Nữ võ sư gác roi mài bút

Thứ Ba, 23/10/2012, 08:00

Hai năm nữa, võ sư Hồ Hoa Huệ sẽ giao lại chức Chưởng môn phái Tinh Võ Đạo Việt Nam cho đệ tử. Bà tâm sự vậy. Cuối nẻo về, "người đàn bà vàng" của võ Việt soi mình trong khoảng trời riêng trầm lắng: mềm mại tay bút với những câu thơ, khúc nhạc ngẫm nghiệp võ, chuyện đời... Khoảng trời ấy, hơn 40 năm trước, người con gái đất võ đã lạc vào bởi duyên cầm sắt với nhà thơ, nhà báo Trần Ngọc.

1. Võ sư Hồ Hoa Huệ hẹn tôi lúc 9 giờ sáng. Đặt chân vào phòng khách, tôi ngạc nhiên khi thấy hai cái vali dựng gần ghế sofa. "Cô cháu mình chỉ ngồi với nhau được 30 phút nữa thôi. Chút nữa cô phải ra sân bay Tân Sơn Nhất để sang Pháp". Sau Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV diễn ra đầu tháng 8/2012 tại Tp Quy Nhơn, Bình Định, với vai trò Phó Trưởng ban Tổ chức phụ trách chuyên môn và đối ngoại, những tưởng đây là thời gian để nghỉ ngơi, thế nhưng bà vẫn tất bật với võ đường, tất bật với những chuyến đi dài mang tinh hoa võ Việt sang trời Âu, xứ Phi xa xôi. Vẫn nhẹ nhàng, quý phái. Và… vẫn đẹp. Ở tuổi 68, nhan sắc người đàn bà Bình Định "cầm roi đi quyền" vẫn mặn mà, phúc hậu như đóa huệ trắng.

Gặp bà rất khó. Thời gian bà ở nước ngoài còn nhiều hơn thời gian bà ở nhà trên đường Lâm Văn Bền, quận 7. Nghiệp võ lừng lẫy của người đàn bà nhỏ bé này hầu như ai cũng biết. Tuổi thơ phiêu bạt, mưu sinh khắp nơi là cơ duyên Hoa Huệ được thọ giáo nhiều võ sư kỳ tài của nhiều môn phái võ như Tây Sơn Bình Định, Vịnh Xuân, Tân Khánh Bà Trà, Thiếu Lâm… Năm 41 tuổi, bà sáng lập Tinh võ đạo Việt Nam, hội tụ những tinh hoa của võ thuật cổ truyền dân tộc, thu hút gần 80.000 môn sinh trong và ngoài nước. Bốn năm liền, môn phái của bà đoạt ngôi vô địch kỹ thuật võ cổ truyền toàn quốc (1996 -1999) cùng hàng trăm giải thưởng võ thuật lớn nhỏ. Bà là nữ võ sư đầu tiên truyền bá võ thuật Việt sang hơn 15 nước thuộc châu Âu, châu Phi, châu Mỹ; được một tờ báo Pháp vinh danh là "người đàn bà vàng".

Hiếm người biết Hồ Hoa Huệ còn làm thơ, viết kịch bản cải lương, soạn giả của hơn 500 bài vọng cổ. "Tôi làm thơ như một cách giải thoát, cân bằng những bất ổn của lòng mình khi những thế võ, bài quyền không chạm tới được. Âu làm thơ cũng như một thú vui… " - Đại sứ võ cổ truyền dân tộc tâm sự.

Hồi nhỏ, bà chỉ sáng tác cho riêng mình. Đến khi gặp nhà thơ, nhà báo Trần Ngọc (nguyên phóng viên Báo Thể thao Văn hóa Hà Nội, biên tập viên tập san Sổ tay Võ thuật, Ngôi sao võ thuật) hồn thơ trong sâu thẳm con người võ nghệ của bà mới thực sự được thăng hoa. 16 tuổi, thượng đài. 17 tuổi, cô thiếu nữ như đóa huệ khoe sắc, làm xiêu lòng chàng thư sinh nhà mình trọ học. Đêm nào, chàng cũng kiếm cớ chở nàng đi luyện võ. Yêu nhau lúc nào không hay. Chỉ biết sau này nghe ông nhắc: "Đau xót nhất là lúc thấy người yêu hứng đòn tới tấp mà tui không biết làm gì, chỉ biết chắp tay cầu trời sao cho nàng thắng", bà lại cười ngặt nghẽo. 18 tuổi, trận đấu với võ sĩ Bích Liên cũng là trận đấu cuối cùng của võ sư Hồ Hoa Huệ. Đó cũng là cái gật đầu cho lời cầu hôn của ông: "Em đừng thượng đài nữa, làm vợ anh nhé?".

Đội hoa theo chồng, bà chỉ dạy võ cho môn sinh. Mối lương duyên giữa cô gái quyền cước với chàng trai hay chữ Trần Ngọc là sự giao hòa giữa hai tâm hồn, hai phong cách. "Tôi truyền cho ảnh bản lĩnh, sức mạnh của con nhà võ, còn ảnh làm "mềm hóa" trái tim tôi bằng những vần thơ, câu văn… Chúng tôi nuôi dưỡng tình yêu bằng sự bổ trợ lẫn nhau".

Võ sư Hồ Hoa Huệ hướng dẫn thế võ cho môn sinh.

Nhà thơ Trần Ngọc không hề biết võ. Những tưởng chồng mình "dốt" võ, bà dễ dàng "xuất chiêu" trị chồng khi vợ chồng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Nhưng không! Thơ, nhạc mềm hóa trái tim. Nhà thơ Trần Ngọc luôn là chỗ dựa tinh thần cho bà trong những chuyến đi xa. Ông phiên dịch, sốt sắng vác túi binh khí, bảo vệ bà khỏi bị chen lấn giữa đám đông; chụp ảnh khi vợ mình đi quyền, múa đao…

Đưa cho tôi những cuốn vở học trò 200 trang, dễ đến chục cuốn, bà nói những bài thơ thuở ấy đều ghi chép vào đây. Lật giở cuốn vở cũ nhất, tôi thấy câu chữ gạch xóa lem nhem. Bà cười giải thích, hồi mới viết bị sai chính tả tùm lum, luật bằng, trắc, vần điệu ra sao chưa nắm vững. Chính chồng bà là "người thầy" chỉnh sửa, giúp bà hoàn thiện kỹ thuật làm thơ. Học theo chồng, bà còn tập tành viết văn, kịch bản… Bước vào thế giới văn chương cùng người bạn đời, bà "than":

Ai xui lạc bước vào đây
Tay kia cầm bút, tay này cầm roi
Nghề văn nghiệp võ học đòi
Kham chi cho lắm để rồi khổ thân

Võ sư Hồ Hoa Huệ đã cho ra đời 2 tập thơ: "Nỗi lòng bông huệ trắng" (NXB Văn Nghệ, 2007) và "Ray rứt" (NXB Văn học, 2008). Sắp tới bà dự định cho ra mắt hai tập thơ nữa: "Tôi trở về tôi" và "Một thời dĩ vãng". Bà không nhận mình là nhà thơ. Võ sư Hồ Hoa Huệ nói vui: "Trong nhà đã có một nhà thơ rồi. Hơn nữa tôi đâu học hành nhiều, chữ nghĩa sao bằng. Mấy bài đầu đưa cho ảnh với các anh em bên Nhóm Văn chương Hồn Việt đọc mà cứ xấu hổ, sợ mọi người chê dở. Nhưng rồi ảnh và anh em động viên quá trời, biểu mình viết được, nên giờ cứ làm tới…".

Đôi lần, 3h sáng, bà tỉnh giấc. Vội vàng ngồi vào bàn khi những tứ thơ đang nảy mầm giữa đêm. Cảm xu ác chảy tràn trên cuốn vở học trò. Thơ bật ra bất chợt, đó là khi tập xong một bài võ, khi lang thang dưới trời London lạnh giá hay khi nghe tiếng mèo hoang giữa đêm giữa Paris...  Bà làm thơ nhanh, hệt như những đường quyền, đòn võ dứt khoát. Cảm xúc ùa ra thế nào, bà viết vậy. Không trau chuốt, bóng bẩy, không lao tâm khổ tứ canh tác trên mảnh đất ngôn ngữ. Viết trước hết để thỏa lòng mình. Sau để tặng gia đình, bạn bè thân hữu. Vậy nên thơ bà mộc mạc, chân chất lắm. Giọng thơ khảng khái, lẩn khuất đâu đó khí phách của con nhà võ. Tinh Võ Đạo với nhu thắng cương làm hồn thơ ấy quyết liệt mà nhẹ nhàng, giản dị mà sâu sắc. Thơ võ sư Hồ Hoa Huệ mang nặng niềm trăn trở cho nền võ thuật cổ truyền - cái nghiệp đeo đẳng bà khi còn là cô bé 4 tuổi.

Đêm nay như những đêm qua
Nhớ về môn phái lòng ta thêm buồn

(trích "Mỏi cánh phiêu bồng")

2. Hồi còn bôn ba ở miền Tây Nam Bộ, bà theo Đoàn cải lương Bình Minh 78. Đêm đêm nghe các anh em nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Tuấn… hát, bà mê mẩn vọng cổ. Các điệu vọng cổ bà thuộc nằm lòng. Sẵn ảnh hưởng từ vùng đất cải lương Tiền Giang quê mẹ, lại thêm hồn thơ dạt dào, bà tập tành sáng tác. Bài cổ nhạc đầu tiên bà viết là "Bến nước hẹn hò". Viết xong hát thử cho mấy anh em trong đoàn nghe. Soạn giả Ngô Hồng Khanh nghe xong liền đứng bật dậy, vỗ vai bà: "Huệ, em viết được đó. Ráng phát huy nghen!". Thể hiện rất thành công "Bến nước hẹn hò" là hai nghệ sĩ Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ. Đến nay bà đã có hơn 500 bài ca cổ, trong đó có một số bài phóng tác từ thơ của chồng. Ngoài ra bà còn viết nhiều kịch bản cải lương. Vở "Những điều chưa kịp nói" đã được dàn dựng.

"Tôi muốn chuyển các bài cổ nhạc này đến Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê để xin thọ giáo. Đã rất lâu rồi tôi không gặp Giáo sư sau dịp lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Paris năm 1998. Lần đó tôi biểu diễn bài "Đại đao Lý Thường Kiệt" khiến ông xúc động đánh rơi chiếc gậy, lên sân khấu ôm choàng lấy tôi. Ông nói: "Gặp được người đàn bà vàng ở nước Pháp xa xôi này, tôi rất hân hạnh". Kỷ niệm đó thật khó quên" - Bà kể.

Bây giờ bà chỉ trực tiếp giảng dạy các lớp võ sư hoặc chuẩn võ sư, còn các lớp môn sinh để đệ tử giảng dạy. Năm 2011, David Basset (võ danh Hồ Hải Long) - đệ tử ruột của bà, đảm trách môn phái Tinh Võ Đạo tại Pháp, đồng thời thành lập một trung tâm đào tạo để quảng bá môn phái này tại Châu Âu. Môn phái Tinh Võ Đạo Việt Nam do bà gây dựng tại các quốc gia dần giao lại cho các đệ tử tin cẩn phụ trách.

Về người kế thừa chức Chưởng môn phái sau 2 năm nữa, võ sư Hồ Hoa Huệ chia sẻ đó là một nữ võ sư - đệ tử mà bà rất yêu mến và tin tưởng. Bà không tiết lộ cụ thể là ai. Nguyên tắc sống và hành đạo võ học của bà là cứ lặng lẽ làm, lặng lẽ chuẩn bị, không nói trước điều gì nhưng những gì đã làm được thì quyết không để ai chê trách. Rời ánh hào quang rực rỡ một thời, bà trở về cõi riêng của mình, cùng người bạn đời an hưởng tuổi già trong thơ, nhạc.

Những chiêm nghiệm trong đời võ là chất liệu để bà sáng tác…

Quỳnh Nga
.
.