Phim "Mỹ nhân kế" chỉ mới thắng về mặt doanh thu

Thứ Năm, 14/03/2013, 08:00
18hgiờ, ngày mùng 8 Tết Nguyên đán, tôi chen chân ở phòng bán vé Trung tâm chiếu phim quốc gia cố gắng mua lấy một cặp vé để xem "Mỹ nhân kế" phiên bản 3D, bộ phim đang nắm giữ kỷ lục ăn khách nhất của phim Việt với 52 tỷ đồng sau hai tuần ra rạp. Màn hình bán vé điện tử đỏ rực với những dòng chữ "hết vé", tôi ngậm ngùi mua vé để xem vào tối hôm sau, xuất chiếu lúc 21h55'. Thế mới thấy, phim Tết mùa này có sức hút như thế nào, nhất là "Mỹ nhân kế" và "Nhà có 5 nàng tiên", một mùa phim bội thu cho nhà sản xuất và đơn vị phát hành...

Với chi phí đầu tư khoảng 17 tỷ đồng, người ta dự tính, "Mỹ nhân kế" chỉ có thể hòa vốn nếu doanh số bán vé đạt gấp đôi con số đầu tư và đến thời điểm này, có thể khẳng định, "Mỹ nhân kế" đã vượt rất xa kỳ vọng của nhà sản xuất. Được biết, doanh thu cao nhất của "Mỹ nhân kế" trong dịp Tết là vào ngày lễ Valentine (14/2) với 5,5 tỷ đồng, tương ứng với 50.000 lượt người xem. Đứng vị trí thứ hai là "Nhà có 5 nàng tiên", sau hai tuần phát hành, phim đã đạt doanh thu 35 tỷ đồng. Sở dĩ "Mỹ nhân kế" đạt doanh thu cao hơn "Nhà có 5 nàng tiên" là vì bộ phim cho ra mắt phiên bản 3D và tiền vé 3D đắt hơn hẳn so với phiên bản digital.

Một tín hiệu rất đáng mừng cho phim Việt là kỷ lục doanh thu liên tục bị phá vỡ trong những năm trở lại đây. Năm 2008, doanh thu cao nhất thuộc về "Nụ hôn thần chết" với 16 tỷ đồng, những năm tiếp theo là: "Giải cứu thần chết" đạt 20 tỷ đồng (năm 2009), "Công chúa teen và ngũ hổ tướng" với hơn 25 tỷ đồng (năm 2010), "Long ruồi" đạt 42 tỷ đồng (năm 2011), "Cưới ngay kẻo lỡ" với 34 tỷ đồng (năm 2012) và doanh thu cao nhất của phim Việt năm 2013 có thể sẽ cao gấp đôi so với doanh thu của phim năm trước… Những con số này chứng tỏ khán giả Việt Nam vẫn còn mặn mà chào đón những bộ phim Việt mới ra rạp.

Phim Tết 2013 cũng như phim Tết những mùa trước chứng kiến sự đổ bộ của những ngôi sao gắn mác "đa zi năng" trong Showbiz Việt. Nắm bắt tâm lý "chuộng sao" của khán giả Việt, các nhà làm phim đã bằng mọi cách để có được trong tay mình dàn sao hùng hậu nhất như một yếu tố đảm bảo cho sự thành công của phim. Thậm chí, có hãng còn tung bạc tỷ để được sở hữu độc quyền sao trong phim mình. Ngàn sao hội tụ trong phim Tết Việt 2013 như Tăng Thanh Hà, Thanh Hằng, Ngọc Quyên, Diễm My, ca sĩ Phạm Anh Khoa, ca sĩ Phương Thanh (phim "Mỹ nhân kế"), Ngân Khánh, Miu Lê, Bảo Anh The Voice (phim "Nhà có 5 nàng tiên").

Doanh thu dường như tỷ lệ nghịch với chất lượng phim. Phim Việt vẫn còn quá nhiều sạn cần phải được nhặt bỏ. Đáng "kêu" nhất chính là "Mỹ nhân kế". Dàn diễn viên đẹp, cảnh quay đẹp, màu sắc và hình ảnh rất ổn nhưng chỉ có điều nó không đọng lại bất cứ cảm xúc gì ngoài hình ảnh về những cô gái chân dài mặc áo yếm và đá cầu, những màn võ thuật đẹp mắt có sự hỗ trợ của công nghệ 3D và bài hát "Chờ người nơi ấy" do ca sĩ Uyên Linh thể hiện. Phim còn khiến người ta liên tưởng đến những bộ phim cổ trang của Trung Quốc nhiều hơn là một bộ phim thuần Việt. "Yêu anh, em dám không" được đánh giá là một bộ phim hài không thành công trong mùa Tết này. Cuộc hành trình của anh chàng thành thật và tốt bụng tên là Hùng đến với tình yêu của mình được kể bằng nhiều chi tiết vụng về, vô lý, các tuyến diễn viên rời rạc, kém duyên. Trong khi đó, "Bay vào cõi mộng" để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả bởi tứ phim khá hay nhưng chưa được khai thác tốt. Bộ phim là câu chuyện về cô gái mắc chứng mộng du và chính căn bệnh này đã khiến cô từ một cô gái nhút nhát sống trong cảnh nghèo khó trở nên mạnh mẽ, giỏi giang. Nhân vật chính của bộ phim do ca sĩ Vĩnh Thiên Kim thủ vai và ca khúc "thảm họa" một thời của cô là "Vọng cổ teen" cũng đã được sử dụng trong bộ phim. Nhiều chi tiết vô duyên, thừa thãi trong phim đã khiến "Bay vào cõi mộng" khá im hơi, lặng tiếng trong mùa phim Tết 2013.

Sao, đẹp, hài, nóng chưa đủ để tạo nên thành công cho một bộ phim Tết. Có lẽ, cần có những tài năng thực sự tâm huyết với con đường phát triển của điện ảnh nước nhà, một sự phát triển dài hơi và bền vững...

Phạm Mạnh Tường
.
.