Phái không phố-phố không Phái

Thứ Sáu, 15/04/2016, 07:54
Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Tuân đã đặt cho danh họa Bùi Xuân Phái một biệt danh: “Phố Phái”. Để rồi từ đó, cặp phạm trù: “Phố-Phái” và “Phái-Phố” đã đeo đẳng ông trong nghiệp vẽ, và mặc định nghệ thuật của Phái trong lòng công chúng yêu hội họa. 


Nhắc đến Bùi Xuân Phái, mọi người chỉ nhớ đến một đặc sản nức tiếng của ông là những bức tranh vẽ phố. Và nói về phố Hà Nội, cái tên đầu tiên được nhắc đến không ai khác ngoài Phái. Nhưng, ít ai biết rằng, thế giới hội họa của Bùi Xuân Phái đâu chỉ có mỗi phố. Một Bùi Xuân Phái với chữ ký thành tranh, với nghệ thuật thư pháp của hội họa, với chèo, tranh chân dung, và thậm chí cả vẽ nuy. Bên cạnh phố, những góc khác không phố của Phái cũng đầy đặn, rực rỡ… ít khi được hé lộ.

Một lần nữa, Apricot – Một khách sạn thiên về trưng bày các tác phẩm nghệ thuật số 1 Việt Nam lại gây bất ngờ khi tiếp tục mang đến cho công chúng yêu hội họa ở Hà Nội một sự ngỡ ngàng mới về "Phái không phố", sau quả bom tấn “Hào” của danh họa Dương Bích Liên.

Với triển lãm “Hào” lần đầu tiên, tác phẩm "Hào" được sống trọn vẹn với công chúng yêu hội họa Việt Nam. Hào được kể lại số phận mình trong cuộc lưu lạc hơn nửa thế kỷ. "Hào" với những mối liên hệ, tơ vương, giăng mắc giữa những Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài và cuộc chu du trong tay những người buôn tranh phiêu bạt ra khỏi biên giới Việt Nam thì giờ đây "Hào" đã trở về - cuộc trở về cuối cùng và mãi mãi với công chúng yêu nghệ thuật trong nước.

Một bức tranh chữ ký của danh họa Bùi Xuân Phái trong triển lãm “Phái không Phố”.

"Hào" trở về với Hà Nội trong một nỗi xúc động tột cùng khi những kỷ niệm về danh họa Dương Bích Liên được dịp tái hiện và triển lãm về “Hào” đã kể lại câu chuyện về số phận của "Hào" - kiệt tác của Dương Bích Liên cũng như số phận đặc biệt của chính tác giả. Triển lãm “Phái không phố” lại là một sự khơi mở độc đáo khi lần đầu tiên, công chúng yêu hội họa và mến mộ tài năng của danh họa Bùi Xuân Phái được biết đến một thế giới khác trong nghệ thuật của Bùi Xuân Phái, đó là Phái và những bức tranh không phố.

Một thế giới khác trong hội họa của Phái hiện ra đầy đủ với nghệ thuật vẽ chân dung theo lối tinh tướng họa độc đáo. Phái của những đam mê nghệ thuật chèo, sân khấu truyền thống, của những sinh hoạt giản dị, thân thương mà đầy chất thơ của người nông dân Việt Nam ở đồng bằng Bắc bộ qua nét vẽ phục trang, hóa trang, hay thiết kế sân khấu dựng cảnh cho những vở chèo. Có một điều thú vị ít ai biết tới, đó là Bùi Xuân Phái vẽ rất nhiều tranh nuy.

Điều đó thật lạ lẫm và gây bất ngờ bởi thời của ông, việc các họa sĩ vẽ tranh về đề tài nuy là rất hạn chế, thậm chí bị cấm, họa sĩ phải vẽ chui, vẽ trong bí mật, giấu giếm. Thế nhưng riêng với Bùi Xuân Phái, ông được cấp “giấy phép” vẽ nuy từ hồi ông còn dạy học ở Trường Đại học Mỹ thuật. Bùi Xuân Phái có những người mẫu sống để vẽ, và ông vẽ đường hoàng giữa ban ngày mà không cần phải e dè, trong khi những họa sĩ khác muốn vẽ nuy đều phải kín đáo thận trọng.

Nhưng đặc biệt hơn cả, trong triển lãm lần này, công chúng yêu nghệ thuật sẽ được mãn nhãn khi tận mắt thưởng lãm bộ sưu tập phong phú của Apricot về chùm chữ ký thành tranh của Bùi Xuân Phái, hay nói cách khác là nghệ thuật thư họa, hay thư pháp hội họa của Bùi Xuân Phái qua những bức tranh chữ tài hoa, nhiều nội hàm ý nghĩa và giàu tính triết lý.

Apricot có lẽ là nơi đầu tiên có chủ ý sưu tập về bộ tranh chữ ký của Bùi Xuân Phái. Và cũng chỉ có nơi đây bộ sưu tập chữ ký thành tranh của Bùi Xuân Phái đầy đủ, phong phú, hệ thống sau nhiều năm sưu tập và  kiếm tìm. Một danh họa Bùi Xuân Phái ở một góc khác của nghệ thuật được hiện ra một cách độc lạ. Và ở đó, Phái với đầy vơi tâm sự, góc nhìn tinh tường nhưng đầy bao dung và hàm chứa những yêu thương nuối tiếc vô bờ... của một trái tim yêu cái đẹp và giàu lòng trắc ẩn.

Một điểm nhấn đối trọng với “Phái không phố” là một triển lãm “Phố không Phái” của 8 họa sĩ nổi tiếng của hội họa đương đại được Apricot đặt hàng riêng. Sẽ có những hình ảnh phố, những khu phố, những đường phố, những mái phố hiện lên từ nét vẽ của những họa sĩ đương đại với cách nhìn về phố cũng khác hơn, hiện đại hơn, mới mẻ hơn trong xu thế hội nhập.

Những cái tên mà khi nhắc lên công chúng yêu hội họa không chỉ trong nước mà trên thế giới biết tới phong cách nghệ thuật và giá trị của họ. Đó là Hồng Việt Dũng, Phạm Luận, Phạm Bình Chương, Quách Đông Phương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Hoàng Phượng Vĩ. Một thế giới phố của riêng họ, không mặc định bởi bất kỳ một tiền nhân nào hết. Họ đã vẽ bằng sự quan sát, phát hiện mới, trong niềm say mê, trong cả nỗi lòng trắc ẩn và lối suy nghĩ khác biệt của riêng mình như chia sẻ của họa sĩ Lê Thiết Cương: "Hà Nội là một tác phẩm sắp đặt tự nhiên của hình, màu, âm thanh. Tất cả những điều ấy làm nguyên liệu cho hội họa, gọi hội  họa về. Trên cái văn bản thực ấy, mỗi họa sỹ phải dịch ra được cái văn bản cho mình. Trên cái nội dung ấy, mỗi họa sỹ phải tìm ra cách kể nội dung cho mình, làm cho nội dung ấy mang nghĩa của mình. Mỗi họa sỹ phải tìm ra con đường đến với Hà Nội của mình. Mỗi họa sỹ phải tìm ra một phố cho mình".

Công chúng yêu nghệ thuật sẽ có một cuộc thưởng lãm, sẽ có sự so sánh phố của Phái và phố của những họa sĩ đương đại hôm nay. Ở đó, họ sẽ có những trải nghiệm thú vị về sự cũ và mới, quá khứ và hiện tại… của những gì chỉ còn trong hoài niệm, hay trong đời sống gấp gáp hiện đại hôm nay. Có thể trong sự chuyển giao thế hệ, trong nhịp chuyển động của đời sống, đi giữa phố hiện đại hôm nay, ta càng hoài niệm thương nhớ phố xưa… Âu đó cũng là một cách chơi đặc biệt, một cuộc chơi độc đáo, thể hiện được đẳng cấp của Apricot.

Một tác phẩm trong triển lãm “Phố không Phái” của họa sĩ Quách Đông Phương.

Cũng giống như triển lãm “Hào” chỉ diễn ra trong vòng vài giờ đồng hồ và chỉ có những người bạn thân thiết được mời tới dự, không báo chí, không truyền thông. “Phái không phố - Phố không Phái” cũng không chia sẻ với truyền thông bất kỳ thông tin nào. Tất cả tựa hồ như là một khoảnh khắc. Một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng cần thiết để những người bạn yêu hội họa đến đây, lặng lẽ, tưởng nhớ, chia sẻ…. Đó cũng chính là những gì mà Apricot muốn dành tặng cho những người bạn của họ.

Nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải:

“Bùi Xuân Phái chính là người mở đầu và là người mở đường, đồng thời cũng là người đứng đầu khi nói đến thể loại tranh minh họa của Việt Nam. Những minh họa của ông có độ sâu, hoàn chỉnh, hài hước, có duyên, ý nhị, không quá đà, phũ phàng hay ác ý, rất đúng với tính cách của ông: người hiền và có tình… Chân dung là mảng đề tài được họa sĩ vẽ khá nhiều, rải rác, đều đều trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình.

Đi đâu, gặp ai, thấy có ấn tượng, thấy có cảm xúc, hứng khởi là vẽ. Họa sĩ đã không từ chối, và vẽ như một người hành nghề trời định. Người ta bảo họa sĩ Hoàng Lập Ngôn là họa sĩ vẽ chân dung theo lối tinh tướng họa, nhưng Bùi Xuân Phái mới là họa sĩ vẽ chân dung (kể cả thể loại khỏa thân) theo lối tinh tướng họa độc đáo. Chúng ta xem những bức chân dung Phái vẽ Nguyên Tuân, Văn Cao, Bá Đạm, Phái chỉ cần ra tay bằng mấy "coup de maitre" để vẽ "trán Nguyễn Tuân, "tóc Văn Cao", "mũi Bá Đạm" là đã nói lên được cả về tướng mạo và thần thái của những nhân vật này…”.

Nhà báo Bùi Quang Việt:

“Bùi Xuân Phái không chỉ là một họa sĩ, bản thân ông còn là một nhà sưu tập bản thảo, một người rất say mê nghệ thuật thư pháp, tạo hình “ký tự” và trình bày chữ. Xem các tập nhật ký và sổ ghi chép của Bùi Xuân Phái, người ta có thể thấy rõ sở thích của ông đối với “nghệ thuật chữ” (calligraphy).

Ở Bùi Xuân Phái, sự thay đổi về chữ ký và cách trình bày chữ ký không chỉ đơn thuần là sự thay đổi một yếu tố của bức tranh. Sự thay đổi này, thực chất còn biểu hiện những “động thái” của nội tâm, cả cái nhìn từ bên ngoài lẫn cái nhìn từ bên trong của người nghệ sĩ, mà đôi khi nó tham dự vào bố cục với tinh thần của một “nhãn tự”.

Nếu nhìn ở góc độ này, thì chữ ký của Bùi Xuân Phái là một trong những chữ ký của họa sĩ có nhiều nội hàm bậc nhất, và thực đáng ngạc nhiên, cũng đã được ông biểu thị đẹp bậc nhất về mặt thị giác. Điều đáng ghi, là riêng về thể loại tranh này của Bùi Xuân Phái, hiện đã có những bộ sưu tập đủ lớn để chứng minh, mà tiêu biểu nhất là bộ sưu tập của Apricot.

Và có lẽ, đây chính là loạt tranh độc đáo, mang nhiều cái tôi nhất, thật nhất, có giá trị không thể thiếu đối với bất kỳ một bộ sưu tập nào. Về mặt niên đại, chúng chủ yếu hình thành từ những năm 1984 - 1987, tức là vào thời kỳ ở nước ta, công cuộc “đổi mới” đã khởi động và đang bắt đầu.

Ở Bùi Xuân Phái, những bức chân dung tự họa mà ông đã vẽ suốt cuộc đời - kể từ đây, đã ẩn mình sau những ký tự, những chữ ký, như  là những dấu hiệu của quá khứ, hiện tại và tương lai, những dấu hiệu của bản thể và tâm hồn người họa sĩ, duy linh và sáng chói”.

Như Bình
.
.