Nở rộ những chương trình giải trí hướng tới cộng đồng LGBT

Thứ Năm, 15/11/2018, 13:39
Thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều chương trình giải trí nói về những người thuộc cộng đồng LGBT (les - đồng tính nữ; gay - đồng tính nam; bi - song tính; transgender - chuyển giới). Đầu tiên là những chương trình được đưa lên Youtube, sau đó, một vài chương trình truyền hình cũng đã “nhắm” đến đối tượng này.


Không ít người đặt câu hỏi, mục đích của các chương trình là để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về những người thuộc giới tính thứ ba hay đơn giản là giới tính thứ ba đang trở thành “mồi câu” cho các nhà sản xuất?

“Từ thế giới ảo” lên gameshow truyền hình

Phải thừa nhận rằng, kể từ khi Hương Giang Idol giành vương miện Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018, công chúng ngày càng có cái nhìn cởi mở hơn về cộng đồng LGBT. Dù thuộc giới tính nào nhưng nếu có tài năng, ước mơ và lòng dũng cảm vượt qua mọi thách thức, rào cản để thực hiện ước mơ đó thì đều đáng trân trọng.

Hương Giang trở thành hình mẫu của nhiều bạn trẻ, dám ước mơ và hiện thực hóa ước mơ. Với danh hiệu Hoa hậu chuyển giới, Hương Giang xuất hiện ngày càng nhiều trên các chương trình có liên quan đến cộng đồng giới tính thứ ba cả trên mạng cũng như trên truyền hình.

Gần đây nhất, Hương Giang Idol “ngồi ghế nóng” của chương trình có tên gọi “The Tiffanys Viet Nam” nhằm tìm kiếm ứng viên tham dự cuộc thi “Hoa hậu chuyển giới quốc tế” 2019 - cuộc thi mà Hương Giang là đương kim Hoa hậu. Được biết, số lượng thí sinh đăng ký tham gia “The Tiffanys Viet Nam” với giấc mơ mang tên “Hương Giang Idol” khá đông đảo. “The Tiffanys Viet Nam” sẽ được sản xuất dưới dạng truyền hình thực tế phát sóng đều đặn trên Youtbe trong thời gian tới đây.

Hiện Hương Giang Idol cũng là MC của chương trình nói về cộng đồng LGBT có tên gọi “Just Love” do Viva Network sản xuất, phát sóng trên Youtube từ 20/7/2018. Hương Giang cùng các khách mời của chương trình bao gồm chuyên gia tâm lý, phụ huynh có con em thuộc cộng động LGBT cũng như những người trong cuộc cùng bàn luận, “mổ xẻ” nhiều vấn đề như quá trình khẳng định bản thân, tình trạng bạo hành, sự kỳ thị của xã hội… của người thuộc giới tính thứ ba.

Khá đông thí sinh đăng ký tham dự chương trình “The Tiffanys Viet Nam” nhằm tìm kiếm ứng viên tham dự cuộc thi “Hoa hậu chuyển giới cuộc tế” 2019.

Nhà sản xuất MCV Media mới giới thiệu chương trình “Come out - Bước ra ánh sáng” phát sóng trên mạng Internet vào 8 giờ sáng thứ hai hằng tuần. Những khách mời tham gia chương trình sẽ chia sẻ những câu chuyện của chính mình trong quá trình bộc lộ bản thân với gia đình, người thân cũng như hành trình tìm kiếm tình yêu đích thực của mình.

Không chỉ là những chương trình trên mạng, các chương trình truyền hình cũng bắt đầu mở rộng đối tượng người chơi đến cộng đồng LGBT. Chương trình “Người ấy là ai” lên sóng HTV2 là một ví dụ. Được biết chương trình mua bản quyền từ Thái Lan với format rất mới mẻ.

Trong mỗi tập, một nữ chính độc thân tham gia chương trình sẽ có sự trợ giúp của một số nghệ sỹ khách mời để tìm người hẹn hò từ 5 chàng trai ứng viên. Điều đặc biệt là, 5 chàng trai này sẽ được chia làm ba nhóm: độc thân, đã có chủ và giới tính thứ ba. Người chơi và khách mời là những nghệ sỹ sẽ phải phán đoán, xác định xem các chàng trai thuộc nhóm nào để đưa ra quyết định loại dần từng người qua mỗi phần thi.

Trong tập 2 chương trình “Người ấy là ai” lên sóng hôm 9/11 vừa qua, sau hai vòng thi, ứng viên thuộc giới tính thứ ba là Nguyên Anh đã “lộ diện”. Khi phải dừng cuộc chơi, Nguyên Anh đã nói rằng, “Em luôn tự hào mình là người giới tính thứ 3”. Hương Giang Idol và các nghệ sĩ khách mời tham gia chương trình bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ Nguyên Anh. Chàng trai này còn khiến cả khán phòng vỡ òa khi nắm tay người yêu Khang Lê lên sân khấu và kể về câu chuyện tình của họ trong suốt 6 năm qua.

Tương tự như vậy, những gameshow như “Bạn muốn hẹn hò” (HTV7) cũng cho biết mong muốn mở rộng đối tượng tham gia cho cả cộng đồng LGBT. Sự việc hai thí sinh của chương trình “Anh chàng độc thân - The Bachelor Việt Nam” là Trúc Như và Minh Thư công khai tình cảm trên sóng truyền hình “gây bão” với giới báo chí trong nước và quốc tế. Trong tập 5, phát sóng hồi cuối tháng 9/2018, Minh Thư đã không được nam chính của chương trình là Quốc Trung lựa chọn đi tiếp.

Cô gái này chia sẻ rằng, cô tham gia “Anh chàng độc thân” để tìm kiếm một tình yêu và đã tìm được nhưng đó không phải là Quốc Trung mà là Trúc Như. Lần đầu tiên trong lịch sử chương trình “The Bachelor” trên thế giới, hai thí sinh nữ có tình cảm với nhau và cùng rời khỏi chương trình. Được biết, hiện hai cô gái đã dọn về sống chung và được gia đình chấp thuận.

Phân tích, dẫn chứng như trên để thấy rằng, chương trình hướng đến cộng đồng LGBT hoặc có đối tượng người chơi mang giới tính thứ ba xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông. Điều đó cho thấy, xã hội đang có cái nhìn khác, gần gũi hơn với cộng đồng LGBT.

Đừng để trở thành “mồi câu” cho các chương trình

Với phần lớn khán giả, cộng đồng LGBT với những gam màu sáng tối trong cuộc sống của họ luôn gây tò mò. Với các chương trình giải trí khác, nhất là hài kịch, hình ảnh người đồng tính thường được sử dụng với mục đích gây cười, đôi khi rất phản cảm. Người đồng tính thường được xây dựng với điệu bộ ẻo lả, trang điểm, ăn mặc lố lăng, kệch cỡm. Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khán giả có cái nhìn thiếu chuẩn xác về cộng đồng LGBT.

Ở góc độ truyền thông, các chương trình truyền hình, talk show, gameshow dành cho cộng đồng thế giới thứ ba giống như cầu nối đưa họ đến gần hơn với cộng đồng. Các chương trình giúp khán giả có cái nhìn chân thực, sâu sắc hơn về cuộc sống, sự khó khăn, vất vả mà những người thuộc cộng đồng LGBT đã phải trải qua. Đây là nền tảng vô cùng quan trọng để góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về cộng đồng thế giới thứ ba, qua đó xóa bỏ sự kỳ thị với cộng đồng này.

Chương trình “Just Love” đã phát sóng được gần 20 tập trên Youtube. Mỗi tập là một chủ đề khác nhau như “Hiểu thế nào về LGBT”, “Đồng tính có phải là bệnh”, “Hành vi tạo nên hình ảnh”, “Chuyện về hành trình chuyển giới”, “Chuyển giới có phải dễ dàng, người chuyển giới hụt hẫng trong tình yêu vì định kiến xã hội”… “Come out” cũng đã mang đến cho khán giả tiếng cười và cả câu chuyện đầy nước mắt trong cuộc hành trình được sống thật với chính mình của các nhân vật khách mời.

Sự xuất hiện của các talkshow trên mạng, với sự dẫn dắt của những người nổi tiếng trong cộng đồng LGBT là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, vì sao những chương trình giải trí trên truyền hình lại xuất hiện trào lưu hướng đến đối tượng những người thuộc cộng đồng LGBT? Phải chăng, các chương trình truyền hình đang bão hòa và để “câu” khán giả, nhà sản xuất buộc phải khai thác những khía cạnh mới về người chơi. Nhận định này không phải không có cơ sở.

Các gameshow tìm kiếm tài năng, nhạc bolero, về gia đình, các lĩnh vực trong cuộc sống, hài kịch, hẹn hò… ngày càng giảm nhiệt rõ rệt. Cuộc cạnh tranh giành “miếng bánh” thị trường ngày càng trở nên khốc liệt. Không tìm được nhân tố mới coi như thua cuộc. Chính vì vậy, đối tượng LGBT được “nhắm” tới hẳn cũng là điều không khó lý giải.

Nhà sản xuất chương trình “Người ấy là ai” cho biết, mục đích của chương trình là truyền đi thông điệp rằng, trong tình yêu, mọi giới tính đều bình đẳng. Mong rằng đó là động lực xuyên suốt để “Người ấy là ai” cũng như chương trình có đối tượng người chơi tương tự đi đường dài. Thật đáng tiếc nếu những người thuộc giới tính thứ ba và sự tổn thương trong họ lại được sử dụng như một quân bài để tạo lợi thế cạnh tranh của nhà sản xuất.

Đừng để những người thuộc giới tính trở thành “mồi câu” cho các chương trình như cách mà các nhà sản xuất đã từng dùng chiêu trò, đời tư của thí sinh, nghệ sĩ để để thu hút khán giả như thời gian vừa qua. Cũng phải nói thêm rằng, riêng với truyền hình, đối tượng khán giả xem đa dạng, trong đó có cả người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Sự xuất hiện của cộng đồng LGBT trên truyền hình chưa hẳn đã tạo được sự đồng thuận lớn từ khán giả. Như vậy, cũng đồng nghĩa rằng, nếu dùng chiêu trò này để “câu like”, có khi lại phản tác dụng.

Tường Phạm
.
.