Nước mắt cuốn đi, tình yêu ở lại

Thứ Bảy, 14/05/2016, 08:00
“Để gió cuốn đi” là tên tự truyện của ca sĩ Ái Vân. Chị tâm niệm viết ra để yêu thương nhau, hiểu nhau hơn thì tại sao không viết? Để rồi mọi khổ đau, đắng cay với bao nước mắt rồi cũng thành hư vô cho gió cuốn đi...


Cuốn sách chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp lắm thăng trầm, sóng gió cũng như tiết lộ nhiều sự thật về nữ ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu Việt Nam nửa sau thế kỉ 20. Hơn ba trăm trang viết giãi bày những ký ức buồn vui, vinh quang và tủi hổ của cuộc đời trên 60 năm trải nghiệm, hơn 40 năm mang tiếng hát cho đời và gần 30 năm xa xứ.

Cuốn tự truyện còn cho người đọc sống lại những năm tháng lịch sử gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, đời sống bi hài của nghệ sĩ thời bao cấp, chiến tranh biên giới 1979 với lớp lớp thanh niên ra chiến trường trong bài hát giục giã lòng người “Hãy cho tôi lên đường” mà chị thể hiện.

Ca sĩ Ái Vân hát tặng độc giả tại buổi ra mắt tự truyện.

Ngày đó, đoàn xe lên biên giới phía Bắc phục vụ bộ đội. Đứng giữa bãi đất trống còn vương máu trên cỏ và ca vang bài “Hãy cho tôi lên đường”, Ái Vân xúc động thấy mọi người ai cũng sẵn sàng khí thế tiến công, cầm chắc tay súng. Chị và các anh em văn công đã hát như thể phút chốc nữa thôi mình cũng sẽ xung phong ra trận và hy sinh trên chiến trường, bảo vệ Tổ quốc non sông.

Cô Nhung giao liên xinh đẹp, dũng cảm trong bộ phim “Chị Nhung” đã đưa tên tuổi Ái Vân nổi như cồn hồi thập niên 70 của thế kỷ trước. Sau bộ phim này, ảnh “Ái Vân nhìn nghiêng” ba hào một tấm bán chạy như tôm tươi. Đám thanh niên ngày đêm tơ tưởng cô gái trong tấm ảnh, thậm chí có anh bộ đội bạo miệng khoe bạn bè rằng đó là người yêu mình. Nhớ lại duyên cớ đưa đẩy đến phim ảnh, chị bồi hồi trở về thuở trăng rằm.

Hồi học trường nhạc, Ái Vân gặp đạo diễn Nguyễn Đức Hinh, nhà quay phim Dương Đình Bá đang tìm kiếm nữ diễn viên chính cho phim “Chị Nhung”. Các chú nhờ Ái Vân giới thiệu một cô gái xinh đẹp, tầm khoảng 20 tuổi. Vân sướng rơn, khoe: “Trường cháu có chị Lan Hương xinh lắm, để cháu mời cho”. Nhưng mẹ của Lan Hương kiên quyết không cho con mình đóng phim đóng phiếc gì hết.

Ái Vân tiu nghỉu đến báo tin cho các chú thì bị các chú bắt “bắn súng không nên thì đền đạn”. Vậy là cô bé 15 tuổi gầy như cò hương vào vai chị Nhung. Người phải độn trước úp sau, đi giày cao gót rồi trang điểm, bới tóc để trông già đi. Vậy mà lần “bắt đền” đó lại khiến bộ phim thành công vang dội.

Ái Vân thừa hưởng tài năng nghệ thuật từ ba mẹ - “bông hồng Á Đông” Ái Liên và công tử Hà thành Hà Quang Định. Nếu ba mẹ gắn bó với dân ca và cải lương thì chị lại đi theo dòng nhạc nhẹ. 27 tuổi, Ái Vân đã giành giải Grand Prix tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Dresden (Đức) với ca khúc “Bài ca xây dựng” của nhạc sĩ Hoàng Vân và bài hát tiếng Đức “Mặt trời chưa bao giờ mọc như thế”.

Cô ca sĩ trẻ trung, thánh thiện và kiêu sa trong bộ áo dài đỏ đến từ Hà Nội đã thổi một làn gió tươi mát, chinh phục bạn bè quốc tế. Tràng pháo tay tán thưởng trong buổi biểu diễn của chị ngân dài. Đến bây giờ, Ái Vân cũng không thể tin nổi mình có được vinh hạnh khi đoạt giải thưởng lớn như vậy. Sau này, ca khúc gắn bó với chị nhiều nhất lại là bài “Triệu đóa hồng”.

Tự truyện “Để gió cuốn đi”.

Mục đích viết tự truyện của Ái Vân đã có cách đây hơn chục năm – khi ba chị qua đời trăn trối lại: “Con phải viết về những chuyện đã qua để minh oan cho mình”. Chị muốn viết để giải thích vì sao 26 năm đằng đẵng, chị chưa chính thức giãi bày lý do quyết định bỏ lại đỉnh hào quang khi Nhà nước có nhiều ưu ái, bỏ lại gia đình để dứt áo tha phương một mình trên xứ người với biết bao khổ đau. Cuộc ra đi để lại bao tin đồn oan khiên, rằng chị ham giàu sang danh vọng trời Tây.

Thông thường, viết tự truyện, hồi ký là một công việc thú vị, gợi lại những kỷ niệm, ký ức của một đời người nhưng với ca sĩ Ái Vân thì dường như ngược lại. Năm 2010, nhà báo Đinh Thu Hiền chấp bút cuốn hồi ký cho chị mang tên “Hồi ức của một đóa hồng”. Nhưng khi mới viết được chương đầu thì Ái Vân quyết định hủy.

Với chị, hồi ký phải kể thật, dù sự thật đó phũ phàng như thế nào, nếu không thì viết tiểu thuyết cho xong. Nhưng nói lên sự thật thì sẽ đụng chạm, làm tổn thương đến nhiều người. Đó là điều chị không muốn. Cuốn sách cũng buộc chị phải nhớ lại quá nhiều ký ức đắng cay, tủi nhục trong khi chị muốn quên nó đi, chôn chặt vĩnh viễn. Mỗi lần nhớ là một lần dao cắt vào tim. Nhưng rồi chị mất ngủ từ đó.

Một nhà văn nữ từng viết, đại ý rằng: Ký ức như sợi dây buộc chặt số phận con người, dù ta chết đi rồi nó vẫn bám chặt vào linh hồn ta. Trang giấy đã bị xóa trắng nhưng trên cái nền trắng ấy trở đi trở lại hằng đêm sợi dây ký ức. Nó như đoạn phim quay chậm kéo dài đến mức chị suy sụp. “Giá như không phải nói gì cả, cứ thế mang theo xuống mồ thì hay biết bao nhiêu. Nhưng cuốn sách này là cục nợ cuối cùng tôi phải trả, trước khi “trắng nợ trần gian”...

Viết một lần cho xong. Viết một lần để quên đi, để đến khi nhắm mắt xuôi tay mình không còn phải áy náy”. Chị thử viết ra, bung mở hết lòng mình trên trang giấy lần nữa. Lần này, chính chị viết, không ai chấp bút cả. Tự dưng lòng nhẹ đi phần nào, giấc ngủ an nhiên hơn xưa. Cuốn tự truyện ra đời với sự hỗ trợ tư liệu, gợi ý cách viết từ bạn văn, bạn báo, đồng nghiệp... Đến tận ngày ra mắt cuốn sách, nhận cái ôm, bó hoa từ bạn bè đồng nghiệp, chị sụt sùi nức nở. Chẳng ngờ có một ngày, cuốn sách ấy lại nằm trên tay mọi người.

Có lẽ, lần đầu tiên một cuốn tự truyện để trắng 7 trang. Đó là 8.808 chữ - viết về cuộc hôn nhân với người chồng thứ hai - bị xóa trắng. Những dấu chấm nối dài in trên hình nền là con sóng cuộn trào, giông lốc vần vũ. Một khoảng lặng đầy tiếng gào thét. Mở đầu phần này chỉ vỏn vẹn 8 dòng – 8 dòng đong đầy nước mắt: “Tôi đã cố gắng viết cho xong mục này – 8.808 từ cả thảy. Câu chuyện tôi chưa từng kể ra này cho biết lý do vì sao tôi buộc phải rời Tổ quốc năm 1990 khi tôi đang được Nhà nước có nhiều ưu ái. Nhưng vì câu chuyện quá đau đớn, khi đọc lại tôi không thể chịu nổi. Con trai tôi nếu đọc được phần này, chắc chắn cũng sẽ không chịu nổi. Vì thế, sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi xin lỗi bạn đọc, cho phép tôi được xóa trắng mục này!”.

Dù đã tìm được bến đỗ bình yên nơi người chồng thứ ba và có được mái ấm êm đềm ở Mỹ nhưng đoạn ký ức lắm đau đớn về thời gian chung sống với người chồng thứ hai vẫn ám ảnh chị. Đó là biến cố khủng khiếp nhất đời chị. Cuộc sống như địa ngục của hôn nhân đối lập hoàn toàn với đỉnh cao danh vọng lúc ấy. Đổ vỡ buộc chị phải lưu lạc ở xứ người. Song người đàn bà đẹp ấy vẫn tự nhận: “Tình duyên tôi nhiều sóng gió khổ đau nhưng tôi không giận, không hờn, không trách ai hết. Tôi cũng chẳng đổ tội cho bất kỳ ai. Nếu có tội thì trước hết là tội của trời, sau đó là tội của tôi”.

Trải bao mưa dập gió vùi nhưng ngay cả khi nhắc đến phút cay đắng nhất của đời mình, giọng văn của Ái Vân vẫn hóm hỉnh lạ lùng. Có lẽ, sau bao đắng đót, “happy ending” (kết thúc có hậu) như trong câu chuyện cổ đã về bên chị.

62 tuổi, đóa hồng trong bão giờ đã đón những giọt nắng ấm áp, dẫu có là giọt nắng cuối chiều. Bóng dáng yếu mềm, thanh mảnh của người con gái năm xưa không còn, thay vào đó là hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ và đẹp rực rỡ. Người chồng thứ ba có khác gì chàng thủy thủ Gray trong phim “Cánh buồm đỏ thắm” (Nga) mà thuở thiếu nữ chị mơ mộng. Chàng đã đến đeo nhẫn cho cô bé Axôn nghèo khổ, dìu chị đi qua căn bệnh ung thư quái ác. Để bây giờ, tiếng hát và tình yêu tràn ngập. Ôm bó hoa hồng, chị bảo sẽ hát lần cuối trước công chúng trong buổi ra mắt sách bởi có lẽ chẳng bao giờ Ái Vân trở lại sân khấu nữa. Tiếng hát và tiếng cười giờ dành cho bạn bè và gia đình thân yêu…

Quỳnh Nga
.
.