Những bức “huyết họa” chân dung Bác Hồ

Thứ Năm, 14/05/2020, 07:33
Với thành quả của nền hội họa dân tộc, những bức "huyết họa" chân dung Bác Hồ của những chiến sĩ, họa sĩ cách mạng đã trở thành tài sản của nhân loại. Tư tưởng và đạo đức của Bác là ánh sáng và sức mạnh tạo nên nguồn cảm xúc bất tận đối với nền nghệ thuật cách mạng...


Ngay từ những ngày đầu cách mạng, hình ảnh Bác Hồ đã tạo nên nguồn cảm xúc bất tận cho bất cứ họa sĩ nào. Nền hội họa cách mạng được phát triển cho đến ngày nay đều gắn bó với tư tưởng và đạo đức của Người qua những sắc màu và hình tượng được thể hiện trong tác phẩm. Bên cạnh đó có những họa sĩ đã từng lấy máu của mình để vẽ chân dung Bác Hồ để tỏ lòng kính yêu Người và thể hiện tình yêu thiêng liêng với tổ quốc và cách mạng.

Họa sĩ đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ bằng chính những giọt máu của mình là Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Tuyển (1912-1999). Họa sĩ Hoàng Tuyển là người chuyên trang trí mỹ thuật và vẽ phông màn cho sân khấu cải lương Nam Bộ. Họa sĩ tham gia hoạt động kháng chiến từ tháng 8-1945 ở ngay quê hương mình (Gò Công, Tiền Giang). Ông thường vẽ tranh cổ động, kẻ khẩu hiệu cùng những hoạt động văn hóa văn nghệ tuyên truyền cách mạng. 

Trong một ngày lễ chào mừng cách mạng thắng lợi trên quê hương, vào đầu tháng 10-1945, khi được nghe đài phát lại lời Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh họa sĩ Hoàng Tuyển đã khóc vì xúc động. Tiếng nói ấm áp của Bác vang lên làm lóe sáng ý tưởng sáng tạo bất ngờ trong tâm hồn họa sĩ. Ngay sau đó ông đã trích máu ở tay để vẽ chân dung Bác theo trí nhớ qua một bức ảnh đã sưu tầm trước đó mấy năm.

Bức tranh "Bác Hồ với ba cháu thiếu nhi Trung Nam Bắc" của họa sỹ Diệp Minh Châu.

Bức "Huyết họa" được bày trong triển lãm hội họa ở Tiền Giang đã gây xúc động dư luận và thể hiện được tình cảm sâu sắc của nhân dân miền Nam đối với cách mạng và Bác Hồ. Riêng bức "Huyết họa" chân dung Bác Hồ của họa sĩ Hoàng Tuyển được một thương nhân tên là Trương Văn Huyên mua với giá rất cao. Số tiền lớn đó đã được họa sĩ Hoàng Tuyển sung vào Quỹ "Tuần lễ vàng" góp phần kinh phí cho cách mạng hoạt động.

Từ đó họa sĩ Hoàng Tuyển tiếp tục cống hiến tài năng cho sự nghiệp hội họa cách mạng phía Nam. Ông đã nhiều lần vẽ chân dung Bác Hồ trong các hoạt động và hóa văn nghệ cho phong trào hoạt động ở các địa phương. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, họa sĩ Hoàng Tuyển trở về với nền mỹ thuật sân khấu dân tộc. Ông đã đoạt được nhiều giải thưởng lớn qua các vở Cải lương, Tuồng và Dân ca.

Năm 1993 họa sĩ Hoàng Tuyển được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Những bức chân dung Bác Hồ, đặc biệt bức "Huyết họa" của Hoàng Tuyển đã góp phần khai phá bước đầu cho sự nghiệp hội họa cách mạng. 

Bức "Huyết họa" về Bác Hồ thứ hai do họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ sau đó hai năm. Diệp Minh Châu sinh năm 1919 ở Bến Tre và cũng tham gia hoạt động cách mạng từ sớm. Diệp Minh Châu có năng khiếu hội họa, và cũng là người ngưỡng mộ họa sĩ Hoàng Tuyển. Hai người đã từng gặp gỡ và truyền cho nhau nhiệt huyết cách mạng trong các phong trào hoạt động xã hội. Họa sĩ Diệp Minh Châu đã đỗ thủ khoa trong kỳ thi tuyển của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (năm 1940). Nhưng chưa kịp tốt nghiệp xong khoa học thì xảy ra biến động Nhật đảo chính Pháp, Diệp Minh Châu về quê tiếp tục vẽ và tham gia cướp chính quyền ở Bến Tre năm 1945. 

Đúng vào lễ kỷ niệm quốc khánh 2-9-1947, khi được nghe bài hát "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" và lời Bác vang lên qua đài phát thanh, họa sĩ Diệp Minh Châu hết sức xúc động. Bất ngờ ông rạch tay mình lấy máu vẽ hình tượng Bác Hồ với ba em nhỏ thể hiện những nét tiêu biểu cho ba miền Bắc-Trung-Nam. Tác phẩm được vẽ trên một tấm lụa gây xúc động mọi người. Bên trái bức tranh vẽ bằng máu, họa sĩ còn dùng bút màu đỏ viết những lời kèm theo "Thay mặt cho nghệ sĩ Nam Bộ con xin kính dâng Cha già Hồ Chí Minh một tác phẩm sáng tạo trong những phút say sưa nhất của đời con và cũng là tác phẩm mà chính Cha đã tạo nên". 

Vào giữa năm 1950, họa sĩ Diệp Minh Châu được tổ chức bí mật đưa ra Bắc để lên "An toàn khu". Ở đây, họa sĩ Diệp Minh Châu đã được sống và sáng tác bên cạnh Bác Hồ trong suốt 6 tháng trời. Họa sĩ đã sáng tác được 30 tác phẩm về Bác Hồ qua các chất liệu khác nhau. Sau đó ông được cử đi đào tạo hội họa ở nước ngoài vào năm 1952. Bảy năm sau họa sĩ Diệp Minh Châu trở thành giảng viên Trường Mỹ thuật cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Năm 1975 ông trở về Thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Họa sĩ Diệp Minh Châu là tác giả bức tượng "Bác Hồ với thiếu nhi" bằng đồng đặt trước trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ông được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996. Họa sĩ mất năm 2002.

Người thứ ba thể hiện bức "Huyết họa" chân dung Bác Hồ là họa sĩ Ngô Quang Nam. Ông sinh năm 1942 ở Phú Thọ. Họa sĩ Ngô Quang Nam được đi học hội họa ở Tiệp Khắc. Không những có tài về hội họa mà ông còn có năng khiếu làm thơ. Trong một lần ông phải nằm viện thì hay tin Bác Hồ qua đời. Họa sĩ Ngô Quang Nam đột ngột rạch tay lấy máu vẽ chân dung Bác ngay trên giường bệnh.

Bên cạnh bức họa, ông còn ghi lại những câu thơ xúc động lòng người: "Chúng con quê ở trăm miền/ Dù trong Nam hay ngoài Bắc/ Dù xa quê hương vạn dặm/ Trong tim vẫn có máu Bác chuyển hồi/ Nay Bác đã mất rồi/ Tim chúng con như ngừng đập/ Bác ơi!".

Trở về nước, họa sĩ Ngô Quang Nam vẫn tiếp tục vẽ những bức tranh thể hiện hình tượng Bác Hồ trong đời sống và chiến đấu như: "Đường mòn Hồ Chí Minh" hay "Bác Hồ đi chiến dịch"… Họa sĩ Ngô Quang Nam đã tặng bức "Huyết họa" chân dung Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 110, ngày sinh của Người.

Họa sĩ Lê Duy Ứng.

Nhưng có lẽ đến bức "Huyết họa" chân dung Bác Hồ của họa sĩ, chiến sĩ Lê Duy Ứng thì kỳ lạ hơn cả. Họa sĩ Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại Quảng Bình. Ông nhập ngũ năm 1971, khi đang là sinh viên năm thứ ba, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Một ký ức thật dữ dội, trong cuộc chiến khốc liệt vào ngày 28-4-1975 họa sĩ đã bị thương nặng.

Ngay khi bị trúng đạn, mảnh đạn văng vào ngực và mắt trong cơn choáng váng đau đớn. Một đêm tối mênh mông sập xuống nhưng hình ảnh Bác Hồ bất ngờ hiện lên trong ông. Như có sự thôi thúc mãnh liệt từ trái tim họa sĩ gắng quên đi cơn đau, ông đã lấy máu chảy từ trên đôi mắt bị mù để vẽ chân dung Bác. Bên cạnh đó ông còn viết những dòng chữ với nét run rẩy vì xúc động: "Ánh sáng và niềm tin. Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân".

Vẽ xong họa sĩ Lê Duy Ứng ngất lịm đi trong sự đau đớn tột cùng. Một khí phách chiến tử dâng trào, Lê Duy Ứng vẫn cố giữ hình bức "huyết họa" chân dung Bác trong túi áo phía trái tim ngỡ như đã ngừng đập. Hình ảnh Bác được vẽ bằng ánh sáng từ trái tim và trí tưởng tượng siêu phàm. Những nét vẽ trong cơn đau khủng khiếp nhưng lại rỡ ràng niềm tin và hy vọng vào một tương lai của đất nước. Thời điểm họa sĩ bị thương nặng chỉ hai ngày sau Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng. 

Tuy được chữa trị nhiều lần nhưng đôi mắt của họa sĩ Lê Duy Ứng vẫn không có hy vọng nhìn được mọi vật hiển hiện như xưa. Từ đó ông vẽ bằng ánh sáng của tâm hồn mình. Đề tài cách mạng và hình tượng Bác Hồ luôn luôn thôi thúc họa sĩ Lê Duy Ứng sáng tác. Đến nay ông đã vẽ tới hàng ngàn tranh và ký họa chân dung Bác Hồ.

Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng có thể nói là một kỷ lục gia hàng đầu, khi sở hữu số lượng tác phẩm về hình tượng Bác Hồ. Năm 2000, họa sĩ Lê Duy Ứng đã trao tặng bức "Huyết họa" chân dung Bác cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để trưng bày như một ký ức hào hùng một thuở của nền hội họa cách mạng. Ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, năm 2013.

Với thành quả của nền hội họa dân tộc, những bức "huyết họa" chân dung Bác Hồ của những chiến sĩ, họa sĩ cách mạng đã trở thành tài sản của nhân loại. Tư tưởng và đạo đức của Bác là ánh sáng và sức mạnh tạo nên nguồn cảm xúc bất tận đối với nền nghệ thuật cách mạng. Đúng như lời của họa sĩ Lê Duy Ứng viết trong bức tranh vẽ bằng máu của mình với dòng chữ: "Ánh sáng và niềm tin". Chính vì điều đó mà máu của các họa sĩ đã tạo nên tác phẩm xuất sắc nhất về hình tượng Hồ Chí Minh.

Cảnh Linh
.
.