Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel: Sau niềm vui là nỗi lo

Thứ Năm, 15/09/2011, 08:00

Ngày 24/8 vừa qua, tạp chí Forbes của Mỹ đã công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong năm 2011 và một lần nữa, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel được bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong năm. Đây là lần thứ 5, bà Angela Merkel dẫn đầu vị trí này. Người đứng ở vị trí liền kề là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Có thể nói, trong 6 năm cầm quyền, với hai lần giữ cương vị Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã có những bước tiến vượt bậc trong việc thể hiện vai trò quyền lực đỉnh cao của mình. Trên thế giới, đã và đang có một số nữ chính trị gia nắm quyền kiểm soát chính phủ, nhưng bà Angela Merkel luôn giữ vị trí nổi trội. Ngay trong năm đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Đức, bà đã được tạp chí Forbes bình chọn là người dẫn đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, mặc dù chỉ một năm trước đó, bà thậm chí còn chưa lọt vào danh sách này. 

Bà Angela Merkel là nữ chính khách lập nhiều kỷ lục: Bà là nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức, là Thủ tướng Đức đầu tiên trưởng thành tại Đông Đức, là Thủ tướng Đức trẻ nhất kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ II, là Thủ tướng Đức đầu tiên có bằng tiến sĩ về khoa học tự nhiên.

Sinh tại Hamburg năm 1954, Angela Merkel (tên gọi thời thiếu nữ là Angela Kasner) được bố mẹ đưa sang sống tại Đông Đức (tức nước CHDC Đức) từ nhỏ. Tốt nghiệp trung học, bà theo học Khoa Vật lý ở Trường Đại học Leipzig và trở thành một sinh viên xuất sắc của trường. Angela Merkel có nhiều lợi thế để trở thành một nhà khoa học: Bà từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lĩnh vực hóa lượng tử, 12 năm liền (từ năm 1978 tới 1990) làm việc và nghiên cứu tại Viện Hóa - Lý Trung ương, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học CHDC Đức. Người chồng đầu tiên mà Angela Merkel kết hôn năm 1977 và chia tay năm 1982 cũng là một nhà vật lý. Người chồng thứ hai bà kết hôn năm 1998 là một giáo sư hóa học.

Cuộc đời của Angela Merkel đã có nhiều thay đổi kể từ sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Bà tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhất là các phong trào dân chủ và trở thành thành viên đảng Thức tỉnh dân chủ. Tháng 12 năm 1990, sau cuộc bầu cử đầu tiên của nước Đức thống nhất, Angela Merkel được bầu vào Quốc hội. Sau khi đảng Thức tỉnh dân chủ sáp nhập với đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (gọi tắt là CDU), Angela Merkel trở thành Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên trong nội các của Thủ tướng Đức Helmut Kohl. Năm 1994, bà được bổ nhiệm giữ cương vị Bộ trưởng Môi trường và An toàn lò phản ứng hạt nhân. Vì là thành viên trẻ nhất trong nội các nên bà thường được Thủ tướng Kohl âu yếm gọi là "cô gái".

Sau khi Thủ tướng Helmut Kohl thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 1998, Angela Merkel được bổ nhiệm làm Tổng thư ký đảng CDU. Trên cương vị này, chỉ trong năm 1999, người phụ nữ khi ấy mới 45 tuổi đã "đạo diễn" cho CDU gặt hái được tới 6 thành công trong 7 cuộc bầu cử cấp bang, phá vỡ thế đa số của Liên minh SPD - đảng Xanh tại Hội đồng Liên bang. Năm 2000, sau khi vỡ lở vụ bê bối tài chính liên quan tới nhiều bậc lãnh đạo kỳ cựu của CDU (trong đó có cựu Chủ tịch CDU Helmut Kohl và Chủ tịch CDU Wolfgang Schauble), Angela Merkel đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích người từng đỡ đầu cho mình trước đây và yêu cầu Schauble phải rời vị trí Chủ tịch CDU. Ngày 10 tháng 4 năm ấy, Angela Merkel được bầu chọn thay thế vị trí của Schauble. Sự kiện này đã gây kinh ngạc cho nhiều chính trị gia bởi một người được xem là có một số quan điểm khác với phần đông các thành viên trong ban lãnh đạo đảng CDU lại được bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất của đảng này.

Hai năm sau khi giữ cương vị Chủ tịch đảng CDU, bà Angela Merkel đáng ra đã có dịp "thử sức" trong cuộc đua tranh chiếc ghế Thủ tướng Đức năm 2002. Mặc dù nhận được sự ủng hộ đáng kể của người dân Đức, song bà lại không được ủng hộ rộng rãi ngay trong nội bộ đảng, nhất là sau khi đảng của bà liên minh với đảng Liên minh Cơ đốc xã hội Bavaria (gọi tắt là CSU) và ứng cử viên được đảng này đưa ra tranh cử năm ấy là Edmund Stoiber. Stoiber đã thất bại khi đối thủ là ông Gerhard Schroder, người từng giữ cương vị Thủ tướng Đức nhiệm kỳ trước đấy. Phải tới mùa thu năm 2005, Angela Merkel mới giành lại thế "thượng phong" của mình. Với vị trí ứng cử viên Thủ tướng Đức do Liên minh CDU/CSU đề cử, trong cuộc bầu cử toàn quốc ngày 18/9, bà đã giành được kết quả ngang ngửa với ông Gerhard Schroder. Vì đảng của hai người đều không giành đủ số phiếu cần thiết để chiếm thế đa số tại Quốc hội nên thoạt đầu, cả hai đều chưa thể tuyên bố giành chiến thắng. Sau nhiều tuần thương thảo, hai đảng đi đến thỏa thuận để bà Angela Merkel làm Thủ tướng và ngày 22 tháng 11 năm đó, trong một kỳ họp của Quốc hội, bà Merkel đã được bầu vào chức vụ Thủ tướng Đức với số phiếu tán thành là 217/ 397.

Trong bài diễn văn nhậm chức, Thủ tướng Angela Merkel đã cam kết, mục tiêu hàng đầu của bà là cải thiện nền kinh tế Đức và giảm tỉ lệ thất nghiệp.

Chỉ sau 100 ngày trên cương vị mới, qua các cuộc thăm dò dư luận, bà Angela Merkel đã nhận được chỉ số tín nhiệm cao nhất so với các đời Thủ tướng Đức kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ II. Các nhà nghiên cứu đã phải dùng tới thuật ngữ "nhân tố Merkel" để nói về những tín hiệu khả quan của nền kinh tế Đức. Suốt một thời gian, bà Angela Merkel luôn được bình chọn là vị chính khách được người dân Đức yêu mến nhất.

Trong đối ngoại, bà Angela Merkel luôn thể hiện là người có khả năng "hóa giải" các mâu thuẫn, bất đồng. Tháng 6/2007, trong khi Ngoại trưởng Đức Frank - Waltar Steinmeier phát biểu cho rằng, việc tạp chí Wprost ở Ba Lan in bức ảnh Tổng thống và Thủ tướng nước này đang kề miệng vào bầu ngực để trần của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel (bức ảnh được dựng bằng máy tính) là một hành động khiếm nhã thì bản thân bà Merkel, khi nhắc tới vấn đề này đã có nhận xét ôn hòa: "Tôi có nhiều người bạn ở Ba Lan và tôi biết thái độ của mọi người khác với những gì báo chí mô tả".

Tháng 6/2008, trong khuôn khổ giải bóng đá EURO, bà Merkel đã ngồi trên khán đài cùng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi trận bán kết giữa đội tuyển Đức và đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các nhà phân tích thì đây là một động thái nằm trong chính sách "ngoại giao bóng đá" của bà Merkel và đã có tác dụng làm mềm đi mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ bởi trước đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã có phát biểu khá sốc liên quan đến vấn đề người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư vào Đức.  

Trở lại với việc xếp hạng của tạp chí Forbes. Có một điều trớ trêu là trong khi một tạp chí uy tín của Mỹ đánh giá vị nữ Thủ tướng Đức cao như vậy thì nhiều nhân vật tên tuổi của Đảng CDU lại có những phát biểu chỉ trích năng lực điều hành của bà. Trong đó, những nhận định của ông H.Kohl và ông C.Wulff  là "nặng chưởng" nhất bởi một người từng là cựu Thủ tướng Đức, một người hiện là đương kim Tổng thống Đức. Ông Kohl thậm chí còn ví chính sách đối ngoại của Chính phủ Merkel như người đi tàu không có la bàn, không biết con tàu đang đi theo hướng nào (ý ông muốn nhắc tới việc Đức đã bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Lybia hồi đầu năm). Thậm chí, nặng nề hơn nữa, ông Kohl còn gọi bà Merkel là "kẻ hủy diệt châu Âu". Tổng thống Đức Wulff thì phê phán chính sách tiền tệ của chính phủ do bà Merkel điều hành là "phiêu lưu", là chứa đựng nhiều rủi ro cho đồng euro. Nói chung, bà Merkel hiện đang phải hứng chịu búa rìu dư luận bởi chính sách đối ngoại cũng như cách giải quyết khủng hoảng của đồng euro từ hơn một năm nay.

Nếu như trước đây, nguyên thủ quốc gia của một số nước từng hết lời ca tụng bà Angela Merkel, như cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac từng nhận xét bà là vị "nữ Thủ tướng cực kỳ khôn ngoan", đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy xem bà là "người dũng cảm, trung thực, thông minh" thì nay, đã có không ít chính khách ở châu Âu lên tiếng lên án bà Merkel là người "gây bất ổn cho đồng euro và làm trầm trọng thêm tình trạng nợ nần". Họ cho rằng, chính sự "thiếu quyết đoán" của bà Merkel đang là yếu tố khiến liên minh châu Âu ở bên bờ vực tan rã.

Phản ứng lại các cáo buộc trên, ngày 25/8 vừa qua, bà Angela Merkel đã có bài phát biểu khẳng định rằng, thời đại toàn cầu hóa đã tạo ra trên thế giới những cán cân quyền lực mới. Bởi thế, mỗi thế hệ đều phải đối mặt với một bài toán khó dành cho riêng mình, và phải tìm cách giải quyết những vấn đề trước mắt. 

Tất nhiên, nói thì nói vậy song hiện tại, bà Merkel cũng đang nghiêm khắc nhìn nhận lại những chính sách của mình, cũng như phải tìm cách thuyết phục sao cho các thành viên trong đảng CDU và các nghị sĩ Quốc hội hiểu và ủng hộ đường lối của chính phủ. Thậm chí, bà đã hủy bỏ chuyến thăm Nga vào đầu tháng 9 tới để dành thời gian giải quyết những vấn đề nội bộ.

Được biết, chỉ mấy tuần nữa, Quốc hội Đức sẽ thảo luận và biểu quyết những biện pháp giải quyết khủng hoảng đồng euro. Nếu kết quả không được như ý, chắc chắn chính phủ của bà Merkel sẽ phải đối mặt với một thách thức to lớn liên quan tới sự tồn vong của chính nó. Đây được xem là mối quan tâm số một của nữ Thủ tướng Angela Merkel hiện nay

Đặng Trường Sinh
.
.