Phim Nhà nước "tái xuất" cuộc đua
- Vắng bóng phim Nhà nước: Sự mất cân đối đáng lo ngại
- Phim Nhà nước tài trợ: Đầu tư thế nào cho hiệu quả?
- Cổ phần hóa hãng phim nhà nước: Diện mạo điện ảnh Việt liệu có thay đổi?
- Nghịch cảnh của phim Nhà nước khi ra rạp
Sự kiện này không chỉ thu hút những người làm điện ảnh mà còn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả cả nước. Trong bối cảnh thị trường điện ảnh ngày càng sôi động như hiện nay thì LHP năm nay được đánh giá là ẩn chứa khá nhiều bất ngờ, thú vị.
Diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 23 đến ngày 27 - 11, LHP Việt Nam lần thứ 21 mang mục tiêu tôn vinh các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo, đồng thời vinh danh các nghệ sĩ điện ảnh có thành quả nghệ thuật nổi bật từ năm 2017 đến năm 2019.
Bên cạnh đó, LHP còn nhắm tới việc quảng bá, giới thiệu những tác phẩm điện ảnh mới, giao lưu giữa các nghệ sĩ, các nhà làm phim nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tính chuyên nghệp trong sáng tác, thúc đẩy hội nhập và phát triển bền vững của điện ảnh Việt Nam. Khẩu hiệu của LHP năm nay là "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập".
Phim “Truyền thuyết về Quán Tiên'' vừa kịp hoàn thành để tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21. |
Theo dự kiến của Ban tổ chức, LHP gồm 13 hoạt động chính. Ngoài ra, trong khuôn khổ LHP còn có các hoạt động bên lề như hai hội thảo với chủ đề "Bối cảnh quay phim tại Việt Nam" và "Nâng cao chất lượng điện ảnh Việt Nam trong Hội nhập quốc tế". Các cuộc giao lưu giữa nghệ sĩ điện ảnh với khán giả, học sinh, sinh viên, nghệ sĩ điện ảnh với lực lượng vũ trang; Triển lãm "Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh...
Ngoài ra, còn có các chương trình như tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân địa phương, tặng quà tri ân với người có công với cách mạng... Được biết sẽ có khoảng 1.600 nghệ sĩ tham dự. Ban tổ chứ LHP đã lên kế hoạch cùng các đơn vị liên quan để đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giá cả, giao thông...
Các phim tham gia LHP là những phim được cấp giấy phép phổ biến phim trong khoảng thời gian từ 11-9-2017 đến 10-9-2019, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt do các cơ sở điện ảnh Việt Nam sản xuất hoặc hợp tác với tổ chức cá nhân nước ngoài sản xuất và không có tranh chấp về bản quyền. Các bộ phim tham gia LHP phải là phim chưa tham dự Liên hoan truyền hình toàn quốc. Phim làm lại (remake) từ kịch bản/ phim nước ngoài có thể tham dự tất cả các chương trình của LHP.
Về cơ cấu giải thưởng: Ban tổ chức sẽ trao các giải: Bông sen Vàng, Bông sen Bạc cho những bộ phim xuất sắc. Các giải thưởng cá nhân bao gồm: Đạo diễn xuất sắc, tác giả kịch bản xuất sắc, nữ diễn viên chính xuất sắc, nam diễn viên chính xuất sắc.
Với thể loại phim truyện điện ảnh còn có thêm giải cho nam/nữ diễn viên phụ xuất sắc, giải thiết kế mỹ thuật, giải âm nhạc, âm thanh... BTC cũng đã công bố danh sách Ban giám khảo của các hạng mục tại LHP. Theo đó, đều là những người hoạt động lâu năm hoặc có nhiều đóng góp, kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh.
Trước đó, từ 6 đến 12 - 11, Tuần phim chào mừng LHP đã được diễn ra tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) và Rạp Dcine Bến Thành, số 6 Mạc Đĩnh Chi, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Trong tuần phim này, khán giả tại hai thành phố đã có dịp được thưởng thức 30 bộ phim truyện điện ảnh Việt Nam sản xuất trong 2 năm qua.
Mỗi bộ phim được trình chiếu 1 lần trong tuần phim. Tại Hà Nội, bộ phim "Hạnh phúc của mẹ" (đạo diễn Phạm Huỳnh Đông) được chiếu tại lễ khai mạc. Bộ phim là câu chuyện cảm động về người mẹ đơn thân nghèo khó, bệnh tật nhưng đồng hành cùng con trai mắc hội chứng tự kỷ theo đuổi ước mơ của cuộc đời mình.
Các buổi chiếu trong tuần lễ phim chào mừng LHP đã nhận được sự hưởng ứng của khá đông khán giả. Khán giả tới những buổi chiếu này cũng đa dạng về độ tuổi cho thấy điện ảnh luôn là một trong những loại hình hấp dẫn công chúng.
Danh sách các tác phẩm tham gia LHP gồm 16 phim truyện, 9 phim khoa học, 29 phim tài liệu và 20 phim hoạt hình tham gia tranh giải. Trong đó, 16 phim tài liệu được chọn trình chiếu có những phim như "Chuyện làng Nôm", "Cuốn nhật ký định mệnh", "Di sản của thầy", "Người xưa khởi nghiệp", "Sông Gianh thương nhớ", "Những người đưa phim về bản", "Vị chính ủy đường Trường Sơn huyền thoại"...
Một cảnh trong phim “Hạnh phúc của mẹ”. |
Thể loại phim truyện điện ảnh luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả cũng như những nhà chuyên môn. LHP Việt Nam lần thứ 21 có 16 phim truyện điện ảnh được chọn tham gia dự thi bao gồm: "Khi con là nhà", "11 niềm hy vọng", "Người bất tử", "Tháng năm rực rỡ", "Thạch Thảo", "Song Lang", "100 ngày bên em", "Anh thầy ngôi sao", "Lật mặt: Nhà có khách", "Cua lại vợ bầu", "Nơi ta không thuộc về", "Hạnh phúc của mẹ", "Hai Phượng", "Hợp đồng bán mình", "Thưa mẹ con đi", "Truyền thuyết về Quán Tiên". Có thể thấy, các phim tham dự tranh giải LHP khá đa dạng về đề tài.
Có những bộ phim tâm lý tình cảm như "Hạnh phúc của mẹ", "Thưa mẹ con đi", "Khi con là nhà"... Phim thuộc dòng hành động thì có "Lật mặt: Nhà có khách", "Hai Phượng", "Người bất tử"... Phim về tuổi trẻ, thanh xuân như ""Thạch Thảo", “Tháng năm rực rỡ", "Anh thầy ngôi sao"...
Và đặc biệt năm nay có cả những bộ phim về đề tài chiến tranh, lịch sử "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Nơi ta không thuộc về".... Điều đó cho thấy, các nhà sản xuất phim thời gian qua đã không ngừng nỗ lực để có thể mang đến những bộ phim đa dạng về đề tài, góc nhìn.
Đó cũng là lý do để Ban giám khảo hạng mục phim truyện nhựa năm nay sẽ không dễ dàng cho việc chọn lựa bộ phim cho ngôi vị cao nhất. Trừ một số phim hơi đuối, còn lại mỗi phim có một thế mạnh riêng. Có những phim đã ra rạp và nhận được sự hiệu ứng tốt từ phía khán giả nhưng cũng có phim chưa ra rạp nên vẫn là một ẩn số, hoặc được giới chuyên môn đánh giá cao.
Điều đáng nói nhất là khác với LHP lần thứ 20 vắng bóng phim Nhà nước thì năm nay, trong số 16 phim đã có 4 phim do Nhà nước sản xuất. Trong đó, "Truyền thuyết về Quán Tiên" và "Thạch Thảo" là 2 phim do Nhà nước và tư nhân (70% vốn Nhà nước, 30% kinh phí xã hội hóa) cùng hợp tác sản xuất.
"Nơi ta không thuộc về" (Điện ảnh Quân đội) và "Hợp đồng bán mình" (Công ty cổ phần Phim Giải Phóng). Trong đó "Nơi ta không thuộc về" (đạo diễn Đặng Thái Huyền) kể về hành trình của nữ nhà báo quân đội Đông Hà đi thực tế, sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng để viết bài về Thung Ma - căn cứ bí mật cất giấu kho đạn thời chiến tranh. Cô muốn tìm hiểu về sự mất tích bí ẩn của tiểu đội trông coi kho, sau trận không kích năm xưa.
Hành trình của nữ nhà báo mở ra nhiều câu chuyện ly kỳ, những bí mật dần được giải mã. "Thạch Thảo" (đạo diễn Mai Thế Hiệp) lại là bộ phim về chủ đề học đường xoay quanh câu chuyện về tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, gia đình. Đây là bộ phim được sản xuất theo mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân tương tự như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".
"Hợp đồng bán mình" (đạo diễn Trần Ngọc Phong) là dự án đánh dấu sự trở lại của Công ty cổ phần Phim Giải phóng. Bộ phim phản ánh những vấn đề nóng của xã hội hiện đại. "Truyền thuyết về Quán Tiên" (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) là bộ phim vừa được hoàn thiện để kịp tham gia LHP. Đây là bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn quân đội Xuân Thiều. Phim là câu chuyện về cô thanh niên xung phong của một binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Sự góp mặt của những bộ phim Nhà nước thực sự là một tín hiệu vui đối với điện ảnh trong nước. Vì thời gian qua, mặc dù thị trường điện ảnh ngày càng phát triển, số lượng phim sản xuất trong năm ngày một tăng nhưng lại thiếu vắng những bộ phim do Nhà nước sản xuất.
Sự “tái xuất” của những bộ phim nhà nước tại LHP năm nay đã góp phần xóa tan những lo lắng bấy lâu. Vui hơn, khi cả hai bộ phim về chiến tranh, lịch sử đều được thực hiện bởi những đạo diễn trẻ như Đặng Thái Huyền, Đinh Tuấn Vũ. Và như thế, LHP không chỉ có ý nghĩa tổng kết một giai đoạn của điện ảnh Việt Nam mà còn mở ra hy vọng về những thế hệ trẻ nhiều nhiệt huyết.