Dịch giả trẻ Trương Quế Chi

Phía trước không giới hạn

Thứ Ba, 14/04/2015, 08:44
Tâm sự trên một tờ báo, Trương Quế Chi nói rằng, bố mẹ chưa bao giờ đòi hỏi Chi điều gì, mà luôn là người bạn lớn khuyến khích, nuôi dưỡng ước mơ của Chi, kể cả những "ước mơ viển vông là điện ảnh hay viết văn". Trước một bộ phim, một câu chuyện, một tình huống xảy ra trong cuộc sống, cả nhà luôn bàn luận sôi nổi, Chi cũng được quyền ra những quyết định cuối cùng của mình và tự chịu trách nhiệm trước những quyết định đó.

Đã hai lần Chi dùng nhuận bút in sách dịch của mình dành tặng các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn của Quỹ học bổng Vừ A Dính.

Chi nói, bố mẹ không những là những người bạn, mà còn là những người thầy quan trọng luôn ở cạnh mình. Tuổi trẻ nhiều khi bốc đồng, cực đoan, nhiều khát vọng, dễ tự ái, dễ bị tổn thương. Nhưng nếu được bố mẹ định hướng và chia sẻ thì không ngại một giới hạn nào!

Chính sự tôn trọng, tin tưởng tuyệt đối của bố mẹ đã làm cho Chi biết tự chủ, biết sống trung thực, nhân hậu, biết kiềm chế mình, để không đi quá những giới hạn làm cho bố mẹ phiền lòng.

Trương Quế Chi luôn nói mình may mắn vì được sinh ra trong một gia đình như thế và ngay trong thơ, Quế Chi đã viết: "Làm thế nào để thoát khỏi vòng rào thứ nhất  / Khi em nợ cha mẹ cuộc sống và tình thương" (Hiện sinh).

Lần ấy, tôi đi công tác mấy nước châu Âu, nhân tiện ghé thăm con gái tôi, cháu Dương Anh Xuân đang làm luận án thạc sỹ báo chí quốc tế tại Anh quốc. Biết con gái tôi vừa đi Pháp về, có gặp Trương Quế Chi, tôi hỏi: "Có bài báo trong nước viết rằng đang xuất hiện một thần đồng thơ ở Việt Nam là Trương Quế Chi, con là bạn của Chi, lại vừa gặp Quế Chi ở Pháp, con đánh giá thế nào?". Con gái tôi nói: "Quế Chi hay lắm bố ạ! Quế Chi dịch tốt lắm, còn thần đồng thơ thì…" .

Qua tìm hiểu, tôi được biết, sách kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2001 đã ghi nhận Trương Quế Chi là dịch giả trẻ tuổi nhất nước ta có sách in tính đến lúc ấy.

Từ khi còn học lớp 5, Trương Quế Chi đã có nhiều truyện dịch đăng trên các báo Thiếu niên Tiền phong, Hà Nội Mới Chủ nhật. Năm Quế Chi học lớp 7, Nhà xuất bản Kim Đồng in tập truyện dịch "Con cá voi có đôi mắt vàng", chưa đến 18 tuổi, Trương Quế Chi đã có 12 tập sách được in dịch từ tiếng Pháp.

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận - bố Trương Quế Chi - kể rằng, năm mới lên 3 tuổi, bé Chi đã cầm lấy cuốn truyện tranh bố tặng vừa say mê xem tranh, vừa lẩm nhẩm đọc như là đã biết chữ. "Vợ chồng tôi đều là những người làm công tác văn hóa (chị Nguyễn Thị Chân Phương - vợ Trương Nhuận cũng làm nghề dạy học - giáo dục) nên điều đầu tiên là phải hiểu cho được các con mình. Chúng tôi mua nhiều sách, truyện tranh hay, in đẹp cả những chú gấu bông mà các con mình yêu thích, vừa là đồ chơi vừa là đồ học. Các con tôi luôn được tiếp xúc với những câu chuyện cổ tích hay huyền thoại từ tranh ảnh, sách vở, đồ chơi. Chính những ấn phẩm văn hóa lành mạnh này đã thổi vào tâm hồn trẻ thơ bao xúc cảm, rung động, ấn tượng.

Những tình cảm phong phú, kích thích trí tưởng tượng hồn nhiên, trong sáng, tạo niềm say mê từ thủa ban đầu. Tôi để cho các con tôi thoải mái sưu tầm những thần tượng hay những điều mà các con thích. Tạo điều kiện để con mình bộc lộ khả năng, từ đó mà định hướng cho con được sống và đi theo con đường mình chọn, theo tôi là điều quan trọng trong việc giáo dục gia đình  hiện nay" - anh Trương Nhuận tâm sự.

Năm lên 6 tuổi, Trương Quế Chi đoạt Huy chương bạc cuộc thi vẽ quốc tế Shankar (Ấn Độ); năm học lớp 6, Trương Quế Chi là một trong 20 học sinh Việt Nam được tham dự Trại hè quốc tế của cộng đồng Pháp ngữ tổ chức ở Paris.

Năm học lớp 7, Trương Quế Chi xuất bản tập truyện dịch đầu tiên "Con cá voi có đôi mắt vàng". Năm học lớp 8, Quế Chi giành giải nhất quốc gia Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 30 - năm 2001. Năm học lớp 10, Trương Quế Chi được trao tặng giải thưởng Nữ sinh Việt Nam (do Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng).

Năm học lớp 12, Trương Quế Chi xuất bản tập thơ "Tôi đang lớn" (NXB Trẻ) được dư luận chú ý.

Có một bài báo nói Trương Quế Chi là một "thần đồng" thơ hiện nay. Thần đồng thơ,  tôi nghĩ chỉ có Trần Đăng Khoa thôi. Dẫu vậy, khi đọc tập thơ của một cô gái chưa đến 18 tuổi, tập "Tôi đang lớn" của Trương Quế Chi, tôi giật mình:

"Tôi hy vọng mình là một con người/ Tôi không tin mình là một con người/ Tôi tự huyễn hoặc mình là một con người/ Tôi thất vọng mình là một con người/ Và tôi thương tôi là một con người" (Người).

Anh Trương Nhuận kể về con: "Khi biết có dự án đào tạo song ngữ Pháp - Việt cho trẻ em học tiếng Pháp từ lớp 1, mặc dầu con mình đang học ở một trường điểm của Hà Nội, vợ chồng mình vẫn cho con thi và khi con gái Trương Quế Chi đạt điểm cao, được nhận vào học, hai vợ chồng đã thay nhau đèo con đến trường suốt nhiều năm. Năm 2005, Trương Quế Chi đậu thủ khoa báo chí ở trong nước nhưng theo niềm đam mê của riêng mình đã sang du học ở Pháp". 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Lyon, Quế Chi được tiếp nhận làm thạc sỹ về nghệ thuật biên kịch điện ảnh ở Đại học danh tiếng Sorbonne - Paris ở Pháp năm 2011, hiện giờ Trương Quế Chi đang bắt đầu làm luận án tiến sỹ nghiên cứu về nghệ thuật điện ảnh cũng tại đó.

Năm 2006, Trương Quế Chi đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Báo Người Hà Nội;

Năm 2010, Trương Quế Chi tham gia tự sản xuất bộ phim ngắn "Những sợi tóc mọc ngược" và năm 2011 đóng vai chính phim "Một cuộc thẩm vấn" đã được trao giải  nhất về diễn xuất tại Liên hoan phim trực tuyến YXINE 2011. Bộ phim "Mặt trời đen" do Trương Quế Chi làm đạo diễn và sản xuất đã được chọn chiếu trong lễ bế mạc Liên hoan phim YXINE 2013 và thật vinh dự khi Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Oberhausen tổ chức tháng 5-2014 ở Cộng hòa liên bang Đức đã lựa chọn trong số hàng trăm bộ phim của các nước dự thi để trao giải xuất sắc dành cho bộ phim "Mặt trời đen".

Anh Trương Nhuận kể cho tôi nghe: Một lần, thấy con gái đưa tay chùi nước mắt đứng trên ban công nhìn xuống bãi rác dưới nhà, nơi có một đứa trẻ trạc tuổi mình đang lầm lũi bới rác tìm kiếm, hôm sau, Trương Nhuận quan sát thấy con gái mình mang chú búp bê còn mới để vào đống rác rồi đứng trên nhà chờ đứa trẻ đến. Chờ cho đến khi đứa trẻ bới rác đến và vui sướng ôm con búp bê vào lòng mới thôi. "Vợ chồng tôi luôn khêu gợi ở các con lòng trắc ẩn, biết yêu thương con người, dạy con sống trung thực và có nghị lực vươn lên".

Trương Quế Chi có nhiều ảnh hưởng từ người bố tài hoa. Trương Nhuận sinh năm 1957 tại Bắc Ninh. Bố anh tên là Trương Hàn Thư  (chàng thư sinh nghèo họ Trương) làm nghề bốc thuốc, ham đọc sách "Nho y lý số". Ông cụ có hai đời vợ, bà trước được hai người con còn bé dại thì đã mất sớm nên tục huyền với mẹ anh. Nhưng rồi năm mới lên 8 tuổi, Trương Nhuận đã mồ côi bố. Mẹ anh ở vậy, tần tảo làm ăn, nuôi dưỡng cả con đẻ với con chồng khôn lớn.

Trương Nhuận đã trải qua những tháng ngày tuổi thơ khó khăn, vất vả, phải giúp mẹ nhiều việc như tán thuốc, bán quà rong. Từ nhỏ Trương Nhuận đã tỏ ra thông minh, ham học. Lúc  mới lên 6 tuổi, Nhuận đã được ông bố truyền dạy,  thuộc vanh vách  rất nhiều vị thuốc, có thể viết ra tên các vị thuốc bằng cả chữ Hán.

Cậu bé Trương Nhuận chịu ảnh hưởng rất nhiều ở người mẹ. Bà giáo dục con rất chỉn chu để giữ nếp nhà. Khoan dung, trung thực và giàu nghị lực là những đức tính quý như "gia tài" bố mẹ để lại cho Trương Nhuận, muốn con sau này cũng nối nghiệp "lương y gia truyền" trong nghề thuốc. Đó cũng là các đức tính Trương Nhuận luôn dạy con, thậm chí, sau này ngay cả khi đặt tên cho các con cũng đã lấy tên các vị thuốc như Quế, như Chi.

Trương Nhuận không theo nghề gia truyền của bố. Trong cuộc thi viết vẽ "Chống Mỹ cứu nước" năm 1971-1973 mà Trần Đăng Khoa giành giải nhất về thơ, Trương Nhuận cũng được coi như một "hiện tượng" khi cùng lúc đoạt giải nhì về văn (năm ấy không có giải nhất), giải ba về thơ và giải khuyến khích về vẽ.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội (1979), Trương Nhuận về Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh làm cán bộ giảng dạy gần 10 năm, rồi làm phó chủ nghiệm khoa. Năm 1990, tình cờ do một lần gặp gỡ với đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành - người đã mời anh chuyển về Nhà hát Tuổi Trẻ làm Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn. Sau khi đi tu nghiệp về marketing nghệ thuật biểu diễn ở London Anh quốc về năm 2001, anh lên chức Phó Giám đốc rồi đến bây giờ làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ,  cai quản cả một đội ngũ hàng trăm nghệ sĩ diễn viên.

Tôi nói vui với Trương Nhuận rằng, bố làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, con gái Trương Quế Chi làm đạo diễn những bộ phim hay, được nhiều giải thưởng, thực ra cũng là một cách "bốc thuốc" chữa bệnh, những căn bệnh xã hội trầm kha hiện nay như: bệnh háo danh, bệnh sỹ, bệnh tham, bệnh nói dối, bệnh nhũng nhiễu dân chúng…

Nhà vườn Sóc Sơn 2015

Dương Kỳ Anh
.
.