Đại hội đại biểu Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ IX (2019-2024)

Những mảng màu sáng – tối

Thứ Sáu, 27/12/2019, 08:06
Vậy là năm 2019 đã chuẩn bị khép lại. Với Hội Mỹ thuật Việt Nam, những ngày cuối năm này cũng đồng thời là một nhiệm kỳ mới bắt đầu khi hội vừa tiến hành tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019-2024) và bầu ra Ban chấp hành mới...


Có vẻ như câu chuyện tranh giả khiến dư luận phẫn nộ suốt năm 2018 đã có phần nào "hạ nhiệt", song những ồn ào xung quanh đời sống mỹ thuật dường như chưa bao giờ nguội lạnh...

Đánh dấu sự "chuyển giao thế hệ"

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Hội Mỹ thuật Việt Nam diễn ra từ ngày 15 đến 17-12-2019 với sự tham dự của hàng trăm đại biểu, khách mời. Sau khi có báo cáo về nhiệm kỳ trước, Đại hội đã tiến hành bầu ra Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2019-2024 và thông qua phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới.

Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024 đã ra mắt với 11 thành viên, gồm: Họa sĩ Lương Xuân Đoàn được bầu làm Chủ tịch Hội, họa sĩ Vi Kiến Thành và nhà phê bình mỹ thuật Mai Ngọc Oanh là Phó Chủ tịch Hội; các thành viên khác bao gồm các họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Đào Quốc Huy, Lê Xuân Chiểu, Nguyễn Nghĩa Phương, Nguyễn Thiện Đức, Siu Quý, Đặng Thị Bích Ngân và nhà điêu khắc Hoa Bích Đào. Ban Kiểm tra Hội khóa IX gồm 5 thành viên, do nhà phê bình mỹ thuật Mai Ngọc Oanh làm Trưởng ban.

Ra mắt Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 2019 -2024) trong đó có nhiều nhân tố mới.

Tại Đại hội này, đồng chí Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định rằng: "Mỹ thuật Việt Nam đã luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đánh giá cao, mỹ thuật đã góp phần quan trọng xây dựng đời sống tinh thần và môi trường thẩm mỹ của xã hội. Sống và làm việc trong môi trường thẩm mỹ tốt đẹp, lành mạnh, hướng thiện sẽ hình thành lối sống, lối ứng xử văn hóa, nghĩa tình, tích cực và nhân văn của con người.

Công cuộc đổi mới, phát triển đất nước đòi hỏi các họa sỹ, nhà điêu khắc phải bám sát đời sống đương đại, những vấn đề của xã hội, chuyển biến lớn lao của đất nước để sáng tạo những tác phẩm, công trình mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao, nội dung tư tưởng sâu sắc, hình thức thể hiện vừa dân tộc vừa hiện đại, xứng đáng với tầm vóc sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...".

Do đó, trong thời gian tới, Hội cần chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn, tạo điều kiện cho hội viên sáng tác nhiều tác phẩm, công trình có tầm tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng sáng tác cho hội viên và toàn xã hội hiểu rõ các giá trị của mỹ thuật.

Các hội viên cần phát huy giá trị di sản mỹ thuật truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa mỹ thuật thế giới, sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình mỹ thuật mới, có giá trị; chú ý đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật thủ công truyền thống lẫn design hiện đại, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nền mỹ thuật nước nhà...

Tại Đại hội, với sự có mặt của đông đảo các họa sĩ nhiều thế hệ, đồng chí Võ Văn Thưởng mong muốn Hội Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục chăm lo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân cho hội viên, để mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế là một nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam trong thời đại mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước...

Với những gì đã diễn ra và kết quả bầu Ban chấp hành mới đã được công bố, có thể nói, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đã diễn ra tốt đẹp. Đại hội còn đánh dấu sự "chuyển giao thế hệ" trong Ban chấp hành với sự tham gia của nhiều gương mặt trẻ trung hơn. Điều này được họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng đã diễn ra "thuận dòng, nhẹ nhõm và đẹp đẽ".

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng kỳ vọng Hội sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn để đối phó với nạn tranh giả cũng như những câu chuyện xấu xí trong mỹ thuật khiến dư luận dậy sóng thời gian qua. Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn báo Thể thao - Văn hóa, với cương vị mới, ông vẫn nhấn mạnh vai trò cá nhân của các nghệ sĩ khi cho rằng: "Đã là nghệ sĩ, là hội viên thì phải tự bảo trọng phẩm cách và nghệ thuật của mình...".

Họa sĩ phải "tự bảo trọng phẩm cách"

Trong những ngày diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Hội Mỹ thuật Việt Nam, cũng là lúc diễn ra một câu chuyện liên quan đến bức phù điêu có nhân vật có hình dáng giống với thầy hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - được gắn ở một vị trí trang trọng ngay gần cổng trường - đã gây ra rất nhiều tranh cãi suốt mấy tháng qua lên đến đỉnh điểm.

Về bức phù điêu, theo tìm hiểu của phóng viên, đây là bài tập tốt nghiệp của anh Nguyễn Xuân Vinh - học viên cao học Khoa Điêu khắc và đã được chấm 9,5 điểm. Từ  tháng 9-2019, bức phù điêu này đã được gắn ở 1 vị trí trang trọng ngay ở lối vào cổng chính của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam trên phố Yết Kiêu và lập tức khiến nhiều giảng viên trong trường bày tỏ ý kiến bức xúc.

Các ý kiến phản đối bức phù điêu này đều cho rằng, vấn đề lựa chọn nhân vật để tôn vinh ở những nơi công cộng, nơi có ý nghĩa về văn hóa - lịch sử mỹ thuật như ở Trường Đại học Mỹ thuật (xưa kia là Trường Mỹ thuật Đông Dương) là vấn đề cần được tính toán, cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng. Nhân vật ấy phải có những đóng góp hoặc có ảnh hưởng lớn đến văn hóa - lịch sử.

Cho nên, việc gắn ở cổng trường Mỹ thuật Việt Nam một bức phù điêu có nhân vật giống thầy hiệu trưởng đương nhiệm là việc làm mang tính suy tôn cá nhân lộ liễu.

Bức phù điêu có hình nhân vật giống với thầy Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hiện đã bị gỡ khỏi khuôn viên của trường.

Trao đổi với phóng viên Văn nghệ Công an, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cho rằng, nếu chọn nhân vật "thầy hiệu trưởng" để tạc phù điêu trong khuôn viên trường, thì đó nên là thầy hiệu trưởng Tô Ngọc Vân, nhưng tuyệt vời nhất thì phải là thầy hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương - họa sĩ người Pháp Victor Tardieu (1870-1937). Hơn nữa, nếu tính về tính thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật thì tác phẩm này chỉ ở mức... trung bình, chưa kể đến những sai sót về giải phẫu cơ thể người trong mỹ thuật, bố cục lủng củng, hình tượng mẫu nude phản cảm...

Mặc dù ông Lê Văn Sửu có giải thích với báo chí rằng, bản thân ông không hề biết có mình trong bức phù điêu gắn ở cổng trường. Hơn nữa, tác phẩm cũng không có sai phạm về đường lối văn hóa hay đạo đức và tính tới khả năng sẽ cho sửa hình nhân vật ấy cho khác đi, nhưng vẫn không nhận được sự đồng tình của dư luận. Vì thế, tình huống phải gỡ bức phù điêu này khỏi khuôn viên trường cũng đã được ông Sửu tính tới. Và cuối cùng, vào tối 20-12, bức phù điêu vẫn được giới mỹ thuật hài hước gọi là tác phẩm "Thầy hiệu trưởng" đã bị hạ khỏi "vị trí nhạy cảm" trong khuôn viên trường Mỹ thuật Việt Nam.

Kể lại câu chuyện vừa xảy ra gây xôn xao trong giới để thấy rằng, mỹ thuật là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm với nhiều nghệ sĩ có cá tính sáng tạo độc lập, mạnh mẽ và không hề ngại "va chạm". Vì thế, nếu các nghệ sĩ, các nhà giáo liên quan đến lĩnh vực này có được tinh thần của họa sĩ Lương Xuân Đoàn - tân Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam rằng: "Đã là nghệ sĩ, là hội viên thì phải tự bảo trọng phẩm cách và nghệ thuật của mình..." thì chắc chắn sẽ đem lại một đời sống lành mạnh, sáng tạo, trong sạch của nền mỹ thuật.

"Tự bảo trọng phẩm cách và nghệ thuật của mình", bao gồm cả việc nếu thấy việc gì sai, việc xấu, thấy tranh nhái, tranh giả phải lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ để tẩy chay, bài trừ, loại bỏ ra khỏi đời sống một cách mạnh mẽ.

 Bởi vì, nếu không, rất có thể sẽ lại xảy ra những câu chuyện đáng xấu hổ như chuyện một số tác giả đoạt giải cao trong cuộc thi Vẽ tranh cổ động chào mừng ngày thành lập Công đoàn Việt Nam của Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội tổ chức bị phát hiện là "đạo, nhái, cắt ghép" từ nhiều tác phẩm tranh cổ động trước đó. Đáng buồn hơn, trong những tác phẩm đoạt giải bị tố là "đạo, nhái, cắt ghép", có những tác giả đang là thầy cô giáo giảng dạy tại các trường gắn với mỹ thuật.

Nguyệt Hà
.
.