NSƯT Thanh Loan:

Phải biết ‘rời sân’ đúng lúc

Thứ Ba, 05/05/2015, 08:00
Đã tròn 30 năm kể từ khi bộ phim ra mắt khán giả, đến nay NSƯT Thanh Loan tuổi đã ngoài 60, đã lên chức bà từ lâu và nhan sắc cũng đã phai dần theo năm tháng, nhưng đi đến đâu bà cũng vẫn được khán giả gọi bằng cái tên thân thương:  "ni cô Huyền Trang".

NSƯT Thanh Loan thực sự là một "bông hồng" của điện ảnh Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước. Bà sở hữu một gương mặt đẹp, hút hồn, lại được trời phú cho khả năng diễn xuất tự nhiên, nhất là sau khi vào vai ni cô Huyền Trang trong  phim "Biệt động Sài Gòn" (đạo diễn Long Vân) - bộ phim truyện màu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam -  NSƯT Thanh Loan được khán giả cả nước vô cùng yêu mến.

Đã tròn 30 năm kể từ khi bộ phim ra mắt khán giả, đến nay NSƯT Thanh Loan tuổi đã ngoài 60, đã lên chức bà từ lâu và nhan sắc cũng đã phai dần theo năm tháng, nhưng đi đến đâu bà cũng vẫn được khán giả gọi bằng cái tên thân thương:  "ni cô Huyền Trang".

Chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước 30-4, nhiều bộ phim truyện nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam đã được VTV và các đài truyền hình Việt Nam phát sóng. Trong số đó, phải nhắc tới bộ phim truyện nhựa dài 4 tập có tính kinh điển của điện ảnh Việt Nam, đó là "Biệt động Sài Gòn" của đạo diễn Long Vân. Có thể nói, từ khi ra đời đến nay, sức hút của bộ phim này đối với khán giả Việt vẫn mãnh liệt. Có được điều này là bởi "Biệt động Sài Gòn" không chỉ là một bộ phim có nội dung hấp dẫn, đầy kịch tính, như một bản anh hùng ca về những chiến sĩ biệt động thành, đan cài trong đó là câu chuyện tình đẹp đẽ, đầy lãng mạn, cảm động mà còn vì trong phim đã quy tụ được một dàn diễn viên trẻ đẹp, tài năng như Thanh Loan, Hà Xuyên, Thúy An, Quang Thái, Thương Tín, Bùi Cường... Những tên tuổi từng tham gia bộ phim này mỗi người có một số phận nhưng xem ra NSƯT Thanh Loan là người có cuộc đời êm đềm, bình an hơn cả. Bà dường như là một minh chứng chống lại câu thành ngữ "hồng nhan bạc phận" mà ai ai cũng biết.

NSUT Thanh Loan luôn được coi là "bông hồng" của điện ảnh Việt Nam.

Là con gái Hà Nội gốc, sinh ra ở ngõ Tạm Thương, được cha mẹ hết sức cưng chiều và nuôi dạy cẩn thận từ tấm bé nên lúc nào Thanh Loan cũng giữ vẻ nhẹ nhàng, thanh lịch, nền nếp và đôn hậu của một người con gái Hà thành. Dù gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng cô bé Thanh Loan đến với nghệ thuật từ rất sớm, khi mới ở tuổi trăng tròn. Sau hai năm theo học khoa kịch nói của trường Trung cấp nghệ thuật Quân đội, Thanh Loan về công tác tại Đoàn kịch nói Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Không chỉ được biết đến với danh hiệu "Người đẹp nhất toàn quân" mà anh em cán bộ chiến sĩ vì quá ngưỡng mộ nhan sắc lộng lẫy "chim sa cá lặn" của Thanh Loan đã tự phong cho bà, Thanh Loan còn được biết đến qua nhiều vai diễn ấn tượng trên sân khấu kịch như vai bé Mai trong "Nổi gió", vai Nhàn trong vở "Chị Nhàn", vai bác sĩ Nga trong vở "Đôi mắt"... Bà cũng có những năm tháng trẻ trung sôi nổi đi biểu diễn trong các tuyến lửa Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Đẹp người, đẹp nết lại là văn công, nên Thanh Loan đã khiến không ít trái tim những chàng lính trẻ mê đắm, chết chìm trong đôi mắt vời vợi, thăm thẳm và nét cười tươi thắm như một đóa phù dung của bà. Kể cả trước đây và sau này, rất nhiều người đã thừa nhận từng "si tình", từng "yêu đơn phương" Thanh Loan. Nhưng nghe những chuyện như thế bao giờ Thanh Loan cũng chỉ nở một nụ cười duyên dáng, hồn hậu. Năm 23 tuổi, Thanh Loan đã tìm được một bến bờ hạnh phúc với một cán bộ công tác trong lực lượng Công an và sống bên người chồng bình an từ đó đến nay.

NSƯT Thanh Loan cho biết, bà đến với điện ảnh cũng hết sức tình cờ. Ngày ấy, công tác ở Đoàn kịch Quân đội trên phố Lý Nam Đế nên bà hay đạp xe đi làm qua phố Cửa Nam. Đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa tình cờ bắt gặp thấy một cô bộ đội xinh quá nên nhiều lần lặng lẽ đạp xe theo. Và rồi nhờ thế mà Thanh Loan đã "bén duyên" với làng điện ảnh, dù không có cơ hội tham gia bộ phim nào của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Sau này, cùng với những vai diễn bên làng điện ảnh như vai Riêng trong "Người về đồng cói" (đạo diễn: NSND Bạch Diệp), vai Lê trong "Bài ca ra trận" (đạo diễn: NSND Trần Đắc) và đặc biệt là vai ni cô Huyền Trang trong "Biệt động Sài Gòn", Thanh Loan đã được NSND Đào Trọng Khánh gọi là "một trong tứ đại mỹ nhân của điện ảnh cách mạng Việt Nam" cùng với Trà Giang, Tuệ Minh, Lê Vân.

Với NSƯT Thanh Loan, từ ngày còn chập chững bước vào nghề cho đến khi đã ở đỉnh cao của sự nghiệp, bà vẫn giữ quan niệm: "Được làm nghệ sĩ phục vụ nhân dân và được nhân dân nhớ đến là một vinh dự lớn. Thế hệ chúng tôi ngày xưa đi đóng phim ngoài tiền thanh sắc bồi dưỡng ra chẳng biết cát xê là gì, nhưng luôn cảm thấy vinh dự, tự hào. Bây giờ, tuổi đã ngoài 60 mà đi đến đâu cũng được bà con ra chào hỏi, nói lời yêu mến với "ni cô Huyền Trang" thì còn hạnh phúc nào bằng, tiền bạc nào mua được? Vai diễn ni cô Huyền Trang khiến tôi đi đâu, làm gì cũng chẳng cần đến chứng minh thư!".

Quả thật, đã có một thời có những người nghệ sĩ sống hồn nhiên, vô tư đến thế. Không màng lợi danh, làm việc bằng sự tận tâm, tận lực, tận hiến và một tình yêu nghệ thuật trong sáng. NSƯT Thanh Loan kể rằng, ngày ấy đi đóng phim "Biệt động Sài Gòn" suốt mấy năm trời mà không hề tính toán gì đến chuyện cát xê được bao nhiêu. Đây là bộ phim nhựa màu dài tập đầu tiên của Việt Nam, nên làm rất vất vả, quay trong 4 năm mới xong vì sau mỗi "mẻ" quay lại chờ gửi ra Hà Nội in tráng xem kết quả như thế nào rồi mới quay tiếp.

Đạo diễn Long Vân gặp Thanh Loan khi bà đi công tác ở Sài Gòn, đã 30 tuổi và có hai con nhỏ. Phim "Biệt động Sài Gòn" lúc đó đã bấm máy được một năm, đã quay xong 1 tập nhưng ông vẫn chưa tìm được diễn viên ưng ý để vào vai ni cô Huyền Trang. Nhiều diễn viên nổi tiếng đã thử vai này nhưng đạo diễn khó tính Long Vân vẫn chưa hài lòng.

Gặp được Thanh Loan, đạo diễn "ưng" ngay vì ông nói trên gương mặt bà vốn có nét khoan thai, "từ bi hỉ xả" của nhà Phật mà các diễn viên khác không có. Đạo diễn Long Vân lập tức ra Bắc làm mọi thủ tục với cơ quan để bà đi đóng phim. Ba mùa hè liền bà phải đi nhờ máy bay quân sự ra đón con vào ở cùng đoàn vì chồng lúc đó đi tu nghiệp ở nước ngoài. Một số anh chị khác trong đoàn làm phim cũng mang con vào, biến ngôi nhà mà đoàn làm phim mượn được thành một "vườn trẻ".

Vốn là người kỹ lưỡng, nên khi hóa thân vào nhân vật ni cô Huyền Trang, bà đã phải nghiên cứu kịch bản rất lâu. Bà từng vào ở trong chùa với các ni sư hàng tuần để học cách đi khất thực, cách bưng tráp, học cách bước đi với bàn chân trần cho đến ánh mắt nhìn xuống chân của một người xuất gia... Và ở trong chùa, bà nhập vai đạt đến nỗi, nhiều người đi lễ còn nhìn mặt bà rồi bảo: "Xinh thế kia mà lại đi tu! Tiếc thế!".

Cũng trong thời gian đóng phim, có nhiều lần bà được tiếp xúc với các nguyên mẫu ngoài đời thực của bộ phim như ông Tư Chu (vào phim đổi thành Tư Chung do diễn viên Quang Thái đóng) và được nghe kể nhiều chuyện về những ngày tháng "biệt động thành" gian khổ mà hào hùng. Thanh Loan nhớ mãi câu nói của ông Tư Chu từng khiến bà cảm động là: "Nơi ẩn nấp an toàn nhất là trái tim phụ nữ!".

Nhắc đến những năm tháng ấy, gương mặt NSƯT Thanh Loan ánh lên niềm vui như bà được sống lại những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt tình, lúc nào cũng vui như Tết. Nhưng bà không quên nhắc rằng, sở dĩ bà có được điều kiện tham gia các bộ phim trong khi đã có con nhỏ là vì có được người mẹ chồng tuyệt vời đã hiểu, thông cảm trông nom chăm sóc các cháu, tạo điều kiện hết mức cho con dâu đi đóng phim mà không hề phàn nàn gì, thậm chí bà cụ còn tự hào với bà con láng giềng và bạn bè về điều đó. Bởi thế, nghệ sĩ Thanh Loan luôn cảm thấy biết ơn mẹ chồng về điều đó.

Thanh Loan chỉ nhớ nhất là chuyện ngày ấy bà đi đóng phim đúng đợt đổi tiền. Cả nhà cả cửa ngày ấy ky cóp được 140 đồng cất đi, khi đổi tiền đã không về kịp, lại không có điện thoại để liên lạc như bây giờ nên đến khi về thì 140 đồng vốn rất to kia trở thành không còn giá trị gì. Mẹ chồng Thanh Loan vừa thương con vừa tiếc của cứ ngậm ngùi mãi.

Rời làng điện ảnh khi đang ở ngôi vị "đỉnh cao", đang nhận được nhiều lời đề nghị, săn đón, bà trở về với công việc của mình ở Điện ảnh Công an nhân dân rồi nghỉ hưu, mãn nguyện với việc ngày ngày vui vầy cùng con cháu. Hiện bà đang đảm nhiệm thêm việc là Chi hội trưởng Chi hội Điện ảnh Công an nhân dân.

Có thể nói, nghệ sĩ Thanh Loan là một trong số không nhiều gương mặt "hồng nhan" mà không bạc phận. Nhưng NSƯT Thanh Loan tâm sự rằng: "Trong quan niệm của tôi, một người phụ nữ "hồng nhan" có "bạc phận" hay không đều là do người phụ nữ ấy.

Có nhiều người cho rằng bởi vì họ đẹp rồi nên rất hay tự mãn, bằng lòng với sắc đẹp ấy mà không rèn luyện, không tu chí; ham mê cái nọ cái kia hoặc có những đòi hỏi cao sang về vật chất chẳng hạn, thì sẽ sinh ra cái chữ "bạc phận" về sau mà thôi. Còn về việc tôi không đóng phim nữa từ sau "Biệt động Sài Gòn" một phần là vì tôi bận công tác, nên tôi đã quyết định dừng lại. Tôi cho rằng, nghệ sĩ cũng như cầu thủ, phải biết rời sân đúng lúc!".

Nguyệt Hà
.
.