"Ông vua" nhạc Soul James Brown: Lắm tài nhiều tật
Bố mẹ rất nghèo, nên từ nhỏ, James Brown đã phải lao động thật sự như người lớn để phụ giúp. Ông từng đi hái bông, thu gom hay mót bông trên các cánh đồng bông của các trang chủ giầu sụ.
Đương nhiên, công xá cho lao động phổ thông rất rẻ mạt, lao động trẻ em còn rẻ hơn. Do đó, năm mười sáu tuổi, ông phạm tội ăn cắp và phải vào tù. Những tưởng nhà giam sẽ nhấn chìm tương lai của ông. Không, sự nghiệp vang dội của ông lại bắt đầu từ sau chấn song sắt.
Trong trại giam, ông quen biết Bobby Byrd, một nhà tổ chức biểu diễn có tài, rất mê gospel, nhạc tôn giáo của người da đen Bắc Phi. Người bạn tù phát hiện ra chất giọng có hồn của James Brown và khuyến khích ông hát.
Ông chợt vỡ lẽ: Có thể kiếm sống bằng ca nhạc. Ông bèn thành lập trong tù một nhóm nhạc gospel gồm toàn phạm nhân. Hoạt động gò bó của nhóm dù sao cũng là các cuộc tập dượt cho ông, khiến ông tự tin và dũng cảm.
Được trở về xã hội, ông phối hợp cùng bậc đàn anh Bobby Byrd khai sáng ban nhạc The Starlighters về sau trở thành The Famous Flames lừng danh. Một ca khúc của nhóm, “Please, please, please” (Xin vui lòng, xin vui lòng, xin vui lòng) đến tai một nhà phụ trách thương hiệu “Đĩa nhạc chủng tộc”.
Ông này lập tức ký hợp đồng thu âm với nhóm. Ca khúc gospel thuần nhất liền vươn lên đứng đầu bảng ăn khách. Thành công “bất ngờ” làm cho tên tuổi của James Brown nổi như cồn.
Sinh thời James Brown đã chính thức công bố 75 album, số lượng phát hành vào loại cao nhất trong lịch sử ca nhạc. Ông cũng nổi tiếng trong điện ảnh, nhất là với “The Blues Brothers” và “Rocky IV”.
Trong phim đầu, ông đóng rất đạt vai một linh mục. Phim sau khẳng định sức cuốn hút và truyền bá sâu rộng một trong những ca khúc hay nhất của ông, “Lingving in
Quan trọng nhất là những tâm sự của dân da đen nói riêng và dân thường nói chung được thể hiện thánh thiện và hút hồn. Hầu như các ca sĩ và ban nhạc lớn đều “học tập” James Brown ở một đôi điểm nào đấy, từ Mick Jagger, Prince cho đến Michael Jackson.
Như các nghệ sĩ đích thực, ông luôn sống đúng là mình. Ông nói nhiều, thường bị hiểu là khoác lác. Ông cực đoan, nên quá cầu toàn. Ông bộc trực, nên dễ nổi nóng. Ông làm việc cật lực và toàn ý toàn tâm. Cho nên dù mắc tật dậy muộn, ông vẫn đạt được chất lượng và hiệu quả công việc cao.
Hiếm ca sĩ nào mà ở tuổi 70, vẫn phục vụ công chúng ở nhiều quốc gia đến 300 suất diễn một năm. Từ thời trẻ, ông đã rất giầu. Có khu dinh thự, máy bay lên thẳng, khu thu phát riêng, không kể tiện nghi đắt tiền dành các tỷ phú.
Tuy nhiên, từ khi các thành công nối tiếp nhau mang lại cho ông tiếng thơm và của cải, nhất là từ đầu những năm 1980, ông bị không chỉ cảnh sát mà cả thuế quan “thăm hỏi” thường xuyên.
Có lần ông bị “xiết nợ thuế” đến gần 5 triệu đô la. Và cuối năm 1987, kết hợp với những tội khác nói ở phần sau, ông bị kết án 6 năm tù giam. Vào tù, ông biết thân biết phận và được thả sau hai năm rưỡi...
Đời sống riêng của ông cũng không suôn sẻ. Bị áp lực từ nhiều chướng tai gia mắt ngoài xã hội, ông giải khuây bằng ma tuý và đánh đập vợ con. Bạo hành gia đình làm cho ông nhiều phen điêu đứng trước pháp luật.
Ông kết hôn bốn lần nhưng không thật toại nguyện. Cuộc cuối cùng, với Tomi Rae Brown, 36 tuổi, một ca sĩ hát phụ hoạ cho ông, có lẽ kết thúc bẽ bàng. Ông vừa nằm xuống, mấy giờ sau trở về, cô đã bị cấm cửa ở chính ngôi nhà mà cô đã chia sẻ buồn vui với ông nhiều năm và đã sinh cho ông một cậu con trai 5 tuổi.
Cô không đứng tên chủ ngôi nhà nhưng có quyền sinh sống tại đó. Song luật sư của ông vẫn giữ nguyên “mệnh lệnh” cấm cửa không biết của ai. Các cơ quan hữu quan thì “im lặng đáng sợ”... Chẳng lẽ đấy là lệnh của ông, ca sĩ suốt đời đấu tranh cho quyền con người? Đành rằng, năm 2004, ông phải ra toà vì tội đánh cô và đã phải nộp phạt 1087 USD...
Được dân chúng phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: “Cha đỡ đầu của nhạc Soul”, “Tay lao động giỏi nhất Hoa Kỳ”, “Người Mỹ da đen vĩ đại nhất”, James Brown chiếm vị trí độc tôn trong lịch sử âm nhạc, bởi lẽ ông đứng ở chỗ giao nhau của tất cả các dòng nhạc da đen Mỹ suốt gần 100 năm