Những bộ phim mang màu sắc “nữ quyền”

Thứ Hai, 28/03/2005, 07:37
Hình ảnh phụ nữ tiêu biểu nhất thường xuất hiện trong vai trò diễn viên, sau đó là biên kịch hoặc nhà sản xuất. Tuy ít xuất hiện dưới vai trò đạo diễn, nhưng các nữ đạo diễn cũng có một số dấu ấn trong điện ảnh.

Trong lịch sử 77 lần trao giải Oscar, mới chỉ có 3 nữ đạo diễn được đề cử vào hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất so với con số hàng trăm của các nam đạo diễn. Đó là nữ đạo diễn Italia Lina Wertmuller với bộ phim “Seven Beauties”, năm 1977; nữ đạo diễn New Zealand Jane Campion với bộ phim “Dương cầm” năm 1994 và mới đây nhất là nữ đạo diễn Mỹ Sofia Coppola với bộ phim “Bất đồng ngôn ngữ” tranh giải Oscar năm ngoái. Cả ba nữ đạo diễn này đều ra về trắng tay.

Nhìn sang các Liên hoan phim Quốc tế nổi tiếng khác, mặc dù số phim do nữ giới thực hiện  cũng rất ít, nhưng ít ra Ban giám khảo của các LHP này đã thừa nhận vai trò của các bộ phim do nữ giới thực hiện hơn.

Tại LHP Cannes, nữ đạo diễn Jane Campion đã được Ban giám khảo LHP này công nhận với việc trao giải Cành cọ vàng cho bộ phim “Dương cầm” (1994). Mấy năm gần đây, LHP Cannes cũng trao nhiều giải của BGK cho các bộ phim mang tính xã hội như “Quả táo”, “Bảng đen”, “Lúc năm giờ chiều” của nữ đạo diễn trẻ mới 20 tuổi người Iran Samira Malkhmabaf.

Tại LHP Quốc tế lâu đời nhất là Venice (Italia), BGK của LHP này cũng đã từng trao giải Sư tử vàng cho bộ phim “Đám cưới mùa mưa” (2002) của nữ đạo diễn người Ấn Độ Mira Nair…Tại nhiều LHP Quốc tế khác, một số nữ đạo diễn còn được mời tham dự với tư cách là chủ tịch hoặc thành viên của các ban giám khảo.

S.Coppola cùng 2 diễn viên chính trong "Bất đồng ngôn ngữ".

Tất nhiên, giải thưởng không phải là tất cả. Và những bộ phim do các nữ đạo diễn thực hiện cũng không nhắm mục đích cuối cùng là đoạt giải thưởng dù họ không hề phủ nhận việc được tham dự các LHP hay được trao các giải thưởng điện ảnh giúp những bộ phim của họ có sức hút và sự lan tỏa hơn.

Một điều dễ nhận thấy là các bộ phim do các nữ đạo diễn thực hiện thường là những bộ phim độc lập, kinh phí thấp và đề tài họ thực hiện cũng thường mang màu sắc nữ quyền. Đó là hình ảnh, tiếng nói hay vai trò của nữ giới trong xã hội.

Trong 3 bộ phim đã nhắc ở trên của nữ đạo diễn trẻ người Iran Samira Malkhmabaf, cô thường hướng ống kính của mình đến các câu chuyện có thật tại đất nước cô. Đó là những thân phận khổ cực, bị chèn ép của phụ nữ trong một đất nước Hồi giáo nghèo khó như Iran.

Các bộ phim của nữ đạo diễn Ấn Độ Mira Nair hay Jane Campion cũng là tiếng nói phản kháng của những người phụ nữ trong một xã hội còn nhiều bất công và vị trí của người phụ nữ quá thấp. Không chỉ ở các nước đạo Hồi hay những nước đang còn nghèo khổ, ngay tại các nước văn minh và có nền kinh tế phát triển, số phận của nhiều người phụ nữ dưới đáy hay bên lề xã hội cũng bi kịch không kém.

Hai bộ phim dựa theo những câu chuyện có thật xảy ra ngay tại nước Mỹ là “Các chàng trai không khóc” (2000) và “Quỷ cái” (2004) đã tạo nên sự chấn động đối với người xem. Trong “Các chàng trai không khóc” của nữ đạo diễn Kimberly Peirce, nữ diễn viên Hilary Swank đoạt giải Oscar nhờ hóa thân vào vai Teena Brandon, một cô gái đồng tính luyến ái bị giết chết chỉ vì cô dám sống thật với con người mình.

Còn trong “Quỷ cái”, nữ diễn viên gốc Nam Phi Charlize Theron đoạt Oscar với vai một nữ sát thủ giết người hàng loạt Aileen Wournos và chịu án tử hình vì sự đưa đẩy của số phận. Một người là nạn nhân và một người là tội phạm, câu chuyện bi kịch của họ được đưa lên màn ảnh với nhiều thông điệp khác nhau nhưng đều mang ý nghĩa xã hội sâu sắc…

Tuy nhiên, không phải tất cả các bộ phim do các nữ đạo diễn thực hiện đều bi kịch. Một số bộ phim của các nữ đạo diễn khác đã đề cập đến những câu chuyện mang tính hiện đại hơn, trong đó hình ảnh của người phụ nữ được các đạo diễn xây dựng như những hình mẫu lý tưởng của dòng phim nữ quyền.

Trong bộ phim “Vận tốc cá nhân” của nữ đạo diễn Rebbeca Miller (con gái của nhà viết kịch kiệt xuất Athur Miller vừa tạ thế), tác giả phim đã xây dựng hình ảnh tiêu biểu của ba người phụ nữ khác nhau, ba số phận và ba cuộc đời khác nhau. Chỉ có một điểm chung duy nhất, họ phải nỗ lực không ngừng để khẳng định vị trí và tiếng nói của mình trong xã hội đương đại.--PageBreak--

Trong bộ phim “Cô bé cưỡi cá voi” của nữ đạo diễn New Zealand Niki Caro, nữ diễn viên 13 tuổi Keisha Castle Hughes được đề cử Oscar nữ chính xuất sắc nhất nhờ hóa thân vào vai Paikea, một cô bé của bộ tộc Maori vượt qua những định kiến của bộ tộc để trở thành người cưỡi cá voi, một hình tượng biểu lộ sức mạnh nữ quyền.

Hay ở bộ phim “Tâng bóng như Beckham” của nữ đạo diễn Anh gốc Ấn Độ Gurinder Chadha, với câu chuyện phim vui nhộn về hai cô gái trẻ đam mê bóng đá, tác giả đã đề cập đến việc hòa nhập giữa nền văn hóa giàu truyền thống của Ấn Độ với các nền văn hóa khác và hình ảnh của người phụ nữ Ấn Độ mới trong xã hội đương đại.

Mới đây, trong bộ phim tình cảm lãng mạn “Cô dâu và định kiến” (được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Kiêu hãnh và định kiến” của Jane Austen), nữ đạo diễn này lại cố tình pha trộn giữa văn hóa đất nước cô với các nền văn hóa  khác. Từ một tác phẩm văn học mang tính cổ điển, đạo diễn đã biến nó thành một bộ phim mang tính hiện đại và thậm chí có tính toàn cầu hóa.

Bên cạnh những bộ phim mang màu sắc nữ quyền, các đạo diễn nữ cũng có thế mạnh trong những bộ phim tình cảm, lãng mạn hay hài hước. Hai tập phim “Nhật ký tiểu thư Jones” (do hai nữ đạo diễn thực hiện) đã thu hàng trăm triệu đôla toàn cầu nhờ xây dựng thành công hình ảnh của một cô tiểu thư quá lứa lại béo mập đi tìm hình mẫu người đàn ông lý tưởng của đời mình. Đây là một hình mẫu rất phổ biến trong xã hội phương Tây hiện đại.

Các bộ phim lãng mạn của các nữ biên kịch kiêm đạo diễn Nora Ephron như “Không ngủ ở Seattle”,  “Bạn có thư” hay nữ đạo diễn Nacy Meyers như “Điều phụ nữ muốn”, “Tình yêu tuổi xế chiều” cũng trở thành những bộ phim “bom tấn” với doanh thu rất lớn dù kinh phí thực hiện ở mức trung bình thấp. Đơn giản, bởi họ đã xây dựng thành công những câu chuyện tình lãng mạn đầy thi vị với hình ảnh người phụ nữ làm trọng tâm

Lam Khanh
.
.