Ông “Goócki Việt Nam”

Chủ Nhật, 10/05/2009, 14:00
Trong một bài chân dung Nguyên Hồng (viết cho "Tuyển tập Nguyên Hồng" xuất bản tại Liên Xô trước đây), nhà văn Nguyễn Tuân có đoạn: "Đồng nghiệp mới cũng như cũ, ai ai cũng đều thân mật gọi bạn Nguyên Hồng tôi là "Goócki Việt Nam". Và Nguyễn Tuân chua thêm: "Có phần nào cũng đúng thôi".

Quả tình, trông vào cuộc đời, sự nghiệp văn chương cũng như con người Nguyên Hồng, ta dễ có liên hệ trên. Nguyên Hồng sinh năm 1918, sau Goócki vừa đúng 50 năm. Bản thân ông, giống như Goócki, cũng đã phải trải qua thời thơ ấu hết sức cơ cực. Ông từng lang thang ngủ bờ ngủ bụi, vạ vật trên các bến tàu, vườn hoa, sống kề cận với những kẻ trộm cắp, đĩ điếm, từng vào tù ra tội.

Để ôn lại những năm tháng cơ khổ của mình, Goócki viết bộ ba tự truyện gồm các cuốn: "Thời thơ ấu", "Kiếm sống", "Những trường đại học của tôi". Nguyên Hồng, ở tuổi hai mươi, ngoài "Bỉ vỏ" đã có tập bút ký "Những ngày thơ ấu" mà nhiều trang đến nay vẫn làm xúc động lòng người.

Truyện của Goócki ở thời kỳ đầu thường đề cập tới những phận người ở tầng lớp bần cùng trong xã hội. Nguyên Hồng cũng vậy. Nếu như Goócki có "Dưới đáy" thì Nguyên Hồng có "Vực thẳm". Sau này, khi đứng tuổi, Goócki viết bộ sử thi "Cuộc đời Klim Xamghin". Nguyên Hồng- ở quãng tuổi đó- cũng hoàn thành bộ tiểu thuyết sử thi "Cửa biển" trên hai ngàn trang đồ sộ.

Trong giao tiếp hàng ngày, Goócki tỏ ra đặc biệt khiêm tốn, mọi cách thức ứng xử không xa lạ với gốc gác sinh thành của mình. Nguyên Hồng cũng vậy: Ông xuề xòa trong ăn mặc, giản dị trong sinh hoạt, khiêm tốn đức độ trong giao tiếp.

Dường như bản thân Nguyên Hồng cũng ý thức được sự "đồng điệu" giữa mình và nhà đại văn hào Nga, người mở đường cho nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Dẫn chứng là: Trong dịp kỉ niệm 100 năm sinh Goócki (1968), Nguyên Hồng đã nảy hứng làm một bài thơ có nội dung tưởng nhớ. Bài này đã được in ngay phần mở đầu "Tuyển tập Nguyên Hồng" (NXB Văn học ấn hành năm 1983) dưới dạng bút tích

Mạnh Thắng
.
.