Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV-2019

Nỗ lực làm mới sân khấu Việt

Thứ Năm, 17/10/2019, 08:22
Từ ngày 4 đến 13-10 vừa qua, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV-2019 đã diễn ra tại Hà Nội với sự trình diễn của 21 tác phẩm, trong đó có 7 tác phẩm của 7 đoàn quốc tế và 14 tác phẩm đến từ các đoàn nghệ thuật Việt Nam.


Kết thúc kỳ liên hoan, những tác phẩm và những cá nhân nghệ sĩ xuất sắc nhất đã được vinh danh. Bên cạnh những bài học kinh nghiệm quý giá mà các đoàn nghệ thuật nước bạn đem đến, kỳ Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV-2019 đã ghi nhận những nỗ lực đáng kể trong việc làm mới nghệ thuật sân khấu nước nhà...

Sân khấu Hà Nội sôi động sáng đèn

Sự góp mặt của 7 đoàn quốc tế tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV-2019 đó là các đại diện của: Trung Quốc với "Câu chuyện về bức tranh cổ" (Tale of ân Ancicient Painting); Singapore với "Ngôi đền quỷ ám" (The haunted temple); Israel với "Bporlar"; Hàn Quốc với "Hai vạn dặm dưới đáy biển" (20.000 Leagues Under the Sea), Hungary với "Tháng Tám" (August), Hy Lạp với "Cánh đồng đẫm máu" (Bloody Fields), Ấn Độ với "Macbeth Mirror".

Bởi vì diễn ra trên "sân nhà", nên các đoàn nghệ thuật của Việt Nam đã tham gia với số lượng áp đảo: 14/21 vở diễn. Ngoài các đơn vị sân khấu công lập như Nhà hát Tuổi trẻ với "Cậu Vanya", Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam với "Ngàn năm mây trắng", Nhà hát Chèo Quân đội với "Câu Kiều ru một đời người", Nhà hát Kịch nói Quân đội với "Nỗi u sầu", Nhà hát Kịch Việt Nam với "Sự sống", Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai với "Niềm khát", liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm nay còn có sự tham gia của các đơn vị sân khấu xã hội hóa như Sân khấu Lệ Ngọc với "Huyền thoại gò Rồng Ấp", nhóm LucTeam với "Nữ ca sĩ hói đầu", Trung tâm Sân khấu và phát triển với "Hai mươi", Sân khấu thử nghiệm - Nhà hát Thế giới trẻ - Sân khấu Sen Việt với "Nhật thực" và "Dưới cát là nước" của Nhà hát Thế giới trẻ - Đại học Sân khấu & Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức trao 4 Huy chương Vàng cho vở diễn, trong đó có 3 vở của Việt Nam.

Kỳ liên hoan năm nay cũng lần đầu tiên  đánh dấu sự tham gia của loại hình Xiếc với sự tham gia của Liên đoàn xiếc Việt Nam với màn trình diễn "Hà Nội của những giấc mơ". Bên cạnh đó, sự tham gia của 2 vở rối "Thân phận nàng Kiều" của Nhà hát Múa rối Việt Nam và "Mơ rồng" của Nhà hát Múa rối Thăng Long đã đem đến cho khán giả trong nước và các bạn đồng nghiệp quốc tế có mặt tham gia kỳ liên hoan này những trải nghiệm thú vị, mới mẻ của nghệ thuật trình diễn.

Sau 10 ngày diễn ra liên hoan, trừ những ngày có các cuộc họp của Ban tổ chức, Ban giám khảo, các workshop, thì sân khấu Hà Nội trong những ngày vừa qua đã thực sự có những ngày sôi động với trung bình 3 suất diễn (sáng, chiều, tối).

Theo ghi nhận của phóng viên, cuộc thử nghiệm lần này đã diễn ra sôi nổi, nghiêm túc với nhiều tìm tòi, khám phá táo bạo. Nhờ thế, khán giả Thủ đô yêu sân khấu cũng như các nghệ sĩ làm nghề đã có nhiều cơ hội thưởng thức, trải nghiệm với nhiều vở diễn sân khấu thuộc các loại hình khác nhau.

Đúng như tiêu chí cuộc liên hoan, đã gọi là thử nghiệm thì có nghĩa nó là cái gì đó mới mẻ, cái mới ấy có thể sẽ được chấp nhận, được hoan nghênh, nhưng cũng có thể vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là những phản ứng khá gay gắt như trường hợp của "Huyền thoại gò Rồng Ấp" của Sân khấu Lệ Ngọc.

Tức là, sự thử nghiệm ấy có thể là một thành công nhưng cũng có thể là một thất bại, nhưng quả thực "không thử sao biết", bởi thế mà nghệ thuật cũng luôn cần có những "phép thử" để vận động, đổi mới.

NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo liên hoan đã thẳng thắn chia sẻ: "Thử nghiệm luôn luôn là công việc của tác giả và đạo diễn. Tác giả cung cấp chất liệu cho thử nghiệm bằng các yếu tố mới lạ của câu chuyện và đạo diễn là người đưa nó lên sàn diễn, vật chất hóa các ý tưởng trừu tượng thông qua tài năng biểu diễn của diễn viên.

Điều này đã thấy trong liên hoan qua diễn xuất của "Cậu Vanya", "Sự sống" do đạo diễn người Nhật dàn dựng. Nếu Cậu "Vanya" của Nhà hát Tuổi trẻ là một thử nghiệm thành công về sân khấu thể nghiệm Tchekhop thì "Sự sống" là một thành công về "không gian rỗng" của Nhà hát Kịch Việt Nam". NSND Trần Minh Ngọc cũng cho biết thêm, so với các liên hoan trước, diễn xuất của diễn viên có nhiều tiến bộ.

Qua các tác phẩm có thể thấy rõ tính chất chân thực trong lực diễn đầy cảm xúc như trong "Macbeth Mirror", tính hiện đại trong hình thể và tiết tấu, nhịp điệu như trong vở "Sự sống", "Cánh đồng đẫm máu". Đặc biệt, sự mới mẻ trong "Nữ ca sĩ hói đầu", "Thân phận nàng Kiều", "Sự sống"... đã gây sự chú ý, thích thú và phấn khích cho khán giả là đồng nghiệp quốc tế, khán giả Hà Nội cũng như Ban giám khảo.

Những nỗ lực làm mới của sân khấu Việt

Tại lễ bế mạc diễn ra tối 13-10, Ban tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho 4 vở diễn gồm: "Thân phận nàng Kiều" của Nhà hát Múa rối Việt Nam, "Sự sống" của Nhà hát Kịch Việt Nam, "Cậu Vanya" của Nhà hát Tuổi trẻ và "Bpolar" Đoàn nghệ thuật Ayit (Israel). Các Huy chương Bạc đã thuộc về các vở diễn: "Cánh đồng đẫm máu" (Hy Lạp), "Macbeth Mirror" (Ấn Độ), "Câu chuyện về bức tranh cổ" (Trung Quốc), "Dưới cát là nước" (Nhà hát Thế giới trẻ - Đại học Sân khấu & Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh).

Đồng thời, Ban tổ chức cũng trao nhiều Huy chương Vàng, Bạc cho các  nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc trong kỳ liên hoan này như một sự ghi nhận những nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi của họ. Riêng vở rối "Thân phận nàng Kiều" được coi như đã đạt kỳ tích khi lãnh tới 4 giải thưởng lớn: Bên cạnh Huy chương Vàng cho vở diễn, Ban tổ chức đã trao giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" NSND Nguyễn Tiến Dũng; giải thưởng "Họa sĩ tạo hình xuất sắc nhất" được trao cho họa sĩ Lê Đình Nguyên; 2 diễn viên Lan Hương và Thu Phương được trao giải Vàng cho vai diễn Thúy Kiều và diễn viên Quang Hợp được trao giải Bạc cho vai diễn Từ Hải. Qua đó có thể thấy, những nỗ lực làm mới, bứt phá trong nghệ thuật múa rối nói riêng và nghệ thuật trình diễn trên - sân khấu nói chung đã có những bước tiến rõ rệt và đã được ghi nhận đúng mức.

Vở rối "Thân phận nàng Kiều" nhận được nhiều hiệu ứng tích cực từ khán giả và cũng đạt nhiều giải thưởng xuất sắc nhất.

Bên cạnh những "điểm sáng" của liên hoan, thì qua các vở diễn của Việt Nam tham dự, NSND Trần Minh Ngọc - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo liên hoan đã bày tỏ sự lo lắng: "Về đạo diễn sân khấu, Việt Nam còn thiếu và yếu, qua liên hoan cần có một phương cách bù đắp lỗ hổng này.

Một số vở diễn của Việt Nam chưa có được những tìm tòi mới, chúng ta chỉ quen một cách kể một nội dung, một sự kiện trong khi chúng ta cần có nhiều cách để kể một nội dung và thiếu yếu tố mới lạ trong sáng tác, đạo diễn.

Sân khấu Việt Nam đang cần ra khỏi lối mòn trong cách kể chuyện, liên hoan sân khấu thử nghiệm lần này cho ta một kinh nghiệm hợp tác, giao lưu với các đại diễn nước ngoài có sức trẻ. Trường hợp của "Cậu Vanya" của Nhà hát Tuổi trẻ và "Sự sống" của Nhà hát Kịch Việt Nam là một ví dụ tích cực về sự hợp tác tuyệt vời này...".

Từ năm 2016, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm sẽ được diễn ra tại Việt Nam với chu kỳ 3 năm/ lần. Đây quả là một nỗ lực lớn đối với một hội nghề nghiệp, bởi vì công tác tổ chức, đón tiếp đại biểu, diễn viên, kỹ thuật phục vụ cho các vở diễn cũng như công tác để các vở diễn của các bạn quốc tế được tiếp cận với khán giả Việt Nam còn nhiều khó khăn, lúng túng. Tuy nhiên, nói một cách lạc quan như NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo liên hoan thì: "Qua những trải nghiệm, chúng ta đã nhận lại cho mình những quan niệm, những cách lý giải mới đầy sáng tạo được xây dựng từ tư duy thử nghiệm để vươn tới tính tiên phong, để đưa sân khấu phát triển...".

Xin được khép lại bài viết này bằng ý kiến của đạo diễn Lê Quý Dương - đồng thời là đạo diễn vở "Mơ rồng" của Nhà hát Múa rối Thăng Long: "Một vở diễn dù có thử nghiệm hay không thử nghiệm thì mục đích cuối cùng vẫn luôn hướng tới khán giả!". Điều đạo diễn Lê Quý Dương nói còn có thêm một nghĩa là, muốn có khán giả thì phải thử nghiệm cái mới và thử nghiệm cái mới cũng là vì khán giả.

Điều này thực sự là vô cùng cần thiết đối với một nền sân khấu đang được xem là rất nhiều cũ kỹ, lối mòn, "làm ăn khoán" như hiện nay. May thay, những nỗ lực đổi mới, thử nghiệm của một số sân khấu tư nhân như Luc Team, Sân khấu Lệ Ngọc, Nhà hát Thế giới trẻ - Đại học Sân khấu & Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh hay Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã và đang đem đến cho nền sân khấu Việt những tín hiệu vui, mà người ta hay thuận miệng gọi là "một làn gió mới"...

Nguyệt Hà
.
.