Những ngày thu đẹp ở Mộc Châu

Thứ Ba, 24/10/2006, 14:00

Chuyện xưa kể rằng có một đôi trai gái người Mông vì những tập tục phong kiến hà khắc nên không lấy được nhau. Chỉ đến khi có Tết độc lập 2/9, được tự do đi chơi, họ mới gặp lại. Mừng tủi, đôi trai gái hẹn nhau năm nào cũng gặp vào ngày ấy, tại địa điểm ấy…

Không dưng mà thành, các đôi bạn tình khác theo đó cùng hẹn gặp. Và sự hẹn hò thông lệ đã trở thành ngày hội, thực sự trở thành ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Mông hôm nay. Rải rác trên các triền núi mùa đông mây nằm chưa trôi đi, mây màu xuân đã sà xuống từ Việt Bắc, Tây Bắc đến miền Tây Nghệ An, khác nhau đôi chút về tiếng nói, trang phục nhưng người Mông là một khối đại đoàn kết với văn hóa truyền thống, cùng hát Tiếng hát ngợi ca, Tiếng hát làm dâu

Từ phạm vi một địa phương nhỏ, mang tính tự phát, tiếng lành đồn xa nay đã trở thành ngày hội chung vui của toàn thể người Mông trong cả nước và một số nước bạn lân cận như Lào, Thái Lan… Trên cao nguyên Mộc Châu tươi đẹp, 2 - 9 năm nào cũng hội tụ trai gái dập dìu. 2/9/2005, tỉnh Sơn La đã tổ chức thành ngày hội lớn cho đồng bào dân tộc Mông và hội tụ về Mộc Châu cả đồng bào dân tộc Mông của một số tỉnh lân cận. 2/9/2006, Bộ Văn hóa - Thông tin với chủ trương đưa văn hóa về cơ sở đã thực sự khiến thị trấn cao nguyên như cô gái đẹp xuống chợ với bộ áo váy lanh mới nhất, đẹp nhất vui cùng bạn tình.

Đường vào Tà Phình (Tân Lập, Mộc Châu) hôm nay được rải nhựa hơn 30km từ trung tâm huyện lị, hai bên đường xanh ngắt những đồng cỏ “tiến vua”, những nương ngô, những vạt đồi dong diềng khoe sắc tía, những quả bí xanh phủ đầy phấn phơi mình trên đá như những chú lợn con. Mấy cô bé Mông vẫn váy áo truyền thống chơi cạnh điểm trường phổ thông cơ sở 20 -11 chỉ cho chúng tôi vào một nhà đối diện. Các cô bé không chỉ, chắc chắn chúng tôi cũng ghé vào vì cô con gái nhà ấy đang may bên hiên nhà rất duyên. Ánh đèn flash của máy ảnh lóe lên khiến cô cúi đầu e thẹn. Từng tấm thổ cẩm được ghép lại thành váy, áo nhanh chóng.

Một anh bạn đi cùng đoàn chúng tôi thở phào nói: “Thế là phụ nữ Mông được giải phóng khỏi lao động thủ công” mà chưa biết rằng đến giờ phụ nữ Mông vẫn cần mẫn và khéo léo dệt lanh, thêu hoa văn tỉ mỉ, thậm chí thêu ngược mà vẫn đẹp. Máy khâu sẵn có trước nhiều hiên nhà cũng chỉ giúp phụ nữ Mông phần nào. Ông chủ nhà bước ra tươi cười nói: “Vào chơi đi!”. Bắp ngô nếp còn nguyên vị ngọt trên nương nóng hổi trên tay cầm, bát rượu ngô kề môi. Ông chủ nhà luôn miệng giục: “Ăn đi!”, cười vui: “Ăn đi là ăn xong ở lại chứ không phải ăn rồi đi đâu đấy”. Thế mới thấy đồng bào ta vui tính thật. Ai đó đã nói cái lý của người Mông là hay lắm. Ông chủ Tráng A Nhà lại nói lý: “Mình không trồng cái thuốc phiện đâu, chỉ có điếu thuốc lào đón khách thôi”.

15 năm tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự xã Tân Lập đã được “lên báo” với những huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất năm 1987, bằng khen của công an tỉnh về phong trào thi đua bảo vệ an ninh Tổ quốc các năm 1978, 1985, 1988. Về hưu năm 1994, ông Nhà vẫn đi chống việc trồng cây thuốc phiện. Ông là người ở bản này mua máy cày đầu tiên để trồng ngô, làm gương cho bà con bỏ cây thuốc phiện. Mua một cái máy cày hồi đó ấy à? Dà, phải bán 18 bò, 6 trâu đấy. Giờ thì tốt rồi! Nhà mình có 2 ha với 4 lao động chính, vừa trồng ngô, vừa lúa, trồng mận. Đến mùa, ôtô vào tận đây thu mua ngô 1.500 đồng/cân, được đấy chứ, không phải lo gùi đi xa nữa. Ôtô còn hiếm chứ xe máy có nhà có tới 2 - 3 cái, như nhà ông Vàng A Cán, Vàng A Sùng, Vàng A Lử Tá… Cả bản giờ chỉ còn 5 hộ đói thôi vì không có nghiện nữa, không nghiện mới là giàu.

Lối lý luận và tư duy mộc mạc của người Mông dễ đi vào lòng người vì thế. Trưởng phòng Văn hóa Mộc Châu Nguyễn Đức Nguyên - người gắn bó với nhiều nếp văn hóa, tập tục của đồng bào đã chia sẻ cùng chúng tôi cảm nhận. Trong lịch sử, dân tộc Mông là một dân tộc có bản lĩnh kiên cường vững chắc như núi đá; dẻo dai, bền bỉ như cây lanh; rực rỡ, tươi thắm như hoa đào; ngọt ngào, đắm say như điệu khèn gọi bạn; ấm nồng như hương vị của rượu ngô; phóng khoáng, hào hoa song cũng rất khiêm nhường, mạnh mẽ nhưng vô cùng tinh tế.

Nguyên nhắc lại câu chuyện cổ về các anh em dân tộc cùng chung cha mẹ, được cha mẹ bảo đi tìm nhà của mình, trong đó người Mông nghe tiếng gà gáy đã dậy đi sớm nhất nên ở trên tận núi cao. Văn hóa của đồng bào Mông là văn hóa đậm chất núi đồi thể hiện những bản sắc độc đáo, tinh thần cộng đồng và ý thức dân tộc rất cao, hòa vào dòng chảy văn hóa của 54 dân tộc anh em tạo nên sự đa dạng, mang đậm đà bản sắc Việt Nam.

Bản sắc thể hiện tập trung ngay tại nơi đây, vào mùa lễ hội.--PageBreak--

Đã bao nhiêu năm rồi kể từ ngày đôi trai gái kia gặp lại nhau, kể từ mùa thu Cách mạng năm 1945… Những người Mông cao tuổi của các bản như già Vàng, Giăng 98 tuổi, già Vàng, Mua 96 tuổi ở Tà Phình kể lại cho lũ  thằng Vàng, Trống rằng ngày 2- 9, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn  Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ngày người Mông ta coi đó là Tết Độc lập. Réo rắt lời ca “Người Mông ơn Đảng”… Phải rủ nhau đi hội từ ngày 29/8, phải xuống thị trấn Mộc Châu để được bộc lộ tình cảm của mình với Đảng, với Chính phủ đã đem cho người Mông ta một cuộc sống mới tốt đẹp, để được sống trong bầu không khí của quê hương.

Tới hội, ai cũng chuẩn bị cho mình bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất, trai thì đầu cuốn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn; gái thì xúng xính áo váy, tay cầm đàn môi, rung rinh nhạc ngựa. 20.000 người Mông tại Mộc Châu gồm 3 nhóm chính là Mông Lếnh, Mông Đu, Mông Đơ sinh sống ở 56 bản của 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện làm nên sắc màu địa phương. Từ khắp các ngả đường, người Mông của Tây Bắc, Việt Bắc, từ nước bạn Lào về mỗi lúc một đông vui. Các điệu khèn, điệu sáo bạn tình gọi nhau, rồi đánh yến, đánh tu lu, ăn thắng cố, uống rượu ngô, mua bán thổ cẩm và các nông lâm sản…

Trước màn diễn “Hoa đào trên đỉnh núi” đêm khai mạc, rất nhiều hoạt động hội lễ đã diễn ra như phiên chợ vùng cao với 12 gian hàng của nhiều địa phương, trò chơi dân gian… Có mặt nơi đây trò chơi “Rồng ấp trứng” tưởng như đã phai nhạt.

Lễ “Nào xồng” (ao ước đầu năm) đã thất truyền cũng được phục dựng. Ông Lùng thầu (người chủ hội) tay vung hương vòng quanh 2 con gà chờ cắt tiết và 1 con lợn, đọc bài cúng mong thần thổ địa bảo vệ dân bản khỏe mạnh, súc vật không bị dịch bệnh, mùa màng tốt tươi, người người no đủ. Mang tính cộng đồng rất cao, lễ “Nào xồng” còn có ý nghĩa giáo dục con cháu tính đoàn kết, đồng thời lập ra một quy ước để mọi người cùng thực hiện như: không chặt phá rừng, không trộm cắp của người khác, quy định chăn thả gia súc, quy định về cưới xin, ma chay.

Xem điệu nhảy “Tha kềnh”, thi bắn nỏ, đẩy gậy, chúng tôi gặp lại hai cặp vợ chồng Tráng Láo Chờ - Và Thị Cá, Tráng A Thái - Sùng Thị Dở đã gặp trong buổi họ tập trung về tập luyện tại xã Lóng Sập mấy ngày trước đó. Hôm nay họ vẫn đi có đôi nhưng tới tối mùng 1 sẽ tách ra để tìm lại bạn tình cũ. Lóng Sập trong chúng tôi còn vẹn nguyên với tình cảm về một xã vùng biên. Nơi đây vẫn đang phổ cập tiểu học do một số bản trắng, y tế thôn bản mới có 70%, vẫn chiếm hơn 70% hộ nghèo nhưng có tới 9/13 đội văn nghệ. Lóng Sập hôm nay đã thực hiện giao đất, giao rừng cho dân xong, di dân tự do không còn, những tập tục lạc hậu như ma chay, cưới xin dài ngày, tệ nạn ma túy gần như hết, cả xã vừa qua đã thu gom được hơn 600 khẩu súng kíp - thứ vũ khí tự tạo độc hại.

Có tới 6 huyện của tỉnh Sơn La giới thiệu quy trình sản xuất nhạc cụ, nấu rượu, rèn, làm mèn mén, ghép thùng gỗ… Ông Giàng A Páo - trưởng bản Pa Kha 1, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu kế nghiệp nghề rèn đến đời thứ ba của gia đình cho biết ở bản mình chỉ còn 1 - 2 người rèn dao, không đủ cung cấp cho bà con, thành ra sửa chữa là nhiều. Con dao Mông nổi tiếng là sắc từ xưa tới nay khiến mọi người tới tấp rủ nhau mua bằng được. Bàn tay người  Mông rèn rất công phu, khác với những kiểu rèn thường thấy dưới xuôi. Khác từ cái pô (ống thổi lửa bằng thân cây khá to) cho tới bễ thổi và nhất là bàn tay cầm búa của người Mông chắc nịch. Ông Páo cười: “Vui vì rèn tại đây để mọi người cùng xem. Trẻ con bây giờ ra ngoài va chạm nên lười rèn quá!”.

Nồng sực mùi thắng cố. Không thể đến lễ hội mà quên ăn thắng cố. Cùng với các quầy hàng tấp nập khách mua, khách tham quan tới tận 22 giờ đêm, mấy chảo thắng cố của người chiến sĩ chống Mỹ năm xưa Thào A Páo quê gốc Bắc Hà, nay ở bản Pó Nhằng 1, xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu luôn thu hút những ai yêu nét ẩm thực độc đáo. Hầu như ai cũng nếm 1 bát cùng với nồng ấm rượu ngô cho mặn tình bầu bạn. Được huyện hỗ trợ kinh phí để phục vụ bà con miễn phí, ông Thào A Páo bảo: “Phải làm thế nào để người ta nhớ…”.

Làm thế nào để mọi người nhớ? Sự tận tâm cùng cách nấu thắng cố của người lính già còn nhắc cho mọi người nhớ về hội lễ. Lễ hội thực sự và luôn luôn là ngày hội của đồng bào khi được đưa về cơ sở, để đồng bào là người sáng tạo, nuôi dưỡng - tâm sự của ông Vi Hồng Nhân (Vụ trưởng Vụ Dân tộc  thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin) và anh Nguyễn Đức Nguyên (Trưởng phòng Văn hóa huyện Mộc Châu). Những cán bộ ngành văn hóa từ trung ương tới địa phương này đều coi đồng bào chính là người thầy, còn họ chỉ giúp đồng bào  định hướng, không phá vỡ những nền tảng văn hóa…

Trở lại với câu chuyện về đôi trai gái người Mông xưa đã được gặp lại  nhau ở rẻo đồi Mộc Châu (nay là điểm xây dựng nhà văn hóa to đẹp). Theo lời hẹn, năm nào họ cũng về gặp nhau vào dịp Tết 2/9, kể cả khi tuổi đã già. Năm ấy, bà lão đến chợ, ngồi ở góc đã định thêu áo cho bạn tình. Nắm cơm đem theo bà không buồn ăn mà cứ đợi… Hội tan, tàn buổi chợ, vẫn không thấy ông lão đến. Cuối cùng, có một cô gái đến nói là cháu của ông lão và đưa cho bà chiếc vòng bạc mà ông nhắn gửi. Và cô gái đã đón bà lão về thăm gia đình mình, nhận anh em, cùng sum họp. Ngày hội đã thực sự trở thành ngày hội với nét văn hóa đầy nhân văn cao cả   

Nguyễn Thị Thu Hiền
.
.