Tản văn

Những con đường tuổi thơ

Thứ Tư, 11/06/2014, 08:00

Có lẽ đối với mỗi người, điều quen thuộc nhưng dễ lãng quên nhất là những con đường. Người ta thường nhìn về phía trước, mấy ai cúi xuống hay ngoảnh đầu để nhìn lại con đường mình vừa đi qua. Rồi nhớ…

Những con đường mòn như người ở lại khắc khoải chờ một bước chân quen thuộc của khách dặm trường, hờn dỗi phủ rêu phong cỏ dại lên yêu thương cũ để thử thách lòng người nếu muốn một lần nữa trở lại đi trên lối xưa. Với người thích phiêu lãng như tôi, những con đường là một phần trong hoài niệm làm nên kí ức để bất chợt nao lòng, bất chợt nghèn nghẹn nơi lồng ngực.

Tôi còn nhớ mãi con đường gồ ghề sỏi đá, lúp xúp cỏ ven triền đê thoai thoải dẫn vào làng tôi, một làng nghèo xơ nghèo xác nằm bên bờ sông Vực. Ngày còn bé, tôi theo các anh tôi đi thả trâu hái cỏ gà, rồi ngồi trên đê chơi chọi cỏ. Con đường trở nên quen thuộc đến nỗi nhắm mắt lại cũng có thể đi về phía trước - về phía tiếng cười của đám bạn chăn trâu. Con đường đẹp nhất vào vụ gặt với màu áo vàng mơ của rơm được nắng. Tôi và đám trẻ trong làng chui vào trong rơm như con tằm làm tổ trong kén, rồi lăn trên đường, chỉ nghe tiếng cười trong vắt tuổi thơ vọng vào không gian yên bình của chiều quê.

Con đường trầm mặc khắc khổ gắn với dáng mẹ tôi tất tả tay mang đầu đội những thúng mủng giần sàng lên chợ huyện để bán. Mẹ tôi đi từ mờ đất, khi cỏ còn đọng giọt sương đêm, đánh thức con đường đang lơ mơ ngủ, dậy hòa nhịp vào bộn bề lo toan của mẹ. Mỗi chiều, tôi thường ngồi trên triền đê ngóng mẹ về, nhìn thấy bóng mẹ từ xa là chạy nhào ra đón. Mẹ cõng tôi trên lưng, vừa đi vừa hỏi chuyện cho đến tận cổng nhà, bước chân mẹ nghe nằng nặng hằn dấu trên con đường đất đỏ. Giờ đây đã làm mẹ, thỉnh thoảng cõng con mình trên lưng tôi lại thấy cay cay sống mũi, nhớ mãi về cảm giác được che chở yêu thương khi áp mặt vào bờ vai gầy của mẹ.

Con đường quê ngậm ngùi tiễn bước chân lon ton của tôi trên hành trình theo bố ra đất mỏ. Tôi vừa đi vừa ngoái lại nhìn mẹ và các anh chị đứng khóc ở cuối đường. Hình như con đường cũng nghẹn ngào trước cuộc chia ly không đành lòng để bắt đầu của một cuộc mưu sinh.

Ra đất mỏ, tôi lớn dần lên trong nỗi nhớ quê, làm quen với những con đường màu xam xám trang nghiêm phăng phắc như người không bao giờ biết đùa. Bố tôi đi làm theo ca, vất vả chắt chiu tiền lương để gửi về cho mẹ ở quê nuôi các con ăn học. Mỗi ngày, khi nhớ bố, tôi nhìn lên phía lưng trời, nơi có con đường đưa bố tôi lên mỏ làm việc. Con đường xẻ quanh những ngọn đồi như chiếc khăn dài quấn quanh ngực một chàng trai vạm vỡ. Bố kể cho tôi nghe về con đường mà bố thường ngắm nhìn qua cửa kính xe ca. Con đường hồn nhiên nằm giữa bạt ngàn màu tím phơn phớt của hoa sim, màu tím sậm của hoa mua, thỉnh thoảng những bông lau già bay trắng xóa khi có ngọn gió từ biển thổi vào. Tôi thấy yêu con đường chỉ mới đứng xa mà ngắm nhìn ấy biết bao nhiêu, nằng nặc đòi bố hôm nào phải dẫn tôi theo xe ca lên mỏ để ngắm tận mắt những cung đường.

Con đường ngắn về đến ngõ nhà bố con tôi ở dần cũng trở nên thân thuộc. Hai bên là bờ dậu xương rồng, những cây xoan nở hoa lấm tấm tháng tư rụng lác đác lên mặt đường cánh tím mỏng manh. Tôi cứ đi đi lại lại trên con đường ngõ đếm bước chân mình rồi đứng trên đầu dốc đợi bố đi làm về, chỉ chờ khi cái dáng khom khom bước vào con đường đầy đá sỏi là chạy ngay xuống ôm lấy chân bố. Bố cõng tôi đi nốt đoạn đường về đến dưới con dốc mới thả xuống để tôi tự bước lên. Mấy chục năm trôi qua, bố tôi bây giờ tóc bạc, lưng còng, chân đã run rẩy không còn đủ sức cõng tôi, nhưng cái cảm giác ngồi trên lưng bố, ngửi mùi mồ hôi nồng nồng từ chiếc áo công nhân bạc màu sao vẫn khiến lòng bình yên đến thế. Một chiều đông áp tết, con đường reo vui khi chứng kiến bố đón mẹ và các anh chị tôi ra đất mỏ trong cuộc đoàn viên đầy nước mắt.

Những con đường tuổi thơ đã đi qua giờ xa lắc xa lơ. Cuộc sống bộn bề lo toan của xã hội hiện đại kéo ta đi vội vã trên những con đường cao tốc bằng phẳng rộng thênh thang. Chẳng biết có một lúc nào ta dừng xe ngồi xuống ven một con đường mòn, bứt cọng cỏ gà, mân mê viên sỏi nhỏ mà nhớ về con đường của mẹ của cha đã gian nan, vất vả nuôi ta khôn lớn. Những con đường gian khó ngày xưa nhắc nhở chúng ta quay về bên người thân yêu của mình. Nơi cuối con đường cha mẹ vẫn ngóng chờ ta bằng nguyên vẹn yêu thương.

Dù thời gian có trôi đi vội vã, ai đó hãy để lòng mình lắng lại những bình yên, hãy nhớ về con đường xa lắc nơi ta bắt đầu khôn lớn

Lương Thìn
.
.