Nơi ký ức thăng hoa

Thứ Sáu, 20/03/2009, 11:00
Tôi bước vào căn phòng vừa là phòng khách vừa là xưởng vẽ của họa sĩ Hoàng Đình Tài. Khắp trên tường, dưới đất, chỗ nào cũng kín những bức sơn mài "im ắng, nặng nề". Lại thêm cái tủ chè cũ đầy ắp những lọ bình cổ, khiến tôi liên tưởng ông như một vị gia chủ đầy thâm trầm, nghiêm nghị...

Phá tan những suy đoán của tôi bằng tiếng cười sảng khoái, ông vui vẻ kể cho tôi nghe những chuyện đã qua của đời mình, những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên. Câu chuyện cứ mở ra như cách người họa sĩ tạo nên bức tranh sơn mài, từng lớp màu trầm ấm của gỗ, của đất, của nước, len qua vóc là những ánh vàng, ánh bạc, các hình hài như đang trở về, đang trỗi dậy, cuốn hút một cách dai dẳng.

Sinh ra tại làng cách mạng Xuân Cầu (Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên), nơi sản sinh ra hai vị tiền bối của nền văn nghệ Việt Nam đương đại là Nguyễn Công Hoan và Tô Ngọc Vân, nhưng Hoàng Đình Tài lại có tuổi thơ gắn bó với thành phố Hải Phòng. Ông sớm sinh hoạt trong Hội Văn nghệ Hải Phòng, tham gia vẽ tranh, làm áp-phích cổ động. Những ngày cả nước hướng ra tiền tuyến, ông đã tình nguyện nhập ngũ. Cùng đợt ấy còn có Nguyễn Khắc Phục, Thi Hoàng, Vũ Hữu Ái, những văn nghệ sĩ đất Cảng đầy nhiệt huyết.

Hoàng Đình Tài đã nhận công tác tại Binh trạm 8 (thành phố Vinh), và may mắn, cũng là cái duyên khi ông được cùng đơn vị với nhà thơ Phạm Tiến Duật. Hai người trở nên thân thiết khi cùng nhau qua Bộ Tư lệnh 500, rồi lại cùng chuyển về Bộ Tư lệnh 559. Hai ông đã lăn lộn khắp các tuyến đường 20 để sáng tác, đi theo các đơn vị thanh niên xung phong, bộ đội mở đường, lấp hố bom, trực chốt. Phạm Tiến Duật khoác máy ảnh, súng, gạo, còn Hoàng Đình Tài thì cắp cặp vẽ cùng nhau rong ruổi khắp các rừng thẳm, những trọng điểm lở loét bom thù, những con đường vận tải như ruột thú cào xé. Khi thì trên đỉnh Aki vừa vẽ vừa chạy máy bay địch, khi thì khẽ khàng nhón chân qua bãi bom bi lăn lóc trên đường tới Tale Phutanhic.

Trên đỉnh núi Tale, Hoàng Đình Tài đã vẽ một bức ký họa đẹp, ghi lại phút thi hứng của nhà thơ: Phạm Tiến Duật đang ngồi làm thơ trên mỏm đá, bên hông là chiếc máy ảnh Kiev, tóc bay lòa xòa và con mắt như xa mờ. Bức ký họa này, Hoàng Đình Tài có ý giữ riêng cho bản thân, nhưng 30 năm sau, ông đem tặng thi sĩ như một món quà đầy yêu thương.

Thời gian ấy, Hoàng Đình Tài vẽ với tất cả tình yêu vụng về của tuổi trẻ: Từ những con đường, dòng suối, căn hầm tới khuôn mặt bạn bè trẻ trung lúc vào trận. Ông vẽ hang đá, vẽ chiếc cầu treo lung lay vắt qua vực thẳm, vẽ em gái Việt kiều ở Campuchia xinh tươi may áo cho chiến sĩ, vẽ người dân Lào Thưng dời làng mở đường. Có những bức thật sống động, như bức "Ngủ ngày" vẽ về những chiến sĩ công binh ngủ trong hang đá. Họ ngủ miên man nhưng trên mỗi khuôn mặt vẫn ánh lên vẻ hồn nhiên tươi sáng của tuổi trẻ...

Tranh của Hoàng Đình Tài được "triển lãm" ngay trong hang đá, trên cổng trời, giữa vùng cây cháy ngổn ngang, dọc đường giao liên hay đơn giản là hai cánh tay giơ cao bên đường quân đi. Do thiếu mực, thiếu giấy, nhiều khi ông vẽ cả lên giấy lót hòm mìn công binh, bạt xe cháy sót, vẽ bằng cả que chấm mực, bằng nhựa cậy và đất núi Xê Công, Tha Mé, những địa danh bất tử của chiến trường. Nhiều bức như "Lòng dân A Lắc", "Giữa hai trận đánh", "Trọng điểm Văng Mu", "Bản mới giải phóng" vẽ rất công phu, được cán bộ chiến sĩ rất tán thưởng.

"Kiếp người" - tranh sơn mài của hoạ sĩ Hoàng Đình Tài được Giải thưởng nhà nước năm 2007.

Năm 1970-1972, Hoàng Đình Tài ra miền Bắc công tác. Những bức họa từ mặt trận của ông được dịp quảng bá. Lúc này cái tên Hoàng Tài Vị đã trở nên quen thuộc trên các báo Nhân dân, Tổ quốc, Thống Nhất, Quân đội Nhân dân, Văn nghệ... Bút danh này được Hoàng Đình Tài chọn như cách nhớ về người mẹ tần tảo nơi quê nhà, bà Tô Thị Vị.

Tháng 1 năm 1972, do những hoạt động mỹ thuật ở chiến trường, Hoàng Đình Tài được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, khi ấy ông mới 25 tuổi. Ông Huỳnh Văn Gấm, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ nói, đây là họa sĩ trẻ nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam, mà lại không qua trường lớp nào. Cùng năm ấy, Hoàng Đình Tài còn được tham dự trại sáng tác ở Hà Nội. Đây là cơ hội ngàn vàng để ông gặp gỡ với những danh họa như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng... Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung - Phó giám đốc trại, đã phát hiện ra Hoàng Đình Tài, ông chỉ ra cái mạnh, cái yếu của họa sĩ trẻ. Ông từng xúc động khi nhìn những nét bút của Tài: "Ký họa của cậu có lửa và có cả ngọc nữa". Đây là một phần thưởng lớn cho người họa sĩ mới ở rừng ra còn nhiều bỡ ngỡ.

Ba tháng ở trại với sự hướng dẫn của các họa sĩ bậc thầy, Hoàng Đình Tài cảm thấy những năm vẽ một cách "bản năng" ở chiến trường giờ mới được khơi mở, thoát khỏi lối vẽ trực tiếp để có thể xây dựng những tác phẩm lớn, có những hư cấu, cách điệu.

Những năm học tại Trường Mỹ thuật Hà Nội (1974-1979), Hoàng Đình Tài lại có cơ hội gần gũi với các danh họa như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên... Nhiều phác thảo của ông được các danh họa góp ý. Dường như cái dáng vẻ bộ đội xanh xao, gầy gò và hơn cả là tấm lòng chân thật của Hoàng Đình Tài lại càng khiến các bậc tiền bối thêm cảm động, thêm yêu và hết lòng chăm sóc, hướng dẫn ông.

Có người nói Hoàng Đình Tài ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những người thầy này, đặc biệt trong cách tạo hình có hơi hướng của Nguyễn Sáng. Ông không phủ nhận điều này vì cho rằng đó là cái tất yếu của những thân phận, khi sinh ra đều đã thấy trên đầu mình những cái bóng đại thụ. Không chỉ ảnh hưởng bởi phương pháp tạo hình, Hoàng Đình Tài còn bị Nguyễn Sáng mê dụ bởi cách sống, bởi cái sáng trọng vốn có trong nghệ thuật của ông.

Với Hoàng Đình Tài, Nguyễn Sáng là người họa sĩ của đời sống, ông đã kết hợp được cái hào sảng đậm chất Nam Bộ với cái sâu xa, thâm thúy rất Bắc Kỳ. Cách tạo hình thô mộc, chắt lọc, nét bút to khỏe đậm đà và một cách nhìn phi thời gian. Ông còn nhớ rõ những lời khuyên chân thành của Nguyễn Sáng, như lần đầu mang tranh đến hỏi họa sĩ, chỉ cần thấy vết xước đằng sau tranh, Nguyễn Sáng đã dạy cho ông về cách trân trọng mỗi tác phẩm.

Hay như lần Hoàng Đình Tài sử dụng chất liệu thiếc thay cho bạc trong một bức sơn mài, đã bị họa sĩ phát hiện ra ngay, ông chân thành nói: "Nếu em ít tiền thì nên vẽ bột màu, chứ đừng đi theo sơn mài. Đã đi theo chất liệu nào thì phải đáp ứng đầy đủ, chứ đừng vì ít tiền mà thay thế như vậy". Đây là một lời khuyên mà Hoàng Đình Tài nhớ mãi. Ông như học được cái chất sang trọng ở bậc thầy này, một thế giới thần tiên, trong trẻo. Cũng đã không ít lần Nguyễn Sáng bảo ông xóa bức này bức khác, một sự góp ý chân thành, yêu quý nhau, nhưng cũng có lần Hoàng Đình Tài được ông khen: "Tranh của em đã có con mắt nhìn của người Việt Nam". Sự gần gũi giúp Hoàng Đình Tài hiểu hơn về một con người có dáng vóc cao lớn,  vẻ mặt dữ nhưng lại đầy yếu đuối, đau thương. Trong từng câu chuyện, từng lời chỉ bảo, ông như cảm nhận nỗi khát khao yêu thương, nỗi buồn nhớ quê, nhớ mẹ của bậc đàn anh.

Nguyễn Tư Nghiêm, một họa sĩ luôn sống ẩn mình cũng nhận ra cái nhiệt tình và hóm hỉnh ở Hoàng Đình Tài. Ông đối với Hoàng Đình Tài như một người em chân thành, một người bạn thường xuyên to nhỏ chuyện trò. Đã nhiều lần hai người thuê chung một người mẫu để vẽ, nhưng ông Nghiêm đều giành phần trả tiền. Trong một lần ăn cơm rang với lạc muối, Hoàng Đình Tài cũng được ông Nghiêm kể cho về các chất dinh dưỡng trong lạc, phong phú và đầy đủ như đang ăn một bữa tiệc. Chỉ thế thôi mà Hoàng Đình Tài cứ nhớ mãi, ấn tượng mãi về một người trong gian khổ vẫn lạc quan sống, vẫn tìm ra được sự thăng hoa trong tinh thần.

Sau mười năm làm việc tại Công ty Mỹ thuật trung ương (1980-1990), Hoàng Đình Tài trở về làm một họa sĩ tự do. Tác phẩm như nhiều hơn, đề tài cũng phong phú hơn. Không bị chìm đắm trong mảng đề tài chiến trường như nhiều người, ông quay về với những sắc màu dân gian, văn hóa đình làng hay những ký ức về tuổi thơ. Các tác phẩm "Khát vọng", "Nhảy múa", "Đất bazan", "Trẻ em đến trường", "Miền quan họ", "Nhạc rock"... mở ra những không gian mơ hồ đầy cảm xúc của người nghệ sĩ. Sau bao nhiêu bồi đắp và mài rửa, Hoàng Đình Tài đã tìm ra thứ màu riêng cho mình, không giống với ai đã vẽ chất liệu này.

Với 3 triển lãm cá nhân, cùng Giải thưởng Nhà nước (2007) - đó là những dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời người họa sĩ hết lòng vì nghệ thuật. Ở tuổi 60, Hoàng Đình Tài như đang kiểm lại hành trang đời mình. Trước mắt, ông còn nhiều dự định cho một cuộc triển lãm mới về Trường Sơn hay lập  một bảo tàng của riêng mình...

Tường Hương
.
.