Những linh thú đất Việt

Thứ Tư, 24/09/2014, 08:01
Gần đây, dư luận báo chí đã nói đến "trào lưu" đặt tượng sư tử trước nhà ở, trụ sở công ty, cơ quan công quyền, đền miếu, chùa chiền... ở nước ta hiện nay. Đó là những con sư tử nửa Tây, nửa Tàu, chẳng liên quan gì đến văn hóa Việt Nam, nhưng lại được nhiều cá nhân, đơn vị chọn làm biểu tượng cho sự giàu sang, thành đạt của cá nhân, hay để phô trương vị thế và tiềm lực của doanh nghiệp, cơ quan...

Bài viết này giới thiệu một số linh thú được người Việt tôn vinh, thờ tự hay sử dụng như những biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng trong hàng trăm năm qua, nhằm góp phần hạn chế tình trạng "nhập nhèm văn hóa" nêu trên.

Bộ tứ linh…

Đứng đầu trong các linh thú được người Việt tôn vinh là "tứ linh", gồm: long (rồng) - lân (kỳ lân) - quy (rùa) - phụng (chim phượng). Bốn loài này được tôn xưng là những linh thú cao quý và được chọn làm biểu tượng, chủ đề điêu khắc, trang trí, thờ tự trong các công trình kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa và tín ngưỡng của nhiều dân tộc Á Đông, trong đó có Việt Nam.

- Rồng: Rồng là biểu tượng của sự sinh sôi mạnh mẽ, là biểu tượng của phương Đông (tả thanh long) và của mùa xuân. Rồng được miêu tả với nhiều dáng vẻ, tùy thuộc vào sự tưởng tượng phong phú của từng cộng đồng, từng dân tộc và luôn biến đổi theo thời đại hay không gian cư trú. Người Việt khá thống nhất trong quan niệm về con rồng, cả hình dáng lẫn tính chất. Từ đầu thời tự chủ (thế kỷ X) đến khi triều Nguyễn cáo chung (năm 1945), hình tượng con rồng Việt có những biến đổi về hình dáng, thể hiện qua các chi tiết về râu, sừng, vây lưng, đuôi, sự uốn lượn của thân…, nhưng trên đại thể thì hình ảnh và tính chất của con rồng Việt dưới các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn tương đối thuần nhất: rồng là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh ông vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy. Tuy vậy, trong tâm thức của người Việt, rồng không hẳn là linh vật dành riêng cho nhà vua hay hoàng gia. Con rồng Việt đã vượt khỏi chốn cung cấm, xuất hiện ở hầu khắp đình chùa, miếu vũ… trong dân gian. Con rồng được người Việt thể hiện trên các bờ nóc, bờ mái, cổ diêm, y môn, cột trụ, bậc cấp… của cung điện, đình chùa, miếu vũ… bằng các thủ pháp: điêu khắc, chạm trổ, đắp vữa, khảm sành sứ, vẽ bằng bột màu, thêu thùa…

- Kỳ lân: Kỳ lân là linh thú báo hiệu điềm lành, là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ, sự cao quý và của niềm hạnh phúc lớn lao. Kỳ lân cũng là biểu tượng của lòng nhân từ và sự trung thành. Kỳ lân là tên ghép, trong đó kỳ là con đực và lân là con cái. Theo truyền thuyết, kỳ lân là sự kết hợp của các loài khác: mình hươu, đuôi bò, trán sói, móng ngựa, da có 5 màu: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, dưới bụng có màu vàng. Kỳ lân bản tính rất nhân từ, khi di chuyển nó tránh giẫm lên các loài côn trùng, không làm hư hại các loài cỏ mềm dưới chân. Nó cũng không ăn thịt hay làm hại bất kỳ con vật nào và không bao giờ uống nước bẩn. Trong không gian kiến trúc của người Việt, có khi kỳ lân được bài trí thành từng cặp, đứng chầu trước cung điện của vua, đầu hướng về phía cung điện nhằm biểu hiện lòng trung thành; có khi kỳ lân được bài trí ở trước điện thờ, đền miếu, mặt hướng ra bên ngoài, biểu tượng cho sự tôn nghiêm, kính cẩn. Kỳ lân còn là linh thú biểu trưng cho thái tử trong mối quan hệ: rồng (nhà vua) - kỳ lân (thái tử) - phượng hoàng (hoàng hậu).

Tượng voi trấn giữ trước tam quan chùa Keo làng Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định). Ảnh: Trần Văn Quyến.

- Rùa: Rùa là con vật biểu tượng cho sự trường thọ, sinh lực và sức chịu đựng. Rùa mang chiếc mai hình vòm trên lưng, biểu tượng cho bầu trời và phần mai phẳng dưới bụng biểu tượng cho mặt đất. Rùa cũng là hiện thân của sự kết hợp từ nhiều loài khác: đầu rắn, cổ rồng, chân vịt. Rùa còn được coi là biểu tượng của sự ổn định và vững chắc. 4 chân rùa tượng trưng cho 4 cực của thế giới. Trong kiến trúc và trang trí Việt Nam, rùa thường được thể hiện cùng các linh vật khác thuộc bộ tứ linh, nhưng phổ biến nhất là hình tượng "rùa đội bia" và "rùa đội hạc" trong các đình, chùa và trong Văn Miếu Thăng Long và Văn Miếu Huế.  

- Chim phượng: Chim phượng được tôn vinh là vua của các loài chim, được sinh ra từ mặt trời và lửa. Chim trống gọi là phượng, biểu tượng cho phúc lộc, chim mái gọi là hoàng, biểu tượng cho hoàng hậu, xuất hiện bên cạnh hình tượng rồng biểu tượng cho vua. Loài linh điểu này cũng là hiện thân của nhiều loài khác: cổ rắn, mỏ gà, đuôi chẻ như đuôi cá, trán của chim hạc, mào của vịt xiêm, thân có những dấu vằn của rồng và phần đằng sau cuốn vòm như con rùa. Lông chim phượng có 5 màu, tiếng hót của phượng hoàng như tiếng nhạc và có 5 biến điệu diệu kỳ. Chim phượng cũng là biểu tượng của hiền đức, không giết hại côn trùng, làm hại cây cỏ. Theo truyền thuyết, chim phượng chỉ xuất hiện trong những triều đại thái bình, thịnh trị. Nó là biểu tượng của mặt trời, của mùa hạ và sự thu hoạch mùa màng. Vì là một loài chim nhân từ, hiếu sinh nên chim phượng cũng là linh điểu của Phật giáo. Nhiều công trình kiến trúc và trang trí Phật giáo có sự xuất hiện khá phổ biến của chim phượng.

…và những linh vật khác

Ngoài tứ linh, người Việt cũng tôn vinh và sử dụng một số linh thú khác làm biểu tượng văn hóa và tín ngưỡng như:

- Nghê: Nhiều ý kiến cho rằng, nghê là linh thú do người Việt sáng tạo ra, khác hẳn với kỳ lân hay sư tử. Nghê là hóa thân của con chó, người bạn thân thiết với người dân Việt Nam. Nếu con chó là vật canh giữ của cải, nhà cửa cho người dân, thì nghê là con vật canh giữ về mặt tinh thần, chống lại các thứ tà ma, ác quỷ. Nhiều làng quê ở miền Bắc Việt Nam có các đền miếu thờ chó đá. Chó đá cũng được đặt trước cổng làng, cổng đình, hay cổng nhà để bảo vệ cho cả cộng đồng hay cho gia chủ. Những con chó đá này đã được người Việt linh hiển hóa bằng cách khắc đẽo, thêm thắt những chi tiết trang trí, khiến nó trở nên oai vệ, trang nghiêm và được gọi là con nghê, linh vật bảo vệ đời sống tâm linh của người Việt. Khác với con nghê trong các đình miếu ở Bắc Bộ, con nghê trong kiến trúc cung đình Huế đã được "cung đình hóa" với các chi tiết chạm trổ cầu kỳ, tạo thành các chòm lông xoắn ở đầu, mang tai và đuôi, xen kẽ các đao lửa ở 4 chân và sống lưng.

- Voi: Voi tượng trưng cho sức mạnh, sự khôn ngoan, thận trọng và là 1 trong 4 con thú đại diện cho sức mạnh và sinh lực bên cạnh hổ, sư tử và báo. Voi cũng là 1 trong 7 báu vật của Phật giáo nên hình tượng của voi xuất hiện nhiều trong kiến trúc và trang trí Phật giáo. Trước một số đình chùa ở Việt Nam có tượng voi phủ phục ở hai bên như ở trước tam quan chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định) hay trước điện Long Châu (miếu Voi Ré) ở Huế. Trong lăng vua Lê Thái Tổ ở Lam Kinh (Thanh Hóa) và lăng của các vua Nguyễn ở Huế đều có tượng voi chầu hầu.

Ngoài ra, người Việt còn sử dụng hình ảnh các loài vật khác như hổ, ngựa, hạc, cá, cóc… để làm biểu tượng như: tượng hổ trong lăng Trần Thủ Độ ở Thái Bình hay hình tượng hổ trên các bức bình phong trong khuôn viên các đền miếu ở Quảng Nam; hình tượng ngựa trong các lăng tẩm các vua ở Huế, hình tượng cá trên bình phong trước đền Trần ở Nam Định, hình tượng chim hạc và cóc trên trống đồng Đông Sơn…

Có một điều chắc chắn là người Việt không chọn các linh thú như sư tử, kỳ hưu làm biểu tượng của mình. Bởi lẽ, đó là những linh vật thuần túy Trung Hoa, xa lạ với người Việt. Hơn nữa, sư tử vốn là vị thần canh cổng cho các đền thờ và lăng mộ của các vị vua chúa Trung Hoa, ai lại đem nó đặt trước cổng nhà của mình. Cũng cần lưu ý rằng, dù chịu ảnh hưởng Trung Hoa khi lựa chọn một số linh thú làm biểu tượng, người Việt cũng tạo hình các linh thú này khác với cách tạo hình của người Trung Hoa; tính chất của các linh thú này trong quan niệm của người Việt Nam cũng không giống với quan niệm của người Trung Hoa. Lý do là vì người Việt luôn tiếp thu có chọn lọc và Việt hóa những gì đến từ bên ngoài, chứ không tiếp nhận hay vay mượn theo kiểu rập khuôn

Trần Đức Anh Sơn
.
.