Những người chụp ảnh bằng... tai

Thứ Ba, 23/07/2013, 08:00

Tai nạn giao thông tàn khốc năm nào cướp đi đôi mắt của người Thiếu úy Công an. Hơn 20 năm sống trong bóng tối, đôi tay ông Hồ Thanh Tùng chẳng bao giờ sờ tới cái máy ảnh từng gắn bó trên chặng đường công tác. Chụp ảnh ư? Với đôi mắt mù lòa, đó là chuyện hoang tưởng. Thế nhưng, chuyện hoang tưởng ấy lại thành sự thật bởi một cô sinh viên năm thứ ba...

1. - Cháu lên tiếng đi.

- Dạ, cháu đây nè. Chú nhớ chụp thật đẹp nhé!

- Được rồi, đứng yên vị trí đấy, tạo dáng đi nào, cười tươi lên nha! Một, hai, ba…

Cô gái hí hửng xem bức ảnh vừa mới ra lò của ông Trần Văn Em, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Bình Dương. Tấm ảnh chân dung tươi tắn và không bị méo lệch hay mất tay, mất chân như cô gái vẫn thom thóp lo.

Khó có thể nói hết sự ngạc nhiên của mọi người khi lần đầu tiên chiêm ngưỡng hàng trăm bức ảnh đầy ắp yêu thương do người khiếm thị chụp. Xưa nay, người ta biết đến công việc của người khiếm thị là chơi nhạc, hay làm tăm tre, làm chổi… Thế nên, biết người khiếm thị chụp ảnh, ai cũng thắc mắc rằng họ chụp ảnh như thế nào. Chính người trong cuộc, lúc đầu cũng không tưởng tượng được…

Ngày Trần Nguyễn Linh Thùy, Trưởng nhóm sinh viên tình nguyện Đại học Ngoại thương trình bày ý tưởng "Người khiếm thị kể chuyện qua ảnh" để tham gia dự án Photovoice (kể chuyện bằng hình ảnh) do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức, mọi người ai cũng ngạc nhiên. iSEE lạnh lùng từ chối bởi họ lo ngại rằng sẽ không có người khiếm thị nào đồng ý tham gia dự án này. Để thuyết phục iSEE, Thùy lại lọc cọc chạy xe đến Hội Người mù tỉnh Bình Dương trình bày ý tưởng. Và như lời cảnh báo, năm lần bảy lượt là cái lắc đầu với lý do Chủ tịch Hội đi vắng. Không ai tin rằng ý tưởng "điên rồ" này có thể thành công. Thế mà Thùy vẫn bám. Cuối cùng cô cũng gặp được ông Trần Văn Em, Chủ tịch Hội. Thùy sung sướng trình bày về ý tưởng táo bạo của mình, đinh ninh trong bụng chắc chắn lần này sẽ thành công. Đáp lại là tiếng thở dài của vị Chủ tịch Hội: "Người mù không tham gia được đâu cháu à. Ý tưởng này phải hủy thôi". Lúc này, Thùy đâm hoảng. Vậy coi như công sức của bốn đứa trong nhóm tình nguyện đổ xuống sông xuống bể. Chẳng còn cơ hội nào để chứng minh cho người khiếm thị thấy rằng họ có thể làm được những điều mà họ nghĩ mình không thể. Đành bỏ cuộc ư? Hiểu được nỗi thất vọng tràn trề của Thùy, suy đi nghĩ lại, ông Em tặc lưỡi đồng ý. Dù vậy, trong tiếng cảm ơn rối rít của cô sinh viên, ông vẫn canh cánh nỗi lo cho quyết định liều lĩnh ấy.

Chia sẻ về xuất phát điểm của ý tưởng khác người, Thùy hào hứng: "Ngày trước tôi công tác ở một số tổ chức tình nguyện. Lúc đó, tôi đang làm việc với sinh viên mù Huỳnh Hữu Cảnh trong dự án về chiếc gậy có gắn đèn và âm thanh dành cho người mù mà anh mới phát minh. Cho nên khi tham gia Photovoice, tôi mới nảy ra ý tưởng người mù chụp hình. Tôi tin họ có thể làm được nhiều điều như người bình thường".

Vỏn vẹn hai ngày tập huấn, các bước chụp hình mà Tiến sĩ nhân học hình ảnh Nguyễn Trường Giang chỉ dẫn đều được người khiếm thị thực hiện thuần thục. Lớp học có 8 học viên khiếm thị và 2 người mắt sáng. Chị Nguyễn Thị Hoa nhớ lại: "Ban đầu tôi tưởng dùng máy ảnh đặc biệt, có hỗ trợ âm thanh dành cho người mù. Dè đâu là máy ảnh du lịch bình thường. Thầy in một vài tấm hình nổi để chúng tôi sờ, nhận biết bố cục của tấm ảnh thông thường rồi mới dạy chụp". Ông Trần Văn Thân, Chủ tịch Hội Người mù huyện Dầu Tiếng cho biết thêm: "Thầy chỉ cách tắt, bật máy. Chế độ đèn flash và chụp ảnh thì luôn bật sẵn. Tụi tui chỉ việc cầm máy ảnh lên, ấn nút bật cho ống kính trồi ra, canh vị trí rồi ấn nút chụp. Mỗi lần ấn mà ống kính không trồi ra thì mình biết là hết pin, nhờ người mắt sáng sạc giùm. Chụp xong thì tắt máy. Sờ, vặn lung tung là rắc rối to. Khi chụp chân dung thì khoảng cách đứng tầm 3 mét. Phải dựa vào âm thanh của đối tượng được chụp thì mình mới "ngắm" chuẩn xác. Nếu thấy không ổn thì xin người ta cho mình sờ mặt mũi, ước lượng chiều cao. Chụp cảnh tĩnh hay tòa nhà thì mình nhờ người ta tả chiều cao để ước tính góc nghiêng của ống kính. Tụi tui bị mù nên phải chụp đi chụp lại nhiều tấm để hư tấm này có tấm khác".

"Người khiếm thị kể chuyện qua ảnh" vẫn còn là hoạt động mới mẻ ở Việt Nam.

Ngày đầu chụp, việc giữ máy chưa vững nên hình bị nhòe hoặc nghiêng, bố cục rời rạc. Họ cũng không lường trước được các chi tiết rác trong bức ảnh. Ông Hồ Thanh Tùng vẫn còn nhớ lần chụp hình một người khiếm thị đang cho gà ăn. Như thường lệ, mỗi lần chụp xong ông lại nhờ người mắt sáng mô tả lại chi tiết của bức ảnh cho mình nghe. Nghe người bạn mô tả đàn gà, phông nền là bụi chuối, bác nông dân ngồi giữa rải thóc cho gà ăn như thế nào… ông Tùng gật gù, tỏ vẻ hài lòng. Nhưng đến khi nghe người bạn tả bác nông dân đang ngậm điếu thuốc thì mặt ông Tùng biến sắc. "Tuyên truyền về ý chí vươn lên trong sản xuất nông nghiệp của người mù mà dính hút thuốc lá thì hỏng bét. Giá như tui sáng mắt, thấy ổng hút thuốc thì kêu ổng bỏ điếu thuốc đi. Đằng này mình không thấy gì. Thế là đành bỏ gần chục tấm hình. Tiếc đứt ruột!".

2. Hầu hết những người khiếm thị tham gia dự án này đều tâm sự đây là lần đầu họ chụp hình. Thế nên, "ngắm" những tấm hình do mình chụp, họ vui không thể tả xiết. Tựa hồ chiếc máy ảnh là con mắt thứ ba của cuộc đời họ. Trong số này, có người đã từng chụp ảnh khi mắt còn sáng. Đó là ông Hồ Thanh Tùng. Trước đây, ông Tùng công tác tại Sở Công an tỉnh Bình Dương. Tai nạn giao thông năm 1991 khiến ông bị chấn thương dây thần kinh thị giác. Ngày chưa bị tai nạn, ông vẫn thường dùng máy ảnh chụp lại hiện trường, tang chứng trong các vụ án kinh tế. Thế nên khi tham gia dự án, ông có vẻ thuần thục hơn so với những người khiếm thị còn lại. Bức ảnh mà ông tâm đắc nhất và cũng sẽ được Photovoice triển lãm là cảnh vợ ông đang chăm sóc bầy heo con bú mẹ. Góc chụp khó vì chuồng có nhiều góc khuất, lại hẹp, chụp được bầy heo thì không lấy được hình của vợ; chụp được vợ thì mất hình bầy heo. Thế nên loay hoay hàng chục kiểu, canh me bầy heo gần cả ngày trời, ông mới có bức ảnh tạm ưng ý.

Thú vui chụp ảnh của ông Tùng cũng lạ: chỉ ưa chụp vật nuôi. Ông bảo làm thế để ca ngợi những người nông dân khiếm thị biết vươn lên trong lao động sản xuất, khuyến khích những người cùng cảnh ngộ biết đường làm ăn. Không chỉ chụp hình thuần thục, ông Tùng còn biết nghe tiếng nói để đoán được thần thái của người mình chụp. Cũng vì tài lẻ này nên các dịp sinh hoạt của Hội Người mù thị xã Thuận An - nơi ông công tác - ông Tùng thường làm "phó nháy".

Đằng sau mỗi bức ảnh đều có một câu chuyện, vui có, buồn có. Xem ảnh, có thể thấy người mù chụp bất cứ thứ gì quanh mình: từ khu vườn, cái sân, ngôi nhà, người thân đến hoạt động của cộng đồng khiếm thị như làm chổi, vót tăm tre... Ai cũng muốn sau dự án, việc chụp ảnh vẫn được duy trì để họ có cơ hội kể về thế giới của mình nhiều hơn. Nhưng không chừng khi dự án kết thúc, những gì học được cũng chỉ xem như trò vui thoáng chốc vì như ông Trần Văn Em buồn bã tâm sự: "Do Hội còn thiếu thốn, tui đã ngỏ ý xin dự án tài trợ máy ảnh sau khóa học, tạo điều kiện cho anh em có cái thực hành, ghi lại khoảnh khắc của cuộc sống. Nhưng bên dự án chưa trả lời, xem chừng họ cũng khó khăn".

Dự án Photovoice 2013 do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức có chủ đề "Cuộc sống của tôi đã thay đổi như thế nào?" khởi động đầu tháng 4/2013. Dự án gồm 15 tổ chức xã hội dân sự với nhóm người yếu thế hưởng lợi như: người chuyển giới, người khiếm thị, dân tộc thiểu số, người nhiễm HIV, người nghèo… Họ sẽ tham gia kể câu chuyện của mình bằng hình ảnh hoặc đoạn phim do chính họ thực hiện. Nhờ những "nhiếp ảnh gia" và "nhà làm phim" nghiệp dư này, công chúng sẽ chứng kiến sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của bản thân họ và cộng đồng. Điểm cuối của chương trình sẽ là triển lãm các bức ảnh, câu chuyện, đoạn phim xuất sắc nhất mà họ đã thực hiện, dự kiến tổ chức vào tháng 9/2013.

Mai Quỳnh Nga
.
.