Những viên kẹo hò reo

Thứ Hai, 19/06/2017, 08:29
Hễ lúc nào nghe tiếng trống tùng tùng báo đến giờ ra chơi, bọn trẻ trâu chúng tôi bung bật như lò xo, chạy nhanh ra mua kẹo. Bọn trẻ túm tụm xum xuê trước cửa nhà ông Tòng. Ới ông Tòng ơi! Cho chúng cháu... Biết rồi. Chờ đấy! 

Hồi xưa, cách nay trên sáu chục năm, ở ngay sát mép bờ rào trường cấp I thị trấn Trùng Khánh có nhà ông Tòng chuyên làm kẹo để bán cho đám học trò lau nhau. Tuy gọi là học trò trường huyện, nhưng đứa nào cũng hôi rình chua lòm như con lửng. Đứa nào cũng quần chàm áo nâu chân đất nhếch nhác. Có đứa con gái còn đái dầm trong lớp mà không biết xấu hổ. Nhưng nói đến kẹo thì khắp lượt, đứa nào cũng mắt sáng rực lên, chỉ chực nuốt chửng. 

Ông Tòng làm đủ các mặt hàng chuyên về kẹo. Này là kẹo bột màu nâu non. Kia là kẹo bi màu đen tuyền và bóng như hạt nhãn. Kìa là kẹo kéo màu lòng trắng trứng. Đó còn là kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, kẹo bông, kẹo dẻo.... Từng loại kẹo đóng trong các lọ thủy tinh mờ đục. Kẹo như biết cười long lanh trong nắng sớm. Kẹo bày la liệt trên kệ gỗ thông ngả nghiêng, chúng đon đả chào mời khách. Hấp dẫn quá. Trời ơi là trời.

Hễ lúc nào nghe tiếng trống tùng tùng báo đến giờ ra chơi, bọn trẻ trâu chúng tôi bung bật như lò xo, chạy nhanh ra mua kẹo. Bọn trẻ túm tụm xum xuê trước cửa nhà ông Tòng. Ới ông Tòng ơi! Cho chúng cháu... Biết rồi. Chờ đấy!

Nghệ nhân đang làm kẹo kéo.

Những tờ tiền năm xu một hào quăn như vỏ bào, nhao nhao chìa ra. Quả thật, trông thấy tiền mà tội cho người. Tờ nào cũng cáu bẩn mùi mồ hôi, mùi nước đái, mùi cay đắng. Đồng tiền nhọc nhằn đi từ tay người này sang tay người khác.

Tôi còn nhớ tờ hai xu có màu tím nhạt, mặt trước có hình quốc huy, mặt sau có hình hoa văn. Tờ năm xu có màu xanh tím. Mặt trước có chữ năm xu và hình quốc huy, mặt sau hình hoa văn. Tờ một hào có màu hồng nhạt. Mặt trước có hình quốc huy, mặt sau có hình tàu hỏa đang chạy đang chạy. Tờ hai hào có màu xanh lá đậm. Mặt trước có hình quốc huy, mặt sau có em bé chăn trâu bên đập Bái Thượng. Tờ năm hào có màu xanh hồng nhạt. Mặt trước có hình có hình quốc huy,  mặt sau có hình nhà máy dệt Nam Định…

Đứa mua được trước thì tách riêng ra đứng nhai nhóp nhép một mình. Thằng không tiền thì nhăn nhở cười cười "Mày cho tao xin viên mới". Mấy túm trẻ con cả trai lẫn gái đứng ra thành từng búi một. Búi nọ cách búi kia chừng nửa sải tay. Lúc này, nhìn lũ nhóc từ tóc đến gót chân, đứa nào cũng ngọt lừ.

 Khi ấy, tôi hay được thằng Thành con ông Tòng cho kẹo. Sao mày cho tao nhiều thế. Ăn đi. Ở lớp, tao thích mỗi mày… vì mày có con ngựa. À. Thì ra thế. Nhờ có con ngựa ki còi kia mà tớ được ưu tiên. Lúc nào mày cho tao cưỡi thử nhé. Được thôi… Nhưng nó toàn cóp cho tôi nhõn một loại kẹo bi thôi. Tôi chỉ thích kẹo dồi với kẹo lạc.

Còn kẹo bi viên nào cũng đen trùi trũi. Viên nào cũng tròn đều và cứng như bi. Kẹo này dùng để ngậm chứ không nhai được. Nó là bi, nên cứ lăn qua lăn lại trong khoang miệng. Vừa lăn nó vừa ngọt. Khi đã ngậm kẹo bi, là không có nói được lời nào. Tiếng cứ ngắc nga ngắc ngứ, không chảy ra thành sợi. Thậm chí có hôm, nó còn rủ tôi vào tận hóng bếp nhà nó xem bố Tòng nấu kẹo.

Thoạt đầu, tôi thấy ông đổ ba gáo nước lã vào lòng chảo gang, rồi nhẹ nhàng đặt tiếp ba thanh đường phên đỏ au xuống đó. Xong xuôi ông se sẽ ngồi khóng khò chụm bếp. Ngọn lửa uể oải nhoài người ra như đang lấy hơi hít thở. Rồi nó lười biếng bén vào củi nòm và bắt lên củi gộc. Lửa khe khẽ cháy một cách buồn bã như kẻ thất tình. Thấy thế tôi bèn lấy cùi chỏ huých vào lưng thằng Thành. Sao bố mày không thúc cho lửa to lên. Nó bảo mày không biết à. Lửa mà đun to thì đường sẽ cháy khét khèn khẹt. Kẹo từ màu nâu đỏ tươi sẽ biến thành đen thui như than mí. Ai mua. Vậy à.

Lúc ý tôi nhìn thấy chảo đường đang lăn tăn sôi. Bọt giãn nở lên màu cánh cam trông rất đẹp. Bọt râm ran thở kêu thành tiếng phì phẹt một cách sung sướng. Miệng chảo lúc này như một mâm hoa thực sự. Những bông hoa li ti mỏng tang đang nở... đang nở... đang nở. Và mùi thơm của mía đường bay lên. Ôi cái mùi thơm của mía đường Phục Hòa.

Đường được nấu chảy ra để làm kẹo.

Cái mùi thơm bình dị, dân dã, quen thuộc với mọi người từ lâu. Mùi thơm thoang thoảng bay lên trùm kín khắp nhà. Cái mùi thơm đặc trưng của mía đường tưởng nóng mà lại mát. Cái mùi man mát ngọt ngào khiến ai cũng chảy nước miếng. Nó đồng loạt chui tọt vào dọc sống mũi, khiến cho năm giác quan bừng bừng nổi cơn thèm muốn.

Khi đường cô đến độ, bố nó bắt đầu nhúng đũa xuống chảo. Ông nhìn thấy đường bám quanh đũa như đầu diêm. Ông gật đầu, được rồi đấy. Lúc này hai tay ông cầm que tre đảo liên tục. Đến khi nhào được một cục to như bí đao, ông bắt đầu kéo dài nó ra. Rồi ông vắt chéo hình chữ X lên hai cây móc đã đóng sẵn trên cột nhà. Hai tay ông đánh vật huỳnh huỵch pốp páp với đường mật. Phải nói rằng, tuy ông Tòng lẻo khoẻo gầy còm nhưng khỏe dai khỏe bền ít ai bì nổi. Ông kéo cục đường ra như múa. Ông ép cuộn đường vào vo tròn như con tê tê. Ông vừa làm vừa trêu lũ trẻ, chúng mày nghe tao ho cũng ra kẹo đấy nhá. He he…

Lúc này đường luyện được đã dẻo như cao su. Ông bèn túm khăn bông khô lót tay và kéo nó ra thành thỏi. Mỗi thỏi dài nửa mét, to bằng ngón chân cái. Lúc này ông mới cắt thành từng viên nhỏ. Kẹo lăn lóc trong bột một lúc lâu chờ nguội hẳn, ông mới lấy nó ra bỏ vào từng lọ thủy tinh…

Ở quê chúng tôi, người Tày hầu như chỉ thông thạo làm các loại bánh mặn, bánh ngọt, bánh nếp, bánh ngô, bánh sắn, bánh bột thả như canh, bánh áp chao, bánh vùi gio… chứ không biết nấu các loại kẹo. Nghề làm kẹo là nhờ người Kinh mang từ dưới xuôi lên. Kẹo trở thành món quà cho trẻ con người Tày. Khi đi thăm ai, mọi người đều nhớ mua mấy gói kẹo làm quà.

Nhớ ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng mẹ tôi ra chợ Co Xàu mua đường phên về nấu chè, làm bánh. Mắt trước mắt sau chờ khuất bóng mẹ, tôi bẻ trộm lấy một miếng đường phên to băng hai ngón tay, kín đáo cho vội vào miệng nhai rau ráu thay kẹo. Có lần mẹ bắt được, nhưng bà không mắng. Mẹ chỉ bảo để đó tao còn làm bánh cho mà ăn. Sao mà phi chiêt thèm thuồng thế không biết.

Mấy chục năm xa nhà, xa trường cấp một, cả cuộc đời tôi chạy kiếm ăn như ma đuổi. Nhưng những viên kẹo ông Tòng vẫn ngọt ngào thật là lâu ở trong miệng. Mỗi khi nhìn thấy những viên kẹo tho lo trong lọ thủy tinh ở bất cứ nơi nào đó... là kỉ niệm về kẹo lại ùa về. Tôi còn thấy thấp thoáng lũ bạn người làng, người phố của tôi ngày nào. Giờ này chúng nó và tôi đều đã bạc phếch. Lên lão hết cả rồi. Nhưng hễ gặp lại nhau ở đâu, lại mày tao hò reo tưng bừng. Ồ! Thì ra tình bạn mãi mãi không bao giờ lên lão.

Y Phương
.
.