Những sự kiện văn học nghệ thuật nổi bật của lực lượng CAND năm 2006

Chủ Nhật, 18/02/2007, 08:30

Qua chương trình đêm Thơ - Nhạc “Vì bình yên cuộc sống” của Báo CAND, người xem như thấy được cả chặng đường gian nan vất vả của Báo CAND trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, 10 năm chuyên đề Văn nghệ Công an và An ninh thế giới.

Liên hoan Truyền hình CAND toàn quốc lần thứ VII: Đánh dấu sự chuyển mình để phát triển

Diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 15 đến 22/7/2006, lần đầu tiên Liên hoan Truyền hình CAND đã quy tụ đầy đủ 64 đơn vị công an trong cả nước tham dự. Đợt liên hoan này được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay với đêm khai mạc, bế mạc và đêm giao lưu hoành tráng được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV.

Theo đánh giá của đại diện Ban Tổ chức, Liên hoan Truyền hình CAND lần này đánh dấu sự trưởng thành của Công an các địa phương về cả chất lượng tác phẩm dự thi và đội ngũ những người làm truyền hình công an: số tác phẩm và thể loại tham gia liên hoan phong phú hơn, trình độ tay nghề của anh chị em phóng viên cũng được nâng cao và tương đối đồng đều thể hiện trong các tác phẩm ở những thể loại khó như phim tài liệu, phim khoa giáo, phim truyện ngắn, tiểu phẩm…

Các nội dung thi cũng được đổi mới theo hướng xã hội hóa. Vì vậy, liên hoan lần này được đánh giá là đã đánh dấu một bước chuyển mình để phát triển. Tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 26 tổ chức đầu tháng 1 vừa qua (cũng tại TP Hồ Chí Minh), phóng sự điều tra “Chuyện từ một làng nghề” của Truyền hình Vì An ninh Tổ quốc đã đoạt Huy chương Vàng, phóng sự “Đổi đời cũng khóc” của Truyền hình Công an Quảng Nam đoạt Huy chương Bạc.

Đêm Thơ - Nhạc “Vì bình yên cuộc sống”: Như lời tri ân

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Báo CAND ra số đầu tiên (1/11/1946 - 1/11/2006), đêm Thơ - Nhạc “Vì bình yên cuộc sống” đã diễn ra trang trọng tại Cung Văn hóa Hữu nghị và được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 vào tối 27/11/2006.

Đêm thơ nhạc "Vì bình yên cuộc sống".

Đêm diễn thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng với sự quy tụ của những gương mặt nghệ sĩ được yêu mến như các nhạc sĩ: Trần Tiến, Trọng Đài, Đăng Nước, các nhà thơ: Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa; các ca sĩ: Mỹ Linh, Anh Thơ, Việt Hoàn, Thanh Thanh Hiền… Trong đêm Thơ-nhạc, những người nghệ sĩ - chiến sĩ Công an đã tri ân bạn đọc bằng những vần thơ lắng đọng tình người, tình đời: Thiếu tướng - Nhà văn Hữu Ước với bài “Đêm không ngủ”, Thiếu tướng - Nhà thơ Khổng Minh Dụ với bài “Màu nhớ”, Thượng tá - Nhà thơ Hồng Thanh Quang với bài thơ “Dự cảm”.

Qua chương trình này, người xem như thấy được cả chặng đường gian nan vất vả của Báo CAND trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, 10 năm chuyên đề Văn nghệ Công an và An ninh thế giới.

Tại đêm Thơ - Nhạc, Báo CAND đã kêu gọi được các doanh nghiệp, các nhà tài trợ quyên góp, ủng hộ cho “Quỹ Xã hội - Từ thiện” của Báo số tiền lên tới hơn 2 tỉ đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và xây dựng trường học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Trại sáng tác văn học “Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống”: Bội thu truyện ngắn và ký

Được tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa từ ngày 15/11 đến ngày 12/12/2006, sau một tháng hoạt động, các nhà văn dự trại đã hoàn thành 5 tiểu thuyết, 34 truyện ngắn và 15 bút ký - ghi chép về đề tài người chiến sĩ CAND trong công cuộc bảo vệ An ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Từ năm 2004 đến nay, Trại sáng tác văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” được Báo CAND phối hợp với Chi hội Nhà văn Công an tổ chức thường niên. Nếu như năm 2004, trại viết được tổ chức ở Quảng Ninh được xem là “bội thu” về tiểu thuyết (với 16 tiểu thuyết được hoàn thành và hầu hết đã được xuất bản), thì trại viết năm 2006 được đánh giá là “bội thu” về truyện ngắn và ký.

Nhiều truyện ngắn, ký có chất lượng đã được lựa chọn đăng tải trên VNCA thời gian qua.

Hành trình xuyên Việt của Đoàn kịch CAND

Có thể nói, năm 2006 là năm cán bộ diễn viên của Đoàn kịch CAND có số ngày “ăn cơm công an, ngủ nhà công vụ” nhiều nhất từ trước tới nay (gần 6 tháng) bởi vì họ đã có những chuyến lưu diễn kéo dài phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước. Tổng cộng, Đoàn kịch CAND đã đi lưu diễn ở 47 tỉnh, thành trong cả nước với 160 đêm diễn và đoạn đường mà họ đã đi qua  ước tính dài khoảng… 25.000 km!

Đặc biệt là chuyến đi xuyên Việt của đoàn kéo dài từ tháng 3 tới tháng 7/2006, với hành trang là 2 vở diễn  “Đối đầu” (tức “Bản danh sách điệp viên 2”) và “Tình xưa”. Đây là chuyến lưu diễn dài ngày nhất, đi nhiều tỉnh nhất (31 tỉnh) của Đoàn kịch CAND từ trước tới nay.

Trong quý IV-2006, đoàn lại tiếp tục đi diễn ở hầu khắp các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Tuy vậy, xen giữa các chuyến đi, khi về đến Hà Nội là đoàn lại bắt tay vào dựng vở mới “Quyết định sinh tử” (Kịch bản Phan Gia Liên - Đạo diễn Lê Hùng) và mới công diễn tại Hà Nội hồi tháng 12 vừa qua.

Một năm sôi động của Nhà xuất bản CAND

Năm 2006, NXB CAND đã  ghi nhiều dấu ấn tích cực trong hoạt động xuất bản thời kỳ hội nhập, với 368 đầu sách gồm nhiều thể loại được phát hành trong năm, phục vụ cho các hoạt động của ngành cũng như đông đảo bạn đọc trong cả nước.

Trong số đó, nhiều cuốn sách khi ra đời đã tạo ấn tượng mạnh, gây sự chú ý của dư luận như: trọn bộ tiểu thuyết 2 tập “Huynh đệ” của Dư Hoa; bộ “Kỳ thư về sói và dân du mục”  mang tên “Tô tem sói” của Khương Nhung; cuốn “Những bí mật về chiến tranh Việt Nam” của Daniel Ellsberg; bộ truyện trinh thám của Phạm Cao Củng; 2 tập “Truyện ngắn hay an ninh”; tiểu thuyết “Hành trình của sói” của Bùi Anh Tấn....

Cũng trong năm 2006 này, NXB CAND đã thực hiện vấn đề mua bản quyền với mảng sách ngoại văn, nhất là những cuốn sách còn đang nóng bỏng trên thị trường sách thế giới như “Tô tem sói”, “Huynh đệ” của hai nhà văn Trung Quốc đang “nổi như cồn”. Bên cạnh đó, NXB CAND cũng mua được bản quyền và chuẩn bị xuất bản trọn bộ 18 tiểu thuyết của tác gia trinh thám nổi tiếng thế giới Sidney Shelldon. Đây thực sự là một năm sôi động của NXB CAND

Việt Hà
.
.