Nữ ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra:

Nói trước bước có qua?

Thứ Ba, 14/06/2011, 08:15
Trả lời câu hỏi: Liệu có phải việc đưa một người còn ít kinh nghiệm chính trường như Yingluck ra tranh cử là mục đích để ông Thaksin tiếp tục chi phối đời sống chính trị của Thái Lan, vị cựu thủ tướng lọc lõi trường đời tìm cách nói vui: "Nếu thắng cử, em gái tôi sẽ là thủ tướng. Vậy thì tôi cần trở về nước làm thủ tướng làm gì. Công việc của tôi bấy giờ chỉ là thuyết giảng và đi chơi golf mà thôi".

Ngày 16/5 vừa qua, đảng Pheu Thai (Vì người Thái) đã chính thức đề cử nữ doanh nhân Yingluck Shinawatra ra tranh cử chức Thủ tướng Thái Lan trong cuộc bầu cử vào ngày 3/ 7 tới đây. Tuy còn ít kinh nghiệm chính trường, nhưng bù lại, với gương mặt khả ái kèm sự hậu thuẫn rất to lớn từ người anh trai là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra (người hiện vẫn được không ít dân chúng Thái Lan ủng hộ mặc dù ông đang phải sống lưu vong ở Dubai), Yingluck được xem là đối thủ nặng ký của ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ - ông Abhisit Vejjajiva, Thủ tướng đương nhiệm. Trong khi nhiều cử tri Thái Lan đang hân hoan chờ đón một nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử của mình thì cũng không ít nhà phân tích cho rằng, việc Yingluck giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới rất có thể sẽ châm ngòi cho một sự bất ổn mới tại đất nước Chùa Vàng này...

1.Yingluck Shinawatra năm nay 44 tuổi. Bà là con út trong một gia đình có tới 9 anh chị em. Năm 1988, bà nhận bằng cử nhân ngành Khoa học chính trị và hành chính công tại Đại học Chiang Mai. Hai năm sau, bà nhận bằng Thạc sĩ ngành Khoa học chính trị tại Đại học Kentucky State, Mỹ. Yingluck từng cai quản một số doanh nghiệp. Hiện bà là Giám đốc một công ty truyền thông di động lớn và một công ty bất động sản lớn ở Thái Lan. Tuy không đăng ký kết hôn nhưng Yingluck  đang sống như vợ chồng với ông Anusorn Amornchat, Tổng Giám đốc tập đoàn M Link Asia Coropration. Hai người đã có với nhau một cậu con trai.

Cựu Thủ tướng Thaksin cho biết, việc đảng Pheu Thai lựa chọn Yingluck là họ muốn "mở đường cho sự hòa giải". Mặc dù thừa nhận cô em gái liễu yếu đào tơ của mình không dễ "thích ứng" được với tính chất đặc thù của nền chính trị Thái Lan, nơi thường xuyên diễn ra các cuộc đảo chính lật đổ chính phủ (thậm chí, trả lời phỏng vấn báo Matichon, vị cựu thủ tướng còn lo Yingluck có thể bị đảng đối lập thủ tiêu nếu trở thành người đứng đầu chính phủ), song ông tin rằng, sự nữ tính của cô em gái không những đem tới cho chính trường Thái Lan một bầu không khí mới mà "với một chế độ chính trị theo đường lối hòa giải, việc giải quyết các xung đột cũng thuận hơn". 

Trả lời câu hỏi: Liệu có phải việc đưa một người còn ít kinh nghiệm chính trường như Yingluck ra tranh cử là mục đích để ông Thaksin tiếp tục chi phối đời sống chính trị của Thái Lan, vị cựu thủ tướng lọc lõi trường đời tìm cách nói vui: "Nếu thắng cử, em gái tôi sẽ là thủ tướng. Vậy thì tôi cần trở về nước làm thủ tướng làm gì. Công việc của tôi bấy giờ chỉ là thuyết giảng và đi chơi golf mà thôi". Riêng với câu hỏi: Liệu Yingluck có phải chỉ là "bù nhìn", là "con rối của anh trai", ông Thaksin đã phát biểu một cách nghiêm túc: "Đúng là tôi có thể gây ảnh hưởng cho nhiều người, không chỉ với riêng em gái, về ý tưởng và tầm suy nghĩ. Dẫu sao thì tôi cũng từng là thủ tướng và đã đi khắp thế giới. Tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm tích lũy một đời cho em gái, trong đó có những kinh nghiệm hoạt động đối ngoại. Thật ra, em gái tôi đã được tôi hướng dẫn kỹ năng quản lý từ khi mới tốt nghiệp đại học. Tôi đã truyền lại không chỉ kinh nghiệm mà cả tác phong làm việc của mình cho Yingluck. Em gái tôi là bản sao của tôi. Chúng tôi có nhiều điểm giống nhau và Yingluck có thể thay mặt tôi nói đồng ý hoặc không. Nhưng bảo cô ấy là… bù nhìn thì thật không phải". 

Bà Yingluck Shinawatra tại một cuộc vận động tranh cử.

Về phần Yingluck, trong các cuộc vận động tranh cử vừa qua, bà luôn tuyên bố vấn đề ân xá cho những người bị buộc tội chính trị sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới (trường hợp bà thắng cử). Bà bác bỏ ý kiến cho rằng đây là cách để mở đường cho anh trai mình được ân xá và về nước (ông Thaksin từng bị cáo buộc tham nhũng, lạm dụng chức quyền, đàn áp dân chủ và bị tuyên án 2 năm tù. Để tránh việc thi hành án, ông chọn phương thức sống lưu vong). Yingluck tuyên bố: "Nếu nắm quyền thủ tướng, tôi xin khẳng định là bất kỳ một quyết định nào được đưa ra đều phải trên nền tảng của các quy tắc về tự do và công bằng". Yingluck tin đảng của bà sẽ không cho phép một ai, dù ở cương vị nào đi chăng nữa, được phép đặt lợi ích riêng trên lợi ích chung. Gần đây, tại một cuộc họp báo diễn ra ở Bangkok, bà thậm chí còn nói trắng ra là, nếu giành được ghế thủ tướng, bà sẽ không tìm cách báo thù đối với những đối thủ chính trị của gia đình bà. Những chính sách ưu việt của đảng Dân chủ vẫn sẽ được đảm bảo duy trì. Bà hứa sẽ hết mình để góp phần sửa chữa những "sai lầm, khuyết điểm" của "thế hệ trước". Bà cam kết tận dụng thế mạnh của một phụ nữ để mang lại sự hòa hợp dân tộc ở Thái Lan. 

Tất nhiên, dù anh em ông Thaksin có tuyên bố như đinh đóng cột vậy thì với những nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, họ vẫn bảo lưu ý kiến của mình. Một phát ngôn viên của đảng Bumjaithai - ông Supachai Jaisamut nói rằng, việc đảng Pheu Thai đề cử bà Yingluck vào chức vụ thủ tướng không hề làm ông ngạc nhiên. Trước đây, cựu Thủ tướng Thaksin cũng từng tìm mọi cách để đẩy bằng được em rể của mình là Somchai Wongsawat lên làm thủ tướng. Theo ông Supachai, sở dĩ ông Thaksin và đảng Pheu Thai phải chọn bà Yingluck là vì trên thực tế, đây đã là "con bài cuối cùng" trên tay họ: Ông Thaksin hiện không còn ai tin cậy hơn em gái mình để sử dụng vào việc này.

Phó Thủ tướng kiêm Tổng thư ký Đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban bình luận rằng, người dân Thái sẽ gặp nhiều khó khăn trong trường hợp bà Yingluck trở thành thủ tướng, bởi mỗi lần cần đưa ra một quyết định, bà sẽ phải chờ một cuộc tư vấn đường dài từ nước ngoài (ý nói phải trông chờ vào ý kiến của ông anh đang sống lưu vong). Như vậy, việc điều hành chính phủ của người phụ nữ này khó mà kịp thời, hiệu quả.

2. Khi kết quả phiên họp hôm 16/5 của đảng Pheu Thai được công bố, Thủ tướng Abhisit Vejjaji va đã gửi lời chúc mừng đến bà Yingluck. Về phần mình, nữ ứng cử viên này cũng đã gửi lời cảm tạ tới tất cả những người ủng hộ mình và cho biết, bà rất vinh dự được đề cử và sẵn sàng cho cuộc đua mà bà tin là sẽ rất quyết liệt diễn ra vào những tháng tới. Bà Yingluck tin tưởng những chính sách mới của đảng Pheu Thai sẽ đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân.

Hiện tại, theo hai cuộc thăm dò do Đại học Asumption và Suan Dusit Rajabhat tiến hành, số người ủng hộ đảng Pheu Thai cao hơn đảng Dân chủ 5 %. Tại Bangkok, một kết quả thăm dò cũng cho thấy, đảng Pheu Thai được 25, 8% số phiếu ủng hộ, trong khi đảng Dân chủ chỉ được 14,7%.  Phó chủ tịch đảng Pheu Thai - ông Kanawat Wasingsangworn cho biết đây là một kết quả rất khả quan. Ông bình luận: "Một nữ chính trị gia mới mẻ như Yingluck mà đã giành được sự ủng hộ cao ngay khi chiến dịch tranh cử mới bắt đầu là một điều hiếm thấy".

Một số nhà phân tích cho rằng, để đạt được những chiến thắng bất ngờ như vậy, có một lý do quan trọng là bà Yingluck đã rất biết cách tận dụng giới truyền thông để  tiếp thị hình ảnh của mình. Trong khi, Thủ tướng đương nhiệm Abhisit lại khá thuần phác, không "biến hóa" như nhiều chính trị gia khác. Bởi vậy, ông đã phần nào mất điểm khi giới truyền thông như đang lên cơn sốt trước gương mặt trẻ trung, xinh đẹp của nữ doanh nhân thành đạt Yingluck Shinawatra.

Bên cạnh đó, một số đòn tấn công nhằm vào bà Yingluck của Tổng thư ký đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban (như phê phán bà Yingluck giống anh trai mình, đến với chính trường chỉ để thu về những mối lợi làm ăn) lại tỏ ra kém hiệu quả, thậm chí gây hiệu ứng ngược. Một giảng viên của Trường đại học Chulalongkorn - bà Siripan Noksuan thậm chí còn cảnh báo: Nếu không khéo, đảng Dân chủ sẽ tự mình làm khó mình bởi những cáo buộc không thỏa đáng nhằm vào Yingluck. Điều ấy dễ dẫn tới việc dư luận sẽ thể hiện sự cảm thông của mình với Yingluck thông qua những lá phiếu.

Cuộc bầu cử diễn ra tại Thái Lan vào ngày 3 tháng 7 tới là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi quân đội nước này vô hiệu hóa được cuộc biểu tình của phe Áo đỏ ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin tại Bangkok hồi năm ngoái. Nếu giành được đa số ghế trong Quốc hội, nhiều khả năng Pheu Thai sẽ cô lập đối thủ là đảng Dân chủ với việc thành lập chính phủ liên hiệp, là điều mà đảng Dân chủ cũng đã từng áp dụng vào năm 2007.

Theo bình luận của tờ Bưu điện Bangkok, nếu bà Yingluck giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 7 đi kèm với việc ông Thaksin về nước thì tình trạng bất ổn của Thái Lan sẽ còn tiếp diễn...

Hoàng Ngọc Thọ
.
.