Những phận mù loà cùng theo nghiệp cầm ca

Thứ Ba, 13/08/2013, 08:00

Trong căn nhà mái tôn lỗ chỗ, ngổn ngang loa thùng và thiết bị âm thanh mục cũ, một người đàn ông đang mò mẫm trên từng phím đàn organ. Chốc chốc, người thầy giáo cầm tay ông, ân cần chỉ rõ từng nhịp, từng nốt. Cả thầy và trò, đôi mắt đều đã đục lòa. Những giờ học đàn như thế đã diễn ra đều đặn ở Mái ấm Mây bốn phương của người thầy giáo mù Lê Văn Đến 6 năm nay. Nhờ tiếng đàn, những mảnh đời bất hạnh có thêm chỗ dựa để neo mình giữa cuộc đời này.

1. Mái ấm Mây bốn phương nằm trên con đường Nguyễn Thị Nê rợp bóng tre (thuộc xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Tp HCM). Anh Nguyễn Thành Long năm nay 36 tuổi, bị mù, tính tình dở dở ương ương từ khi mới lọt lòng. Hồi còn ở quê Trà Vinh, đi học ở đâu Long cũng bị người ta đánh mắng bởi chậm hiểu. 30 tuổi, anh vẫn lẹt đẹt lớp 4. Bị đánh hoài, anh đã ngớ ngẩn nay lại càng rụt rè, sợ sệt. Hết cách, nhà trường trả anh về gia đình. Ba mẹ Long đã già, anh trai và em gái anh cũng mù lòa và ngu ngơ. Người ta bảo do di chứng chất độc màu da cam mà ba anh mắc phải trong những năm tháng đi bộ đội. Mái tranh xơ xác càng thêm xác xơ. Người làng thấy thương, chở anh lên Mái ấm Mây bốn phương của đôi vợ chồng mù Lê Văn Đến và Bùi Thị Kim Loan, mong sao từ đây Long có việc làm.

Thầy giáo mù Lê Văn Đến đang dạy đàn cho học trò.

Ngồi nghe thầy Đến (38 tuổi) chỉ từng phím, đánh được bài nhạc, Long khoái chí ngước về phía thầy cười hềnh hệch, mặt hớn hở như đứa trẻ lên ba được mẹ cho quà. Hỏi ở đâu cũng bó tay trả về, sau mái ấm lại nhận nuôi dạy, thầy Lê Văn Đến cười: "Những em chậm hiểu như trò Long, tôi dùng chiêu "mưa dầm thấm lâu". Tập dần Long cũng tập được. Nhưng có cái lạ là mình đứng cạnh, yêu cầu trả bài thì Long không trả bài được. Toàn trả bài lén khi mình đang làm gì đó, không chú ý".

Cách đây hơn 20 năm, cậu bé mù yêu nhạc Lê Văn Đến khoác cây guitar trốn nhà vào một đêm hôm khuya khoắt. Một mình cậu bắt xe ôm, dọ dẫm từ Trà Vinh lên TP Hồ Chí Minh theo kiếp cầm ca. Máu âm nhạc đã đi sâu vào chàng trai trẻ ấy từ thuở nhỏ. Ngày ấy, mỗi lần ba - vốn là văn công kháng chiến cùng bạn bè ngẫu hứng guitar hát vang những bài ca cách mạng, cậu bé mù tò mò luôn rờ rẫm ngồi cạnh. Thấy con mình yêu văn nghệ, ba dạy cậu hát. Chưa thỏa, cậu bé còn năn nỉ cha mời thầy về dạy cậu học guitar và đàn mandolin. Nhìn bàn tay non nớt của con tươm máu trên những dây đàn mà vẫn không chịu buông, ba Đến chợt nhận ra con ông đã trót mang nặng tình yêu âm nhạc. Và ông sợ một ngày Đến sẽ rời bỏ làng quê nghèo này để tự do bay nhảy cùng âm nhạc giữa phố thị. Ngày ấy đến sớm quá, khiến ông giận con. Khi Đến lấy cô gái bán vé số mù lòa nhưng có khiếu soạn dân ca Kim Loan, ông cũng không thèm lên dự đám cưới.

Hồi mới lên thành phố, thấy nghiệp đàn bạc bẽo, Đến chuyển sang bán vé số, bánh mì. Nhưng sau chị Loan khuyên nhủ, anh trở lại ôm đàn. Có dạo anh còn công tác văn hóa, văn nghệ ở xã. Về sau, thầy Đến cùng các anh em mù có khiếu văn nghệ trong xã đi biểu diễn ở nhiều nơi. Có một ít vốn, hai vợ chồng mở quán cà phê nhạc sống do người mù biểu diễn, đặt tên là "Mây bốn phương". "Tôi chọn đặt cái tên này bởi vì những người mù quy tụ về đây như những vầng mây bốn phương, lang thang giữa trời gió bão, không biết trôi về đâu. Mỗi người là một câu chuyện nhưng đều là câu chuyện buồn, kể ra chỉ thêm đau lòng. Người mù tìm đến quán cà phê để xin công ăn, việc làm quá nhiều nên chúng tôi quyết định biến nơi đây thành Câu lạc bộ, sau thành mái ấm dạy nhạc và hát để sau này người mù có nghề mà mưu sinh" - Thầy Đến cho biết.

Những cây đàn được thầy dành dụm tiền đem về, nào organ, nào guitar, nào trống… Thầy dạy hoàn toàn miễn phí, thậm chí còn cưu mang cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, mái ấm đang cưu mang hơn 40 người, gồm cả người sáng mắt có hoàn cảnh bất hạnh tìm đến học đàn. Thời gian sau, chị Loan còn mở thêm nghề dạy massage miễn phí cho các chị em khiếm thị, rồi làm thú, kết cườm để móc khóa. Mái ấm Mây bốn phương vì thế càng đông vui.

Việc dạy đàn cho người mù khó khăn, vất vả. Anh phải cầm tay, tập cho họ xác định phím nào, nốt nào bằng cách đo khoảng cách. Tập đi tập lại hàng trăm lần có khi vẫn chưa thể xác định phím nào với phím nào. Đôi lúc nản quá, nhưng nghe những tiếng ú ớ nấc nghẹn của trò, đôi mắt đục lòa của thầy lại nhòe nước. Thầy quyết định không dạy chung các trò nữa. Hằng tuần, mỗi trò một giờ nhất định, thầy cầm tay để rèn từ từ. Giáo trình giảng dạy tuân theo giáo trình âm nhạc cơ bản hiện hành. Thấy học trò đã có chút ngón nghề kha khá, thầy Đến đưa họ đi biểu diễn rồi giới thiệu cho nơi cần nhạc công. Đến nay, hơn 100 người đã ra làm nghề, có việc làm ổn định.

2. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lài là một trong những người sáng mắt được cưu mang ở mái ấm. Nhà gần, nhưng vì gia cảnh khó khăn nên chị ở lại với thầy cô đây đã gần mười năm. Phát hiện chất giọng bản năng ngọt ngào của chị trong một đám cưới, thầy Đến giúp chị luyện thanh, luyện nhịp… Cô Loan sáng tác rất nhiều bài tân cổ giao duyên cho cô hát. Ca sĩ Ngọc Lài dần dần được nhiều người ở Củ Chi biết tới. Nhà nghèo, duyên tình lận đận, chồng bỏ đi, Ngọc Lài bơ vơ cùng cô con gái. Cách đây không lâu, cô còn bị suy thận, người gầy rộc, đến ăn, cô cũng không gượng dậy nổi huống hồ là đi hát. Trong vô vọng, cô vẫn được thầy Đến cô Loan cưu mang, đùm bọc như người thân ruột thịt.

Nghe tiếng đàn ngoài kia lảnh lót vọng vào, Ngọc Lài thấy đời vẫn còn nhiều điều ý nghĩa, phải gắng gượng mà sống. Thỉnh thoảng, mái ấm có cuộc vui hay liên hoan, Kim Lài lấy chút hơi góp vui. Cuối năm ngoái, tại mái ấm diễn ra đám cưới sum vầy của chú rể Bá Nhanh và cô dâu Ngọc Thu. Cả hai 31 tuổi, đều mù lòa và quê ở miền Tây. Bá Nhanh ở mái ấm đã khoảng 6 năm và là người rất có khiếu đàn hát. Bá Nhanh bị tâm thần nhẹ nhưng đã có thể chơi thành thạo các loại nhạc cụ như guitar, organ, trống và chơi được hơn 500 bản nhạc để phục vụ đám cưới, đám tiệc. Tất cả đều nhờ công thầy Đến, cô Loan kèm cặp. Cũng từ mái ấm này, anh gặp chị Ngọc Thu, vào mái ấm sau anh 4 năm và thành vợ thành chồng. Những buổi anh tập đàn, chị ngồi im bên cạnh lắng nghe. Tiếng nhạc lời ca nói hộ lòng anh. Họ yêu nhau lúc nào không hay…Đến nay, đã có gần chục đôi uyên ương mù lòa như thế được thầy Đến cô Loan se duyên. Họ coi thầy cô không khác gì ba mẹ của mình.

Và ở mái ấm này, ngoài những mảnh đời mù lòa, còn có những cụ già cơ nhỡ, những em bé mồ côi, họ đều sáng mắt nhưng không làm lụng được gì. Những buổi đi diễn của thầy Đến hay suất massage của cô Loan không đủ để nuôi từng ấy con người. Thế nên, thầy trò chung tay, mỗi người một ít để nuôi nhau. Tiếng đàn hằng ngày vẫn ngân nga, để họ tựa vào nhau mà sống…

Mai Quỳnh
.
.