Những sự kiện văn học nghệ thuật nổi bật năm 2015

Thứ Sáu, 22/01/2016, 08:00
Năm 2015 là một năm sôi động của giới văn học nghệ thuật nước nhà. Nhiều sự kiện tiêu biểu, nổi bật của các lĩnh vực văn học nghệ thuật đã diễn ra như lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19... 


Bên cạnh đó, cũng có cả những vụ "lùm xùm" về việc nhà thơ Phan Huyền Thư đạo thơ và những tranh cãi xung quanh câu chuyện bản quyền bài thơ "Tổ quốc gọi tên mình" của Nguyễn Phan Quế Mai... Sau đây, Văn nghệ Công an xin được điểm lại những sự kiện nổi bật thu hút sự quan tâm, theo dõi của dư luận.

1. Dư âm buồn của Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2015

Diễn ra tại Thanh Hóa từ ngày 21-6 đến ngày 6-7-2015, Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2015 đã thu hút với 29 vở diễn của 19 đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Điều đáng buồn là TP. Hồ Chí Minh - địa bàn có hoạt động sân khấu sôi động nhất trong cả nước chỉ có 2 đơn vị có vở diễn tham gia Liên hoan. Đó là Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh - là đơn vị duy nhất từ phía Nam - mang vở “Vòng xoáy nghiệt ngã” (tác giả Bích Ngân, đạo diễn NSƯT Đoàn Bá) và Công ty CP Truyền thông quảng cáo Sài Gòn với “Cõng mẹ đi chơi”.

Các nhà hát xã hội hóa khác ở TP Hồ Chí Minh đã một lần nữa “đứng ngoài cuộc” thực sự trở thành một điều trăn trở với những người quan tâm đến sân khấu nước nhà. Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao Huy chương vàng cho 5 vở diễn xuất sắc: “Đường đua trong bóng tối” của Đoàn Kịch nói Công an nhân dân, “Cõng mẹ đi chơi” của Công ty CP Truyền thông quảng cáo Sài Gòn, “Công lý không gục ngã” của Nhà hát Tuổi trẻ, “Điệp khúc vi rút” của Nhà hát Kịch Hà Nội và “Lâu đài cát” của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ban tổ chức cũng trao Huy chương bạc cho 7 vở diễn khác và “cơn mưa” Huy chương cá nhân vẫn diễn ra như thông lệ với 47 Huy chương vàng và 75 Huy chương bạc dành cho diễn viên, đạo diễn, biên kịch, họa sĩ...

2. Sôi động lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du

Lễ ra mắt tác phẩm "Truyện Kiều" bằng tiếng Nga thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới (1765-2015), được tổ chức quy mô lớn vào ngày 5 tháng 12 năm 2015 tại thành phố Hà Tĩnh và quê hương đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân cả nước. Lễ kỷ niệm được tổ chức trang trọng gồm phần nghi lễ và chương trình nghệ thuật "Tiếng thơ ai động đất trời" cùng nhiều hoạt động văn hóa khác.

Trước đó, chuỗi các hoạt động văn hóa hướng tới kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du đều được tổ chức long trọng như: các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì trong quý II năm 2015; xuất bản “Truyện Kiều” do Hội Kiều học Việt Nam khảo đính và chú giải; ra mắt bản "Kiều" dịch sang tiếng Nga; xây dựng phim tư liệu, các tác phẩm âm nhạc, hội họa… về thời đại, cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam, các hãng phim, đài truyền hình địa phương thực hiện; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi ngâm Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, diễn trò Kiều, nói chuyện về tác phẩm của Nguyễn Du do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Kiều học Việt Nam, các cơ quan báo chí, các trường đại học khối khoa học xã hội và nhân văn thực hiện...

3. Huyên náo bởi những vụ tranh cãi về bản quyền

Trong khi những tranh cãi xung quanh câu chuyện bản quyền bài thơ “Tổ quốc gọi tên" đứng tên tác giả Nguyễn Phan Quế Mai còn chưa ngã ngũ thì lại xảy ra chuyện bài thơ “Bạch lộ” của Phan Huyền Thơ (in trong tập “Sẹo độc lập” được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội) đã "đạo" gần như nguyên vẹn bài thơ “Buổi sáng” của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan (công bố lần đầu năm 2000, đã in trong tập thơ “Đếm cát” năm 2003). Vụ việc này khiến dư luận một phen choáng váng và đặt ra nhiều câu hỏi về Phan Huyền Thư cũng như trách nhiệm của Ban giám khảo các cuộc bình chọn tác phẩm văn chương. Cuối cùng, nhà thơ Phan Huyền Thư đã phải lên tiếng xin lỗi nhà thơ đàn chị Phan Ngọc Thường Đoan và xin trả lại giải thưởng cho Hội Nhà văn Hà Nội.

4. Sự lên ngôi của các nghệ sĩ trẻ tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19

Bên cạnh những nghệ sĩ lão làng, Liên hoan phim lần thứ 19 đánh dấu sự lên ngôi của các nghệ sĩ trẻ.

Diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 1 đến 5-12-2015, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, với sự tham gia của gần 20 phim truyện điện ảnh, 6 phim truyện video, 6 phim tài liệu nhựa, 27 phim tài liệu video, 10 phim khoa học và 23 phim hoạt hình tham gia tranh tài. Đại diện Ban tổ chức cũng cho biết, sự kiện điện ảnh lần này thu hút tới 500 nghệ sĩ tham gia với nhiều chương trình hội thảo, giao lưu, tương tác với khán giả.

Đây là kỳ liên hoan được đánh giá là có sự “lên ngôi” của các nghệ sĩ trẻ như các đạo diễn Victo Vũ, Đặng Thái Huyền, Đinh Tuấn Vũ, diễn viên Thúy Hằng, quay phim Nguyễn K'Linh... Kết thúc Liên hoan, các Bông sen vàng được trao cho: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (phim truyện điện ảnh) của đạo diễn Victo Vũ (Victo Vũ cũng đồng thời “ẵm” giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc”); “Bản hòa tấu Sơn Đoòng” (phim khoa học); “Đỉnh cao chiến thắng” (phim tài liệu) và "Cậu bé cờ lau" (phim hoạt hình)...

5. Dấu ấn mỹ thuật Việt Nam 2015

Tác phẩm "A di đà Phật" (khắc gỗ) của họa sĩ Đinh Gia Thắng.

Diễn ra từ ngày 9 đến 23-12 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư - Hai Bà Trưng - Hà Nội), Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015 (trước đây gọi là Triển lãm mỹ thuật toàn quốc) đã giới thiệu và trưng bày 409 tác phẩm của 407 tác giả. Đây là những tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu được lựa chọn từ hơn 4.000 tác phẩm gửi đến dự thi.

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước và là sự tổng kết, đánh giá 5 năm sáng tạo của ngành mỹ thuật Việt Nam. Ban tổ chức Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015 cũng đã trao 38 giải thưởng mỹ thuật Việt Nam, trong đó có 2 Huy chương vàng, 4 Huy chương bạc, 12 Huy chương đồng và 20 giải khuyến khích cho các tác phẩm đặc sắc. Huy chương vàng được trao cho tác giả Nguyễn Khắc Hân với tác phẩm "A di đà phật" (khắc gỗ) và tác giả Đinh Gia Thắng với "Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng" (Tượng đài).

6. Công bố giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV (2011-2014)

Kéo dài thêm một năm so với kế hoạch ban đầu để chờ đợi, tìm kiếm thêm tác phẩm xuất sắc, nhưng cuối cùng cuộc thi sáng tác tiểu thuyết của Hội Nhà văn vẫn không tìm được tác phẩm xứng tầm để trao giải A. Từ 170 tác phẩm của 143 tác giả gửi về dự thi, Ban tổ chức đã chọn ra 12 tác phẩm để trao giải, trong đó có 3 giải B và 9 giải C. 3 giả B thuộc về các tác phẩm: "Người thứ 2" của Tô Hải Vân, "Chim ưng và chàng đan sọt" của Bùi Việt Sỹ, "Mảnh vỡ của mảnh vỡ" của Vĩnh Quyền; 9 giải C được trao cho các tác phẩm: "Bác sĩ trưởng khoa" của Vũ Oanh, "Vùng sâu" của Tô Nhuận Vỹ, "Thạch trụ huyết" của Nguyễn Trần Bé, "Hát" của Trần Nhã Thụy, "Dư chấn 3,5 độ richter" của An Bình Minh, "Gã tép riu" của Nguyễn Bắc Sơn, "Cuộc đời ngoài cửa" của Nguyễn Danh Lam, "Seo sơn" của Vũ Quốc Khánh, "Đốt trúc" của Nguyễn Đắc Như.

Cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho tất cả các nhà văn, các tác giả là người Việt Nam sinh sống ở trong nước cũng như nước ngoài. Theo đánh giá của giới chuyên môn, cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV này của Hội Nhà văn dù đã kéo dài thời hạn nhận tác phẩm thêm 1 năm nhưng không có được số lượng cũng như chất lượng tác phẩm dự thi như kỳ vọng. Lễ trao giải thưởng cuộc thi dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 1-2016.

Nguyệt Hà
.
.