Phim Việt ra rạp cuối năm: Bài toán doanh thu không dễ giải
- Một âm hưởng hiếm có trong phim Việt
- Cơ hội nào cho phim Việt tại “đấu trường Oscar”
- Nhìn lại lịch sử điện ảnh Việt qua “101 bộ phim Việt Nam hay nhất”
- 3 tỷ đồng hỗ trợ dự án di sản nhạc và phim Việt Nam
Có thể nói, nửa đầu năm 2018, thị trường điện ảnh Việt vô cùng sôi động với sự xuất hiện ồ ạt của dòng phim làm lại (phim remake). Ngoài ra, trong số những bộ phim ra rạp đã có một số phim đạt được doanh thu khủng, ghi tên mình vào "câu lạc bộ trăm tỷ". Hơn 20 bộ phim được ra rạp trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy sự tiếp nối phong trào làm phim sôi động từ năm 2017.
Những bộ phim có được doanh thu mơ ước trong thời gian vừa qua phải kể tới "Siêu sao siêu ngố" (doanh thu 105 tỷ đồng), "Tháng năm rực rỡ" (doanh thu 86 tỷ đồng), "Lật mặt 3" (85 tỷ), "789 Mười" (gần 60 tỷ)... Những con số đó mang đến khá nhiều kỳ vọng vào mùa phim cuối năm, bởi đó là thời điểm thường được các nhà làm phim chú trọng quan tâm nhất trong năm.
Liệu phim "Hồn papa, da con gái" có thu hút khán giả? |
Lệ thường, các nhà sản xuất đều để dành những dự án phim tâm huyết với đầu tư khủng vào dịp này, bởi đây cũng là thời điểm nhiều khán giả sẵn sàng mở hầu bao đi xem phim, dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Nhưng thực tế, thị trường điện ảnh Việt cuối năm có diễn biến như những gì mọi người kỳ vọng?
Mùa phim cuối năm của điện ảnh Việt có thể nói bắt đầu bằng sự ra mắt của "Chú ơi, đừng lấy mẹ con" (Đạo diễn: Đinh Tuấn Vũ), "Bao giờ hết ế?" (Đạo diễn: Nguyễn Thành Vinh), "Kế hoạch đổi chồng" (đạo diễn Trần Nhân Kiên)... Trong đó, "Chú ơi đừng lấy mẹ con" là một bộ phim nhận được khá nhiều kỳ vọng bởi đó là sản phẩm của một đạo diễn tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã khẳng định được mình ở cả dòng phim nghệ thuật với "Cuộc đời của Yến", cũng như dòng phim thương mại với "Taxi, em tên gì", "Chờ em đến ngày mai".
Tuy nhiên, ngay từ khi phim vừa ra rạp thì một scandal tình ái liên quan đến 2 diễn viên chính của phim đã khiến phim bị khán giả tẩy chay. Mặc dù sau đó, các diễn viên đã công khai xin lỗi khán giả về những sự lùm xùm của những chuyện ngoài nội dung và không đáng có nhưng những tổn thất về mặt doanh thu mà phim phải gánh chịu là điều thấy rõ. Hai bộ phim còn lại không tạo được sức hút vì đó đều là những sản phẩm đầu tay của 2 đạo diễn mới.
Bên cạnh đó, người ta còn kỳ vọng vào những tên tuổi hot như Nhã Phương trong bộ phim "Hoán đổi". Phim là câu chuyện về sự hoán đổi thân xác giữa 2 nhân vật: ca sĩ Tiên Tiên và võ sư Mai Ngọc Hoa. Chính sự hoán đổi này đã gây ra nhiều tính huống dở khóc, dở cười vì sự hiểu lầm của các nhân vật xung quanh. Tuy nhiên, một mô tip không mới cũng đã góp phần khiến phim ra rạp khá im lìm.
Sau sự thất bại của "Lôi báo" mùa phim tết 2017 thì "Người bất tử" được ví như một dự án "phục thù" của ông vua phòng vé Victor Vũ. Phim là câu chuyện về cuộc đời thăng trầm đầy rẫy những tham vọng và thù hận của Hùng (Quách Ngọc Ngoan thủ vai) - người đàn ông sống qua 3 thế kỷ nhờ những phép thuật kỳ bí. Không khí phim liêu trai, ca khúc nhạc phim ám ảnh được tung ra trước khi bộ phim ra mắt cũng đã khiến nhiều khán giả đặt hy vọng vào bộ phim này.
Có thể nói "Người bất tử" mang đủ những tiêu chí để làm nên một bộ phim thành công về mặt doanh thu như đạo diễn tên tuổi, dàn diễn viên nhiều ngôi sao, nhà sản xuất và phát hành uy tín cùng chiến lược PR bài bản...
Nhưng thực tế, "Người bất tử" lại không tạo được cơn sốt phòng vé như trước đó Victor Vũ đã làm được với "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Có vẻ như bài toán doanh thu ở thị trường điện ảnh Việt luôn biến ảo khó lường và không theo một công thức rập khuôn nào.
Trong số những bộ phim ra mắt vào những ngày cuối năm 2018 thì "Hai Phượng" cũng là một bộ phim được đặt khá nhiều kỳ vọng. Bộ phim này lẽ ra được ra mắt từ tháng 9 nhưng cuối cùng, vì nhiều lý do đã phải rời lịch tới tháng 12. Đây là một bộ phim hành động, kể về hành trình tìm lại đứa con từ tay những kẻ bắt cóc với sự xuất hiện của Ngô Thanh Vân ở vai trò diễn viên sau một thời gian dài vắng bóng để tập trung cho công việc đạo diễn và sản xuất.
Ngoài ra có "Hồn papa, da con gái" là bộ phim của đạo diễn Ken Ochiai và nhà sản xuất Charlie Nguyễn. Phim dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng của tác giả người Nhật Takahisa Igarashi có tên là "Bảy ngày của cha và con gái".
Nội dung phim là câu chuyện tréo ngoe, bi hài của hai cha con Hải (Thái Hòa thủ vai) và Châu (Kaity Nguyễn thủ vai) sau khi mẹ của Châu qua đời. Vốn là cô gái độc lập và tài năng, Châu luôn khiến mẹ tự hào trong khi đó ông bố lại là người mê chơi hay dựa dẫm. Những bi hài xảy ra khi linh hồn người mẹ chuyển đổi thân xác của người cha và con gái.
Phim “Hai Phượng” với sự trở lại của “đả nữ” Ngô Thanh Vân. |
Có thể nói, đây cũng là niềm hy vọng lớn của phim Việt mùa cuối năm khi phim có dàn diễn viên là những tên tuổi "hot" của phòng vé như Thái Hòa, Kaity Nguyễn. Những gương mặt diễn viên này từng có mặt trong các bộ phim nằm trong danh sách "câu lạc bộ 100 tỷ đồng".
Ngoài ra, nhà sản xuất của cũng là đơn vị từng tạo ra "Em chưa 18" nổi đình nổi đám thời gian trước đây. Mùa phim cuối năm 2018 còn ghi dấu sự trở lại của "Gái già lắm chiêu 2" với chiêu bài ăn theo phần 1 của đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân. Với mô típ của một bộ phim hài, nhà sản xuất hy vọng sẽ kéo được nhiều khán giả đến rạp.
Có thể nói, những tháng cuối năm đã đánh dấu sự ra rạp của khá nhiều bộ phim như "Người bất tử", "Cha ma", "Yolo", "Twilight Zodiac - Đêm hoàng đạo", "Tuyệt vời khi bên em", "Mỹ nhân thần sách", "Thạch Thảo", "Hai Phượng", "Gái già lắm chiêu 2"...
Những bộ phim này đều đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, quy tụ hếu hết các nhà sản xuất kỳ cựu, các đạo diễn tên tuổi, các diễn viên đang được ưa chuộng. Ngoài ra cũng có sự tham gia của khá nhiều gương mặt mới cả ở lĩnh vực đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là để hướng tới mục tiêu giải trí, thư giãn cho những ngày cuối năm nên hầu hết đó đều là những bộ phim giải trí, với các yếu tố như hài hước, kinh dị. Chưa thấy sự xuất hiện của những tác phẩm điện ảnh theo dòng nghệ thuật. Ngoài ra, số lượng phim remake cũng chiếm một số lượng khiêm tốn.
Điều này cho thấy dòng phim remake đã có dấu hiệu giảm nhiệt. Bản thân các đạo diễn, nhà sản xuất cũng không còn mặn mà với dòng phim này nữa. Xét về số lượng phim, các bộ phim ra rạp cuối năm cũng khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này vẫn chưa có bộ phim nào tạo được cơn sốt phòng vé nếu không muốn nói không ít phim ra rạp và biến mất khá lặng lẽ. Đơn cử như "Người bất tử".
Mặc dù được đầu tư kỹ lưỡng, đạo diễn tên tuổi và nhiều yếu tố thuận lợi khác nhưng phim vẫn không tạo được một cơn địa chấn phòng vé như dự đoán trước đó. Ngay cả những bộ phim mới sắp ra rạp thì cũng chưa có một điều gì chắc chắn rằng các đạo diễn sẽ thành công khi giải bài toán doanh thu. Bởi Ken Ochiai, đạo diễn của "Hồn papa, da con gái" cũng đã từng thất bại với "Vệ sĩ Sài Gòn" và Charlie Nguyễn cũng đã từng nếm trải trái đắng với "Fan cuồng".
Và cũng chính hãng phim Chánh Phương của anh, từng đồng hành cùng Victor Vũ, thất bại với dự án mang tên "Lôi Báo". Điều đó cho thấy thị trường điện ảnh Việt vẫn chứa đựng nhiều yếu tố bấp bênh, thiếu tính ổn định. Sự thành công của các bộ phim Việt thời gian trước đây phụ thuộc vào nhiều yếu tố và để giải được bài toán doanh thu vẫn luôn là điều khó khăn với không ít đạo diễn.