Phim chiếu mạng: Không còn là cuộc chơi tay mơ

Thứ Sáu, 18/01/2019, 08:13
Lần đầu tiên, phim chiếu mạng (hay còn gọi là web drama) trở thành hạng mục chính thức của Giải thưởng Ngôi sao xanh lần 5. Sự tôn vinh này khiến những người đeo đuổi web drama nức lòng bởi sau một thời gian dài, nó đã khẳng định được vị thế với nhiều tác phẩm mang chất lượng nghệ thuật cao.


Tại Lễ trao giải Ngôi sao xanh lần 5 diễn ra tối 5-1 tại TP Hồ Chí Minh, diễn viên Huỳnh Lập đã ẵm trọn hai hạng mục "Diễn viên phim chiếu mạng xuất sắc nhất" và "Phim chiếu mạng hay nhất” dành cho bộ phim “Ai chết giơ tay”.

Miệt mài với web drama từ khi nó mới manh nha ở Việt Nam và trở thành người đầu tiên của thể loại này được một giải thưởng chuyên môn trong nước vinh danh, Huỳnh Lập quá vui mừng và xúc động: “Tôi nghĩ chiếc cúp lần này không chỉ dành riêng cho ekip của bộ phim “Ai chết giơ tay” mà còn dành cho tất cả các ekip sản xuất phim trên YouTube. Bởi nếu chỉ có một mình phim của tôi thì sẽ không phát triển được web drama.

Đây là dấu hiệu đáng mừng khi môi trường nghệ thuật ngày càng sinh động và phát triển thêm nhiều thể loại để gửi đến quý khán giả. Giải thưởng này chính là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của web drama trong tương lai”.

Nghệ sỹ Huỳnh Lập lập cú đúp giải thưởng dành cho hạng mục web drama tại giải Ngôi sao xanh 2018.

Còn nhớ trong một buổi nói chuyện về xu thế của truyền hình hiện đại cách đây hai năm, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) cho biết web drama sắp tới sẽ phát triển như vũ bão, và trở thành đối thủ đáng gờm của TV drama (phim truyền hình).

Dự đoán của ông đã đúng. Manh nha từ năm 2010 ở khu vực Châu Á,  web drama ở Việt Nam phát triển mạnh vào năm 2015. Nhưng phải đến năm 2017, trào lưu này mới thực sự bùng nổ và mang đến hàng loạt siêu phẩm. Đặc biệt, năm 2018, nó đã được nhìn nhận và đánh giá cao ở khía cạnh chuyên môn.

Nếu ngày trước, đây là mảnh đất màu mỡ để những gương mặt nghiệp dư hoặc mới nổi thử nghiệm khả năng diễn xuất, khả năng biên kịch, đạo diễn..., đồng thời quảng bá tên tuổi thì giờ đây, nó thu hút cả những ngôi sao hàng đầu làng giải trí. Hoài Linh, Việt Hương, Hữu Châu, Kim Xuân, Trấn Thành, Trường Giang, Đại Nghĩa, Angela Phương Trinh, Nam Thư, Thu Trang... đều góp mặt trong các web drama, thậm chí là góp mặt ở cường độ dày đặc.

Nhờ đó, web drama dần dần thoát khỏi lớp vỏ nghiệp dư, kinh phí thấp mà gắn liền với sự chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản từ bối cảnh, kịch bản, phục trang ... và tốn kém kinh phí không khác gì một bộ phim điện ảnh thực thụ.

Sự nở rộ và cạnh tranh khốc liệt của web drama trên các kênh trực tuyến (đặc biệt là YouTube) mang đến cho công chúng vô số bộ phim mới mẻ. Ngoài đề tài học đường, tình yêu thanh xuân và kiểu hài bựa, gần đây, dòng phim này tập trung khai thác nhiều đề tài khó như cổ trang cung đấu, hành động xã hội đen, tâm linh – ma quái, đồng tính, kinh dị...

Thời gian qua, vô số web drama đình đám được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Sau thành công của “Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể” gồm 3 tập, Huỳnh Lập tiếp tục chi gần 4 tỷ đồng để quay “Ai chết giơ tay” – một series 8 tập đề cập đến yếu tố tâm linh. Nội dung phim được đánh giá cao vì tính nhân văn và lên án bao vấn đề nhức nhối của xã hội. “Ai chết giơ tay” nhanh chóng cán mốc 35 triệu lượt xem và mang về cho Huỳnh Lập nút vàng YouTube. Cũng đi theo đề tài này có “Cương Thi Biến” của diễn viên Duy Khánh.

Khai thác thể loại hành động, thế giới giang hồ có loạt phim “Tam Thập Muội” của Thu Trang và Tiến Luật, “Ông trùm dẹp loạn giang hồ” của Ưng Hoàng Phúc, “Chết thì chịu” của danh hài Việt Hương, “Người trong giang hồ” của Lâm Chấn Khang, “Vi Cá tiền truyện” của Quách Ngọc Tuyên... Phim ca nhạc thì có “La la school”, “Glee” - phiên bản Việt...

Thể loại cổ trang cung đấu, một thể loại hiếm gặp trên màn ảnh rộng, cũng được các nghệ sĩ thi nhau thử sức. Thu Trang có “Bổn cung giá lâm” thì Nam Thư có “Nam Phi liên hoàn kế”. Đặc biệt, “Nam Phi liên hoàn kế” thu hút vì những âm mưu tranh sủng của các phi tần – đề tài khá quen thuộc với phim cổ trang Trung Quốc nhưng còn quá mới mẻ với phim Việt.

Không chỉ nội dung thu hút mà hình ảnh của web drama này cũng vô cùng mãn nhãn. Các diễn viên xinh đẹp, lộng lẫy trong trang phục cổ trang. Mới phát sóng nhưng mỗi tập của “Nam Phi liên hoàn kế” luôn thu hút lượt xem “khủng”.

Trào lưu làm web drama ngày càng được ưa chuộng bởi nó đem lại lợi ích đôi đường. Chiếu trên Internet nên các web drama không sợ bị kiểm duyệt. Họ có thể tung tẩy ở bất kỳ đề tài, thể loại nào mình muốn, miễn không vi phạm pháp luật. Ngoài tự do sáng tạo, họ còn tự do phát hành mà không phải chực chờ nhà đài với đủ quy trình mua bán bản quyền rắc rối. Thậm chí,  nhà sản xuất có thể vừa thu lợi khi bán tác phẩm cho đài truyền hình, vừa có thể chiếu trên mạng để thu thêm tiền từ các nhãn hàng quảng cáo.

Web drama “Nam Phi liên hoàn kế” hấp dẫn khán giả nhờ thể loại cổ trang cung đấu.

Tiếp cận nhiều đối tượng khán giả và tính tương tác cao cũng là một điểm cộng của web drama. Phim chiếu trên truyền hình, ngoài lượng người xem được đo qua chỉ số rating, nhà sản xuất hầu như không biết khán giả phản hồi thế nào về bộ phim của mình.

Riêng web drama sẽ thu nhận lượt yêu thích, không thích và bình luận phản hồi của độc giả để từ đó nhà sản xuất có thể rút kinh nghiệm, chỉnh sửa cho những tập sau (trường hợp vừa quay vừa phát hành). Khán giả thì vừa được xem miễn phí, vừa có thể xem lại nhiều lần mà không phải phụ thuộc vào lịch chiếu của nhà đài.

Không chỉ YouTube mà hiện tại nhiều công ty cũng chạy đua phát triển mạng lưới chiếu phim online như: dịch vụ SCTV-VOD, dịch vụ truyền hình theo yêu cầu NextTV, dịch vụ VCTV ON, dịch vụ Fiml+, dịch vụ Danet... Theo báo cáo của Công ty Thông tin và Đo lường toàn cầu Nielsen, năm 2016 có 97% người sử dụng Internet ở Việt Nam xem video trực tuyến hàng tuần. Đây là tỉ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á và cũng là con số lý tưởng để hy vọng vào tương lai rộng mở của web drama.

Tuy nhiên, ôm mộng “hái ra tiền” từ web drama không phải là chuyện dễ. Bởi như Huỳnh Lập thừa nhận, phải những bộ phim đầu tư ít nhưng lượt người xem cao thì may ra mới có thể thu lợi. Năm 2016, Nam Thư đầu tư vài trăm triệu đồng để thực hiện hai web drama “Kiều nữ phá án” và “Gia đình bá đạo” nhưng thu về chỉ gần 15 triệu đồng.

Từng bỏ ra nhiều năm làm phim chiếu mạng đủ thể loại, đạo diễn Luk Vân thấm thía: “Một tập phim muốn hay, đủ sức cạnh tranh cũng phải đầu tư vài trăm triệu đồng, thu lại từ YouTube giỏi nhất cũng chỉ một nửa, khó hoàn vốn. Không phải là mảnh đất màu mỡ để kinh doanh, nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn theo đuổi web drama vì ngoài lý do về tự do sáng tạo, phô diễn tài năng, họ còn hướng đến mục tiêu lấy ngắn nuôi dài”.

Thông qua phim chiếu mạng, nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ phủ sóng hình ảnh của mình đến công chúng, từ đó làm bệ đỡ vững chắc cho các dự án khác. Một số nhà sản xuất dùng web drama để đo thị hiếu và sự hưởng ứng của khán giả. Nghệ sĩ Thu Trang và Tiến Luật cho biết, sự thành công vượt mong đợi của “Thập Tam Muội” khiến ekip quyết định đưa bộ phim này lên màn ảnh rộng trong thời gian tới.

 Không vấp phải cửa kiểm duyệt nên bên cạnh những tác phẩm chất lượng vẫn xuất hiện không ít web drama “rác”. Vì web drama sống nhờ lượt view nên nhiều người không ngại lạm dụng cảnh bạo lực,  cảnh nóng, ăn mặc phản cảm, lời thoại tục tĩu... để gây chú ý.

Mới đây nhất, “Tân Kim Bình Mai”, “Giải cứu Măm my” bị khán giả kêu gọi tẩy chay vì vô số cảnh hở hang, hài tục. Điều này cho thấy khán giả ngày càng thông minh và biết cách thưởng thức những tác phẩm đúng nghĩa. Nó đòi hỏi nhà sản xuất và nghệ sĩ phải đầu tư, chăm chút cho đứa con tinh thần thật tử tế nếu muốn đi đường dài.

Mai Quỳnh Nga
.
.