Những sự kiện văn hóa độc đáo ở Nga năm 2019

Thứ Tư, 22/01/2020, 08:30
Khác với kinh tế, lĩnh vực vốn gặp nhiều khó khăn, thách thức do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây gây ra, đời sống văn hóa của nước Nga trong năm 2019 có nhiều khởi sắc. Bài viết sau đây giới thiệu một số sự kiện văn hóa độc đáo của Nga và thế giới năm 2019 theo bình chọn của báo "Thanh niên Moskva".


"Cuộc chiến" của năm

Là vụ đụng độ xảy ra tại Nhà hát Hàn lâm nghệ thuật Moskva mang tên Gorky, nơi một năm trước, nhà quản lý Eduard Boyakov lên thay nữ giám đốc Tatyana Doronina, người đã lãnh đạo nhà hát suốt ba mươi năm. Thời gian đầu, trong Nhà hát Hàn lâm nghệ thuật Moskva trên đại lộ Tversky, mọi chuyện đều êm ả. Nhưng có một điều gì đấy trong công tác chỉ đạo của nhà quản lý không được như ý, và một nhóm nghệ sĩ đã xuống đường với lời kêu gọi bằng video gửi tổng thống Nga.

Kể từ đó, cuộc đối đầu giữa ông chủ mới và một bộ phận của nhà hát ngày càng trở nên gay gắt. Hiện các bên tham gia xung đột đang chờ kết quả: các nghệ sĩ tiếp tục khiếu kiện, còn giám đốc Boyakov vẫn không chịu nhượng bộ.

Đám cưới của năm

Đám cưới của nữ nhà báo Nga nổi tiếng Ksenya Sobchak  (ứng cử viên tổng thống Nga năm 2018) và đạo diễn Konstantin Bogomolov được tổ chức vào tháng 9 năm nay, thu hút sự quan tâm kỷ lục của người Nga. Suốt cả năm, Ksenya Sobchak và Konstantin Bogomolov giấu kín tình cảm của mình trước người hâm mộ.

Ksenya Sobchak và Konstantin Bogomolov trên xe hoa.

Họ xuất hiện bên nhau tại các sự kiện xã hội, nhưng từ chối bình luận về tình trạng quan hệ của mình. Cho đến phút cuối cùng, nhiều người vẫn không tin hai nhân vật nổi tiếng của công chúng sẽ cưới nhau. Một tháng trước khi diễn ra đám cưới, cặp đôi đã đăng tải trên Instagram một đoạn video bí ẩn: họ nắm tay nhau nhảy xuống nước từ một bến tàu.

Hóa ra đây là lời mời dự đám cưới bằng video của Sobchak và Bogomolov. Hơn 200 khách mời là các ngôi sao nổi tiếng của Nga đã nhận được giấy mời video này. Kể từ đó, bí mật đã được tiết lộ: Sobchak và Bogomolov quyết định kết hôn.

Người lang thang của năm

Đó là đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki-duk, cái tên liên tục xuất hiện trong các buổi chiếu ra mắt phim ở Moskva. Trên tổ quốc mình, anh trở thành kẻ bị ruồng bỏ sau khi nữ diễn viên đóng vai chính trong bộ phim năm 2012 của anh là "Pietà" (được trao giải "Sư tử vàng" tại Liên hoan phim Venice), cáo buộc anh tấn công tình dục và đánh đập cô trước khi ép cô đóng một cảnh nóng mà cô chưa đồng ý. 

Đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki-duk.

Lúc bấy giờ, để chấm dứt những lời cáo buộc, Kim Ki-duk đã nộp phạt 5 triệu won, nhưng điều này không giúp được gì. Bây giờ anh không thể làm việc ở Hàn Quốc, còn các liên hoan phim Cannes và Berlin cách đây không lâu vốn bênh vực các bộ phim của anh, đã tuyên bố tẩy chay anh. Bộ phim cuối cùng của  Kim Ki-duk được quay ở Kazakhstan. Có thể sắp tới anh sẽ làm việc ở Nga như từ lâu mong ước.

Ấn tượng của năm

Nằm ngoài mọi sự cạnh tranh, ấn tượng của năm có thể được coi là vở ballet "Giselle" tại Nhà hát Lớn Moskva. Khán giả từ khắp nơi trên thế giới đổ về Thủ đô nước Nga để thưởng thức vở ballet về cô gái nghèo đã đánh mất lý trí của mình vì tình yêu (theo nghĩa đen của từ này).

Còn phải nói, chính tại Moskva, phiên bản đầu tiên của vở ballet từng được trình diễn ra mắt ở Paris gần 180 năm trước đã được tái hiện. Biên đạo múa Aleksey Ratmansky đã tạo ra một phiên bản mới của vở ballet thế kỷ XIX hoàn toàn dựa trên các tư liệu lịch sử, một số trong đó mới được phát hiện vào đầu thế kỷ XXI.

Vụ trộm của năm

Đó là vụ trộm tranh hy hữu xảy ra tại Bảo tàng mỹ thuật Tretyakov ở Moskva. Vào ngày sinh của họa sĩ nổi tiếng Arkhip Kuindzhi, trước mặt mọi người (chủ nhật, giờ cao điểm), Denis Chuprikov, một công nhân đến từ bán đảo Krym đã gỡ bức tranh "Núi Ay-Petri. Krym" khỏi bức tường và mang nó ra ngoài, một cách dễ dàng và thoải mái - như trong một bộ phim.

Bức tranh "Núi Ay-Petri. Krym" của họa sĩ Arkhip Kuindzhi.

Ngay đêm đó, kẻ tội phạm 32 tuổi đã bị bắt giữ. Chuprikov sau đó đã nhận tội và bị kết án ba năm tù giam. Tên trộm giải thích hành động táo bạo của mình bằng mong muốn "nổi tiếng". Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy. Chuprikov từng làm việc cho một quan chức Bộ Nội vụ Nga có thế lực. Hắn đã bị truy tố về tội tàng trữ ma túy, tuy nhiên bản án đã bị hủy bỏ không rõ lý do. Nghĩa là, cái anh chàng  xa lạ với nghệ thuật này không phải là hoàn toàn "vô can", và có thể, đứng đằng sau vụ trộm là một kẻ cộm cán nào đó.

Phát biểu của năm

Danh hiệu này thuộc về Giáo sư Trường Đại học Kinh tế Moskva nhà ngữ văn nổi tiếng Gasan Guseynov. Ông đã viết một bài đăng trên FB của mình, bày tỏ sự phẫn nộ vì trong các ki-ốt báo ở Moskva, không có tờ báo nào bằng các ngôn ngữ khác, "ngoài tiếng Nga nghèo nàn, hôi thối mà đất nước này hiện đang nói và viết". Dư luận xã hội hết sức bất bình, Giáo sư  Gasan Guseynov bị coi là kẻ bài Nga, còn tại Trường Đại học Kinh tế, một ủy ban đạo đức đã nhóm họp và đề nghị Giáo sư Guseynov xin lỗi công khai "vì đã cố tình phát biểu những ý kiến thiếu cân nhắc và vô trách nhiệm".

Tuy nhiên, Guseynov không xin lỗi, ông giải thích rằng ông không chỉ trích tiếng Nga như vốn có, mà là "thứ tiếng kích động thù địch", "thứ tiếng của các chương trình truyền hình". Nhiều nhà văn, nhà khoa học và đồng nghiệp đã lên tiếng ủng hộ Giáo sư. Câu chuyện đến nay vẫn chưa có hồi kết, còn các ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài tại các ki-ốt vẫn không xuất hiện.

Xung đột của năm

Đó là xung đột xảy ra tại Nhà hát âm nhạc mang tên Stanislavsky và Nemirovich-Danchenko giữa một bên là Tổng giám đốc Anton Getman và bên kia là đạo diễn chính Alexandr Titel của đoàn opera cùng với chỉ huy dàn nhạc, họa sĩ  chính và các nghệ sĩ độc tấu hàng đầu của đoàn này.

Tuy nhiên, Giám đốc nghệ thuật của đoàn ballet Lorant Iler đã đứng về phía Getman và dọa sẽ rời khỏi đoàn nếu Getman ra đi. Kết quả là Bộ Văn hóa Nga đã "đóng băng" cuộc xung đột, gia hạn hợp đồng cho Tổng giám đốc thêm một năm nữa. Trong thời gian này, các bên dường như đã nghĩ lại và làm lành với nhau. Nhưng liệu được bao lâu?

 Bộ phim của năm

 "Gã hề Joker" là bộ phim giật gân tâm lý của đạo diễn Todd Phillips, dựa trên các truyện tranh với 80 năm lịch sử và được trao giải "Sư tử vàng" tại Liên hoan phim Venice lần thứ 76. Ở Nga, "Gã hề Joker" bị cấm vì tuyên truyền cho cái ác. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Vladimir Medinsky, vốn được coi là người quảng bá mạnh mẽ cho điện ảnh Nga, đã đổ thêm dầu vào lửa khi ông chỉ trích và đề nghị cấm bộ phim.

Medinsky chỉ trích truyện tranh nói chung và  "Gã hề Joker" nói riêng. Và ở đây, nhân vật của bộ phim, một kẻ tâm thần đơn độc và một gã hề (do diễn viên Joaquin Phoenix  đóng), đã trở thành miếng đất màu mỡ cho các cuộc tranh luận. Hắn là ai - kẻ gây tội ác, quái vật bẩm sinh, hay là một kẻ bị ruồng bỏ đáng thương trong xã hội? Đồng thời, một số nhà làm phim bắt đầu quan tâm đến mầm mống tội phạm trong mỗi con người: Từ đạo diễn Nga Dmitry Mamulia trong phim "Con người tội lỗi" đến  đạo diễn Ailen Dathai Keane trong phim  "Những người phụ nữ Phần Lan", nơi diễn viên của nhà hát múa rối sau khi phạm tội ác đã rơi xuống tận đáy.

Trần Hậu
.
.