Pháp sẽ khôi phục Nhà thờ Đức Bà đẹp hơn sau 5 năm?

Thứ Hai, 06/05/2019, 08:17
"Chúng ta sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà đẹp hơn. Tôi muốn công việc hoàn thành trong 5 năm nữa. Chúng ta có thể làm được, chúng ta sẽ huy động", đó là tuyên bố mới nhất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng gây nhiều "đau khổ và tiếc nuối" cho không chỉ người dân ở Pháp mà trên cả thế giới.


Nhà thờ Đức Bà sớm được xây xong?

 Có vẻ như việc tái thiết xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ sớm được tiến hành ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra từ những tấm lòng yêu chuộng và trân quý di sản văn hóa thế giới. Nước Pháp đã huy động và kết nối được những Mạnh Thường Quân sẵn sàng ủng hộ những khoản tiền khổng lồ cho việc này.

Quỹ tái thiết Nhà thờ Đức Bà ngay lập tức được mở ra và số tiền cam kết ủng hộ quỹ tái thiết Nhà thờ Đức Bà sau 1 tuần xảy ra vụ hỏa hoạn đã lên đến 850 triệu euro, tương đương khoảng 960 triệu USD, ước chừng trên dưới 20.000 tỷ đồng Việt Nam.

Và con số này chưa dừng lại. Trong đó 3 gia đình giàu có nhất nước Pháp đi đầu, bao gồm gia đình tỷ phú chủ hãng mỹ phẩm Loréal, thương hiệu thời trang Louis Vuitton và gia đình Pinault - chủ một tập đoàn thương hiệu xa xỉ. Các nhà tài trợ xếp sau có các cái tên lớn của thời trang thế giới như Christian Dior, Givenchy, Gucci và Yves Saint Laurent.

Nhà thờ Đức Bà chìm trong biển lửa.

Quan điểm của ông Macron cho thấy, ông mong muốn công tác tái thiết Nhà thờ sẽ được hoàn thành sớm nhất, nhanh nhất trong vòng khoảng 5 năm trước thời điểm Paris đăng cai Olympic năm 2024. Song khi được hỏi cần bao lâu để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ cháy tối 15/4, Eric Fischer, người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm phục dựng nhà thờ Strasbourg 1.000 năm tuổi ở Pháp cho rằng "Chúng ta sẽ phải mất tới "hàng thập kỷ" để khắc phục mất mát này.

Các kiến trúc sư cần dữ liệu lịch sử ở mức tối đa, hoặc những dữ liệu gần đây được thu thập bằng công nghệ hiện đại như quét 3D, giống như kỹ thuật dùng để phục hồi nhà thờ Strasbourg". Các chuyên gia được mời tính toán để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà cũng ước tính sẽ mất nhiều tháng trước khi xác định được toàn bộ hư hại và công việc tái thiết hoàn toàn nhà thờ sẽ mất 10-15 năm, dài gấp 3 thời hạn mà Tổng thống Pháp đưa ra.

Các chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ khó nhất là phục hồi mái của nhà thờ, bộ phận được làm từ những thân gỗ lớn bọc chì để tránh tác động của môi trường và thời gian. Uớc tính, 1.300 cây gỗ đã được dùng để làm dầm cho công trình. Tuy nhiên, các chuyên gia sẽ tính toán và có thay đổi là mái và tháp nhọn được làm lại sẽ theo tiêu chuẩn hiện đại với những thiết kế chống hỏa hoạn tốt hơn.

Ngoài nước Pháp, thế giới cũng đã lên tiếng. Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu đã tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ khi nước Pháp cho biết nhu cầu. Công cuộc tái thiết Nhà thờ Đức Bà thậm chí còn có thể thu nhận sự trợ giúp từ một nơi khó tin: đó là một trò chơi điện tử. Các nhà thiết kế trò chơi Assassin's Creed Unity đã tung ra trò chơi này từ năm 2014 và đặt bối cảnh trò chơi ở Paris. Để ra mắt được trò chơi này, họ đã phải nghiên cứu cấu trúc và vật liệu của Nhà thờ Đức Bà rất kỹ. Đây được cho là một nguồn thông tin tham khảo tốt cho quá trình phục dựng.

Chính phủ Pháp lên kế hoạch đào tạo người khôi phục Nhà thờ

Để công việc xây sửa lại Nhà thờ Đức Bà được tiến hành hoàn hảo và nhanh nhất, Chính phủ Pháp đã lên kế hoạch đào tạo bài bản một đội ngũ thanh niên tham gia vào việc khôi phục Nhà thờ Đức Bà. Ngày 17 tháng 4 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức một cuộc họp với các bộ trưởng nội các liên quan, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo và Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO.

Cuộc họp được giữ kín. Theo những người tham gia, Chính phủ đã chỉ ra sự thiếu hụt lao động có tay nghề để sửa chữa tòa nhà lịch sử và cho thấy ý định đào tạo lớp người trẻ tuổi trong lĩnh vực này. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng đã công bố kế hoạch tổ chức một cuộc thi kiến trúc quốc tế để xây dựng một ngọn tháp mới cho nhà thờ dựa trên công nghệ ngày nay.

Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh: "Lúc này là lúc người dân Pháp cần thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết để biến thách thức thành cơ hội. Trận hỏa hoạn ngày 15-4 đã nhắc nhở chúng ta rằng câu chuyện của chúng ta chưa bao giờ kết thúc.

Và chúng ta vẫn sẽ luôn có những thách thức phải vượt qua". Pháp đã tung 50 điều tra viên vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ cháy và dự kiến sẽ thẩm vấn các công nhân thuộc 5 công ty đã được thuê thực hiện các hạng mục tu bổ, tôn tạo phần mái của Nhà thờ Đức Bà Paris, cũng là nơi ngọn lửa bùng phát đầu tiên trong vụ hỏa hoạn ngày 15-4.

Nét đẹp trong kiến trúc của Nhà thờ Đức Bà trước khi bị cháy.

Di sản văn hóa thế giới và những vụ hỏa hoạn lịch sử

Thế giới từng xảy ra những "thảm kịch về lĩnh vực văn hóa" do hỏa hoạn. Một trong những thảm kịch đó có thể kể đến:  Vụ cháy Bảo tàng quốc gia Brazil vào ngày  2/9/2018, một trong những bảo tàng lâu đời nhất ở Brazil với 200 năm tuổi nằm phía Bắc thành phố Rio de Janeiro. Bảo tàng được coi là một "viên ngọc quý" của văn hóa Brazil với hơn 20 triệu hiện vật có giá trị, trong đó có bộ sưu tập về nghệ thuật và đồ tạo tác từ thời Hy Lạp-La Mã và Ai Cập, cũng như hóa thạch người cổ nhất mang tên "Luzia".

Bosnia cũng tương tự khi vụ hỏa hoạn lịch sử năm 1992 đã phá hủy toàn bộ Thư viện quốc gia Bosnia - một biểu tượng của thành phố Sarajevo. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi gần 2 triệu cuốn sách cùng nhiều bản viết tay quý hiếm. Phải mất tới 22 năm sau vụ cháy, năm 2014, Thư viện quốc gia Bosnia mới mở cửa trở lại. Còn ở Syria, nội chiến đã tàn phá nặng nề nhiều di sản văn hóa mà trong đó nuối tiếc nhất là khu chợ Al-Madina Souk 600 năm tuổi ở thành phố cổ Aleppo, Syria bị thiêu rụi vào tháng 9/2012.

Al-Madina Souk được xây dựng từ thế kỷ XIV, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1986. Ở Hàn Quốc, vụ cháy cổng thành Sùng Lễ Môn còn gọi là Nam Đại Môn, trung tâm thủ đô Seoul vào ngày 10/2/2008 cũng để lại bao nuối tiếc xót xa bởi đây là một trong số ít kiến trúc cổ tiêu biểu ở Seoul còn sót lại sau thời kỳ Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910-1945) và chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Ngoài ra các nhà hát cũng là nơi bà hỏa hay chọn ghé thăm. Vụ hỏa hoạn xảy ra năm 1996 thiêu rụi Nhà hát La Fenice, Italy được xem là một trong những nhà hát thính phòng lớn nhất thế giới. Nhà hát Opera Liceu, nổi tiếng ở Barcelona, Tây Ban Nha được thành lập năm 1847, chuyên về trình diễn opera và ballet. Nhà hát được xem là một viên ngọc quý của nền văn hóa Tây Ban Nha, với thiết kế ấn tượng nhất là phần tiền sảnh với cầu thang bằng đá cẩm thạch. Nước Ý đã phải mất 8 năm để khôi phục nhà hát La Fenice và mở cửa lại vào năm 2004.

Hay như Nhà hát Lớn của Geneva, Thụy Sỹ được xây dựng từ thế kỷ XIX, đã bị tàn phá nặng nề trong một vụ cháy năm 1951 do những sơ suất của quá trình chuẩn bị cho một buổi trình diễn nghệ thuật tại nhà hát. Phải mất 11 năm sau đó nhà hát mới được khổi phục xong và mở cửa trở lại. Còn ở Anh, hỏa hoạn năm 1992 đã phá hủy một phần lớn tòa Lâu đài Windsor, phía Tây London.

Windsor được xem là lâu đài lớn nhất thế giới và có lịch sử lâu đời bậc nhất nước Anh, với diện tích gần 45.000m2, toạ lạc ở một vùng đất tuyệt đẹp, nơi hợp lưu của sông Thames và sông Kennet, cách thủ đô London chỉ 33km về phía Tây.

Lâu đài là một trong 3 nơi ở chính của Hoàng gia Anh (hai nơi kia là Cung điện Buckingham, London và Holyrood, Edinburgh). Không chỉ có quy mô bề thế, Windsor còn là một di sản nghệ thuật vô giá của nhân loại. Cũng phải mất đến 5 năm tu sửa, lâu đài Windsor đã mở cửa trở lại với công chúng vào năm 1997.

Những vụ hỏa hoạn nêu trên thực sự là một cơn ác mộng của nhân loại. Bởi những thiệt hại về vật chất cùng với thời gian có thể khắc phục và bù đắp được, nhưng những tổn thất về mặt văn hóa, tinh thần là không thể bù đắp. Chính vì vậy sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, vấn đề chống hỏa hoạn cho các công trình văn hóa thuộc di sản thế giới đang được các nước đặt ra và xem xét ở mức cao nhất ngay trên quốc gia mình.

Thủy Giang
.
.