Những giấc mơ Phương Đông!

Thứ Bảy, 10/11/2018, 08:33
Phải chăng, để cân bằng tình lý hài hoà hơn trong lối sống mà những giấc mơ phương Đông lại thiên về triết lý, mượn giấc mơ để triết lý về đời sống?


Hình như cách sống thiên về tình cảm mà hình tượng giấc mơ trong văn học phương Đông nhiều hơn, đa dạng và cũng sâu sắc hơn văn học phương Tây vốn thiên về duy lý. Có một thực tế là các nền văn học đều có tác phẩm đỉnh cao nói về giấc mơ như "Hồng lâu mộng" (Trung Quốc), "Truyện Kiều" (Việt Nam), "Cửu vân mộng" (Triều Tiên), "Mộng phù kiều" (Nhật Bản), "Yogavasistha" (Ấn Độ)…

Phải chăng, để cân bằng tình lý hài hoà hơn trong lối sống mà những giấc mơ phương Đông lại thiên về triết lý, mượn giấc mơ để triết lý về đời sống?

Hẳn nhiên giấc mơ trong trước tác của các triết gia đậm sắc màu triết lý hơn cả. Trang Tử trong thiên "Tề vật luận" kể chuyện Trang Chu hoá bướm. Chu nằm mơ thấy mình hoá bướm, lúc tỉnh dậy ngạc nhiên không biết mình là bướm hay là Chu.

Đây là một triết lý thô sơ về quan hệ người vật. Con người ta thiếu tỉnh táo, không làm chủ mình sẽ rất dễ bị vật hoá vậy. Đó mới chỉ là sự chi phối mang tính chủ quan là giấc mơ, nếu do khách quan chi phối chắc sự vật hoá sẽ còn nặng nề và hậu quả khôn lường hơn nhiều!

Vầng trăng ai sẻ làm đôi... Tranh của Nguyễn Tường Lân

Câu chuyện nhỏ mà ý nghĩa thì lớn. Về sau thiên hạ gọi câu chuyện này là "giấc bướm", ảnh hưởng sang cả nước ta: "Chàng rằng giấc bướm vừa say/ Dao con nàng bỗng cầm tay kề gần" (Truyện nôm "Quan âm Thị Kính"). Đúng là "giấc bướm" thật vì Thiện Sỹ (chồng) tỉnh dậy thì "vật hoá" luôn, chàng ta không cần tư duy mà hô hoán ầm lên là vợ (Thị Kính) định giết chồng…

Liệt Tử kể câu chuyện "giấc lá hươu" thật mà lạ. Có người nước Trịnh đi kiếm củi bắn chết được con hươu bèn lấy lá chuối đậy lại rồi tiếp tục kiếm củi. Lúc về đi tìm hươu thì không thấy đâu cả. Anh ta cứ ngỡ việc bắn được hươu là giấc mơ. Thì ra anh ta máy móc quá, mục đích ban đầu là kiếm củi, ngẫu nhiên đạt một mục đích khác nhưng vẫn trung thành tuyệt đối với mục đích ban đầu.

Không phải là đáng cười nhưng chuyện anh ta cho người khác bài học, dù có làm nhiều việc một lúc thì vẫn luôn phải chú ý vào mục đích mọi công việc. Ở thời hiện đại hôm nay vẫn còn nhiều người như anh ta, vì phải làm nhiều công việc mà quên mất mục đích, có khi biến mục đích "công" thành mục đích "tư"…!?

Hình như ý của Liệt Tử là thế mà ông còn chuyện "giấc hoa" kể vua Hoàng đế một lần mơ thấy đến một nước nọ. Ông hỏi về vua quan, yêu ghét… Dân tình ngạc nhiên vì họ chưa bao giờ nghe thấy những từ ấy. Hỏi mãi Hoàng đế mới hiểu thì ra đây là xứ không có vua quan bóc lột, hành hạ thuế má nên cũng không có yêu ghét…

Đúng là tự do tuyệt đối! Nhưng rất tiếc chỉ có trong giấc mơ. Đọc truyện này tự nhiên người ta phải liên hệ đối lập với thực tại, giấc mơ ấy thì đẹp nhưng không thể có thật. Không thể có một xã hội "không tưởng" như thế.

Trong "Nam Kha thái thú truyện" của Lý Công Tá (đời Đường) kể chuyện "giấc hoè", còn gọi là "giấc Nam Kha". Thuần Vu Phần say rượu ngủ dưới gốc hoè nằm mơ đến nước Đại Hoà An quốc được vua gả con gái và phong làm Thái thú quận Nam Kha. Thật sung sướng. Giặc đến, Thái thú phải ra trận, vì không quen binh nghiệp nên thua mà bỏ chạy. Về triều bị vua cách chức. Thái thú dập đầu kêu oan. Thế là tỉnh dậy.

Vẫn nguyên là Vu Phần nằm dưới gốc hoè. Truyện triết lý về thời gian đời người, về được mất, may rủi… Tất cả chỉ chóng vánh như giấc mơ. Tốt nhất là sống thực với chính mình với cuộc sống của mình. Từ ý nghĩa này ta hiểu vì sao đại thi hào Nguyễn Trãi hay nhắc tới "giấc hoè" trong thơ!

Giống truyện này có truyện "giấc mai" kể Triệu Sư Hùng đi chơi núi La Phù, mơ vào quán rượu được ăn uống thoả thích được người đẹp chiêu đãi. Tỉnh dậy thấy mình nằm bên gốc mai mà bâng khuâng tiếc mãi. Nguyễn Du thật tinh tế khi đưa vào "Truyện Kiều": "Giật mình thoắt tỉnh giấc mai/ Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn"…

Nổi tiếng nhất vẫn là "giấc mộng hoàng lương", tức "giấc kê vàng" (của Thẩm Ký Tề trong "Chẩm trung ký") kể Lư sinh đi thi vào nghỉ quán trọ. Trong lúc đợi nồi kê chín, Lư ngủ mơ đỗ Trạng nguyên làm quan Tiết độ sứ, thăng chức Tể tướng, lấy vợ đẹp đẻ 5 con khôn đều công thành danh toại… Bỗng Lư tỉnh dậy, nồi kê vẫn chưa chín. Thì ra người ta chỉ thoả mãn hạnh phúc trong mơ thôi. Còn đời thực thì ta phải tự đi tìm lấy…

Ở Việt Nam thời trung đại có hai tác giả viết nhiều, hay và sâu sắc về giấc mơ là Lê Thánh Tông và Nguyễn Du. "Duyên lạ Hoa quốc" là truyện ngắn chữ Hán đặc sắc được Lê Thánh Tông kể rất sinh động theo bút pháp hoang đường, kỳ ảo (Bùi Văn Nguyên dịch). Truyện kể anh học trò họ Chu sớm mồ côi cha mẹ. Một hôm đói quá ngủ thiếp đi, mơ được đến xứ Hoa quốc, được tiếp đón tử tế, ăn uống no say, được Quốc mẫu gả công chúa Mộng Trang. Thế là cứ ba ngày chàng lại mơ đến thăm vợ con, được ăn uống, được tiếp đón long trọng.

Giặc đến xứ đó vợ chồng phải ly biệt… Chu trở về đời thường, miệt mài kinh sử đi thi đỗ cao, được vua sai đi dẹp giặc đang đe doạ xứ Hoa Cương. Đến đó chàng thấy đàn bướm vài vạn con. Hỏi thổ dân, Chu ngẫm đây chính là xứ Hoa quốc mình đã sống trong mộng. "Mẫu quốc" chính là chúa bướm… Dẹp xong giặc, xứ Hoa Cương trở lại thanh bình, một hôm Chu nằm mơ lại được về xứ Hoa quốc gặp vợ con. Tỉnh dậy chàng bỏ tiền mua cả khu đất Hoa Cương rồi về triều từ quan.

Một ngày đẹp trời chàng hoá để trở về làm vua xứ Hoa quốc trong mơ. Truyện này đóng góp lớn ở cách kể "đồng hiện" thực - mộng, vừa tỉnh táo vừa bay bổng trữ tình. Ý nghĩa cũng thật đáng suy ngẫm, đặt ra vấn đề triết học: Con người là ai? Là người hay là vật (bướm)? Vật cũng có đời sống như người? Người chết liệu có hết?... Lê Thánh Tông còn có "Bài ký một giấc mộng" kể chuyện gặp tiên thổi sáo nhưng ý nghĩa không bằng truyện trên.

Coi giấc mơ vừa là đối tượng miêu tả lại vừa là phương tiện thúc đẩy cốt truyện phát triển thì phải đợi tới thế kỷ XVIII. Ở Trung Quốc tiêu biểu là "Hồng lâu mộng" (Tào Tuyết Cần viết 80 hồi đầu, Cao Ngạc viết 40 hồi sau) được coi là "đại danh tác" viết theo khuynh hướng hiện thực.

Nét đặc sắc của tiểu thuyết này là để làm nổi bật bức tranh hiện thực của xã hội phong kiến đang suy tàn, các tác giả vận dụng rất thành công thi pháp "giấc mơ". Nhờ xây dựng những giấc mơ mà nội tâm nhân vật với những điều thầm kín được "giải mã", được phân tích thật sinh động. Giả sử các nhân vật Bảo Ngọc, Tần Khả Khanh, Phượng Thư, Giả Thuỵ… không "mơ" thì cốt truyện sẽ đông lại, khô cứng… Việt Nam ta thì "Truyện Kiều" là đặc sắc trong phép so sánh với cả phương Đông.

"Truyện Kiều" có cả một thế giới giấc mơ, là "từ điển" về giấc mơ phương Đông. Là "giấc chiêm bao": "Mơ màng như giấc chiêm bao, biết gì". Là "giấc hoè": "Tiếng sen khẽ động giấc hoè". Là "giấc hương quan": "Giấc hương quan luống lần mơ canh dài". Là "giấc mai": "Giật mình, thoắt tỉnh giấc mai". Rồi là giấc mộng, giấc tiên, giấc vàng, giấc xuân. Có thể làm cả một luận văn về giấc mơ trong "Truyện Kiều", nếu được soi chiếu dưới ánh sáng của lý thuyết hiện đại sẽ cho những kết luận thú vị...

Bài viết đặt ra vấn đề lớn gói trong một dung lượng nhỏ. Nhưng cũng là cách đặt ra vấn đề để cùng suy ngẫm, liên tưởng, đối sánh. Văn chương hôm nay ít hẳn các giấc mơ. Hình như người hiện đại thì tỉnh táo, trí tuệ hơn? Thiết nghĩ văn chương là sự kiến tạo các mô hình thế giới mới, mà giấc mơ là một con đường đi, một phương pháp, một nguyên tắc kiến tạo, thế thì tại sao lại khước từ nó?

Nguyễn Thanh Tú
.
.