Những người làm mới phim cảnh sát hình sự

Thứ Năm, 05/08/2010, 10:35
Thời gian gần đây, seri phim Cảnh sát hình sự (CSHS) đã trở lại trên các giờ vàng của màn ảnh nhỏ. Sự trở lại này là một tiền lệ quen thuộc của Đài Truyền hình Việt Nam. Điều đáng nói là loạt phim này hiện đang được "giao phó" cho các đạo diễn trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X. Khi xông vào lãnh địa vốn chỉ dành cho những đạo diễn "gạo cội", tuy còn có những mặt hạn chế, song các đạo diễn trẻ ít nhiều đã mang đến một không khí tươi mới cho thể loại phim xưa nay vẫn được coi là khô khan, khuôn phép...

Còn nhớ, cách đây ít lâu, khi lãnh đạo Hãng phim Truyền hình Việt Nam quyết định giao 10 tập phim "Hành trình bí ẩn" trong loạt phim CSHS nói về tội phạm ma túy xuyên biên giới (một đề tài hấp dẫn nhưng không dễ làm) cho hai sinh viên vừa tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh là Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1979) và Trần Trọng Khôi (sinh năm 1983), không ít người đã tỏ ra lo lắng về việc liệu những đạo diễn trẻ này có đủ sức để gánh vác một bộ phim với đề tài hình sự, một đề tài khó về chuyên môn nhưng ít nhiều cũng mang tính giải trí? Hơn nữa, đề tài này xưa nay vốn chỉ được dành cho những đạo diễn đã có tay nghề, liệu những người trẻ đã đủ uy tín nghề nghiệp để hoàn thành nó? Thế nhưng, khi được phát sóng trên giờ vàng VTV1, bộ phim đã nhận được những phản hồi tốt từ phía khán giả...

Gần đây hơn, đạo diễn trẻ Bùi Quốc Việt (27 tuổi), người từng đảm nhận vai trò đạo diễn phim "Nhật ký Vàng Anh", sau đó là "XU50", được giao nhiệm vụ đảm trách seri phim hình sự "Đầm lầy bạc", bộ phim đề cập tới những con người, những chân lý quay cuồng trong sự điều khiển của đồng tiền tội lỗi. Bộ phim đã nhanh chóng thu hút được một lượng lớn khán giả theo dõi và ít nhiều có những tác động đối vào đời sống của giới trẻ.

Ngay trong mùa hè năm 2010 này, khán giả lại tiếp tục được thưởng thức 10 tập phim "Mặt nạ hoàn hảo" trong seri phim CSHS mà đạo diễn không ai khác chính là Nguyễn Tiến Dũng. Sự "trẻ hóa" này đã cho thấy một sự kỳ vọng vào đội ngũ các đạo diễn kế cận, những người sẽ tiếp tục tạo dấu ấn cho seri phim CSHS vốn đã là một thương hiệu của Đài Truyền hình Việt Nam.

Nói về sự "trẻ hóa" này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng phim Truyền hình Việt Nam trả lời báo giới rằng, seri phim CSHS mới là kết quả của một quá trình các đạo diễn trẻ nỗ lực, tìm kiếm để có thể mang lại một "làn gió mới" cho thể loại phim này. Người xem sẽ nhận thấy có những nét mới nhất định, sự kỹ lưỡng trong việc tìm tòi cách thể hiện mới như: ca khúc phim cũng là một ca khúc mới hướng đến cộng đồng, cuộc sống nhiều hơn. Những gương mặt diễn viên đóng cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra cũng là mới. Chỉ có điều, những diễn viên trẻ này cũng phải tiếp nhận những vai diễn vốn đã được rất nhiều nghệ sĩ đi trước thể hiện thành công. Ngược lại trong mỗi diễn viên trẻ bao giờ cũng có khát vọng khẳng định mình nên họ đã thể hiện tốt trong vai diễn...

Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, phim CSHS, dù đã chiếm thời lượng phát sóng khá dày đặc trên truyền hình, song, nếu nhìn nhận thực tế thì phim chưa lột tả được chính xác hình tượng người chiến sĩ công an trong thời đại mới. Điều chưa được do nhiều nhân tố, một phần do khâu kịch bản chưa thật tốt, người viết chưa nắm được các yếu tố nghiệp vụ nên câu chuyện diễn ra khá đơn giản, vấn đề nêu ra còn sơ sài, không lột tả được hết những "sự cố" như trong đời thực mà các chiến sĩ Công an phải đối mặt. Bởi vì, trên thực tế, những tên tội phạm luôn biến hóa khôn lường, nếu tạo được các tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, đòi hỏi người làm phim phải thực sự dụng công tìm hiểu, gặp gỡ các nhân chứng để hiểu sâu hơn tâm lý tội phạm. Tất nhiên, phim mang tính giải trí không thể đòi hỏi phân tích các chi tiết nghiệp vụ một cách cụ thể và dày đặc, nhưng nếu các đạo diễn trẻ chịu khó tìm hiểu kỹ càng thì bộ phim sẽ thuyết phục hơn.

Các đạo diễn trẻ thế hệ 7X, 8X đang tạo ra một sự kỳ vọng lớn đối với công nghệ phim truyền hình, đặc biệt là Phim Hình sự - một mảnh đất màu mỡ mà nếu biết khai thác sẽ rất "đắt giá". Nói như đạo diễn Đỗ Thanh Hải, đến thời điểm này, có thể thấy các đạo diễn trẻ dù còn có những hạn chế về tư duy, về kinh nghiệm sáng tạo bởi làm phim phải có sự đúc kết, nhưng rõ ràng chúng ta đã thấy một thế hệ tiếp nối, tiếp tục gánh vác và chia sẻ những trách nhiệm, những công việc rất nặng nề của đơn vị sản xuất phim. 

Thiếu tướng Nguyễn Duy Hùng (Nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát - Cố vấn nghiệp vụ cho phim CSHS):

Tôi làm cố vấn nghiệp vụ cho các seri phim CSHS từ năm 2004 đến nay. Thực ra, các tập phim cảnh sát hình sự được chiếu trên sóng truyền hình chỉ phản ảnh được phần nào công việc, chiến công và cả những gian khổ của người chiến sĩ công an. Thực tế thì các chiến sĩ công an chúng ta, đặc biệt là các chiến sĩ hình sự, để lập được chiến công dù lớn, dù nhỏ phải vất vả hơn nhiều, gian nan hơn nhiều, đôi khi sự vất vả gian nan ấy không đong đếm được mà chỉ có thể là người trong cuộc, yêu nghề, sống với nghề, hy sinh cho nghề mới cảm nhận được. Tôi vẫn nói với lãnh đạo của Hãng phim rằng, các chi tiết nghiệp vụ trong các tập phim chưa nói hết được cái giỏi lẫn cái gian khổ của các chiến sĩ Công an. Nhưng, để làm được điều này còn cần nhiều thứ, nhiều khâu khác nhau mà có lẽ không thể giải quyết trong ngày một ngày hai được. Các đạo diễn trẻ ngày nay họ có lợi thế nhưng để làm cho ra được vấn đề còn phải chờ đợi thời gian.

Nhà biên kịch Thùy Linh (Phó giám đốc Hãng phim Truyền hình Việt Nam)

Cũng như bất kỳ phim nào, việc để các đạo diễn trẻ thử sức đi một chặng đường dài đều khiến chúng tôi vừa hồi hộp, lo lắng, vừa hy vọng, mong ước họ sẽ thổi vào đó sức sống tươi mát, sôi nổi, táo bạo của tuổi trẻ. Có lúc họ sẽ phải trả giá, thất bại, chán nản trên con đường đi đến thành công, miễn sao họ còn yêu nghề và hy sinh vì nó. Kinh nghiệm làm phim của lớp người đi trước chưa chắc đã có tác dụng với các đạo diễn trẻ. Họ phải được học từ chính thất bại của họ, không ai "tắm hai lần trong cùng một dòng sông", nhất là với những người làm nghệ thụât là phải luôn đổi mới chính mình. Và mỗi lần lột xác, có thể họ thành công, cũng có thể thất bại. Điều quan trọng là họ biết nhìn ra thất bại và luôn học hỏi, không thất vọng và lùi bước. Với tư cách là một đồng nghiệp đi trước, tôi chỉ có thể đồng hành bên cạnh họ, đưa ra lời khuyên khi họ cần đến, giúp đỡ họ khi có yêu cầu, chứ không thể cầm tay chỉ việc, không thể áp đặt hay bắt ép họ làm theo ý mình, kể cả khi tôi thích làm theo cách khác hơn. Cách tiếp cận với một tác phẩm nghệ thuật rất đa diện nên tôi không cho góc nhìn của tôi là duy nhất đúng, là duy nhất hiệu quả… Chính vì thế các đạo diễn và các tác giả trẻ sẽ phải là người thầy của chính họ. Còn tôi, sẵn sàng làm bạn đồng hành với họ bất cứ lúc nào.

Đạo diễn trẻ Nguyễn Tiến Dũng:

CSHS là thể loại phim có nhiều chất liệu tốt để những đạo diễn phim truyền hình như tôi sử dụng hình ảnh, âm thanh, ánh sáng… điều mà không phải phim truyền hình nào cũng có thể thực hiện được. Nói một cách chính xác là có điều kiện và cơ hội, để có thể dùng ''ngôn ngữ điện ảnh'' kể lại câu chuyện cho khán giả. Mỗi một bộ phim thành công hay thất bại còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Kịch bản, ê kíp thực hiện, tính thời cuộc... Thiếu một trong những yếu tố đó thì khó mà thành công được. Chẳng hạn, ngay từ khi nhận kịch bản và bắt đầu đưa vào sản xuất, seri phim "Mặt nạ hoàn hảo" đã gặp nhiều sự cố đáng tiếc. Điều làm tôi buồn nhất là lòng người không thuận. Tôi là một đạo diễn trẻ nên chính điều đó đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều… Tuy nhiên, nói gì thì nói, chúng tôi đang có những cánh cửa rộng mở và tôi tin rằng, chừng nào còn nhiệt huyết với nghề thì mình sẽ đi tới đích

Thiên Kim
.
.