cao đẳng vẫn chỉ đào tạo chung chung với các ngành mỹ thuật đa phương tiện, mỹ thuật ứng dụng, thiết kế đồ họa… chứ không chuyên sâu về hoạt hình, hội họa 3D với các kỹ năng chuyên biệt như sáng tác kịch bản, xây dựng cốt truyện, tư duy mỹ thuật, diễn hoạt...

Để đáp ứng nhu cầu của các công ty, nhiều trung tâm được thành lập nhằm đào tạo kỹ năng làm nghề chuyên nghiệp, cọ xát thực tế cho học viên. Hầu hết các chuyên viên, họa sĩ thiết kế, nhà làm phim hoạt hình hàng đầu tại Việt Nam là những người không có bằng cấp chính quy mà chủ yếu tự học nghề trên internet hoặc ở các trung tâm. Tuy nhiên, số người biết đến các trung tâm như thế cũng không phải là nhiều.

Ông Nguyễn Thanh Huệ chia sẻ, lúc ban đầu Trung tâm CG Training mở nhiều khóa học miễn phí nhằm giúp các bạn trẻ tiếp cận với ngành nghề mới mẻ này và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các công ty phát triển game, phim hoạt hình ngoại quốc như Italia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp… nhưng số lượng học viên vô cùng khiêm tốn. Những bạn trẻ biết đến trung tâm cũng nhờ quá đam mê, tự tìm kiếm trên mạng.

Các nhà sản xuất sẽ thông qua bài thực tập của học viên để đánh giá năng lực và có thể mời cộng tác có lương ngay khi học viên còn trên giảng đường. Chẳng hạn trang cgtrainning.edu.vn thường đăng tải nhiều tạo hình nhân vật, tranh vẽ, thiết kế 3D của các học viên để làm thành bộ hồ sơ xin việc cho chính học viên đó.

Điều đáng buồn là nhân lực trong nước vô cùng khan hiếm nhưng nhà sản xuất nội địa luôn luôn bị hãng ngoại quốc hớt tay trên nhờ chính sách đãi ngộ hấp dẫn. “Chảy máu chất xám” cũng là điều làm các nhà chuyên môn lo ngại.

Nhưng nói như NSND Nguyễn Hà Bắc, khi các nhà sản xuất tư nhân lẫn trung tâm đào tạo tại Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều, một bên bỏ tiền đầu tư sản xuất – một bên cung cấp nguồn nhân lực cao, thì thị trường hoạt hình Việt Nam hứa hẹn cho mùa quả ngọt, đủ sức đánh bật sự thống lĩnh của “bom tấn” ngoại quốc tại phòng vé nước ta.

Quỳnh Nga
.
.