Nói thêm về mối liên hệ giữa nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Simonov

Thứ Tư, 20/01/2010, 10:30
Báo Văn nghệ Công an số ra ngày 17/8/2009 có đăng bài "Đôi điều về đổi mới, cách tân thơ hiện nay" của nhà thơ Trần Nhuận Minh, trong đó có đoạn nói về vị thế rất khiêm tốn của văn học Việt Nam đối với các bạn bè, đồng nghiệp trên thế giới:

"Năm 1972, tại trường Viết văn Trẻ khóa V của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội mà tôi là học viên, chính nhà thơ Tố Hữu đến giảng bài đã nói rằng, ông gặp nhà thơ Nga Xôviết Simonov và Simonov hoàn toàn không biết ông là ai. Cuối cùng, ông phải tự giới thiệu mình là người đã dịch bài thơ "Đợi anh về" của Simonov ra tiếng Việt".

Thú thật, ban đầu, đọc những dòng này, tôi không khỏi có những điều băn khoăn. Đành rằng, đối với các nhà văn nước ngoài, nhất là trong giai đoạn khó khăn trước đây, bởi nhiều lý do, họ không thật biết đến các sáng tác - kể cả là khá nổi tiếng trong nước - của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.

Tuy nhiên, Tố Hữu lại là một trường hợp đặc biệt. Từ cuối những năm năm mươi, thơ của ông từng được dịch và giới thiệu ở Liên Xô. Khi Simonov sang thăm Việt Nam (đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX), nhà thơ Tố Hữu đã giữ cương vị lớn, là Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách công tác Tuyên huấn.

Bởi vậy, việc ông và nhà thơ Simonov nếu có gặp nhau, hẳn không thể trong tình huống "tủi phận" như trên. Và rồi, sau một thời gian tra cứu, tìm hiểu, tôi đã có một ít tư liệu liên quan đến vấn đề này. Nay xin trao đổi với tác giả và qua đó, để bạn đọc hiểu thêm về tình cảm của Simonov đối với nhà thơ Tố Hữu nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Nói đến mối liên hệ giữa nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Nga Konstantin Simonov (1915-1979), hẳn nhiều người đã biết: Một trong những bài thơ Nga đầu tiên được dịch ra tiếng Việt là bài thơ "Đợi anh về" của Simonov và tác giả bản dịch này chính là Tố Hữu.

Trong hồi ký "Nhớ lại một thời" (NXB Hội Nhà văn, 2000), Tố Hữu cho biết: Ông dịch bài thơ nói trên vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi đơn vị mà ông tham gia "đầu quân" đang chuẩn bị đánh trận Phố Ràng. Bài thơ được dịch từ bản tiếng Pháp và ngay từ lúc mới ra đời, nó đã được anh em thích thú truyền tụng.

Đến bây giờ, sau hơn 60 năm tồn tại, mặc dù đã có những bản dịch bài thơ này từ nguyên bản tiếng Nga với độ chính xác về ngữ nghĩa cao hơn, song có thể khẳng định, bản dịch của Tố Hữu vẫn được xem là bản dịch thành công nhất. Sinh thời, Tố Hữu - người rất ít làm thơ tình - đã có lúc cao hứng xem  "Đợi anh về" là một trong những bài thơ tình hay nhất của đời mình.

Trở lại với việc có hay không chuyện khi Tố Hữu và Simonov lần đầu gặp nhau, Simonov không biết Tố Hữu là ai, đến độ Tố Hữu phải "tự giới thiệu mình là người đã dịch bài thơ "Đợi anh về" của Simonov ra tiếng Việt".

Chúng ta cần biết rằng, lần đầu Simonov sang thăm Việt Nam là vào cuối năm 1970, trong khi từ những năm 60, Tố Hữu đã là Bí thư Trung ương Đảng. Trong Hồi ký "Nhớ lại một thời", ông kể chuyến ông cùng đoàn đại biểu Đảng ta sang Liên Xô làm việc đầu năm 1964, ông còn được Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Khroutsev tiếp đón.

Thậm chí, trong buổi hội đàm, Khroutsev còn tỏ ra biết khá rõ về Tố Hữu với tư cách một nhà thơ. Huống hồ, khi Simonov sang thămViệt Nam, hẳn với vị trí của Tố Hữu thời ấy, ông phải được những cán bộ đối ngoại giới thiệu kỹ càng từ trước chứ.

Có đâu Tố Hữu lại phải "tự giới thiệu mình" theo kiểu học trò như thế? Chí ít, vị thế của một Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tuyên huấn chắc chắn không cho phép ông làm điều ấy.

Vậy sự thật thế nào? Có thể nói đến giờ, mặc dù cá nhân tôi chưa tìm được tư liệu nào nhắc đến cuộc gặp gỡ lần đầu giữa hai nhà thơ lớn nói trên (có thể đây là hạn chế của riêng tôi), song qua một số nguồn tài liệu, như tài liệu của Giáo sư Phạm Vĩnh Cư (bài "Konstantin Simonov - một nghệ sĩ lớn, một người bạn lớn", sách "Những kỷ niệm không dễ gì phai lạt", NXB Văn học, 1997) tôi được biết ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã quan tâm theo dõi tình hình Việt Nam: "Cũng như nhiều nhà văn Xôviết, ông đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ hai cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta… Cuối năm 1970, khi cuộc chiến đấu chống Mỹ của chúng ta bước vào giai đoạn đầy khó khăn gian khổ, ông đã dành một tháng để sang thăm miền Bắc nước ta. Mặc dù sức khỏe không tốt lắm, ông vẫn xin đi thăm khu 4 cũ, vào tới tận Quảng Bình - Vĩnh Linh".

Qua tìm hiểu một số tài liệu khác, tôi còn được biết, chính trong thời gian tìm hiểu cuộc sống, chiến đấu của người dân Việt Nam ở những địa bàn nóng bỏng, Simonov đã chứng kiến sức sống mãnh liệt của bài thơ "Đợi anh về" của mình qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu. Đó là lý do khiến ông xúc động viết bài thơ "Gửi đồng chí Tố Hữu" (bài thơ sau này được in trong tập "Việt Nam mùa đông năm 1970" của ông).

Bài thơ có đoạn: "Tôi biết thơ tôi nơi đây đang sống/ Trong bản dịch tuyệt vời của anh/ Và sẽ sống khi còn bao người vợ/ Đợi chờ chồng nơi chiến tuyến xa xôi". Và ông mong ước, đến một ngày, khi những người phụ nữ trẻ không còn phải gánh chịu cảnh đợi chờ như thời trận mạc, khi "Những người trong chiến trận trở về/ Ngày ấy đất cũng thanh bình trở lại/ Thì thơ tôi sẽ chết đi với tiếng thở dài êm ái/ Trong lời dịch tuyệt vời của anh". Chúng ta hiểu - đó chỉ là cách nói. Vì thực tế, sức sống của bài thơ đâu chỉ có gắn với thời điểm. Và bởi vì "chết" trong sự "tuyệt vời" ấy, có nghĩa là bài thơ sẽ còn sống mãi.

Vẫn theo Giáo sư Phạm Vĩnh Cư, trước khi sang Việt Nam, có đến 15 năm liền Simonov không làm thơ. Và chính cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam, chính tình cảm mà các nam thanh nữ tú của chúng ta dành cho bài thơ "Đợi anh về" của ông, chính hiệu quả mà bản dịch của Tố Hữu đem lại, đã khơi nguồn cảm hứng thi ca cho Simonov. Sau chuyến từ Việt Nam trở về, ông đã sáng tác được một số bài thơ gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả…

Tuấn Đạt
.
.