Những gánh hàng hoa vào phố

Thứ Tư, 01/04/2015, 08:00
Đường phố Hà Nội không mùa nào vắng bóng hoa tươi. Những cửa hàng bày ra, những gánh hàng hoa, những xe đạp hoa, lang thang đi khắp phố phường. Những ngày mười tư, ngày rằm, những ngày 30, mồng 1, Hà Nội như rạng rỡ sắc màu. Ra khỏi nhà là gặp hoa. Chẳng có nhà ai mà không hương hoa cho ngày 30, mồng 1. Chơi hoa, thay hoa bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên đã là những gì không thể thiếu trong cuộc sống làm đẹp mỗi ngày, trong thế giới tâm linh của con người.

Ồn ào và tấp nập, những người bán hàng hoa tập trung về chợ hoa đầu mối này bán những sản phẩm hoa tươi. Mỗi mùa, chợ lại rực rỡ những sắc hoa khác nhau. Mùa xuân, nổi bật bởi những bông hoa đào, hoa lay ơn, thược dược và vilolet. Mùa hè thơm ngào ngạt hương sen hay trắng ngần hoa loa kèn. Mùa thu rực rỡ sắc hoa cúc vàng, hoa thạch thảo, lưu ly. Và mùa đông là những bông hoa hồng hay cẩm chướng. Trong cả bốn mùa ấy, chủ đạo nhất vẫn là hoa hồng.

Hoa theo người về phố.

Hoa đã được chọn xong, người bán hoa lại gánh gồng, lại hối hả đạp xe trên khắp phố phường. Bình minh đến còn mơ màng thì những gánh hoa, xe đạp hoa đã len lỏi mọi con phố, mọi ngóc ngách. Những người phụ nữ đi tập thể dục sớm, đi chợ sớm trở về đã ôm bó hoa tươi. Hoa bày trên rổ buộc sau xe đạp. Hoa cắm vào giỏ trước xe đạp. Hoa tươi xen nhau còn như ướt hơi sương sớm. Người bán hàng hoa đứng nơi đầu chợ, đầu đường bán cho người đi chợ, đi qua đường. Khi người mua đã vãn, hoa đã vãn, người bán hoa đi vào từng ngõ nhỏ, tìm khách mua hoa. Hoa của người đi bán rong tuy không thật to, không có những loại hoa quý hiếm nhưng khi nào cũng tươi.

Hà Nội xưa với những gánh hàng hoa đã đi sâu vào tiềm thức của bao người, đi vào những áng văn chương của bao thi nhân mặc khách. Những cô gánh hàng hoa áo dài tứ thân màu nâu, hai vạt buộc trước lật qua lật lại theo nhịp đôi quang gánh. Nhịp nhàng và uyển chuyển những gánh hoa theo người vào phố, đặt gánh bên hè.

Rồi còn đó trong ký ức của người Hà Nội nay đã ngoại bảy mươi, những bà cụ bán hoa cúng gánh trên đường, ngồi nơi góc nhỏ nào đó của phố. Trên rổ là những bông hoa sói, hoa ngâu, hoa ngọc lan, hoàng lan, những bông hồng đỏ cánh mỏng manh (mà nay không còn bán nữa, chỉ đôi khi gặp ở vườn nhà ai đó), bông bưởi, bông móng rồng…Hoa cúng theo mùa. Những bông hoa, nhành hoa nho nhỏ thơm hương dịu nhẹ mà thanh cao được bàn tay người bán hoa xếp nhẹ nhàng trong manh lá chuối, lá dong, buộc giây lạt cho người mua xách khi về chợ.

Hà Nội của khoảng những năm 1970, rồi 1980 trở về trước, khi xe đạp còn phân phối, khi Hà Nội còn lưu ít nhiều dáng nếp xa xưa, ta còn gặp trên đường những gánh hàng hoa. Rồi cuộc sống đô thị mỗi ngày một hiện đại đông đúc. Phố phường rộng mở. Gánh hàng hoa dần thay thế bằng những xe đạp bán hoa rong. Dáng xưa nhẹ nhàng, đung đưa của đôi quang gánh thay bằng dáng chậm rãi trên đường của xe đạp dắt bộ.

Hà Nội sau ngày giải phóng năm 1954 cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, vẫn giữ được quanh hồ Hoàn Kiếm những quầy hoa tươi. Một ở phía phố Hàng Khay, trông sang hiệu ảnh Quốc tế và Bách hóa Tổng hợp. Một ở gần đền Ngọc Sơn, trông sang phía đền Bà Kiệu. Một ở gần nhà Thủy Tạ, chênh chếch quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục xưa. Quầy hoa đơn giản, như chỉ có tường ngăn mà không có cửa, đơn giản chỉ có mái ngói chạy thẳng mà ta cứ ngỡ nó uốn cong theo lòng hồ. 3 quầy hoa quanh hồ điểm tô cho vẻ đẹp tôn nghiêm và trữ tình của Hồ Gươm thêm sinh động, thêm lãng mạn.

Làng hoa xưa đã lùi xa theo sự rộng mở của phố phường. Gánh hàng hoa không thể chen chân cùng xe máy, cùng ô tô. Hương hoa êm êm, dịu nhẹ không thể vượt qua hơi xăng, hơi bụi nồng nặc. Nhưng càng đô thị hóa bao nhiêu thì hoa lại càng cần thiết. Có thể vứt bỏ đi bao lặt vặt làm phiền nhiễu cho tốc độ cuộc sống hiện đại, nhưng những hàng hoa dù không còn gánh hàng hoa vẫn là điểm nhấn làm tươi mát phố phường.

Bùi Kim Anh
.
.