Phía sau những cánh thư "Gửi lời xin lỗi"

Thứ Bảy, 27/08/2016, 08:02
Vừa qua, có dịp cùng anh em văn nghệ sĩ trong Hội Văn học nghệ thuật Bình Định về trại giam Kim Sơn (Bình Định), đọc được những bức thư "Gửi lời xin lỗi" của phạm nhân, trong lòng tôi dâng trào bao cảm xúc...


Lời hối hận muộn mằn

Mỗi bức thư chứa đựng một nỗi niềm riêng, tuy có muộn mằn nhưng trong sâu thẳm những con người đang bị pháp luật trừng trị đó vẫn luôn có tâm nguyện một lần được nói lên nỗi niềm ân hận của mình và thành khẩn cầu mong sự tha thứ.

Bức thư của phạm nhân N.T.H gửi đến người mẹ chứa đầy sự hối tiếc và ân hận: “...Con xin lỗi! Ngàn lần xin lỗi mẹ. Con đang rất hối hận vì đã để cho bản  thân mình rơi vào hoàn cảnh như thế này. Tại sao con lại thiển cận, sống ích kỉ, thiếu trách nhiệm, bỏ qua những lời khuyên bổ ích của biết bao nhiêu người, nhất là mẹ. Vậy mà càng lớn con càng ham chơi lêu lổng, tuột khỏi vòng tay yêu thương của ba mẹ, bỏ học cùng lũ bạn chơi bời, quậy phá.

Khi thi đại học con đã trượt khỏi ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang, chỉ đậu vào ngành giáo dục mầm non. Con dự tính sang năm sẽ thi lại. Xếp áo thư sinh, tách khỏi gia đình, con sống buông thả tự do bên ngoài, ăn chơi nhưng thiếu tiền, với bản tính liều lĩnh, bướng bỉnh con đã đi cướp giật của người ta cho những cuộc chơi vô bổ, không mục đích.

Một đứa con gái mà lại có những hành động tội lỗi như con đã khiến mẹ đau buồn và chịu sự mỉa mai, dè bỉu của thiên hạ. Mặc dù con chỉ cướp giật những đồng tiền ít ỏi, song đó là một việc làm vô lương tâm, trái với đạo lý làm người, trái với pháp luật…”.

Lãnh đạo Tổng cục VIII và cán bộ Trại giam Sông Cái tặng quà các phạm nhân trong cuộc phát động viết thư  “Gửi lời xin lỗi”.

Còn trong bức thư của phạm nhân M.B.H gửi đến người con gái một thời yêu thương nhưng chỉ vì một hành động nông nổi, thiếu kìm chế mà biến tình thành tội cũng chất chứa bao nỗi niềm day dứt, ân hận: "Khi tôi đặt bút viết lên những lời này thì tâm trạng tôi đang rối bời bởi tôi không có đủ can đảm để bộc bạch với Huệ. Nhưng nếu tôi không nói ra thì trắc trở trong lòng tôi sẽ lớn dần theo năm tháng, vì thế xin Huệ cho phép tôi trải lòng với Huệ.

Tôi biết tôi không có đủ tư cách để đòi hỏi bất cứ điều gì từ Huệ, bởi những gì tôi đã gây ra cho Huệ trong quá khứ  là một sự mất mát mà suốt cả cuộc đời này tôi không thể nào bù đắp được. Tuy rằng tôi đang phải trả giá cho những sai lầm của mình. Nhưng sao tôi vẫn thấy trong lòng nặng trĩu, còn đầy mặc cảm tội lỗi như vậy.

Tôi không biết làm gì để vơi đi cảm giác đó. Phải chi lúc trước tôi đủ chín chắn điều khiển bản thân mình thì tốt biết mấy, tiếc là tôi quá trẻ so với bây giờ để phân biệt đúng-sai, tốt-xấu...Ngay cả bản thân tôi tôi còn chưa tha thứ được cho mình thì làm sao dám cầu mong Huệ tha thứ cho tôi đây. Không biết giờ Huệ sống như thế nào? Hạnh phúc hay đau khổ? Ở nơi đây, tôi luôn cầu mong cho Huệ tìm được một bến bờ hạnh phúc thì ít ra tội lỗi của tôi gây ra cũng vơi bớt đi phần nào…".

Đặc biệt là bức thư của phạm nhân N.T, phạm tội giết người vì nghiện game. Sau 10 năm bóc lịch trong trại giam, nỗi ám ảnh vẫn cứ luôn giày vò và càng ngày càng chồng chất. Khi có phong trào viết thư "Gửi lời xin lỗi", T đã cố gắng bày tỏ lòng mình, cầu mong sự tha thứ để được thanh thản làm lại cuộc đời.

Song, từ trong sâu thẳm lòng mình, vẫn thấy mình là kẻ khốn nạn đáng bị trừng phạt, T viết: "Chị Hạnh thân mến! Nhận được lá thư này chắc chị ngạc nhiên và phẫn nộ lắm khi dòng tên của tôi nó hiển hiện rõ ràng bên ngoài bì thư kèm với địa chỉ của trại giam.

Và rồi quá khứ trộn lẫn với đau thương ùa về, có thể chị sẽ không kịp đọc mà tức giận xé nát lá thư hoặc là sẽ quẳng ngay nó vào lò lửa trong khi còn chưa kịp biết mục đích và ý nghĩa của lá thư này. Thời gian là biện pháp chữa lành mọi nỗi đau và vết thương tốt nhất, người ta vẫn thường nói như vậy. Nhưng với tôi 10 năm là quá dài mà vẫn không thể quên được những tội lỗi mà tôi đã gây ra. Còn chị có thể 10 năm là chưa đủ để xóa hết những tổn thương ấy.

Tôi xin lỗi! Ngàn vạn lần xin lỗi chị và gia đình! Giờ phút này đây tôi chỉ có thể nói như thế với chị nếu như chị chấp nhận lá thư này, mở rộng lòng bao dung và tha thứ, hay chị đang đọc nó với sự khinh bỉ và căm phẫn nghẹn ngào kèm một chút tò mò: "Hừ, để xem thằng khốn nó viết cái gì đây?".

Đúng vậy, tôi là một thằng khốn, một thằng chó chết, một thứ cặn bã của xã hội, một loại phế thải bỏ đi. Chắc chị còn nhớ ngày 31 tháng 3 năm 2004, trong phiên tòa sơ thẩm, ông thẩm phán Đ.C.L cũng đã thẳng thừng chỉ trích tôi rất nặng nề...

Chị Hạnh ạ! Hơn 10 năm qua tôi luôn sống trong day dứt và ân hận! Từng đêm tôi cứ mãi trăn trở và thầm trách mình tại sao ngu dại, điên khùng, thú tính để rồi dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ như vậy. Hậu quả giờ đây tôi không còn gì, cha không ghé, mẹ không thăm, còn các em vì tủi nhục mà cũng chẳng ngó ngàng…mọi thứ với tôi bây giờ chỉ là con số không. Cuộc đời tôi có lẽ rồi sẽ không nhà, không chốn dung thân...

Có nhiều khi tôi cồn cào tha thiết mong đến ngày được tự do, được đến qùy dưới chân chị mà dập đầu xin lỗi với tất cả sự chân thành từ trái tim mình. Mong chị và gia đình hãy mở lòng bao dung độ lượng mà tha thứ cho tôi-một kẻ lầm đường lạc lối đã đánh mất tuổi xuân của mình trong lao tù u tối…".

Sự bao dung, tha thứ

Mỗi cánh thư gửi đi lời xin lỗi của phạm nhân có nhận được sự tha thứ hay không, điều đó hoàn toàn là ở cảm nhận riêng của từng người. Tôi đọc những bức thư hồi âm ở trại giam Kim Sơn, thấy cảm động trước những tấm lòng nhân hậu và bao dung, họ đã xua tan đi mối thù hận trong lòng để tha thứ cho kẻ đã từng làm tổn thương mình, chắp "cầu nối" yêu thương cho kẻ lầm đường, lạc lối quay về nẻo thiện.

Các phạm nhân được đặc xá trước thời hạn tại Trại giam Kim Sơn.

Bức thư của nạn nhân tên Nguyễn Thị Ngọc Báu ở Canh Vinh - Vân Canh, gửi phạm nhân T.H.V không chỉ chấp nhận tha thứ mà còn động viên V cải tạo tốt để sớm trở về lo cho gia đình. Trong thư, chị Báu viết: "Em thật sự bất ngờ khi nhận được lá thư xin lỗi của anh. Thời gian mới đây mà đã 2 năm rồi, nhanh thật đấy, không biết trong 2 năm đó anh đã học hỏi và hiểu biết được nhiều điều trong cuộc sống.

Cuộc đời ai cũng mắc phải sai lầm nhưng từ sai lầm đó mà biết rút ra bài học sửa chữa mới là điều quan trọng. Vợ chồng em đã nhận lời xin lỗi của anh rồi, mà cũng chẳng ai để bụng làm gì cả. Vì cuộc sống còn lo làm ăn để lo cho gia đình nên quên lâu rồi anh à! Em cũng mong anh cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, làm lại cuộc đời.

Người ta nói "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người quay lại" nên khi trở về, đừng mặc cảm mà hãy sống sao để làm gương cho con anh nữa. Em biết anh có vợ và con nhỏ, nó rất cần tình thương của cha mẹ, hãy làm người chồng, người cha tốt bù đắp lại những mất mát, thiếu thốn của vợ con anh trong thời gian anh ở trại. Còn cha mẹ anh nữa, hãy chăm sóc cho họ lúc họ còn sống chứ khi mất rồi muốn chuộc lại lỗi lầm, muốn bù đắp thì đã muộn. Đó là lời tâm sự của một người em đối với một người anh…".

Hay trong bức thư hồi âm của Chủ tịch UBND phường Thọ Đông, huyện Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng gửi phạm nhân Đ.D.B.T cũng thể hiện rõ sự bao dung và trách nhiệm đối với công dân của địa phương đã từng mắc sai phạm nhưng đang hối cải và mong được hoàn lương, trong thư vị Chủ tịch phường viết: "Người xưa có câu "sông có khúc, người có lúc", cuộc đời mỗi con người sinh ra và lớn lên, trưởng thành rồi một ngày nào đó trở về với cát bụi không ai lại không mắc sai sầm dù chỉ một lần. Điều cao quí hơn là con người ta khi sai lầm, thấy sai lầm, biết sửa sai lầm là hơn tất cả. Chuỗi ngày trong trại cải tạo khiến anh có những suy nghĩ tích cực và chín chắn hơn tôi tưởng. Những dòng tâm sự mang nặng sám hối của anh làm tôi xúc động. "Sau cơn mưa trời lại sáng", tôi thay mặt lãnh đạo địa phương chúc anh mạnh khỏe, phấn đấu học tập, cải tạo tốt để sớm về với gia đình, làm công dân tốt, có ích cho địa phương và xã hội".

Phong trào viết thư "Gửi lời xin lỗi" thực sự đã là một chiếc cầu chắp nối lại những ân tình, đánh thức lương tri sâu thẳm của con người một thời lầm lỡ bị đánh cắp. Những cánh thư đi nhận lại một điều tốt đẹp giúp phạm nhân trót phạm tội vơi đi những cảm giác tội lỗi, vơi đi những ám ảnh đè nặng trong tâm tưởng, một lòng hướng thiện, sớm trở lại cộng đồng làm người có ích cho xã hội.

Theo nhận xét của Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị trại giam Kim Sơn thì: "Phong trào viết thư "Gửi lời xin lỗi" là cơ hội giúp phạm nhân cởi lòng, bày tỏ những nỗi niềm ân hận mà bấy lâu nay do tâm lý e dè, mặc cảm, sợ khơi lại nỗi đau của người bị hại, sợ không được tha thứ lỗi lầm. Đồng thời cũng tạo cầu nối, góp phần hạn chế và xóa bỏ thù hận, sự kì thị, khơi dậy lòng nhân ái, vị tha của xã hội mà trực tiếp là những người nhận thư, giúp phạm nhân cải tạo tiến bộ, tự tin hơn khi trở về với gia đình và xã hội, ngăn ngừa được tình trạng tái phạm tội. Đây là một phương pháp giáo dục mới, đậm tính nhân văn".

Võ Hạnh
.
.