Những dấu ấn văn hóa tiêu biểu năm 2019

Thứ Sáu, 03/01/2020, 08:21
Năm 2019 vừa khép lại để lại nhiều cung bậc cảm xúc trên mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đối với đời sống văn hóa nghệ thuật, năm 2019 quả thực là một năm rất sôi động, để lại nhiều dấu ấn.


Trong những thời khắc bên thềm năm 2020, mời độc giả cùng Văn nghệ Công an nhìn lại những dấu ấn văn hóa tiêu biểu nhất trong năm 2019 và rút ra những nhận định, chiêm nghiệm của riêng mình...

Hiệu ứng từ cơn sốt "Về nhà đi con"

Năm 2019 là một năm có nhiều thành công của các nhà sản xuất phim truyền hình với nhiều bộ phim tạo được sự chú ý của dư luận như "Gạo nếp, gạo tẻ", "Hoa hồng trên ngực trái"... Nhưng thành công nhất phải kể đến bộ phim truyền hình dài tập mang tên "Về nhà đi con" (Đạo diễn: Danh Dũng - Trung tâm sản xuất phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam). Đây cũng là bộ phim lập kỷ lục về độ dài (85 tập), rating, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo khán giả và thực sự đã tạo nên một cơn sốt.

"Về nhà đi con" là bộ phim về đề tài tâm lý, tình cảm gia đình nhưng bằng việc xây dựng tính cách nhân vật điển hình, rõ nét kết hợp với các tình tiết, ngôn ngữ trong phim gần gũi với đời sống đã khiến bộ phim trở thành một món ăn tinh thần hấp dẫn, gây sự tò mò, thích thú và cuốn hút với khán giả trong từng tập.

Phim truyền hình "Về nhà đi con" đã thực sự tạo nên một "cơn sốt".

Sau khi phát sóng thành công, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã trao tặng bằng khen cho tập thể Trung tâm sản xuất phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam và nhóm biên kịch, đồng thời trao bằng khen cho 13 cá nhân nghệ sĩ xuất sắc tham gia thực hiện bộ phim gồm: Đạo diễn - NSƯT Danh Dũng, Đạo diễn hình ảnh Trần Anh Phương, Họa sĩ mỹ thuật Đặng Trọng Tuân; các nghệ sĩ NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Anh, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân, Quốc Trường...

Ngoài ra, trong Lễ trao giải Ấn tượng VTV 2019 (VTV Awards 2019), bộ phim đã được trao giải thưởng "Phim truyền hình ấn tượng". Diễn viên Trung Anh và Bảo Thanh cũng vinh dự nhận danh hiệu nam và nữ diễn viên ấn tượng.

Gần đây nhất, tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 39 (tháng 12-2019), một lần nữa "Về nhà đi con" lại đoạt giải đặc biệt ở hạng mục Phim truyền hình. Sự thành công của "Về nhà đi con" dường như đã tạo nên một niềm hi vọng mới vào nền công nghiệp sản xuất phim truyền hình của Việt Nam.

Hiện tượng "Truyện Kiều" đổ bộ lên sân khấu

Tháng 10-2019, dự án dàn dựng và sân khấu khóa tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du do Viện Goethe tại Hà Nội khởi xướng từ tháng 7 đã chính thức trình diễn, khiến đông đảo khán giả quan tâm, chú ý. 

Tham gia dự án này, ngoài các đạo diễn người Việt là NSƯT Trần Lực (nhóm LucTeam), NSƯT Bùi Như Lai và NSƯT Sĩ Tiến (Nhà hát Tuổi trẻ), NSND Hồng Vân (Sân khấu kịch Hồng Vân) còn có nữ đạo diễn Amélie Niermayer - một đạo diễn nổi tiếng đã làm việc cho nhiều nhà hát nói tiếng Đức và là đạo diễn của nhiều tác phẩm opera ở Đức và nước ngoài.

Các trích đoạn ngắn (20-25 phút), dự án sân khấu hóa tác phẩm “Truyện Kiều” đã hướng đến việc thử nghiệm những góc nhìn mới về thân phận và vai trò của người phụ nữ với mục tiêu “làm mới Truyện Kiều” trên sân khấu kịch đương đại.

Không chỉ có sức hút, sức hấp dẫn kỳ lạ đối với nhiều nghệ sĩ Việt, mà nàng Kiều còn “chinh phục” trái tim cả những nghệ sĩ ngoại quốc. Cuối tháng 6 vừa qua, vở múa đương đại “Truyện Kiều” của biên đạo múa người Hàn Quốc - bà Yoo Oh Chun - đã ra mắt khán giả TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, trong tháng 9, vở nhạc kịch "Kim Vân Kiều" được trình diễn bằng tiếng Pháp với sự tham gia của các nghệ sĩ opera và nghệ sĩ biểu diễn thuộc Nhà hát LAttrape Theấtre (Paris - Pháp), dưới sự chỉ đạo của đạo diễn tài năng Christophe Thiry cũng đã ra mắt khán giả ở TP. Hồ Chí Minh.

 Năm 2019 cũng đánh dấu một nét mới đối với nghệ thuật múa rối khi Nhà hát Múa rối Việt Nam quyết định đưa hình tượng nàng Kiều lên sân khấu với tên gọi "Thân phận nàng Kiều". Sự mới lạ, độc đáo của vở diễn đã tạo được sự chú ý, khen ngợi của dư luận và khi tham gia Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm 2019 (được tổ chức hồi tháng 10), vở diễn đã gặt hái được 4 giải thưởng lớn: Huy chương Vàng cho vở diễn, giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” cho NSND Nguyễn Tiến Dũng; giải thưởng “Họa sĩ tạo hình xuất sắc nhất” được trao cho họa sĩ Lê Đình Nguyên; 2 diễn viên Lan Hương và Thu Phương được trao giải Vàng cho vai diễn Thúy Kiều và diễn viên Quang Hợp được trao giải Bạc cho vai diễn Từ Hải.

Dấu ấn nghệ thuật thực cảnh "Made in Việt Nam"

Đầu tháng 10 vừa qua, trong dịp kỷ niệm 520 năm ngày thành lập tỉnh Cao Bằng, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Chuyện tình Bản Giốc” do đạo diễn Hoàng Công Trường dàn dựng đã gây được sự chú ý. Được đánh giá là một chương trình nghệ thuật độc đáo, thành công và được kỳ vọng là sẽ mở ra một hướng đi mới cho nghệ thuật thực cảnh còn mới mẻ ở Việt Nam. Đặc biệt là sau khi show diễn thực cảnh "Ký ức Hội An" bất ngờ xuất hiện trên màn hình ở quảng trường Thời đại (Mỹ) hồi tháng 3-2019 và chạm mốc 1 triệu khán giả vào tháng 9-2019.

Trước đạo diễn Hoàng Công Trường, đạo diễn Việt Tú cũng là người say mê với sân khấu thực cảnh. Việt Tú là người sớm có nhiều chuyến đi xem biểu diễn nghệ thuật thực cảnh ở nước ngoài và mong muốn xây dựng các chương trình nghệ thuật thực cảnh ở Việt Nam. Anh cũng từng chia sẻ với báo chí - truyền thông rằng vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” của anh (hợp tác với tập đoàn Tuần Châu) từng ra mắt khán giả lần đầu năm 2016 cũng là “giấc mơ ấp ủ suốt 10 năm” của anh.

Tuy không có con số công bố chính xác nhưng với 3 show nghệ thuật thực cảnh đã ra mắt công chúng Việt Nam là “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Ký ức Hội An” và “Chuyện tình Bản Giốc” đều được cho là có mức kinh phí “triệu đô”. Chỉ có “Chuyện tình Bản Giốc” do không phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và sân khấu biểu diễn ngoài trời cố định nên có kinh phí ít hơn, còn 2 show thực cảnh trước đó đều có mức đầu tư “khủng” mà nếu không phải là các doanh nghiệp lớn thì không thể đầu tư được.

Các đạo diễn tham gia dự án sân khấu hóa tác phẩm "Truyện Kiều" đã thử nghiệm giải mã nàng Kiều bằng ngôn ngữ kịch đương đại.

Rất có thể các kịch bản sân khấu thực cảnh gắn với các địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hạ Long, Tràng An, xứ dừa Bến Tre... cũng sẽ trở thành hiện thực trong nay mai và sẽ được gắn bó chặt chẽ với du lịch. Nhưng dù thế nào thì sân khấu thực cảnh đối với Việt Nam vẫn là những cuộc chơi tốn kém mà chỉ khi có sự tham gia của các “ông lớn” mới có thể trở thành hiện thực.

Ồn ào những vụ xâm hại thắng cảnh - di tích

Thời gian vừa qua, khi những hình ảnh về công trình xây dựng phá vỡ cảnh quan ở đèo Mã Pì Lèng và những hình ảnh “xẻ thịt” ngọn núi đá có một phần nằm trong khu vực được khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia cột cờ Lũng Cú để xây khu du lịch tâm linh lại một lần nữa khiến dư luận dậy sóng. Với công trình xây dựng được cho là phá vỡ cảnh quan ở đèo Mã Pì Lèng - một trong 4 “tứ đại đỉnh đèo” (cùng với đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ, đèo Pha Đin) có cái tên Panorama, hiện dư luận cũng có ý kiến đồng tình với việc không tháo dỡ mà thiết kế lại, chỉnh trang cho phù hợp với cảnh quan khu vực, nhưng cũng có nhiều ý kiến yêu cầu phải trả lại nguyên trạng cho cảnh quan, bởi họ cho rằng, việc cho phép vận hành những công trình được xây dựng trái với các quy định của pháp luật như một “sự đã rồi” là hành động gián tiếp “tiếp tay” cho những công trình vi phạm khác về sau.

Câu chuyện xây dựng công trình Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (đã bị cơ quan chức năng đình chỉ xây dựng) đã có những biểu hiện vi phạm những quy định của pháp luật về bảo tồn di sản vừa qua đã khiến nhiều người liên tưởng đến công trình đường dẫn lên núi Cái Hạ (xã Trường Yên - Hoa Lư - Ninh Bình). Đây là khu vực được đánh giá là nằm trong “vùng lõi” của khu Di sản thế giới “Quần thể di tích danh thắng Tràng An”.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có nhiều vụ việc xâm hại các di tích trọng điểm của quốc gia, đã đến lúc cần gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương. Đồng thời nó cũng cho thấy, cần phải áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe để giữ gìn những thắng cảnh, di tích cho muôn đời con cháu mai sau.

Nguyệt Hà
.
.