Những nhà văn Trung Quốc ngấp nghé Giải Nobel

Thứ Sáu, 21/12/2012, 08:00

Sau khi nhà văn Mạc Ngôn được trao Giải Nobel văn học năm 2012, báo chí Trung Quốc rộ lên dư luận: Trước đó đã có một số nhà văn Trung Quốc không có duyên với Giải Nobel văn học.

Có ba luồng thông tin: Một là danh sach trên gồm có 6 nhà văn: Lỗ Tấn, Lão  Xá, Lâm Ngữ Đường, Thẩm Tùng Văn, Ba Kim, Lý Ngao (theo báo điện tử Nhân Dân - www.people.com.cn, ngày 12/10/2012, lấy từ nguồn "Tân Lãng độc thư"); Hai là: Có 6 nhà văn: Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường, Ba Kim, Lão Xá, Thẩm Tùng Văn, Vương Mông (theo Tân Hoa Xã điện tử - www.xinhuanet.com, ngày 12/10/2012, lấy từ nguồn "Vũ Hán vãn báo"). Ba là: Có 7 nhà văn: Lỗ Tấn, Thẩm Tùng Văn, Lâm Ngữ Đường, Ba Kim, Lão Xá, Vương Mông, Bắc Đảo (theo trang web của Hiệp hội các công ty cổ phần Thượng Hải - www.shglh.com.cn, ngày 30/10/2012, lấy nguồn từ "Tin Tham khảo").

Vậy thực hư thế nào, chúng ta hãy xem bài viết của nhà báo La Bạc Lăng, phỏng vấn nhà văn Kjell Espmark (sinh năm 1930, nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà văn học sử Thuỵ Điển;  Năm 1981 được bình chọn là Viện sĩ Viện Hàn lâm văn học Thuỵ Điển; Một trong 18 ủy viên Hội đồng bình xét Giải Nobel văn học; Chủ tịch Hội đồng này từ năm 1987 đến năm 2004; Đã xuất bản 13 tập thơ, 8 bộ tiểu thuyết, nhiều tập trước tác bình luận văn chương), gần đây đến Thượng Hải để tham gia hội thảo về bản Trung văn tác phẩm "Mất trí nhớ" của ông (ngày 23/10/2012).   

Đúng vào dịp nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn được trao giải Nobel văn học, ông K. Espmark, không thể lảng tránh những câu hỏi về chuyện một số nhà văn Trung Quốc không có duyên với giải Nobel văn học có thật hay không?

Lỗ Tấn từ chối khéo việc đề cử vào Giải Nobel là có thật.

Từ trái qua: Nhà văn Lão Xá, nhà văn Lỗ Tấn, nhà văn Lâm Ngữ Đường.

Chuyện liên quan đến Lỗ Tấn với giải Nobel văn học một thời lưu hành rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân Trung Quốc. Ấy là vào năm 1927, ông Sven Hedin, một nhà thám hiểm Thụy Điển đến Trung Quốc khảo sát. Tại Thượng Hải ông đã tìm hiểu thành tựu văn học của Lỗ Tấn và ảnh hưởng to lớn của ông tới văn học Trung Quốc. Người Thuỵ Điển ưa chuộng nhà văn này đã bàn bạc với Lưu Bán Nông, chuẩn bị giới thiệu Lỗ Tấn là ứng viên của Giải Nobel văn học. Lưu Bán Nông đã nhờ Đài Tịnh Nông, một bạn thân của Lỗ Tấn viết thư xin ý kiến của Lỗ Tấn. Lỗ Tấn đã khéo léo từ chối.

Ngày 25/9 (1927), viết thư trả lời Đài Tịnh Nông, nhà văn Lỗ Tấn nói: "Tiền thưởng của giải Nobel, Lương Khải Siêu đương nhiên không xứng đáng, tôi cũng không xứng đáng, muốn nhận khoản tiền này, còn phải nỗ lực nhiều". Đồng thời trên cơ sở này, ông nói thêm: "Tôi cảm thấy Trung Quốc thực tại còn chưa có người xứng đáng nhận tiền thưởng của giải Nobel, tốt nhất Thụy Điển không nên để ý đến chúng tôi, không trao cho ai cả. Bởi vì, người da vàng rất muốn được ưu đãi, sẽ làm cho người Trung Quốc thêm nảy nở lòng hư vinh, ngỡ tưởng thật sự sánh vai được với nhà văn lớn của nước khác, kết quả sẽ rất xấu".

Lâm Ngữ Đường đúng là đã từng được đề cử vào danh sách

Tiếp theo Lỗ Tấn, nhà văn Trung Quốc được Viện Hàn lâm Thụy Điển thảo luận là Lâm Ngữ Đường, do  Pearl S.Buck và Sven Hedin giới thiệu. Mọi người tán thành cảnh tượng Trung Quốc mà ông tái hiện trong tác phẩm có giá trị, song cuối cùng cảm thấy tác phẩm của ông trần thuật về tình hình chung của thời kỳ chuyển mình của Trung Quốc còn thiếu sự "miêu tả nhân vật tinh tế chuẩn xác" và còn thiếu "sức mạnh và chiều sâu".

Nhà văn K. Espmark nói: Lâm Ngữ Đường xác thực được đề cử, cũng trải qua thảo luận kỹ càng, song cuối cùng lại không được bầu. Thời đại bấy giờ, quá trình bình xét chưa phức tạp như bây giờ, cần phải trải qua trình tự danh sách lớn 200 người, đến 20 người rồi đến 5 người. Tuy nhiên Lâm Ngữ Đường cuối cùng đã không trúng cử, đó là năm 1939.

Thẩm Tùng Văn vì từ trần nên bị lỡ giải Nobel văn học

Cũng như nhà Hán học Goran Malmqvista, ông K. Espmark nói lại rằng nhà văn Trung Quốc gần giải Nobel văn học nhất là Thẩm Tùng Văn, nhưng ông Thẩm Tùng Văn từ trần ngày 10 tháng 5 năm 1988, khi ấy ông ấy đã tiến vào danh sách 5 người cuối cùng được bình xét. K.Esamark nói rất đáng tiếc trường hợp này.

Rất nhiều người hỏi vì sao giải Nobel văn học đến với người Trung Quốc lại muộn như vậy, ông K. Espmark trả lời rằng: "Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, các ông có quyền đề cử, song không có người nào đề cử các ông. Lỗ Tấn là do điều tra viên của chúng tôi cử đi phát hiện ra ông. Mà ông Thẩm Tùng Văn, trong quá trình bình chọn lại từ trần. Về việc này, chúng tôi có thể làm được gì hơn chứ?".

Lão Xá tự nhận "không đủ tư cách"…

Chuyện Lão Xá từ trần nên không bén duyên với giải Nobel văn học cũng được lưu truyền rất rộng rãi. Thư Ất, con trai của Lão Xá cho rằng, người được trao giải Nobel văn học năm ấy đáng lẽ là phụ thân anh, song năm 1968 "cách mạng văn hoá" tiến vào đỉnh cao, Thụy Điển cử Đại sứ tại Trung Quốc đến tìm kiếm tin tức Lão Xá, nhưng mãi không có tin chuẩn xác, nên đoán định Lão Xá đã từ trần (Lão Xá đã từ trần từ năm 1966). Do giải Nobel không trao cho người đã từ trần, cho nên Hội đồng bình chọn quyết định bầu lại trong 4 người còn lại. Kết quả là Yasunari Kawabata của Nhật Bản được trao giải.

Nhà văn Kjell Espmark nói với các nhà báo: "Về phía Thuỵ Điển khi ấy thực sự có hỏi Lão Xá có muốn nhận giải Nobel văn học không, kết quả Lão Xá rất khiêm tốn, nói mình không đủ tư cách, cho nên việc cũng dừng ở đó".

K. Espmark nhấn mạnh, nhắc đến những nhà văn này (những nhà văn Trung Quốc được đề cử giải Nobel - ND), có những người hồ sơ đã giải mật, có những người do tin tức bị tiết lộ, nhưng cũng không có người nào biết rõ mọi chi tiết trong đó. "Tôi nghĩ 50 năm gần đây, nếu như không có nhà văn Trung Quốc vào vòng bình chọn thì thật là một việc rất kỳ quái. Quá trình bình xét năm nay, chi tiết biện luận đều là cơ mật. Bước thứ nhất những người có đủ tư cách đều có thể đề cử, kỳ hạn đến ngày 1 tháng  2. Sau đó tổ 5 người bắt đầu thảo luận, chọn lựa trong danh sách ứng viên ra 20 vị. Bản thân Hội đồng có quyền bổ sung các nhà văn mà mình ưa thích. Sau đó giao 20 nhà văn cho Viện Hàn lâm thảo luận. Tháng 5 chọn lựa ra danh sách gồm 3-5 người. Tuy nhiên không thể tiết lộ chi tiết hơn, song có thể bảo đảm là trong biện luận của chúng tôi không có chuyện mang tính chính trị. Biện luận của chúng tôi không thảo luận những điều này, mà là quan tâm chú ý đến nghệ thuật của nhà văn vĩ đại. Tôi đã xem qua đại bộ phận tác phẩm của Mạc Ngôn, phiên dịch tác phẩm của Mạc Ngôn nhiều nhất là nước Pháp, tôi cũng đọc qua bản dịch tiếng Anh và tiếng Thuỵ Điển, tôi còn so sánh giữa các bản dịch, từ nhiều góc độ nhìn nhận đánh giá tác phẩm của nhà văn này".

Website "đoán trúng" Mạc Ngôn, tuyệt đối không vì lộ bí mật

Trước khi Viện Hàn lâm văn học Thuỵ Điển công bố trao giải Nobel văn học năm 2012, hai trang website Trung Quốc đã làm rùm beng tin nóng Mạc Ngôn được trao Giải Nobel văn học năm nay. Vì sao lại chuẩn xác như vậy? Liệu có khả năng ai đó tiết lộ bí mật? Nhà văn K. Espmark khẳng định: "Không có khả năng, toàn bộ trình tự đều còn đang tiến hành bảo mật nghiêm ngặt".

Mạc Ngôn được trao giải Nobel gây phản ứng cực kỳ lớn tại Trung Quốc. nhà văn K. Espmart biểu thị sự thấu hiểu và đồng cảm: "Mục đích của giải Nobel văn học chính là làm cho tác phẩm của nhà văn xuất sắc có thể có nhiều độc giả hơn. Mọi người sẽ có một sự hiểu lầm rằng, giải thưởng sẽ phá hoại năng lực sáng tác của nhà văn. Đương nhiên chúng ta đã nhìn thấy một số tiền lệ, có nhà văn sau khi được giải thưởng không có tác phẩm tốt ra đời, nhưng tôi cũng có thể nêu với mọi người một vài trường hợp tốt. Ví dụ, nhà thơ Yeats, sau khi được giải Nobel, ông viết được những thi phẩm ưu tú nhất. Thomas Mann cũng viết ra những tác phẩm vĩ đại sau khi được giải Nobel, thậm chí người ta đã thảo luận có nên trao thưởng cho ông ấy một lần nữa không"

Vũ Phong Tạo (giới thiệu)
.
.