Ông lão đi chợ từ... Bắc đến Nam

Thứ Bảy, 10/08/2019, 08:07
Đời người gắn với chợ sâu sắc lắm. Chợ trên đôi quang gánh sờn màu của mẹ. Chợ trong đôi mắt trẻ thơ, ngày hai buổi ngóng mẹ về, đón thức quà vặt. Chợ trong đọt bí, cá kho ba ăn cho buổi lên nương, lên rẫy. Chợ gợi về ký ức tuổi nhỏ, gợi về nơi ta sống. 

1. Có anh bạn xa nhà, một hôm vu vơ tôi hỏi: nhớ về nơi mình sống, anh nhớ điều gì trước tiên? Anh đáp, gọn thôi: nhớ chợ. Tôi ngạc nhiên. Đinh ninh câu trả lời của anh là danh lam, thắng cảnh hay người thân quê nhà. Ừ, chợ, cái chợ quê kiểng thôn làng, điều giản dị ấy có mấy ai để ý. Ấy vậy mà nó đi vào máu thịt ta giữa bộn bề cuộc sống này tự bao giờ.

Ngày bé ai chẳng được một lần được mẹ dắt đi chợ. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã yêu cái chợ xứ Quảng của ông từ những ngày bé thơ như thế. “Chợ làng tôi chỉ họp ban đêm, với vô số ngọn đèn dầu lung linh trong các sạp hàng. Tôi thích cầm tay mẹ len lỏi hàng tiếng đồng hồ giữa những gánh cá tươi, những rổ rau, những chiếc lồng gà, mê mẩn nhìn ngắm những vòng xuyến xanh đỏ, những hộp chì màu, những viên bi ve sặc sỡ bày trên những chiếc sạp tre…”.

Đời người gắn với chợ sâu sắc lắm. Chợ trên đôi quang gánh sờn màu của mẹ. Chợ trong đôi mắt trẻ thơ, ngày hai buổi ngóng mẹ về, đón thức quà vặt. Chợ trong đọt bí, cá kho ba ăn cho buổi lên nương, lên rẫy. Chợ gợi về ký ức tuổi nhỏ, gợi về nơi ta sống. Chẳng thế mà nhà thơ Lê Giang đã có lần tâm sự với chồng – nhạc sĩ Lư Nhất Vũ rằng, cuối đời, bà chỉ có hai sở thích: một là đi sưu tầm các bài dân ca còn sót lại, hai là đi… chợ.

Kỷ lục gia Hồ Đại Phước với bộ sưu tập ảnh chợ.

Đi để rưng rưng nghe những tiếng mời chào: “Ngoại ăn kèo nèo đi ngoại, con mới nhổ hồi sáng/ Má ăn cá chốt giấy kho tiêu đi má. Cá còn tươi, rộng nước sông Sài Gòn nè má/ Dì Năm làm mớ rau ngổ về luộc “trần” đi, dì Năm”. Đi để ngắm nhìn những thức trái quê nhà, nhớ mùi bánh cống Sóc Trăng, nhớ tô bún ăn trên con xuồng lắc lư ở chợ Ngã Bảy…

Trong tâm thức người Việt, chợ truyền thống không chỉ là trung tâm trao đổi mua bán, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, xã hội; nơi mang bề dày lịch sử, thể hiện đậm đà bản sắc riêng biệt của mỗi miền quê. Chẳng thế mà dân gian có rất nhiều câu ca dao về ngôi chợ quê mình, nhắc người tha hương khắc khoải nhớ về: “Vui nhất là chợ Đồng Xuân/ Kẻ buôn, người bán xa gần thảnh thơi”, “Chợ Nhàng lắm bún, nhiều phi/ Trăm công nghìn việc cũng đi chợ Nhàng”, “Ai về Hà Tĩnh thì về/ Mặc lụa chợ Hạ, uống nước chè Hương Sơn”… Chợ đi vào lời răn dạy của cha ông: “Thứ nhất tu nhà, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”, “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn lấy chồng ở chốn ba quân”…

Và có thể nói, Tết đến, chợ mới thể hiện đậm nét không gian văn hóa đặc trưng, thấm nhuần hồn cốt dân tộc thông qua những thức trái, cách thức mua bán, trò chơi dân gian… Này là quần áo mới, gạo nếp, lá dong. Này là tranh ảnh, câu đối, vàng mã, chậu quất, cành đào…

Chợ Tết đông đúc, náo nhiệt người mua, kẻ bán với bao bộn bề lo toan, ước vọng tốt đẹp cho năm mới. Nhà văn Vũ Bằng dù xách làn mây lẽo đẽo theo vợ “mệt muốn đứt hơi, đứt ruột” nhưng chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ khiến ông “lại cứ muốn đi, đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương” (Thương nhớ Mười hai).

2. Cũng mang hoài niệm ấu thơ của những ngày theo mẹ đi chợ Tết, yêu nét văn hóa đậm đà của phiên chợ Việt, ông đi và chụp. 20 năm rong ruổi dọc miền đất nước, lão kỷ lục gia Hồ Đại Phước – người chụp các ngôi chợ có tên nhiều nhất Việt Nam - đã chụp được hơn 2.000 ngôi chợ với gần 20.000 bức trên khắp 63 tỉnh, thành. Ở tuổi 73, ông được nhiều người gọi là nhà “chợ học” bởi gần như nói đến ngôi chợ nào ông cũng biết rành rẽ. Ông cười khiêm tốn: “Còn rất nhiều chợ tôi chưa chụp và tìm hiểu được. Đó là cả một kho tàng văn hóa khám phá không bao giờ hết”.

Năm 1993, tấm ảnh đầu tiên ông chụp là chợ Bến Thành. Ngôi chợ nơi thành phố ông sinh ra và lớn lên. Ông tâm sự: “Tôi đến chợ khám phá đời sống sinh hoạt và nét đẹp của mỗi miền quê bởi đó là nơi thể hiện chân thực và sống động nhất. Nói đến chợ Láng, chợ Mơ, người ta nghĩ ngay đến húng Láng, đậu Mơ thơm ngon nức tiếng. Nói đến chợ Bà Rén, xã Quế Sơn, Quảng Nam, người ta nghĩ ngay đến nghề bồng heo có một không hai. Nói đến chợ nổi Cái Bè, người ta ngạc nhiên trước hàng quán là hàng trăm con thuyền dập dềnh trên sông nước Tiền Giang, trái cây mùa nào cũng ăm ắp...

Rồi có chợ Chàng, chợ Nàng, chợ Ông, chợ Bà… Tôi chụp như một cách lưu giữ lại những nét đẹp đó, để mai này ai muốn tìm hiểu thì còn có hình ảnh mà giới thiệu”. Điều ông nói không hẳn là sự lo xa. Bởi rất nhiều ngôi chợ ông chụp hiện nay đã bị xóa sổ như ở TP Hồ Chí Minh là chợ Bình Đăng (quận 8), Cầu Muối (quận 1), Cây Quéo (Bình Thạnh), Mai Xuân Thưởng (quận 6)…

Đam mê chụp ảnh và du lịch, nhưng phải đến năm 48 tuổi, khi kinh tế gia đình ổn định, ông mới có thể thực hiện đam mê. Thấy một ông lão say sưa chụp từng ngóc ngách của khu chợ, bà con tiểu thương, người dân quê xúm xít nhờ ông chụp cùng họ vài tấm. Tự dưng ông bỗng nghiệm ra rằng, mình không nên chỉ chụp cảnh chợ, mà phải chụp với những con người trong chợ. Bởi chính họ làm nên đặc trưng, bản sắc cho ngôi chợ đó.

Những người được chụp, ông đều ghi rõ tên tuổi, địa chỉ rồi gửi tận nơi cho họ. Được tặng ảnh, bà con gửi cho ông ít thức trái làm quà. Vậy là đi chợ… từ Bắc đến Nam, ông đã quen bao người dân hồn hậu, nếm bao sản vật bình dị. Đi nhiều, chụp nhiều, ông Phước ấn tượng nhất với chợ phiên của dân tộc vùng Tây Bắc bởi nó còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo.

Thật ngạc nhiên với sự cẩn thận, khoa học của lão kỷ lục gia này. Mặt sau của mỗi tấm ảnh, ông tỉ mỉ ghi rõ tên chợ, địa điểm, ngày tháng chụp. Các tấm hình chụp chợ đều được đánh số và xếp theo tứ tự ngày tháng, riêng một tập xếp theo thứ tự A, B, C.

Một góc chợ trầu cau ở TP Hồ Chí Minh.

Có lần đi qua quốc lộ 12, đoạn huyện Mường Chà, Điện Biên, đường núi lở, ông đành để xe lại, một mình lội bộ để lên những ngôi chợ. Rồi có lần lên Cao Bằng để chụp chợ Lý Bôn, xe vừa qua cầu treo thì dân la lên: “Ơ cái cầu này để đi bộ chứ đâu có cho xe ôtô đi!”. Nghe xong ông hết hồn. May mà cầu không sập.

Thấy ông một mình lái chiếc Matiz, chọn những con đường ít người đi để tìm tòi những ngôi chợ mới, nhiều người lắc đầu bảo ông điên. Ông cười khà khà: “Người ta nói sao thì kệ, miễn vợ con ủng hộ “cái điên” của tôi là được rồi”. Dựa vào bộ sưu tập ảnh của ông, Tổng cục Du lịch và Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cho ra đời hai cẩm nang bỏ túi: 100 ngôi chợ độc đáo ở Việt Nam và 100 ngôi chợ nổi tiếng ở Việt Nam.

Yêu chợ Việt, ông Hồ Đại Phước mang những đau đáu cho số phận không gian văn hóa truyền thống tại những đô thị lớn. Trung tâm thương mại và siêu thị mọc lên ngày càng nhiều, tiện nghi, rõ ràng nhưng cũng thật sòng phẳng, lạnh lùng. “Ở siêu thị chỉ trao đổi kinh tế mang tính công nghiệp chứ không có tình cảm của người với người, không có đặc trưng làng nghề, những phong tục tập quán trong cách mua bán như nói thách, mặc cả, không có con cá hay mớ rau tươi rói mới hái ngoài vườn”. Ông không biết rồi chợ truyền thống sẽ đi về đâu, có lép vế trước siêu thị hiện đại hay không? Chỉ biết rằng hành trình giữ hồn chợ Việt của ông vẫn chưa ngừng nghỉ.

Xe bon bon qua những ngôi chợ nhộn nhịp, ông cảm khái viết nên bài thơ về 5 ngôi chợ đã trở thành biểu tượng cho mỗi vùng miền trên dải đất chữ S này: “Lũng Cú chợ ở đỉnh đầu/ Thủ đô yêu dấu Đồng Xuân gọi là/ Đông Ba giữa nước đấy mà/ Bến Thành ghi dấu Bác ra nước ngoài/ Vươn theo chữ S chiều dài/ Tận cùng Đất Mũi trải dài Việt Nam”.

Phan Thi Uyên
.
.