Những tâm sự về dịch thuật của dịch giả Trần Đình Hiến

Thứ Năm, 15/06/2006, 10:00

Những người yêu văn học không ai là không biết và được đọc những cuốn tiểu thuyết đương đại nổi tiếng của Trung Quốc như “Đàn hương hình”; “Báu vật của đời”; “Cây tỏi nổi giận”; “Rừng xanh lá đỏ” của Mạc Ngôn, “Cây không gió” của Lý Nhuệ... Để có được những tập sách đó, có một người đã âm thầm bao nhiêu năm nay dịch chúng ra tiếng Việt, để “đồng sáng tác” với nhà văn. Đó là dịch giả Trần Đình Hiến.

Vừa qua có một số “lùm xum” về các tác phẩm dịch, về sách văn học dịch hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông để được nghe những tâm sự về dịch thuật.

Từ đi tìm “Báu vật của đời”...

Đọc văn học nước ngoài, dù cho đó là tác phẩm kinh điển thì độc giả cũng ít khi nhớ tên người dịch sách. Tuy không là nhà văn nhưng dịch giả phải truyền tải được thông điệp của nhà văn tới bạn đọc. Nguồn sách khá phong phú một phần được các lưu học sinh học tại Trung Quốc cũng như các sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Việt Nam tìm kiếm mua hộ, phần thì dịch giả hoặc tự mua hoặc nhờ bạn bè mỗi lần đi công tác mang về, thậm chí có những cuốn sách dịch giả phải đặt mua qua mạng. Nhưng chọn được cuốn sách để dịch là điều không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Tác phẩm được dịch phải có sức gợi lớn. Ngoài việc dịch sao cho đúng, cho sát nghĩa với nguyên bản, người dịch còn đóng một vai trò hết sức quan trọng là trở thành người “đồng sáng tạo” với nhà văn. Khó khăn lớn nhất với người dịch chính là bối cảnh văn hóa trong tác phẩm.

Với lối viết “mượn dã sử nói chính sử”, nhà văn Mạc Ngôn đã thành công ở khá nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn... Năm 1986 dịch giả Trần Đình Hiến chọn cuốn “Cao lương đỏ” để dịch bởi đây là tác phẩm đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử xã hội Trung Quốc. Từ đây con người tự làm chủ số phận, tự quyết định vận mệnh của mình. Tháng 12 năm 1995, cuốn “Báu vật của đời” được giải Nhất cuộc thi Tiểu thuyết ở Trung Quốc. Tháng 3 năm 1996, sau khi dịch xong, bản thảo đi “lang thang” qua hầu khắp các nhà xuất bản trong cả nước. Đến tháng 2 năm 2001 thì “lọt lưới” ở phương Nam do Nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành. Ngày 13 tháng 10 năm 2001, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Hội thảo về cuốn sách này nhưng không có kỷ yếu.

 “Báu vật của đời” là cuốn tiểu thuyết mang không khí sử thi tiêu biểu về một giai đoạn lịch sử (95 năm) của đất nước Trung Quốc. Ám ảnh dịch giả là hình ảnh người mẹ với lòng khoan dung vô bờ bến trong tác phẩm. Nhưng nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời bà không phải ở cái chết của cả gia đình mà là tập tục nghiệt ngã buộc phải có con trai nên bà phải ngủ với những người đàn ông không mong muốn. Tài năng của nhà văn ở ngay trong cách kể chuyện là phải để lại được một cái gì trong lòng độc giả. Xâu chuỗi các sự kiện cho người ta một cảm giác hoàn toàn có thể đặt bút viết nhưng thực ra không bao giờ viết được như nhà văn cả.

Mạc Ngôn là một trong những nhà văn đã biến hóa hết sức tài tình và khéo léo khái niệm địa lý thành khái niệm văn học. Mỗi nhà văn đều có một vùng đất quen thuộc của mình mà người ta hay gọi là “sân sau”. Ngồi ở Cao Mật nhưng ông đã nhặt nhạnh, nâng cấp, hòa mình vào số phận nhân vật, phát biểu và bênh vực họ. Tuy không có chuyện nào lặp lại nhưng chưa gặp cuốn nào sau này viết vượt qua hai cuốn ban đầu là “Đàn hương hình” và “Báu vật của đời” nên dịch giả tạm thời dừng việc dịch sách của nhà văn Mạc Ngôn.

... Đến “Cây không gió”

Chọn dịch tác phẩm của Lý Nhuệ bởi theo dịch giả đây là nhà văn đại diện cho phong cách tiểu thuyết hiện đại của Trung Quốc. Những chuyện ông kể có sức ám ảnh đến mức độc giả đọc xong không thể thảnh thơi. Vấn đề mà “Cây không gió” đặt ra chính là việc chống đồng hóa văn hóa. Hiện tại cần hết sức chú trọng vấn đề này bởi nó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Ở phương Tây nhìn chung đã có sự áp dụng kỹ xảo, còn phương Đông chúng ta, do nhiều rào cản khiến các tài năng chưa thực sự bộc lộ dù còn rất nhiều đề tài hấp dẫn người viết.

Những dự định

Dịch giả Trần Đình Hiến đang dự định sẽ dịch một số tác phẩm mà ông tâm đắc như “Không chủ nghĩa” - cuốn luận văn của Cao Hành Kiện, tiểu thuyết “Lang đồ đằng” của Khương Nhung... Tác phẩm “Lang đồ đằng” giới thiệu về nền văn hóa du mục của người Mông Cổ. Đó là cuộc sống hay sự đấu tranh sinh tồn giữa con người với bầy sói. Người sống chung với sói. Con người phải sống. Sói phải tồn tại. Sói ăn thịt dê vàng để giữ đồng cỏ cho con người. Khi có người chết, xác người đó sẽ được đem bỏ ở chỗ vắng để sói ăn thịt. Nếu sau ba ngày sói ăn hết thịt có nghĩa là linh hồn người đó sẽ được siêu thoát. Đó là một cuốn tiểu thuyết mang đậm tính văn hóa mà theo dịch giả, loại sách này hiện nay không nhiều.

Chúc dịch giả thành công với dự định của mình và hy vọng độc giả sẽ sớm được đọc các tác phẩm văn học Trung Quốc trong thời gian gần nhất

Giáng Tiên
.
.