Những nghệ nhân đất vườn

Thứ Hai, 30/01/2017, 08:27
Tôi về ở đất Nghi Tàm, Tứ Liên kể đến Tết này là tròn 19 năm. Thời gian đủ cho tôi hòa mình gắn bó với một thế hệ người dân ở đây, những người dân gốc sở tại chuyên nghề trồng quất cảnh, mà tôi hay đùa vui gắn cho họ cái biệt danh  là “những nghệ nhân trên đất vườn”.


Tứ Liên trước kia thuộc địa phận Tứ Tổng, gồm 4 làng: Nội, Ngoại, Vạn, Xuyên, ở cửa ngõ phía Bắc Hà Nội, nằm ngoài đê hữu ngạn sông Hồng. Từ xa xưa, cả vùng bãi ven sông này vốn không có người ở, toàn lau sậy, cỏ dại mọc. Hàng trăm năm trước có một số người dân ở các xã  Bồng Lai, Bá Giang cũng là dân ven sông ở huyện Đan Phượng khi xuôi thuyền xuống Hà Nội, qua đây thấy bãi đất bỏ hoang, liền xuống lập trại khai khẩn.

Thấy làm ăn được, có thêm nhiều người làng xuống theo. Họ vỡ đất hoang trồng dâu, trồng rau màu. Họ gần như là cư dân đầu tiên của đất này. Bây giờ ở Tứ Liên nhiều người có quê chung một gốc, nên dù đô thị hóa, mà vẫn giữ nguyên nếp họ tộc, làng xã.

Cũng như đào cảnh, cây quất Hà thành có từ lâu đời, nhưng từ năm 1954 trở về trước không phổ biến lắm. Chỉ có một số ít gia đình phong lưu trong làng Tây Hồ có thú vui trồng quất cảnh trước sân, cái thứ cây lá xanh, hoa trắng, quả chín vàng vào dịp Tết đến. Họ cũng trồng tự nhiên thôi chứ chưa biết xén cành tạo thế, tạo dáng như bây giờ.

Vườn quất cảnh Tứ Liên vào Tết.

Dần dần thú chơi tao nhã này lan rộng ra, nhưng vẫn chỉ trong giới phong lưu, người có tiền như các quan lại, hoặc Công sứ thực dân trong nội thành, những nhà buôn giàu có…  cứ Tết đến lại hăm hở tìm đào, quất về bày Tết. Sau hòa bình năm 1954, phong trào trồng quất cảnh mới lan rộng, nhưng chỉ trong địa bàn hai làng Tứ Liên và Quảng Bá. Vì thế người dân ở hai làng này có nhiều kinh nghiệm trồng quất cảnh, nên quất Tứ Liên, Quảng Bá có thương hiệu từ lâu, được nhiều người chơi quất cảnh biết đến.

Ngược dòng thời gian, những gia đình trồng quất cảnh đầu tiên ở Tứ Liên là các gia đình ông Giai, ông Lịch và ông Lưu. Do trình độ canh tác bấy giờ còn hạn chế, nên các gia đình này chỉ trồng với số lượng rất ít, vừa trồng vừa mày mò rút kinh nghiệm. Dần dần kinh nghiệm được truyền lại cho anh, em, con cháu, người thân.

Có thể nói người Tứ Liên gốc không ai không biết trồng quất cảnh. Còn nhớ vài chục năm trước, khi Tứ Liên còn là xã nông nghiệp ngoại thành thuộc huyện Từ Liêm, đất còn rộng, người thưa. Gia đình nào cũng có mảnh vườn quanh nhà để trồng hoa, quất cảnh.

Từ khi lập quận Tây Hồ, xã Tứ Liên thành phường. Đất vườn trở thành “đất vàng”, người dân chuyển đổi hết thành đất ở. Cây quất chuyển ra trồng ở đất 5%, rồi đất phần trăm cũng hết dần, giờ thì ra bãi đất ven sông Hồng. Để giữ nghề quất cảnh trong cơn bão đô thị hóa, từ rất sớm Tứ Liên đã quy hoạch đất trồng quất gồm 9 ha ven sông để các hộ thuần nông có đất canh tác, giữ nghề trồng quất, ổn định cuộc sống.

Ngày nghỉ chủ nhật, tôi lững thững ra vườn quất thăm mấy người quen. Còn chưa đầy tháng nữa là đến Tết Đinh Dậu, các vườn quất giờ này bắt đầu chín quả. Anh Trần Đình Thịnh, chủ vườn quất Thịnh - Thuần đang lúi húi gò lại những nhánh tuột khỏi tán. Vợ anh thì đang tưới cho cây ở góc vườn đằng kia.

Anh cho biết, khoảng 3 tháng trước Tết thường rất bận, nhiều chủ vườn dựng lán ăn ngủ tại chỗ. Năm nay trời ít mưa nên ngày nào cũng phải tưới hai lần, nếu không tưới, cây “xuống mã” ngay. Vườn của gia đình anh có khoảng 400 cây, hai vợ chồng lại thuê thêm người làm mà vẫn không hết việc. Chăm sóc cả ngày mà một số cây vẫn bị chột do không đủ nước tưới.

Nhìn rộng ra các vườn, thấy năm nay quất kém, quất hỏng cũng nhiều, nhìn cây lá cứ vàng ệch, quả nhỏ, nguyên nhân là do thời tiết hanh kéo dài, thiếu mưa. Kinh nghiệm cho thấy nước tưới cũng không tốt bằng nước mưa. Đến lúc thu hoạch cây quất nếu không giữ được sắc lá, sắc quả tươi bóng thì coi như lỗ vốn, có khi ế, bán chẳng ai mua.

Lúc giải lao, tôi tranh thủ hỏi anh về kỹ thuật trồng quất cảnh. Anh khiêm tốn bảo: Anh cũng mới làm chủ vườn hơn chục năm nay, kỹ thuật kinh nghiệm cũng có chút ít, cái khó nhất là thời tiết mỗi năm một khác, nếu mình không phản ứng kịp là thua. Cây quất từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch có rất nhiều thời kỳ, công đoạn, đòi hỏi người trồng phải nắm được đặc tính sinh trưởng của nó để đáp ứng.

Trước kia đất còn rộng, ngoài đất trồng quất, gia đình nào cũng dành một mảnh đất để làm quất giống. Tạo quất giống có hai cách là ghép cành và chiết cành. Đối với ghép cành thì không thể sản xuất cây giống đại trà, vì cành quất nhỏ khó ghép. Phần nhiều hiện nay ghép cây để đáp ứng xu thế người chơi nghệ thuật, tức là một cây có nhiều loại quả khác nhau cho đẹp, lạ mắt. Càng độc nhất vô nhị càng quý.

Quất cảnh trồng trong bình đang được người dân ưa chuộng vào dịp Tết.

Thông thường người ta ghép quất với bưởi, chanh, cam; tam, tứ, ngũ quả càng nhiều càng đẹp, càng có giá. Còn sản xuất quất giống đại trà thì biện pháp chiết cành là chủ yếu. Quất để chiết thường được chọn những cây mập mạp, lá dày, quả to. Vào cuối tháng 12, thời điểm thời tiết hanh khô, ít mưa, các nhà vườn bắt đầu chiết cành. Họ bấm khoanh vào chỗ cành chiết, sau đó dùng chất kích thích bôi vào, rồi dùng bùn ao trộn với rễ bèo bọc vào chỗ khoanh, bọc kín không để nước mưa thấm vào. Sau 2 tháng, khi thấy rễ ra thì cắt, xuống giống…

Bây giờ ở Tứ Liên đất không còn nhiều, nên các chủ vườn đã chủ động sang Văn Giang (Hưng Yên) chuyển giao kỹ thuật làm quất giống, còn đất bên này chỉ làm quất cảnh. Sau khi thu hoạch quất cảnh vào vụ Tết, tháng Giêng và tháng Hai các vườn lại cải tạo đất chuẩn bị cho vụ mới.

Anh Trần Văn Út, một chủ vườn có tiếng ở Tứ Liên cho biết: Đất trồng quất tốt nhất là đất phù sa, nó mát, rất hợp với cây; nhưng bây giờ đất phù sa ít và lại lẫn nhiều cát, nên mùa nắng hại cây lắm, nếu không chăm khéo là hỏng ăn. Đã từng có gia đình phải nhổ cả vườn do đất pha cát quá nóng, tưới nhiều cây bị thối rễ chết.

Tháng Ba tiết trời còn mát thì chuyển cây giống về cho xuống vườn. Quá trình chăm sóc cũng là quá trình tạo dáng, tạo thế cho cây. Kinh nghiệm cho thấy năm nào trời ít sương, mưa vừa phải, ít hanh khô là thuận với cây quất. Chăm sóc cũng phải đúng quy trình kỹ thuật, như việc tưới cây chỉ được tưới vào buổi sáng hoặc chiều mát, nếu trưa nắng mà tưới cây sẽ bị chột.

Cây quất phát triển cần nhiều phân bón. Trước khi bón phân phải nhìn cây, kiểm tra rễ. Cây quất rễ chùm, ăn nông, có chu kỳ 2 tháng ra rễ một lần, kể cả đến lúc ra quả. Nếu thấy rễ non ra thì không được tưới phân, vì rễ bị xoăn thối làm chết cây. Nếu thấy rễ già thì tưới ngay để đón đợt rễ non tới. Rận đỏ là kẻ thù chính gây hại cho cây quất. Nếu thấy lá quất vàng khè đích thị là bị rệp đỏ. Loại côn trùng này mắt thường không nhìn thấy, chúng thường nằm dưới gậm lá để tránh nắng mặt trời và ăn chất diệp lục của lá. Phun thuốc diệt rệp phải phun từ dưới lên, sau đó lại phun từ trên xuống.

Có một thực tế hiện nay, thuốc diệt rệp đỏ đang thật giả lẫn lộn, phần lớn thuốc nhập lậu từ Trung Quốc sang, chất lượng không đảm bảo. Phun thuốc có khi diệt được rệp, nhưng cũng hỏng cả cây. Tháng Sáu cây quất bắt đầu ra hoa rồi ra quả, việc chăm sóc từ đấy trở đi không rời tay. Tưới nước, bón phân, trừ sâu bệnh, chống nắng nóng, chống sương muối, chống mưa dầm là những công việc thường trực đối với các chủ vườn.

Vài năm nay quất Tứ Liên có thêm diện mạo mới, đó là quất được trồng trong bình, quất Bon sai. Cũng bắt nguồn từ đất trồng ngày càng ít đi, một số người muốn thay đổi cách trồng truyền thống, nhằm tạo thêm thương hiệu nghệ thuật cho quất cảnh Tứ Liên. Người đi tiên phong đưa quất vào bình trồng là chủ nhà vườn Mạnh - Chiều.

Năm đầu tiên nhà vườn này trồng thử 20 bình thành công và thấy khách hàng thích. Năm thứ 2 trồng 100 bình cũng bán hết veo. Từ năm thứ 3 trở đi Tứ Liên lác đác có người làm theo. Đến năm nay phong trào trồng quất bình đã lan ra cả làng, Số nhà vườn trồng từ 500 cây đến vài nghìn cây không còn là hiếm. Cách đây 3 năm, tại hội chợ làng nghề phường Tứ Liên, quất cảnh của nhà vườn  Mạnh – Chiều đã đăng ký được bảo hộ thương hiệu.

Anh Trần Văn Út, chủ vườn cả quất trồng đất và quất trồng bình cho biết: Khác với quất trồng truyền thống dưới đất thường phụ thuộc nhiều vào thời tiết, may rủi phập phù. Cân quất trồng trong bình cây nhỏ dễ chăm sóc, lại được che chắn khi thời tiết bất thường, nên ít hỏng. Đặc biệt về phương diện nghệ thuật được nâng thêm một bước, khẳng định vững chắc thương hiệu cây quất cảnh Tứ Liên.

Từ vườn quất trở về tôi cứ nghĩ ngợi về cây quất và những người trồng quất. Dù lời, lãi được nhiều, được ít, hay sự vất vả quanh năm cùng cây quất thì chỉ những chủ vườn mới hiểu. Và họ luôn xứng đáng là “những nghệ nhân của đất vườn” quất cảnh. Còn với mỗi người chúng ta vào những dịp năm mới được ngắm những cây quất lá xanh, lộc biếc, quả sắc vàng tươi cùng đón xuân về trong ngôi nhà của mình, như được tiếp thêm một dư vị vào Tết cổ truyền của dân tộc.

Hà Văn Thể-Xuân 2017
.
.