Phát triển văn hóa đọc trong học sinh: Người lớn phải làm gương

Thứ Năm, 05/09/2019, 08:10
Ai cũng biết, sách không chỉ mang tính giáo dục, bổ sung tri thức, mà còn giúp học sinh hoàn thiện bản thân bằng những suy nghĩ tích cực, những ứng xử đúng mực, nhân văn. Vấn đề khuyến đọc càng trở nên bức thiết và gặp nhiều thử thách hơn bao giờ hết khi nhiều thanh thiếu niên bị cuốn vào điện thoại, laptop, game online...


Trẻ sợ đọc sách, vì sao?

Giáo dục tri thức và bồi đắp tâm hồn học sinh bằng sách, qua các câu chuyện, điều này được giải quyết một cách đơn giản mà mang lại hiệu quả không ngờ. Cô Trần Thụy Ngọc Trân, giáo viên Trường THCS Nguyễn Hiền, TP Hồ Chí Minh cho rằng nếu như các tác phẩm trong sách giáo khoa thường thiên về tính chất văn học sử, khuôn sáo, hàn lâm kiến thức thì các câu chuyện trong sách có tính chất tươi mới, gần gũi với đời thường, ăm ắp chất liệu cuộc sống.

Các em được bổ sung một cách tự nhiên những bài học để ứng dụng vào thực tế và ngày càng hoàn thiện bản thân bằng những suy nghĩ tích cực, những ứng xử đúng mực, nhân văn. Đó là tác dụng tự giáo dục, một tác động kì diệu của sách đối với nhân cách, tâm hồn con trẻ.

Các em học sinh lựa chọn những cuốn sách phù hợp lứa tuổi.  

Những tấm gương sinh động từ các em học sinh là minh chứng cho tác động tích cực của sách. Em Lê Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, cho hay mình có thói quen đọc sách từ nhỏ. "Ngày trước, em rất được gia đình cưng chiều nên sinh hư, không bao giờ chịu nhận lỗi sai.

Một hôm cô giáo đưa cho em quyển sách "Hạt giống tâm hồn" và nói rằng những câu chuyện trong quyển sách giúp em khám phá ra nhiều cái hay lắm. Em đọc câu chuyện "Chắp cánh ước mơ" trong sách, đó là câu chuyện về một bạn học sinh rất bất hạnh. Bạn ấy bị khuyết tật cả chân và tay. Nhưng bạn vẫn cố gắng để đi học và tập viết bằng cách kẹp bút vào cằm. Em mới biết rằng có những người đang ở ngoài kia họ không có đồ ăn, không chỗ ở.

Đáng buồn hơn là có người không đủ chân tay để đi lại hoặc làm việc. Từ đó em đã thay đổi chính bản thân mình, bao dung cho mọi người hơn, biết giúp đỡ và chia sẻ với mọi người, biết nhận lỗi và nghe lời ba mẹ, thầy cô".  Phụ huynh Lê Dương Thị Thu Hương khoe nhờ đọc sách mà năm cuối cấp tiểu học, con chị đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Con trở thành đứa trẻ biết tự học, biết yêu thương, kính trọng người lớn, biết giúp đỡ người khác, biết tự giải quyết các vấn đề về học tập, vui chơi và có trách nhiệm.

Thế nhưng, những em học sinh yêu sách, ham đọc sách không phải là nhiều. Công nghệ thông tin phát triển, thế hệ trẻ đang dần trở thành những "con nghiện" trên internet. Em Lê Nguyễn Vân Anh thừa nhận, rất nhiều bạn bè dường như không có khái niệm về việc đọc sách mà chỉ dán mắt vào Ipad, smartphone, laptop, game online, Facebook,... 

Tuy nhiên theo em, lỗi đó không phải hoàn toàn do công nghệ thông tin. Bởi nhiều cuốn sách dày cộm, ít tranh ảnh, hình thức không bắt mắt khiến các em không có hứng thú, mau chán. "Những quyển sách hiện nay có giá không hề rẻ.

Thêm nữa, lịch học dày đặc cũng khiến chúng em muốn đọc sách cũng không hề dễ dàng: sáng 6 giờ đã dậy đi học đến 5 giờ chiều. Sau đó, chúng em còn phải học thêm, đến 8 - 9 giờ tối mới về nhà, rồi làm bài tập đến tận 10 - 11 giờ khuya. Còn địa điểm đọc sách thì chưa có nhiều. Một không gian đọc sách tuyệt vời cũng là một trong những yếu tố thôi thúc chúng em yêu sách" - Vân Anh phân tích.

Tại buổi tọa đàm "Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?" do Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức, TS Quách Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Đường Sách TP Hồ Chí Minh cho biết cuộc khảo sát thói quen đọc sách ở học sinh mới đây chỉ ra thể loại được trẻ chọn đọc nhiều nhất là truyện tranh, văn học, kỹ năng, khoa học, lịch sử. Các tựa sách được yêu thích cho thấy học sinh đã có cái nhìn tốt hơn về sách, cũng như hiểu được phần nào ý nghĩa và lợi ích của sách đối với cá nhân và cuộc sống.

Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát cũng bộc lộ những con số đáng lo ngại. Khi được hỏi: "Em thích đọc sách không?", 55% các em tỏ thái độ lưng chừng nghĩa là hơi thích hoặc không thích lắm. Với câu hỏi: "Em có thường xuyên đọc sách không?", cấp độ tiêu cực (không đọc hoặc rất hiếm) chiếm đến 15%, cấp độ thỉnh thoảng chiếm 50%. Điều này đòi hỏi những động thái mạnh mẽ từ gia đình, nhà trường, mà ở đây chính là vai trò của cha mẹ, thầy cô.

Làm gì để trẻ yêu sách?

Để trẻ yêu sách, đọc sách một cách hiệu quả, cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 đã nghĩ ra cách "dụ" các em bằng nhiều món ăn hấp dẫn. Cô kể: "Tôi may mắn có điều kiện để mở một quán cà phê nho nhỏ tại nhà. Tôi "dụ" học sinh của mình đọc sách bằng cách yêu cầu các em đọc và tóm tắt được một quyển sách sẽ được thưởng một ly thức uống tự chọn của quán.

Lúc đầu, các em đến với cà phê sách của tôi chỉ là để được uống nước miễn phí, chỉ cần "cố" đọc cho xong một quyển sách. Về sau, dần dần các em thấy "nghiện" nơi đây, "nghiện" đọc sách và các em đã chủ động tìm những quyển sách đem đến góp vào "thư viện" nho nhỏ của tôi".

Ngoài ra, cô Hà còn tổ chức những buổi "trà sữa sách", "bánh tráng trộn sách" cho học sinh ở lớp, trong sân trường giờ ra chơi… Từ mô hình của cô Hà, các nhà nghiên cứu, đơn vị xuất bản, giáo viên... đều chỉ ra sự cần thiết phải xây dựng tiết đọc sách trong khung giờ chính thức của nhà trường để hình thành và duy trì thói quen đọc sách cho học sinh.

Một số đầu sách bổ ích do phụ huynh và thiếu nhi bình chọn.

Riêng với đơn vị xuất bản sách cho thiếu nhi như NXB Kim Đồng, những người làm sách luôn cố gắng tiên phong ra mắt những cuốn sách đẹp về hình thức, thú vị về nội dung để thu hút các em khám phá. Những tác phẩm artbook của họa sĩ Khoa Lê đã được các nhà xuất bản ở Pháp, Italia, Tây Ban Nha mua bản quyền, phát hành, sau đó mới trở lại ra mắt độc giả trong nước là minh chứng sống động về nội lực làm sách đẹp của NXB Kim Đồng.

Có thể kể đến các artbook như: "Nàng lọ lem", "Những nàng công chúa bí ẩn", "Lĩnh Nam chích quái", "Lược sử nước Việt bằng tranh"...

Nhà văn Văn Thành Lê, đại diện NXB Kim Đồng cho biết, đơn vị cũng bám sát mục tiêu và chương trình giáo dục trong nhà trường. Ngoài ra, NXB Kim Đồng còn chủ động đưa sách cùng chương trình "Cùng trang sách bước đến tương lai" đến giao lưu với các trường học nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đọc sách, giới thiệu sách phù hợp với các em học sinh theo hình thức tương tác trực tiếp với tác giả, họa sĩ...  

Những con số đáng lo lắng từ cuộc khảo sát của Đường Sách TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực khi cha mẹ, thầy cô và xã hội làm hết trách nhiệm của mình trong việc tạo lập thói quen và niềm yêu thích đọc sách nơi trẻ.

Từ cuộc khảo sát, danh mục những cuốn sách hay và bổ ích do phụ huynh và thiếu nhi bình chọn được Đường Sách công bố để học sinh các cấp dễ dàng tìm đọc. Cũng tại cuộc khảo sát này, các phụ huynh đều cho rằng, bên cạnh một loạt biện pháp như: thường xuyên đọc sách cùng con; nên có tủ sách dành riêng cho trẻ; đưa trẻ đi nhà sách thường xuyên và cùng trẻ chọn sách…, thì ý kiến được số đông phụ huynh tán thành và cho rằng hiệu quả nhất đó là làm gương cho con.

Muốn con trẻ thay đổi, trước tiên người lớn phải thay đổi. Muốn tạo lập thói quen chủ động và tình yêu trẻ dành cho sách, cha mẹ, thầy cô phải là người có tình yêu dành cho sách và phải thường xuyên đọc sách.

Nói như em Lê Ngọc Phương Trinh, học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Hiền: "Đừng hối thúc hay ép buộc, mà hãy để việc đọc diễn ra một cách tự nhiên, một cách chủ động đối với mỗi người. Đừng khiến sách - người bạn tốt và quan trọng, trở nên xấu trong mắt của người khác. Đừng để người khác xem sách là kẻ thù, bởi nếu bạn chưa xem sách là bạn thì cũng chẳng thể yêu cầu người khác làm điều đó được".

Phan Thi Uyên
.
.