Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ

Những khác biệt đầy hy vọng

Thứ Năm, 11/06/2015, 08:00
Tôi đã trôi đi trong miên man những hình vẽ lạ, đặc biệt tinh tế. Những phá cách dữ dội, nhưng cũng mênh mông hình hài thơ ngây. Những ước mơ trong trẻo vô ngần, cả những giận dữ, nổi loạn...

Tôi bị thôi miên trong những mảng màu rực rỡ, u ám, nhưng ẩn chứa phía sau đó là sự ngộ nghĩnh, niềm vui, hi vọng hạnh phúc. Những mảng màu nói với chúng ta quá nhiều điều, kể cho chúng ta bao bí mật, dịu dàng mở ra trong ta một thế giới xao động kỳ lạ. Tôi đã nổi da gà, đã lặng người, đã rớt nước mắt xúc động khi xem những bức tranh tuyệt đẹp của những đứa trẻ khác biệt. Những đứa trẻ không may mắn mang chứng bệnh tự kỷ.

Một triển lãm tranh đầu tiên ở Hà Nội dành cho không gian hội họa, nghệ thuật vẽ, tạo hình, cắt xé dán của 5 em nhỏ tự kỷ Hoàng Minh, Bình Minh, Gia Bảo, Trung Hiếu và Nem trong những ngày cuối cùng của tháng 5 nắng như đổ lửa ở Trung tâm Văn hóa Laca 24 Lý Quốc Sư. Triển lãm là một món quà của các em nhỏ khác biệt ở thế giới riêng của mình dành tặng cho mọi người.

Một số tác phẩm tại triển lãm.

Một sự đáng ngạc nhiên, quá thán phục về sự nỗ lực khám phá bản thân, bước ra thế giới hòa nhập bên ngoài của những em nhỏ khiếm khuyết. Các em đã chuyển tới thế giới này một thông điệp lớn về quyền được sống, được hòa nhập, được yêu thương. Quyền được tôn trọng và đối xử bình đẳng như những đứa trẻ khác ở một góc độ nào đó trong tâm hồn, sự lãng mạn và trí sáng tạo. Đây cũng là một sự kiện văn hóa tiêu biểu có ý nghĩa quan trọng và mang tính nhân văn sâu sắc trong ngày lễ quốc tế thiếu nhi 1-6 năm nay, nơi mà tất cả trẻ em trên thế gian này đều được bình đẳng với hạnh phúc tuổi thơ của mình.

Năm "chàng trai" nhí, bạn lớn nhất mới 15 tuổi, bạn nhỏ nhất 9 tuổi. Năm gương mặt sáng sủa, thông minh như những thiên sứ đến từ thế giới rộng lớn nhưng cũng nhiều khổ đau này. Các em đã mang tâm hồn của các em, những biểu đạt cảm xúc của riêng các em đến với chúng ta không phải bằng ngôn ngữ nói, ngôn ngữ nhìn, mà bằng ngôn ngữ hình ảnh, màu sắc, hình khối. Những bức tranh trong thế giới riêng biệt của các em.

Bạn Trung Hiếu lớn nhất 15 tuổi với cặp kính cận dày và gương mặt nếu nhìn thoáng qua ai cũng sẽ nghĩ em bình thường như bao đứa trẻ khác. Gia đình Hiếu kể rằng, em là bị chứng tự kỷ điển hình với nhiều hành vi phức tạp khó kiểm soát. Thế giới của Hiếu nghèo nàn với hai hình ảnh chữ số và mèo. Gia đình em đã kiên trì bên em, giúp em tiếp nhận thế giới xung quanh từng tí một. Năm 11 tuổi, tranh của em thay vì mèo và chữ số đã xuất hiện nhà, cây, người hoặc xe cộ…

Cho đến bây giờ, vẽ tranh là một nhu cầu tự nhiên của Hiếu để em chuyển tải những cảm xúc của mình, mà bình thường em không có cách chi thể hiện được. Hiếu không bận tâm tới những bức tranh của mình đẹp hay xấu. Vẽ với em là nhu cầu tự thân. Và mẹ em, người gần gũi và hy sinh vì em nhất có thể đọc được ý nghĩ của em qua những bức tranh con trai vẽ. Nhìn tranh, mẹ biết Hiếu đang vui hay buồn.

Nem, cậu bé 10 tuổi có những bức tranh thật đẹp. Nem may mắn hơn những bạn khác là 5 tuổi em đã có thể nói được. Nhưng với những trẻ tự kỷ thì diễn đạt ngôn ngữ thật khó khăn, thế giới đối với Nem luôn khó hiểu với rối loạn cảm giác, luôn chứa đựng sự bất an và lộn xộn, nhưng Nem lại diễn tả thế giới xung quanh với những bức tranh nhiều màu sắc sống động và tươi sáng. May mắn hơn những đứa trẻ tự kỷ khác, Nem đã biết cảm nhận giá trị bản thân và thế giới trong tình yêu thương bao bọc của gia đình và người thân.

Vườn thú của tác giả Bình Minh.

Hoàng Minh 13 tuổi. Năm lên 3, mẹ em đã biến ngôi nhà của em thành một trường học nhỏ dành riêng cho một học sinh duy nhất là em với bộ giáo án kỳ công của mẹ soạn riêng cho em. Hành trình khó nhọc ấy kéo dài cho đến khi em vào lớp 1. Bây giờ Minh đã lên lớp 7, hằng ngày vẫn tự lập đạp xe từ nhà đến trường học. Tuy nhiên, với một đứa trẻ tự kỷ thì giúp bé đến trường đã là một điều vô cùng kỳ diệu, còn theo đuổi chương trình học tập ở trường cùng các bạn khác là vô cùng khó.

Minh thích vẽ, thế giới của Minh sống động hơn, phong phú hơn những bạn khác. Đối với Minh vẽ là niềm yêu thích, là sự bận rộn, là cách thư giãn của riêng em. Vẽ cũng là cách Minh khẳng định chuỗi hành trình thay đổi và phát triển của em trong cả một giai đoạn dài, tuy chậm chạp nhưng đó là nhịp điệu của riêng em.

Bình Minh 12 tuổi, em thiệt thòi hơn các bạn khác bởi em không thể giao tiếp với bạn bè cùng lứa. Em là trường hợp điển hình của tự kỷ khi chỉ sống trong thế giới của riêng mình. Năm em lên 6 tuổi, gia đình phát hiện ra Minh có thứ để say mê, đấy là những hình khối. Minh có thể cắt tất cả các tờ giấy em có được thành những thứ em thích. Điều đặc biệt là Minh có tư duy ước lượng về hình học. Em cắt các khuôn hình từ bé tí đến lớn đều rất đẹp và chuẩn xác. Ngoài cắt, em xé, hay nặn vẫn cân đối, đẹp. Những hình khối Minh nặn bằng tay cũng rất ấn tượng.

Hình như Minh có trí nhớ ảnh. Có vật Minh chỉ nhìn thoáng qua một lần, về nhà cả tháng sau vẫn có thể cắt đúng được con vật ấy. Cắt, nặn, xé dán các con vật có thể xem như một ngôn ngữ để biểu đạt thế giới của riêng Minh và không phải không tinh tế.

Gia Bảo 12 tuổi. Em là đứa trẻ bị tăng động. Chỗ ngồi vui vẻ của em là bàn ăn, thậm chí là nóc tủ. Ra ngoài đường, bố mẹ luôn phải nắm chặt tay em vì em có thể lao chạy, cắm đầu chạy mà không định hướng, điều đó rất nguy hiểm. Gia Bảo không có ngôn ngữ giao tiếp, vì vậy em không có nhu cầu giao tiếp. Bố mẹ và em là hai thế giới riêng biệt. Sở thích duy nhất của Gia Bảo là vẽ. Vẽ giúp em thôi chạy nhảy leo trèo không định hướng. Vẽ giúp em ngồi yên, mê say hàng giờ. Khi vẽ, em không giống như một trẻ tự kỷ. Em vẽ say mê với những nét vẽ dứt khoát và đẹp. Đến trường hòa nhập với các bạn, bạn bè quý Gia Bảo và thường nhờ em vẽ chân dung. Nhờ đó thế giới của Bảo rộng mở hơn và khoảng cách khác biệt giữa em với thế giới xung quanh cũng được rút ngắn lại.

Thường thì chứng tự kỷ chủ yếu xảy ra ở những bé trai. Thế giới của những em bé tự kỷ thường được hiểu là máy móc, đơn điệu, nghèo nàn cảm xúc, ít ngôn ngữ. Trẻ tự kỷ thường sống thu mình trong thế giới của riêng mình, không có nhu cầu giao tiếp với ai và cũng không thể giao tiếp. Các em là những đứa trẻ khuyết tật trong một hình hài bình thường. Các em rất đáng thương vì bố mẹ các em, bạn bè các em không thể xâm nhập được vào thế giới của riêng các em.

Thế giới của trẻ tự kỷ là một thế giới đóng kín, khác biệt mà bố mẹ, người thân, bạn bè, thầy cô giáo muốn chạm được vào cánh cửa khác biệt ấy để mở ra thế giới của các em, chia sẻ và giúp các em hòa nhập được với cộng đồng là một điều vô cùng khó và cần thời gian, lòng kiên trì, sự bền bỉ.

Triển lãm "Khác biệt và Tương lai" của 5 em nhỏ tự kỷ là sáng kiến của họa sỹ Lê Thiết Cương, đồng thời với vai trò giám tuyển, nhà tổ chức, cùng với ca sĩ - đại sứ thiện chí của trẻ tự kỷ Hà Linh, Câu lạc bộ gia đình Trẻ tự kỷ, Trung tâm tổ chức sự kiện nghệ thuật Laca.

Họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ: "Ở mỗi bức tranh, tôi đều thấy được sự trong sáng vui vẻ - điều mà những người bình thường đang có một cuộc sống hạnh phúc chưa chắc đã vẽ, đã truyền tải được. Tôi tin, khi xem tranh, các bạn sẽ thấy các em cũng là những người có một trái tim nhạy cảm, một tâm hồn đẹp, dù không có được cách giao tiếp thường thấy ở những trẻ em bình thường khác. Qua triển lãm, này gia đình các em không xin gì to lớn, chỉ xin nhà nước coi các em là trẻ em khuyết tật để các em được pháp luật bảo hộ cũng như được hưởng những chính sách thích hợp". Triển lãm đã chuyển cho thế giới này một thông điệp hãy "Nâng đỡ sự khác biệt, tạo tương lai cho người tự kỷ".

Dương Lê Khánh Thy
.
.