Nhớ chuyến đi tìm hài cốt nhà văn, liệt sĩ Nam Cao

Thứ Sáu, 21/08/2009, 15:30
Tại hội trường UBND huyện Gia Viễn sáng 24/11/1996, các nhà ngoại cảm được trao lại bản viết tay đã nộp cho Liên hiệp Khoa học - Công nghệ thông tin ứng dụng để trình bày những thu nhận của bản thân từng người. Cha tôi hy sinh lúc 36 tuổi. Theo bản viết tay của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thì "số mộ của ông trùng lắp với số tuổi đời khi ông hy sinh. Chỉ khác là số mộ có thêm số 0 ở giữa". Cứ theo đấy mà suy thì số mộ là 306...

Cha tôi là nhà văn Nam Cao. Ông hy sinh trong một chuyến công tác tuyên truyền thuế nông nghiệp tại tỉnh Ninh Bình năm 1951. Người được nhân dân địa phương chôn cất với đồng đội trong cùng một nấm mồ. Trải qua những năm chiến tranh tàn khốc, rồi thiên tai bão lụt, phải nhiều lần di chuyển, rốt cục sơ đồ mộ chí bị thất lạc, việc tìm kiếm hài cốt của cha tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vả lại, khi cha tôi hy sinh, mẹ tôi vừa từ nơi tản cư bồng bế bốn đứa con trở về quê đang là vùng địch chiếm đóng. Các con còn nhỏ dại. Nỗi lo cơm áo và giặc dã cũng đủ làm mẹ tôi không còn sức lực để lo cho cha tôi được nữa.

Đến khi con cái trưởng thành thì tuổi mẹ tôi đã cao. Càng ngày mẹ tôi càng băn khoăn day dứt về việc chưa tìm được mộ cha. Nguyện vọng của mẹ cũng là nỗi khát vọng chung của chúng tôi. Có lần, được tin nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tìm thành công hài cốt 14 liệt sĩ ở Ninh Bình, Mai Thiên - em tôi - và chồng tôi tìm đến nhà riêng của chị tại khu Nam Đồng, Hà Nội, mong được trợ giúp. Song không sao tiếp xúc được với chị. Lần nào đến cũng chứng kiến Bích Hằng rất đông khách đến chờ để nhờ tìm mộ người thân.

Rồi những trăn trở của gia đình tôi đã được bầu bạn, đồng chí đồng nghiệp của cha tôi biết đến. Nhiều cơ quan ngôn luận đã vào cuộc, nhiều phóng viên báo chí viết bài nói giúp ước vọng của gia đình. Đó cũng là lý do để chương trình "Tìm lại Nam Cao" do Hiệp hội UNESCO Việt Nam cùng Hội Nhà văn Việt Nam đồng khởi xướng ra đời, với sự nhiệt tình tham gia của ngót bốn mươi đơn vị. Đó là các cơ quan chính quyền nơi cha tôi từng công tác, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), Liên hiệp Khoa học - Công nghệ thông tin ứng dụng, các cơ quan báo, đài, các cơ quan văn hóa, văn nghệ trung ương và địa phương... Sau ngót hai năm tìm kiếm, cuối cùng hài cốt cha tôi cũng được đưa về an táng trên quê hương. Đó quả là một hành trình thật nhiều gian nan vất vả.

Trước tiên là, từ những thông tin đa chiều, cần xác định chính xác địa điểm hy sinh của cha tôi. Rồi định vị nơi an táng ban đầu. Tiếp theo là những sự di chuyển. Cuối cùng chúng tôi biết chắc hài cốt của cha tôi là một trong số 48 ngôi mộ từ xã Gia Thanh đưa vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Bây giờ, phải tìm xem đích xác ông nằm ở ngôi mộ nào?

Chương trình quyết định, đầu tiên dùng phương pháp "ngoại cảm" tiến hành công việc tìm kiếm. Các nhà ngoại cảm mỗi người được nhận một tấm ảnh cha tôi. Sau ảnh ghi ngày tháng năm sinh, năm mất và quê quán của Người. Tùy các anh, chị lựa chọn phương pháp tiếp cận với người đã mất, rồi ghi những thông tin nhận được ra giấy, cho vào phong bì dán kín lại, đem nộp cho Liên hiệp Khoa học công nghệ thông tin ứng dụng.

Tại hội trường UBND huyện Gia Viễn sáng 24/11/1996, các nhà ngoại cảm được trao lại bản viết tay đã nộp cho Liên hiệp Khoa học - Công nghệ thông tin ứng dụng để trình bày những thu nhận của bản thân từng người. Cha tôi hy sinh lúc 36 tuổi. Theo bản viết tay của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thì "số mộ của ông trùng lắp với số tuổi đời khi ông hy sinh. Chỉ khác là số mộ có thêm số 0 ở giữa". Cứ theo đấy mà suy thì số mộ là 306... Thông tin chính xác về ngày hy sinh của cha tôi được xác minh ngay vào chiều hôm đó.

Tượng đồng nhà văn Nam Cao do NXB Công an trao tặng, hiện được đặt tại Nhà tưởng niệm Nam Cao.

 Khi đoàn khảo sát đến thôn Mưỡu Giáp, nơi cha tôi bị sát hại, nhân dân địa phương ra xem rất đông. Một phóng viên hỏi: "Năm ông Nam Cao mất là năm 1951 dương lịch, nhưng bà con có ai nhớ là ngày, tháng nào không?". Một cụ già đứng trong đám đông bỗ bã nói: "Chả biết ngày dương lịch là ngày nào, chỉ biết hôm đó là ngày 30 tháng 10 ta thôi". Anh phóng viên hỏi tiếp: "Sao cụ nhớ kỹ ngày đó vậy?". Cụ nói luôn: "Hôm đó, tôi bỏ trầu thằng con trai cả, buổi sáng ùng oàng mãi không làm được, phải đến buổi chiều, thế mà nhà gái hành tôi gần chết". Sau này về nhà, chúng tôi đem lịch vạn niên ra tra thì năm 1951, ngày 30 tháng 10 âm lịch là ngày 28/11 dương lịch.

Cùng buổi chiều hôm ấy, tại nghĩa trang Gia Viễn, chị Bích Hằng đã "cho biết": Cha tôi bị giặc bắn hai phát đạn. Một phát vào đầu, một phát vào sườn làm gãy hai rẻ sườn. Và chị bảo: "Bác Nam Cao bị lẫn một chân, hiện trong bộ hài cốt của bác, hai xương đùi đều là bên phải".

Vậy là, qua sự chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm, cùng sự mách bảo của một nhà khoa học trước đây thì hài cốt cha tôi được nghi vấn ở một trong hai ngôi mộ 305 hoặc 306 tại nghĩa trang huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Đến đây lại nảy sinh một vấn đề: Theo lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, chỉ được khai quật một ngôi mộ thôi, tùy gia đình lựa chọn. Sau khi bàn bạc, chúng tôi xin cất bốc mộ 306 vì: Thứ nhất, trong bảy nhà ngoại cảm thì có 4 người chỉ đó là ngôi mộ của cha tôi. Thứ hai, khi vào nghĩa trang, tranh thủ lúc còn sớm cả nhà đã ra mộ thắp hương xin cha tôi phù hộ chỉ bảo. Lúc tới mộ 306, trong số anh, chị em đã có người cảm nhận điều gì đấy như một sự mách bảo...

Cuộc họp kết thúc lúc 12h đêm 7/11/1998 thì 2h sáng 8/11/1998 (tức 2 giờ đồng hồ sau khi nghỉ ngơi) mọi người đã lại có mặt tại nghĩa trang để làm việc. Rồi giờ phút thiêng liêng nhất đối với gia đình tôi đã tới. Vào lúc 3h45', nắp tiểu được mở ra. Điều rất lạ là hai hàm răng của cha tôi còn nguyên vẹn, trong đó có chiếc răng nanh bị gãy một nửa. Chú ruột tôi khóc nức lên, nói: "Đúng anh tôi đây rồi! Anh ơi! Các cháu lận đận tìm anh suốt mấy chục năm qua, nay thì đã gặp được anh rồi".

Còn đồng chí Thượng tá Công an - giám định viên pháp y Trần Đức Đĩnh ngắm nghía hộp sọ cha tôi một lúc, liền chỉ vào tôi nói: "Người liệt sĩ này rất giống bà kia". Ai đó thủng thẳng: "Hai cha con lại chả giống nhau thì sao?". Hai cô em dâu tôi (đều không biết mặt cha tôi) cũng kêu lên: "Răng ông giống răng chị Hồng quá!".

Hài cốt cha tôi được đưa về Viện Khoa học hình sự ở Hà Nội vào lúc 6h sáng. Mặc dầu thức suốt đêm, hai đồng chí cán bộ của Viện là Đĩnh và Tuấn liền bắt tay ngay vào việc. Đến 14h30' hôm đó, đồng chí Đĩnh gọi điện cho Mai Thiên thông báo sơ bộ việc nhận diện. Anh nói: "Người liệt sĩ này cao từ 1,73 mét đến 1,75 mét, tuổi đời khoảng từ 35 đến 40, hàm răng bị vổ, một chiếc răng nanh bị gãy từ trước khi mất".

Về chiều cao, độ tuổi và chiếc răng gãy, chúng tôi hoàn toàn yên tâm vì chiều cao của cha tôi khoảng 1,75 mét, độ tuổi là 36. Chiếc răng gãy thì mẹ tôi kể nhiều lần. Riêng chuyện cha tôi bị vổ thì chúng tôi nghe mà giật mình. Chúng tôi bảo nhau: "Cha mình có bị vổ đâu nhỉ?". Nhưng chú tôi bảo: "Bố cháu bị vổ đấy, nhà mình bà nội cũng vổ, các cháu nhìn ảnh bà mà xem". Chúng tôi bàn tán một hồi, rồi để cho chắc, lên ôtô vào Viện Khoa học hình sự.

Khi nghe chúng tôi thắc mắc, anh Đĩnh giải thích "vổ" là khi ngậm miệng lại, hai hàm răng không khít vào nhau hoàn toàn, chứ không chỉ là khi ngậm miệng lại, hàm răng phải chìa ra ngoài môi đâu. Anh Đĩnh còn cho chúng tôi xem hộp sọ của cha tôi, chỉ cho chúng tôi viên đạn găm vào còn nằm lại đó. Anh mang xương đùi cha tôi so vào nhau để cả nhà nhìn thấy cái dài cái ngắn (đúng như lời Bích Hằng nói).

Sau lần giao lưu ở Gia Viễn về, gia đình tôi tìm đến Liên hiệp Khoa học - Công nghệ tin học ứng dụng để cảm ơn, đồng thời có một chút quà để bồi dưỡng công sức của anh chị em. Nhưng không ai chịu nhận, riêng Bích Hằng còn gửi tặng chương trình một tháng lương.

Sáng 18/1/1998, chương trình "Tìm lại Nam Cao" đã đưa hài cốt cha tôi từ Hà Nội về quê: Xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Khi cha tôi đã về an nghỉ trên quê hương, một lần Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm tới thăm mộ ông. Sẵn có lòng mến mộ văn chương, Phó thủ tướng gợi ý với lãnh đạo tỉnh Hà Nam về việc xây dựng Nhà tưởng niệm Nam Cao. Rồi ông lại trực tiếp duyệt kinh phí để tỉnh có điều kiện thực hiện. Với sự giúp đỡ tận tình của nhiều cơ quan đoàn thể, ngày 30/11/2004, Nhà tưởng niệm Nam Cao đã được khai trương vào đúng dịp kỷ niệm 53 năm ngày hy sinh của cha tôi.

Hôm nay đây, ngồi viết những dòng này, gia đình tôi không thể nào quên ơn đối với sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư và hiệu quả của các tổ chức, cá nhân (trong đó có các cán bộ, chiến sĩ Công an) có tấm lòng vàng đối với cha tôi - nhà văn Nam Cao. Chúng tôi xin ghi lòng tạc dạ và qua bài viết này, xin chân thành tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ của mọi người

Trần Thị Hồng
.
.