Bế mạc Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III, Hà Nội - 2016:

“Phép thử” nào cho sân khấu Việt?

Chủ Nhật, 27/11/2016, 08:01
Lễ bế mạc Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III, Hà Nội - 2016 đã diễn ra chiều 19-11 vừa qua. Sau hơn 1 tuần tranh tài, các ngôi vị cao nhất của kỳ liên hoan đã có chủ. Khép lại kỳ liên hoan nhiều hứng khởi nhưng cũng không ít tranh cãi, Ban tổ chức đã đưa ra kết luận rằng sân khấu nói chung vẫn tiếp tục phải... thử  nghiệm. Nhưng thử nghiệm thế nào thì xem ra câu trả lời vẫn còn... mông lung lắm!


Các Huy chương vàng dành cho vở diễn đã thuộc về: "Chim Hải âu" (The Seagull) của Theatre Centre Without Walls (Nhật Bản): "Ramayana" của Trung tâm Kinh kịch tỉnh Hà Nam (Trung Quốc); "Dưới cát là nước" (Under the sand is water) của Nhà hát Kịch nói Quân đội (Việt Nam).

Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là, tiếp tục kế thừa truyền thống "mưa huy chương" ở các kỳ Hội diễn sân khấu trong nước, lần này cơn "mưa huy chương" lại đến với Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III với 29 Huy chương vàng dành cho cá nhân nghệ sĩ.

Đặc biệt là lại có tới 18 nghệ sĩ Việt Nam được vinh danh tại Liên hoan mang tên quốc tế vốn nên được coi là sân chơi của các nghệ sĩ quốc tế hơn là chốn để giành giật huy chương của các nghệ sĩ "ao nhà".

Như Văn nghệ Công an số 315 đã thông tin, với lợi thế sân nhà nên tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III, tại Hà Nội - năm 2016 có 16 vở diễn tham gia thì có tới 8 vở là của "đội nhà" Việt Nam.

Thứ trưởng Vương Duy Biên trao giải cho các tác phẩm đoạt huy chương vàng.

Với tình trạng ảm đạm của sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu cả nước nói chung, trước mỗi kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu trong nước hay quốc tế diễn ra, đều khiến người ta mong manh hi vọng về "sức nóng" của nó có thể ít nhiều giúp sân khấu nước nhà cải thiện tình hình.

Và nó cũng được coi như "phép thử" đối với khán giả cũng như những người làm sân khấu đối với chính nghề nghiệp, sự đam mê của họ với nghề. Thế nhưng, mặc dù được kỳ vọng nhiều, nhưng phải nói nghiêm túc rằng, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III, tại Hà Nội - năm 2016 là một phép thử không thành công, thậm chí có thể nói là phép thử... thất bại đối với sân khấu Hà Nội.

Mặc dù Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III, tại Hà Nội - năm 2016 được coi là "sự kiện văn hóa quan trọng của ngành sân khấu ở Thủ đô, là dịp hội tụ và giới thiệu bản sắc văn hóa của các nước trên thế giới, là cơ hội để các nghệ sĩ, diễn viên trong nước và quốc tế thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển nghệ thuật sân khấu của Việt Nam" như lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên tại buổi bế mạc Liên hoan, song không khó để nhận ra, những buổi diễn của các nhà hát trong nước và quốc tế đều ít khán giả.

Dễ dàng nhận ra, với các vở diễn của các nhà hát trong nước, cứ đến suất diễn của đoàn nào thì khán giả chủ yếu là nghệ sĩ, diễn viên, khách mời của đoàn ấy. Nghệ sĩ Việt cũng như các nhà văn Việt vẫn giữ "thói quen xấu" là không xem của nhau, không đọc của nhau.

Một nam nghệ sĩ trẻ (xin được giấu tên), không kìm chế được sự bức xúc và tiếc nuối cho biết: "Không chỉ không xem của nhau, việc có các đoàn của các nhà hát lớn nhỏ quốc tế đến Việt Nam để biểu diễn cũng không nhiều, thế nhưng nghệ sĩ sân khấu công lập ở Hà Nội dù chẳng bận rộn chạy sô như nghệ sĩ phía Nam, lại được xem kịch miễn phí nhưng vẫn... không chịu đi xem.

Thế nhưng, hễ có chương trình, dự án hợp tác nào với các nhà hát quốc tế, có cơ hội đi nước ngoài để giao lưu, học hỏi là họ lại vô cùng hào hứng, tranh nhau đi, thậm chí còn diễn ra những cuộc "chạy đua" quyết liệt để giành được tấm vé đi "học hỏi, giao lưu" với các nghệ sĩ quốc tế cho bằng được. Đến khi được đi ra nước ngoài rồi, họ lại không dành thời gian đi "giao lưu, học hỏi" đâu, mà thường chuồn ra ngoài đi tham quan, du lịch, mua sắm. Đến khi về nước lại phán như đúng rồi, rằng chúng ta phải thay đổi, phải học tập, phải chuyển hướng...

Cứ như thế này, sân khấu không bao giờ khá được, cũng chẳng thể khá lên được thì cũng chẳng có gì là khó hiểu...". Cùng tâm trạng với nam nghệ sĩ đất Bắc nói trên, NSƯT Mỹ Uyên cũng cảm thấy buồn khi chứng kiến việc các nghệ sĩ chẳng chịu xem nhau chứ chưa nói gì đến việc học hỏi nhau. 

Kết thúc kỳ liên hoan, Ban tổ chức, Ban giám khảo Liên hoan đưa ra một cái nhìn tổng quan về Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III là: "Khuynh hướng làm sân khấu thử nghiệm vẫn tồn tại. Người làm sân khấu không dừng lại những tìm tòi sáng tạo cái mới; thử nghiệm bằng cách kết hợp truyền thống với hiện đại cộng với công nghệ cao; thử nghiệm một thứ sân khấu ít lời, thậm chí không lời, thay lời bằng cách áp dụng các nghệ thuật thay thế như nghệ thuật hình thể, tạo hình, sắp đặt, nghệ thuật ánh sáng, âm thanh; làm lạ, làm mới những cái đã cũ bằng công nghệ cao của các phương tiện media; phóng tác, biên tập, các tác phẩm cũ sang một hình thái mới".

Tuy nhiên, việc trao Huy chương vàng cho "Dưới cát là nước" của Nhà hát Kịch nói Quân đội khiến một số nghệ sĩ chưa "tâm phục". Đơn giản là vì tính thử nghiệm trong vở diễn còn mờ nhạt và chưa thuyết phục được họ. Việc trao quá nhiều Huy chương vàng, Huy chương bạc cho các cá nhân nghệ sĩ cũng khiến nhiều người "hoài nghi" về bệnh thành tích ở các kỳ Liên hoan, hội diễn của ngành sân khấu.

Một cảnh trong vở Ramayana của đoàn Trung Quốc.

Tất nhiên, kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu nào cũng có những ì xèo về chuyện giải thưởng vở diễn, giải thưởng cá nhân và bất kỳ Ban tổ chức hay Ban giám khảo nào cũng không thể làm hài lòng tất cả mọi người.

Điều đáng ghi nhận là Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III đã khiến những người thực sự yêu sân khấu và nghiêm túc với nghề nhận ra, dù là nghệ sĩ Việt Nam hay ở bất kỳ nơi đâu, tình yêu sân khấu vẫn tồn tại.

Một số tiết mục mang đến Liên hoan lần này là kết quả của một hành trình khát khao kiếm tìm những cách kể mới khác với cách kể cũ có thể nhiều lời, ít lời, hoặc không có lời nào cả. Theo đánh giá của Trưởng ban tổ chức cuộc Liên hoan là NSND Lê Tiến Thọ:  "Những kịch bản như "Kiều", "Con thuyền sẽ không trôi mãi", "Khách sạn thiên đường"... là những thí dụ tiêu biểu. 

Sự thử nghiệm đã hướng các tìm tòi đến sự kết hợp khá hài hòa giữa hai nền sân khấu Đông và Tây, giữa kịch truyền thống với kịch đương đại. Nếu phương Tây lấy ngôn ngữ sân khấu truyền thống phương Đông để làm giàu thêm phương tiện diễn tả của mình thì trong "Tình yêu trong sáng" sân khấu truyền thống dân gian của Philippines lại diễn Romeo - Juliet theo lối diễn dân gian.

Đó là "Ramayana" một câu chuyện thần thoại Ấn Độ được kể theo phong cách kinh kịch Trung Quốc rất hấp dẫn. Tuy nhiên nếu việc giao thoa văn hóa Đông - Tây được thực hiện qua việc sân khấu châu Á đưa lên sàn diễn nhiều vở kịch cổ kim của phương Tây như "Medea" của Eunipide, "Hamlet", "Bão" của Shakespeare, "Chim Hải âu" của Tchekhor, thì cuộc thử nghiệm chung Đông - Tây của chúng ta vẫn còn chờ phía phương Tây đưa lên sân khấu thứ gì đó của châu Á và chờ đợi sự khác biệt ở đó...".

Có thể nói, thế kỷ XXI mang lại cho sân khấu thử nghiệm quốc tế khá nhiều thuận lợi và sân khấu Việt Nam cũng được hưởng lợi nhiều từ điều đó. Những tìm tòi ngôn ngữ diễn tả được cái sân khấu truyền thống sử dụng hài hòa giữa ca diễn với bối cảnh được thay đổi chớp nhoáng của công nghệ cao về Nghe - Nhìn làm cho cảm xúc của khán giả không bị gãy.

Sân khấu thử nghiệm còn là nơi để các tác giả thử nghiệm cách làm mới cái đã cũ chẳng hạn viết lại "Romeo và Juliet" cho sân khấu dân gian, hay câu chuyện về "Medea" đã được "Việt hóa" đi, để dễ xem, dễ tiếp cận.

Kịch thơ của nhà văn, nhà thơ tài hoa Nguyễn Đình Thi cũng được làm thử nghiệm thành "Giấc mơ" với sự kết hợp hài hòa giữa lời thơ với diễn xuất, giữa hiện thực đời sống với tâm linh, giữa sàn diễn hiện tại với quá khứ lịch sử nhân loại.

Bởi thế, có thể nói rằng so với 2 cuộc liên hoan trước cách đây đã hơn 10 năm, cuộc Liên hoan quốc tế lần thứ III, Hà Nội - 2016 cho thấy sân khấu trong nước và quốc tế đã có những bước trưởng thành nhất định. Liên hoan thử nghiệm cũng cho thấy sân khấu chúng ta vẫn đang ở tầm thấp hơn và chậm đổi mới so với sân khấu trong khu vực và quốc tế.

Sự đầu tư chiều sâu đối với diễn viên, đạo diễn và những công đoạn khác của ê kíp trong một vở diễn như âm thanh, ánh sáng, đạo cụ đòi hỏi một sự ăn khớp và chuyên nghiệp ở trình độ cao hơn nữa mới mong bắt kịp với mặt bằng chung của sân khấu trong khu vực châu Á chứ chưa dám nói đến thế giới.

Nguyệt Hà
.
.