Nhớ mẹ một thời kim chỉ vá khâu

Thứ Hai, 19/03/2018, 08:30
Tôi nhớ mẹ tôi ngày đó, dù bận bán mua, bà cũng luôn dành ra ít thời gian để vá khâu cho cả nhà tôi được ăn mặc lành lặn. Bây giờ kể đến, các em tuổi chừng đôi mươi trở xuống nghe lạ lẫm chuyện này...

Buổi sáng thức dậy, giật mình vì cái cúc áo đã lỏng lẻo sắp rơi, tôi vội vàng đi tìm kim chỉ để khâu nhưng đành bất lực. Lục khắp hộc bàn, tủ áo mà không sao tìm đâu ra. Vội chạy đến chợ nhờ mấy cô thợ may vẫn thường ngồi dưới gốc cây to đợi chờ khâu vá thuê nhưng cũng chưa thấy ai đến vì trời còn quá sớm. Đến các quán tạp hóa hỏi đều được đáp lại bằng cái lắc đầu và câu trả lời "chịu thôi, không có đâu" của mấy bà, mấy mẹ. Chẳng nói chẳng rằng, tôi lặng lẽ ra về trong sự hụt hẫng buồn tênh.

Nhớ ngày xưa ở khắp các làng quê, chuyện vá khâu trở nên hết sức bình thường. Nhà nào cũng có một hộp để đựng các thứ lặt vặt chuyên dụng ấy: mấy cuộn chỉ đen trắng hoặc các màu sắc khác, mấy cây kim để vá khâu, những miếng vải nhỏ cuộn lại nhiều màu sắc đủ loại... Hình ảnh các bà, các mẹ ngồi khâu vá ở bậc thềm, bậc cửa, trên chiếc chõng tre dưới bóng cây trước hiên nhà đã thành những hình ảnh hết sức quen thuộc đọng vào tâm trí của bất kỳ ai đã từng sống qua những tháng năm khó nhọc.

Tôi nhớ mẹ tôi ngày đó, dù bận bán mua, bà cũng luôn dành ra ít thời gian để vá khâu cho cả nhà tôi được ăn mặc lành lặn. Bây giờ kể đến, các em tuổi chừng đôi mươi trở xuống nghe lạ lẫm chuyện này.

Nhà tôi bảy anh em, nên hầu hết người nào quần áo cũng có miếng khâu, miếng vá. Mẹ tinh tế, khéo léo vô cùng, dù cái áo hay cái quần rách, mẹ đều xem xét rồi sau đó chọn miếng vải có màu phù hợp để cắt cho vừa rồi khâu vá lại. Tuy vá khâu nhưng nhìn vào quần áo anh em chúng tôi mặc đến trường hay đi thăm chơi nhà ông bà ngoại, mọi người ai cũng khen đường kim mũi chỉ của mẹ đẹp và khéo léo.

Mẹ thường ngồi trên chiếc chõng tre, gió biển hiu hiu những trưa hè đầy nắng. Mắt mẹ chăm chú không hề nhìn ra ngoài, lụi cụi như thế khâu vá cho chúng tôi có chiếc áo, chiếc quần lành lặn để được đến trường hay vui chơi cùng chúng bạn.

Có lẽ đã ngót bốn mươi năm rồi, tôi vẫn không sao quên được hình ảnh mẹ nhân từ ngôi khâu vá cho con. Mà đâu riêng gì mẹ tôi, dường như làng trên xóm dưới những bà mẹ nghèo thời đó ai cũng vậy, hiền hậu và rất mực đảm đang.

Bây giờ, áo quần được bày bán khắp nơi, không còn mấy người mặc áo vá quần khâu như trước. Mừng cho cuộc sống ngày một đổi thay, phát triển, thân phận con người cũng đỡ tủi cực hơn xưa. Vậy nhưng thi thoảng trong lòng mình, tôi có cảm giác một chút thiếu hụt, một chút thèm muốn nhớ nhung về hình ảnh xa xưa thuở nào, nơi có hình bóng người mẹ hiền vá khâu ngồi bên thềm nhà hay một góc vườn quê kiểng.

Mỗi lần nhớ, ký ức về người mẹ yêu thương lại hiện lên sống động, mênh mang một tình yêu thương rộng lớn, vô lượng không gì so sánh được. 

Lê Thành Văn
.
.